Chuyên gia: Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân đe dọa nhà thờ, các doanh nghiệp và dịch vụ tín ngưỡng
Theo các chuyên gia pháp lý được The Epoch Times phỏng vấn, nhiều điều khoản trong Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân mà Thượng viện dự kiến sẽ thông qua sau Lễ Tạ Ơn đe dọa làm mất quyền miễn thuế liên bang của hàng ngàn nhà thờ Cơ Đốc Giáo cũng như các doanh nghiệp và dịch vụ xã hội có đức tin.
Mối đe dọa đó không được nêu trực tiếp trong đề xướng kể trên mà là kết quả của một giới hạn mới đối về việc biểu đạt và thực hành tôn giáo được bổ sung vào đề xướng này. Đề xướng sẽ bãi bỏ Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân năm 1993 — vốn định nghĩa hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ — và thay vào đó công nhận sự kết hợp của hai cá nhân bất kỳ, phù hợp với phán quyết năm 2015 trong án lệ Obergefell kiện Hodges của Tối cao Pháp viện.
Hôm 16/11, Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 62 phiếu thuận — 37 phiếu chống để chấm dứt tranh luận, qua đó kết thúc cuộc tranh luận về đề xướng trên và mở đường cho một cuộc bỏ phiếu thông qua cuối cùng dự kiến sẽ diễn ra vào tuần sau Lễ Tạ Ơn. Hơn một chục thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu cùng toàn bộ 50 thành viên Đảng Dân Chủ để chấm dứt tranh luận. Hồi tháng Bảy, Hạ viện đã thông qua luật này.
“Nếu một tổ chức bất vụ lợi có hành vi ‘trái với chính sách công,’ thì Sở Thuế vụ (IRS) có toàn quyền tước bỏ tình trạng miễn thuế của tổ chức đó,” cố vấn cao cấp của Liên minh Bảo vệ Tự do (ADF) Greg Baylor nói với The Epoch Times.
“Mối quan tâm của chúng tôi là IRS sẽ chỉ rõ Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân và nói rằng, ‘Những tổ chức vốn không công nhận hôn nhân đồng giới đang hành động không phù hợp với chính sách công được nêu trong Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân,’” ông Baylor cho biết.
Phó Chủ tịch Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) chuyên trách về Chính sách Nội địa Roger Severino thậm chí còn thẳng thắn hơn khi đánh giá về đề xướng này, nói với The Epoch Times rằng, “Đạo luật này không gì khác hơn là một cách vũ khí hóa chính phủ liên bang chống lại những người có đức tin, đồng thời không mang lại thêm lợi ích nào hoặc những biện pháp bảo vệ nào mà các cặp đồng giới chưa có.”
“Thay vào đó, dự luật này khuyến khích các nhà hoạt động cấp tiến khởi kiện các cơ sở nhận nuôi con nuôi, trường đại học, và trường học tôn giáo và sẽ trao quyền cho 87,000 nhân viên IRS mới tuyển dụng của ông Biden để thu hồi tình trạng miễn thuế của các tổ chức bất vụ lợi dựa trên tín ngưỡng này. Quốc hội nên bảo vệ quyền Tu chính án thứ Nhất của chúng ta thay vì thúc đẩy luật gây chia rẽ mà không ai cần.”
Những người ủng hộ đề xướng này đã đồng ý với một sửa đổi trước cuộc bỏ phiếu chấm dứt tranh luận mà họ tuyên bố sẽ loại bỏ các mối đe dọa của đạo luật này đối với tự do tôn giáo. Nhưng những người phản đối, dẫn đầu là Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah), đã bác bỏ sửa đổi này và đưa ra một sửa đổi thay thế khác.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã không cho phép bỏ phiếu về sửa đổi của ông Lee, nhưng sửa đổi này có thể được xem xét trước khi tiến hành các thủ tục sau Lễ Tạ Ơn. Ông Lee mô tả sửa đổi [ban đầu] được đưa vào đề xướng đó là “rất yếu kém và đa phần là ảo tưởng.”
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đến từ Utah này đã cảnh báo các đồng sự rằng, “Những người Mỹ có tín ngưỡng sẽ phải đối mặt với những vụ kiện tụng nguy hại tiềm năng, trong khi tình trạng miễn thuế của một số tổ chức từ thiện, cơ sở giáo dục, và tổ chức bất vụ lợi sẽ bị đe dọa. Sửa đổi của tôi lẽ ra đã có thể bù đắp cho những điểm yếu kém này. Thật đáng tiếc khi sửa đổi này không được đưa vào đề xướng.”
Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) cho biết trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu chấm dứt tranh luận rằng ông sẽ ủng hộ Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân nếu các thượng nghị sĩ đồng ý đưa đề xướng sửa đổi của ông Lee vào [đạo luật này].
“Sửa đổi thay thế này không cung cấp bảo vệ đầy đủ cho những người có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ và tạo điều kiện cho các nhóm vận động, chính phủ tiểu bang, và IRS phân biệt đối xử. Thượng nghị sĩ Lee đã đề xướng một sửa đổi có thể cấm chính phủ thực hiện hành động như vậy, và thậm chí đề nghị bỏ phiếu cho dự luật này nếu họ chấp nhận sửa đổi đó. Chắc hẳn tôi cũng sẽ ủng hộ dự luật này [khi nó được viết] theo ngôn ngữ của ông ấy,” ông Johnson cho biết.
“Việc những người ủng hộ dự luật bác bỏ đề nghị của ông ấy đã nói lên rất nhiều điều. Tự do tôn giáo nên được giữ gìn cho tất cả mọi người và những người có niềm tin tôn giáo chân thành không nên bị phân biệt đối xử vì quan điểm của họ về hôn nhân.”
Trong một bài diễn văn, Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa-Oklahoma) đã lên án các đồng sự tại Thượng viện vì không cho phép bất kỳ sửa đổi nào đối với đề xướng trên, nhưng lại đồng ý với đề nghị được những người đề xướng dự luật đưa ra, vốn bị ông Lee chỉ trích là quá yếu.
“Hôm nay, các đồng sự của tôi đã thúc đẩy một dự luật để mở ra tranh luận — mà không có sửa đổi, tôi có thể bổ sung — về một dự luật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo của vô số người trên khắp đất nước này,” ông Lankford cho biết, và nói thêm rằng hàng chục nhóm tự do tôn giáo cũng phản đối dự luật.
“Đó không chỉ là quan điểm của tôi. Các nhóm tự do tôn giáo từ khắp nơi trên toàn quốc và từ mọi tầng lớp đã lên tiếng về vấn đề này. Chỉ trong 24 giờ qua, nhiều tổ chức đã lên tiếng và cho rằng dự luật hiện đang được thảo luận tại Thượng viện sẽ làm tổn hại đến quyền tự do tôn giáo. Các tổ chức này bao gồm:
- Liên minh Bảo vệ Tự do (Alliance Defending Freedom);
- Hiệp hội Các trường Cơ Đốc Giáo Hoa Kỳ (American Association of Christian Schools);
- Tổ chức Catholic Vote
- Trung tâm Đổi mới Đô thị và Giáo dục (Center for Urban Renewal and Education);
- Viện Centennial (Centennial Institute);
- Liên minh Chủ doanh nghiệp Cơ Đốc Giáo (Christian Employers Alliance);
- Phụ nữ Quan tâm đến nước Mỹ (Concerned Women for America);
- Diễn đàn Eagle (Eagle Forum);
- Ủy ban Đạo đức và Tôn giáo (Ethics and Religion Commission);
- Liên minh Đức tin và Tự do (Faith and Freedom Coalition);
- Hội đồng Nghiên cứu Gia đình (Family Research Council);
- Liên minh Chính sách Gia đình (Family Policy Alliance);
- Quỹ Di Sản (Heritage Foundation);
- Tổ chức Lifeline Children’s Services
- Hiệp hội Các đài truyền hình Tôn giáo (Religious Broadcasters Association);
- Viện Tự do Tôn giáo (Religious Freedom Institute);
- Hội đồng Giám mục Thiên Chúa Giáo Hoa Kỳ (U.S. Conference of Catholic Bishops); và
- Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng (Ethics and Public Policy Center)”
Vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đến từ Oklahoma này lưu ý thêm rằng dự luật trên cung cấp một quyền hành động cá nhân (private right of action) cho một cá nhân để khởi kiện một cá nhân khác trừ khi hành vi vi phạm bị cáo buộc có liên quan đến quyền tự do tôn giáo.
“Nếu có sự phân biệt đối xử chống lại tự do tôn giáo của ai đó hoặc niềm tin cá nhân hoặc tín ngưỡng của tổ chức của họ, thì những người bị phân biệt đối xử này có quyền hành động cá nhân như nhau, do đó quyền hành động cá nhân chỉ chống lại những người phản đối tôn giáo. Những cá nhân thuộc tôn giáo đó, nếu bị phân biệt đối xử, họ sẽ phải tự lo liệu,” ông Lankford cho biết.
“Các tổ chức tôn giáo đang đứng lên, đọc nội dung của dự luật hơn là chỉ cần nghe cuộc tranh luận về dự luật này và thấy rằng, ‘Có một vấn đề ở đây.’
“Dự luật này đặt các tổ chức phúc lợi trẻ em dựa trên đức tin vào tình thế nguy hiểm. Các tổ chức này vốn đang hoạt động theo niềm tin tôn giáo chân thành, có mục tiêu đặt trẻ em vào các gia đình yêu thương.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times