Robert Edward Lee – Vị bại tướng được người Mỹ tôn kính (Kỳ 2)
“Tôi nghĩ tất cả điều chúng ta có thể hoàn thành là bảo vệ những ngôi mộ và ghi dấu những địa điểm an nghỉ của những người đã ngã xuống” (Robert E. Lee 1866)
Trong lịch sử lập quốc của Mỹ, có một vị tướng quân dù đại bại nhưng lại trở thành danh nhân được ngưỡng mộ vì thái độ của ông đối với thắng thua và lòng bao dung suy nghĩ cho người khác. Hành trạng đời ông đã góp phần hàn gắn nước Mỹ vốn chia rẽ nặng nề sau cuộc nội chiến Nam Bắc. Đó là tướng quân Robert Edward Lee, vị tướng quân bại trận được người Mỹ yêu mến.
Tiếp theo: phần 1
Kiêu binh tất bại, hào quang chiến thắng tàn phai
Đại bại Antietam
Thừa thế của cuộc đại thắng Bull Run lần hai, Lee mang quân Bắc tiến nhưng lại phải hứng chịu thất bại lớn đầu tiên của ông trong trận Antietam. Chiến bại này là bước ngoặt chiến tranh và cùng một số chiến bại lớn khác đã dẫn đến sự đầu hàng của miền Nam sau này.
Trận Antietam hay còn gọi là Antietam Creek là một trận đánh quan trọng trong Chiến dịch Maryland vào ngày 17 tháng 9 năm 1862 tại con rạch Antietam gần Sharpsburg, Maryland. Đây là trận đánh lớn đầu tiên diễn ra trong lãnh thổ thuộc Liên bang miền Bắc Hoa Kỳ và mức độ khốc liệt của nó cũng rất nổi tiếng vì chỉ trong một ngày mà gần 23,000 binh sĩ (trong đó có hơn 1 vạn người ở mỗi bên) đã bị thiệt mạng hay tàn phế. Mặc dù trận đánh này xếp thứ tư trong danh sách 10 trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, nhưng mức độ kinh hoàng của nó lại vượt hơn tất cả. Ngày 17 tháng 9 năm 1862 là ngày đẫm máu nhất trong cuộc Nội chiến và cũng đẫm máu nhất trong toàn lịch sử quân sự Hoa Kỳ và cả Bắc Mỹ cho đến tận ngày nay ( thậm chí còn kinh hoàng hơn cả trận đổ bộ Normandie vào năm 1944 trong Chiến tranh thế giới thứ hai).
Đại bại Gettysburg
1 tháng 7 – Meade đem quân ngăn chặn quân của tướng Lee từ miền Nam lên. Hai bên dàn trận tại Gettysburg.
3 tháng 7, ngày thứ ba của trận đánh, trong khi kỵ binh hai bên đánh xáp lá cà tại một số nơi ở phía đông và nam, tướng Lee quyết định xua 12,500 quân bộ binh miền Nam mở cuộc tấn công của Pickett vào trung tâm của đội hình quân miền Bắc. Nhưng cả đoàn quân bị miền Bắc đem súng và đại bác ra bắn tan tành. Lee phải rút quân chạy về Virginia.
Trận đánh tại Gettysburg là trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Tổng cộng thương vong của hai bên lên đến khoảng 45-50 ngàn binh lính trong trận đánh kinh hồn này.
Hòa ước của những người quân tử
Trong năm 1864, bằng tài năng chiến lược của mình và sự trợ giúp đắc lực của một số danh tướng dưới quyền, tướng Lee đã giành được một số chiến thắng nhất định như trận Cold Harbor, chuỗi trận tấn công lên miền Bắc đến tận Washington DC của tướng Jubal Early nhưng vẫn không thể đảo chiều cuộc chiến với liên minh miền Bắc vốn hùng mạnh hơn cả về quân sự và kinh tế.
Đầu năm 1865, tướng Ulysses S. Grant dần dần đánh bại lực lượng miền Nam qua chiến dịch Richmond-Petersburg (hay còn gọi là Cuộc vây hãm Petersburg). Đội quân của Lee bị áp đảo và kiệt quệ bởi cuộc chiến tranh chiến hào kéo dài suốt mùa đông trên một mặt trận dài 48km, với nhiều trận đánh, bệnh tật và nạn đào ngũ. Quân miền Nam lúc này chỉ còn hai nơi: binh đoàn Bắc Virginia của tướng Lee đang bị vây tại Petersburg và binh đoàn Tennessee dưới quyền tướng Joseph E. Johnston tại Bắc Carolina. Mấy chục nghìn quân miền Nam phải đối mặt với lực lượng quân miền Bắc lên đến 280,000 lính.
Ngày 2 tháng 4, thủ đô miền Nam là Richmond đã thất thủ, đội quân của tướng Lee bị kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh dần siết chặt vòng vây tại tiểu bang Virginia. Bộ tham mưu quân đoàn đề nghị phân tán để giữ gìn lực lượng, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh du kích lâu dài, nhưng Lee đã quyết định đầu hàng. Vị danh tướng miền Nam đứng trước danh dự bản thân và binh sĩ của mình, ông đã chọn điều thứ hai. Ông nói ngắn gọn với bộ tham mưu của mình:
“Tôi sẽ đến gặp tướng Grant, cho dù điều đó quá nhục nhã đối với tôi”
(Nguyên văn: I will go and see General Grant and I would rather die a thousand deaths).
Ngay lập tức ông đích thân soạn một lá thư gởi tướng Grant để yêu cầu sắp xếp một buổi gặp mặt càng sớm càng tốt vì ông không muốn hy sinh thêm bất cứ một sinh mạng nào nữa.
Tướng Grant vô cùng vui mừng khi nhận thư. Dù đối phương đang yếu thế, nhưng với tài năng của tướng Lee, bản thân vị tư lệnh miền Bắc này dù binh hùng tướng mạnh cũng không nắm chắc được chiến thắng sau cùng mà không phải trả một giá xương máu vô cùng đắt. Với tất cả lòng tôn trọng, ông ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với vị tướng tư lệnh miền Nam bại trận.
Trưa 9 tháng 4-1865, tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến điểm hẹn trước. Ông vận một bộ quân phục mới màu xám nhạt, hông mang trường kiếm, chòm râu quai nón bạc trắng nhưng kết hợp với ánh mắt oai nghiêm của vị tướng thân trải trăm trận càng thể hiện đầy đủ khí phách của một người anh hùng dù bại trận. Khi hai người đi qua, đoàn quân nhạc của lính miền Bắc lập tức đứng “Nghiêm” và thổi kèn chào đón. Khoảng nửa giờ sau, tướng Grant đại diện cho quân đội Miền Bắc mới tới. Ông mặc một bộ quân phục như thường ngày và không đeo kiếm. Hai người chào nhau, tướng Grant tiếp tướng Lee thân mật như hai người bạn, chứ không phải giữa một người chiến thắng với kẻ chiến bại.
Sau khi đọc xong văn kiện đầu hàng do tướng Grant trao, thần sắc tướng Lee nhẹ nhõm hẳn khi biết rằng binh sĩ dưới quyền ông được trở về nguyên quán sinh sống như một người dân bình thường, không phải chịu bất cứ một hình thức trả thù nào. Ông nói: “Điều này thật tốt đối với mọi người, đặc biệt là với người của chúng tôi.”. Tuy nhiên ông có thêm 2 yêu cầu:
- Cho phép binh sĩ của ông được mang ngựa, lừa và súng tay về quê quán để sử dụng trong nông trại, vì không giống như quân đội miền Bắc, đây là tài sản của riêng họ mang theo khi gia nhập quân đội.
- Một ngàn tù binh quân đội miền Bắc ông đang giữ và binh sĩ ông đều đang đói và hết lương thực.
Cả hai yêu cầu này của tướng Lee đều được tướng Grant đồng ý. Ông ra lệnh cung cấp ngay cho các tù binh và binh sĩ miền Nam 25,000 khẩu phần ăn.
Họp xong, tướng Lee đứng dậy bắt tay tướng Grant, chào mọi người rồi bước ra khỏi phòng họp. Bên ngoài hội trường các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đang có mặt đều đứng nghiêm chào vị tướng bại trận. Sau này khi viết về sự kiện đầu hàng trên, lịch sử Hoa Kỳ đã gọi đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement) vì thái độ của cả hai bên đều cư xử với nhau trong một tinh thần nghĩa hiệp và bình đẳng, không áp bức người bại trận.
Trên đường trở về doanh trại, các binh sĩ miền Nam đã dàn hàng nghiêm trang chào vị danh tướng của lòng họ, người mà họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để chiến đấu dưới cờ ông. Dù rằng ông vừa ký văn kiện đầu hàng, nhưng ai cũng hiểu đó là điều tốt nhất mà đại tướng đã làm cho mình. Trước mặt nhiều sĩ quan và binh sĩ đang chờ đợi tại quân doanh, tướng Lee nói:
“Sau 4 năm chiến đấu khó khăn, với sự can đảm và ngoan cường chưa từng thấy, Binh đoàn Bắc Virginia bị bắt buộc phải nhượng bộ một lực lượng và hậu thuẫn quá to lớn”.