Những dòng nhật ký biết ơn mang đến niềm vui cho cuộc sống
Viết nhật ký tôn vinh lòng biết ơn là phương pháp thực hành chánh niệm giúp thay đổi cách tiếp cận tinh thần của bạn và mang đến nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Là con người, một cách tự nhiên, chúng ta có xu hướng nhớ đến những việc tiêu cực hơn là ghi nhớ những điều tích cực, những điều giúp ta thăng hoa cảnh giới tinh thần. Một nghiên cứu mới cho thấy rằng ôm giữ các cảm xúc tiêu cực có thể gây ra nhiều ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm lý. Não của bạn càng ghi nhớ lâu các sự kiện tiêu cực, bạn càng có nhiều khả năng bị chứng căng thẳng mãn tính, có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm suy giảm miễn dịch, các vấn đề về tiêu hóa và chậm lành vết thương.
Viết nhật ký lòng biết ơn là một phương pháp bảo trì chánh niệm
Thực hành chánh niệm là công cụ đầy quyền năng giúp thay đổi cách tiếp cận tinh thần của bạn. Một cách thực hành chánh niệm là viết nhật ký lòng biết ơn. Đây là phương pháp nhằm rèn luyện não bộ của bạn tập trung vào những điều tích cực hiện diện trong cuộc sống hơn là những điều mà bạn đang thiếu thốn. Phương pháp này được cô Sarah Ban Breathnach, tác giả có sách bán chạy nhất, lần đầu tiên giới thiệu vào năm 1996, như là một công cụ giúp chị em phụ nữ ghi lại những khoảnh khắc biết ơn hàng ngày đồng thời mang đến cái nhìn sâu sắc thông qua các trích dẫn truyền cảm hứng. Ban đầu, nhà văn Sarah trình bày ý tưởng này trong sách đính kèm cuốn sách chính của mình có nhan đề “Simple Abundance” (Tạm dịch: Sự phong phú đơn giản). Sau đó, ý tưởng viết nhật ký lòng biết ơn đã đạt được thành công trên toàn thế giới khi có nhiều người áp dụng thói quen này nhằm nỗ lực cải thiện sức khỏe và cuộc sống.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2001 với The Irish Times, Sarah đã suy ngẫm về cuộc sống cá nhân của chính mình sau khi kết thúc hôn nhân. Cô chia sẻ rằng qua tất cả thăng trầm, cô đã hiểu về bản thân sâu sắc hơn. “Khi hiểu rõ bản thân và nhận ra điều gì quan trọng đối với chính mình, cuộc sống của bạn sẽ trở nên đơn giản, viên mãn và phong phú hơn,” cô nói.
Năm 2003, các nhà tâm lý học người Mỹ, Robert Emmon và Michael McCullough đã tiến hành một nghiên cứu về việc ghi nhật ký lòng biết ơn. Kết quả cho thấy những người thực hành viết nhật ký tập thể dục nhiều hơn, cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn và lạc quan hơn về tương lai so với những người ghi lại điều muộn phiền hoặc các sự kiện trung lập trong cuộc sống. Ngoài ra, thực hành viết nhật ký lòng biết ơn còn có những lợi ích khác như cải thiện chất lượng giấc ngủ, đồng cảm và kết nối mạnh mẽ với những người khác.
Rèn luyện thói quen viết nhật ký lòng biết ơn
Hãy tìm một cuốn nhật ký mà bạn yêu thích và muốn giữ nó bên mình nhiều nhất có thể. Dành một hoặc hai ngày mỗi tuần để viết nhật ký. Bạn có thể viết vào buổi sáng hay buổi tối tùy theo sở thích của mình. Hãy thắp nến hoặc pha cho mình một tách trà dịu nhẹ để biến việc này trở thành trải nghiệm tích cực cho bản thân. Sau đó, bạn nên tìm một nơi yên tĩnh để thư giãn, chiêm nghiệm và viết ra năm điều mà bạn cảm thấy biết ơn trong tuần đó. Hãy chắc chắn là bạn đang viết ra lý do tại sao mình biết ơn về từng điều. Trong suốt giai đoạn này, hãy để bản thân cảm nhận những cảm xúc liên quan đến từng sự việc.
Những điều trên sẽ khiến bạn mong muốn viết nhật ký về lòng biết ơn và duy trì thói quen này. Hãy nhớ rằng lòng biết ơn là sự trân trọng những gì có ý nghĩa đối với bạn và trải nghiệm của mỗi người đều khác nhau. Do vậy, đừng ngại ngần nhắc đến những điều nhỏ bé thỉnh thoảng bị quên lãng, chẳng hạn như ai đó đã giữ cánh cửa mở cho bạn hoặc một em bé đang mỉm cười với bạn khi bạn đi mua hàng tạp hóa. Đôi khi, những điều nhỏ bé lại có thể đem đến cảm xúc tuyệt vời nhất.
Tán dương những trải nghiệm
Bạn không nhất thiết phải viết mỗi ngày. Mục đích của nhật ký lòng biết ơn là để tán dương những khoảnh khắc vui sướng và vì thế, bạn không nên tạo áp lực cho mình. Đừng lo lắng nếu bạn không thể thực hiện việc này đều đặn do lịch trình bận rộn. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng viết nhật ký hàng tuần hữu ích hơn viết hàng ngày. Và những người viết nhật ký mỗi tuần một lần cảm giác hạnh phúc hơn những người viết ba lần hoặc nhiều hơn mỗi tuần.
Không có gì bảo đảm rằng mỗi tuần của chúng ta sẽ tràn ngập những điều tích cực. Đôi khi, ta phải đối mặt với những thời khắc khó khăn khiến bản thân không dễ dàng tập trung vào bất kỳ điều gì khác ngoài những điều tiêu cực. Tuy nhiên, ngay cả tình huống làm ta không hài lòng cũng có thể đem lại kết cục tích cực. Khi đó, bạn hãy thử nghĩ đến một số khía cạnh tích cực, ngay cả khi chỉ có một vài điều tích cực. Rèn luyện tâm trí theo cách này sẽ giúp bạn thay đổi suy nghĩ thông qua việc nhận thấy các mặt tích cực từ những tình huống tiêu cực.
Bất kể một tuần của bạn diễn ra như thế nào, hãy dành vài phút để viết ra những việc mình biết ơn. Như thế đã đủ mang lại nhiều niềm vui hơn cho cuộc sống của bạn.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: