George Washington: Tín ngưỡng và đạo đức là cốt yếu cho một xã hội phồn thịnh
George Washington từng phát biểu một điều mà nhiều người Mỹ hiện đại sẽ thấy vô lý. Lời nói này không nằm trong tài liệu mật, mà nằm trong tuyên bố công khai nhất trong sự nghiệp của ông – bài diễn văn chia tay ngay trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.
Ông nói như sau:
“Trong tất cả những khuynh hướng và lề lối dẫn đến sự thịnh vượng về chính trị, thì tín ngưỡng và đạo đức là những trụ cột không thể thiếu. Sẽ là vô nghĩa khi một người tuyên bố tôn vinh lòng yêu nước nhưng lại lật đổ những trụ cột của hạnh phúc này, vốn là sự công nhận rõ ràng nhất về bổn phận của con người và công dân. … Một bài diễn văn không thể đề cập được hết tất cả mối liên hệ của những trụ cột đó với hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng.”
Theo ngài Washington, một người Mỹ không thể khẳng định mình yêu nước nếu họ “lật đổ những trụ cột của hạnh phúc nhân loại”, đó là tín ngưỡng và đạo đức.
Ông đưa ra hai lý do cho quan điểm của mình. Thứ nhất: “Tiền tài, danh vọng, sự sống liệu có được bảo toàn, nếu trách nhiệm tín ngưỡng không xem trọng những lời thề vốn là công cụ phân xử tại các tòa án công lý?”
Ngài Washington đang đề cập đến những lời tuyên thệ của công dân trước tòa án pháp luật, hoặc khi họ đảm nhận chức vụ tại các cơ quan công quyền khác nhau. Những lời tuyên thệ trước Đức Chúa Trời như một minh chứng cho tính trung thực của họ, cho dù là trước bằng chứng và lời khai của mình, hay đang thể hiện tâm ý khi sắp đảm nhận chức vụ nhà nước. Lời khai không thể được chấp nhận trước tòa nếu không có lời thề, vì nếu nhân chứng hoặc chuyên gia nói dối, họ cũng đang báng bổ Chúa là nói dối. Do đó, lời thề nhằm chắc chắn rằng họ sẽ bị trừng phạt ở thế giới bên kia nếu họ làm như vậy – một điều khủng khiếp đối với những người thực sự có đức tin.
Một giai thoại trong cuốn sách “Nền dân trị Hoa Kỳ” (Democracy in America) của Alexis de Tocqueville – một người Pháp đã đến thăm Hoa Kỳ vào những năm 1830 – đã làm sáng tỏ điều ấy:
“Khi tôi ở Mỹ, một nhân chứng tham dự một phiên tòa ở quận Chester (tiểu bang New York) tuyên bố không tin vào sự tồn tại của Chúa và sự bất tử của linh hồn. Thẩm phán từ chối chấp nhận lời tuyên thệ của anh ta vì cho rằng nhân chứng đã tự phủ nhận độ tin cậy trong lời khai của mình. Báo chí đã đưa tin sự việc mà không bình luận gì thêm.”
Tại sao một thẩm phán Mỹ lại coi niềm tin vào Chúa là điều thiết yếu cho một lời tuyên thệ? Luật gia người Anh William Blackstone đưa ra những lý do tương tự, thường được các Tổ phụ lập quốc trích dẫn:
“Niềm tin về một trạng thái thưởng phạt trong tương lai – lý tưởng công bằng trong các phẩm chất đạo đức của Đấng Tối Cao – và sự thuyết phục chắc chắn rằng Ngài coi sóc tất cả nhân loại và cuối cùng sẽ đưa ra phán xét thưởng phạt cho mọi hành động trong cuộc sống của con người (tất cả đều được đề cập rõ ràng trong các giáo lý, và được khắc sâu trong các giới luật, của Đấng cứu thế Christ), đây là nền tảng to lớn và vững chắc của tất cả các lời thề tư pháp; Chúa chứng kiến chân tướng của những sự kiện đó – điều mà có lẽ chỉ có Ngài và bên chứng thực mới biết: do đó, tất cả bằng chứng đạo đức, tất cả sự tin tưởng vào tính thành thật của con người, sẽ bị giảm giá trị nếu thiếu tín ngưỡng và hoàn toàn không có giá trị nếu người đó phản bội đức tin.”
Điều này liên quan chặt chẽ đến lý do thứ hai mà ngài Washington đưa ra trong diễn văn chia tay để ủng hộ lập trường của ông: “Chúng ta hãy thận trọng với những suy nghĩ cho rằng đạo đức có thể được duy trì mà không cần tín ngưỡng. Cho dù nền giáo dục tinh hoa có khiến những bộ óc khác biệt thừa nhận điều gì, thì cả lý trí và kinh nghiệm đều không cho phép chúng ta kỳ vọng rằng đạo đức quốc gia có thể tồn tại mà không tuân theo các nguyên tắc tín ngưỡng.”
Tôi đã thường xuyên quan sát, những Tổ phụ lập quốc là một trong những thế hệ đọc sách giỏi nhất trong lịch sử. Trong hàng loạt chủ đề, họ quen thuộc nhất là lịch sử, đặc biệt là lịch sử Hy Lạp và La Mã.
Các nhà sử học Hy Lạp như Polybius cho rằng sự thịnh vượng của nhà nước La Mã một phần là nhờ nghiêm túc nhìn nhận các lời thề (tư pháp và các nghĩa vụ khác) như một nghĩa vụ thiêng liêng. Các chính khách La Mã như Cicero cũng quan sát thấy điều tương tự nhiều thế kỷ sau đó. Những niềm tin đó đã gìn giữ, bảo vệ đế chế La Mã, và củng cố lòng tin của người La Mã đối với nhau.
Tương tự như vậy, các nhà sử học và chính khách cổ đại cho rằng sự sụp đổ của Cộng hòa La Mã là do suy giảm niềm tin tôn giáo, đi kèm với đạo đức ngày càng tụt dốc. Ngay cả trước khi có Cơ Đốc Giáo, họ vẫn coi tín ngưỡng và đạo đức là mối liên hệ không thể tách rời bởi vì thế giới bên kia thực sự là phần thưởng hay hình phạt cho những hành động trong cuộc sống này. Quý vị có thể trốn được công lý của con người, nhưng quý vị không bao giờ có thể trốn được công lý của Đức Chúa Trời, và điều này đóng vai trò như một chiếc dây cương mạnh mẽ đối với những dục vọng suy đồi nhất của nhân loại.
Niềm tin vào Chúa, và điều mà các Nhà sáng lập thường gọi là “trạng thái tương lai” – trong đó việc Ngài sẽ phán xử “phần thưởng và hình phạt” cho hành vi của một người trong cuộc sống là cơ sở cho niềm tin về sự cần thiết của tín ngưỡng trong một xã hội tự do. Cho dù là người rất có đức tin (như Benjamin Rush) hoặc ít tín ngưỡng hơn (như Thomas Jefferson); tất cả họ đều đồng ý về điểm này.
Tất cả họ đều sẽ nói với John Adams như sau:
“Tôi coi tín ngưỡng là điều cốt yếu đối với đạo đức. Tôi chưa bao giờ đọc về một nhân vật trong lịch sử Hy Lạp, La Mã, hay bất kỳ lịch sử quốc gia nào khác mà họ không có đức tin, và tôi cũng chưa từng biết một người nào phi tín ngưỡng mà không phải là một kẻ vô lại. Hãy kể tên một người như thế, dù còn sống hay đã khuất, nếu quý vị có thể.”
Joshua Charles
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times