Giảm bớt sự quan tâm tới chính trị và nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã ở phía sau chúng ta. Những người thắng cử đã nâng ly mừng chiến thắng; những người thua cuộc đã vẫy tay chào tạm biệt, than vãn như nữ thần báo tử khi đối mặt với sự thất bại, hoặc cáo buộc gian lận trong bầu cử. Các bảng hiệu và biểu ngữ ngoài trời đang được hạ xuống và truyền hình thương mại đã gỡ bỏ quảng bá chính trị và bắt đầu lại quảng cáo bán bia, thuốc và xe hơi.
Bất kể điều gì mà vài năm qua và cuộc bầu cử này đã dạy chúng ta, thì có một điều chắc chắn rằng: Ngày nay, rất nhiều người Mỹ háo hức quan tâm chính trị như một chú Great Dane (giống chó khổng lồ) ngấu nghiến một bát thức ăn vậy.
Như bao người khác, tôi theo dõi các bản tin và các trang bình luận yêu thích hàng ngày, các thành viên gia đình và bạn bè tôi cũng như thế. Theo cách tôi nhìn nhận, cần tỉnh táo về chính trị hoặc nếu bạn muốn hơn nữa, thì tỉnh táo về chính trị là điều cần thiết. Với tất cả những xảo thuật của chính quyền liên bang, tiểu bang và chính quyền địa phương tạo ra, chúng ta cần dõi theo cuộc chơi đó.
Tổng thống Thomas Jefferson đã nói: “Một chính quyền chỉ suy bại khi bị giao phó hoàn toàn cho những người lãnh đạo. Vì thế, người dân mới là nơi gửi gắm an toàn nhất.”
Và để trở thành nơi gửi gắm đó, chúng ta cần biết chuyện gì đang xảy ra, ai đã làm gì và khi cần thiết — hãy giữ chân các chính trị gia và các quan chức của chúng ta đối diện với vấn đề nóng hổi.
Nhưng theo dõi chính trị quá say mê, như tôi đã từng có lúc, hoặc để chính trị chi phối tâm trạng, tư duy và cuộc trò chuyện, trái tim và tâm hồn chúng ta có thể bị tê liệt.
Tiếp nhận một số quan điểm
Những đứa cháu nhỏ của tôi thích lấy ống nhòm và soi ngược ống kính vào các vật thể. Ông nội trở thành một yêu tinh – hãy tưởng tượng rằng đó là một yêu tinh mặc quần kaki và áo sơ mi cài khuy. Nhà của hàng xóm bên kia đường nhìn xa hàng dặm. Con mèo vàng được đặt cái tên thích hợp, Sphinx (Nhân sư), thì kích thước thu nhỏ bằng một con chuột.
Sau cùng, khi đảo đúng chiều ống nhòm, thì thế giới trở nên rộng lớn hơn và gần gũi hơn, đó là mục đích của dụng cụ quang học này. Chúng ta nhìn rõ hơn mọi vật ở xa: mắt của chú nai bên rặng thông sau nhà, từng nhánh cây riêng lẻ, bông hoa bồ công anh cuối vụ gần như vùi trong đám cỏ mà nai đang gặm.
Khi chúng ta tập trung quá nhiều vào chính trị, chúng ta đang nhìn sai cách qua lăng kính của chúng ta. Chúng ta tự hạn chế tầm nhìn của mình, và các vấn đề cũng như giải pháp dường như bị bó hẹp và ở rất xa, dù được định vị trong Phòng Bầu dục hay các phòng họp của Quốc hội, mà với bản thân chúng ta lại có vẻ xa vời như trên mặt trăng vậy. Tệ hơn nữa, nỗi ám ảnh về bầu cử, niềm tin rằng cuộc sống của chúng ta sẽ vui vẻ và tươi sáng nếu như người này hay người kia trở thành thống đốc hoặc ý tưởng rằng nếu chúng ta có thể thắng áp đảo được đối thủ ở điểm bỏ phiếu thì chúng ta có thể đẩy họ ra khỏi những hoạt động cộng đồng mãi mãi, những điều đó là mất sự cân bằng. Những hy vọng sai lầm như vậy sẽ khiến thế giới của chúng ta nhỏ bé hơn và kém thân thiện hơn.
Mặt khác, khi chúng ta sử dụng ống nhòm theo cách ẩn dụ của mình một cách đúng đắn, chúng ta sẽ hiểu rõ thế giới đó gần gũi và nhân văn như thế nào.
Nếu phép ẩn dụ mở rộng này không rung chuông cửa nhà bạn, thì sau đây là một ý tưởng cần ghi nhớ. Tất cả chúng ta đều biết câu ngạn ngữ cổ: “Một người gần đất xa trời không ước mình dành nhiều thời gian hơn làm việc ở văn phòng.” Tương tự như vậy, tôi ngờ rằng liệu một người đàn ông trên giường bệnh có ước mình dành nhiều thời gian hơn để xem tin tức trên truyền hình hay truy cập các blogs và trang web chính trị hay không.
Chúng ta sẽ nên sống như thế nào?
Trong câu nói “Tâm trí phản đảo: Tại sao ‘Bảo thủ’ không đủ” (Regnery Gateway, 2021, 256 trang), tác giả Michael Warren Davis đồng ý rằng chúng ta nên chiến đấu cho công lý và lợi ích chung, sau đó ông lưu ý tiêu chuẩn này như sau:
“Chính trị được xem là một phần rất nhỏ trong đời sống công cộng của chúng ta, nhưng lại nuốt chửng chúng ta.”
Theo tác giả Davis, một người phản đối không chỉ phản đối mà hơn thế nữa là một nhà hoạt động chính trị. Anh ấy là “người từ chối sự rẻ rúng, giả tạo của cuộc sống hiện đại. Anh ấy đòi quyền theo đuổi hạnh phúc của riêng mình, và anh ấy đánh đổi bằng việc từ chối nhận sự thoải mái đơn thuần. Anh ấy không muốn sống sót; anh ấy muốn sống thực. Và anh ấy muốn lên thiên đường.”
Với định nghĩa như kim chỉ nam này của mình, ông Davis giải nghĩa các chủ đề như sự nghèo nàn của văn hóa hiện đại, sự thao túng tâm lý và cảm xúc của chúng ta bằng quảng cáo và mạng xã hội, cũng như sự chấp nhận mù quáng về những câu thần chú như dạng “hãy làm theo khoa học.”
Tuy nhiên, không giống như rất nhiều cuốn sách thuộc thể loại này, mà ở đó các nhà văn láu cá liệt kê những tệ nạn của thế giới mà không đưa ra một giải pháp nào, tác giả Davis dỡ khóa những cánh cửa tù túng đó, mở tung cửa và dẫn độc giả của ông đến với ánh nắng mặt trời.
Đời thực
Để đối trọng với thời đại công nghệ cao, chính trị, chủ nghĩa tiêu dùng, và hỗn loạn văn hóa của chúng ta, Davis đã gợi ý những lựa chọn thay thế. Chẳng hạn, trong một chương, ông mô tả thứ mà ông gọi là “Nghệ thuật kiên nhẫn” là những điều “chân, thiện, mỹ mà chỉ những người có khả năng tập trung thật sự có thể tận hưởng (đó là, những người cơ bản được sinh ra trước khi tivi ra đời).” Những hoạt động được đề xuất thay thế bao gồm đọc sách, viết thư, mà bạn thực sự gửi qua đường bưu điện, tốt hơn là bạn nên viết tay, viết nhật ký để khám phá bản thân, và sáng tác một số bài thơ chỉ dành cho chính bạn.
Bên cạnh các hoạt động chữ nghĩa này, tác giả Davis cũng khuyến khích những người mới bước vào giới phản đối rằng hãy học một loại nhạc cụ, hát lên một chút để thỏa mãn sở thích của bản thân, hoặc pha và thưởng trà theo nghi thức và sự tinh tế. Tuy nhiên, Nghệ thuật Kiên nhẫn hoàn hảo là làm vườn mà ông gọi là “lối tiêu khiển tự nhiên nhất, nhân văn nhất trong các trò giải trí.” Nếu bạn là người làm vườn, thì ông Davis chính là người đàn ông dẫn dắt bạn.
Trong chương cuối của cuốn sách, ông Davis gợi ý những cách thức khác để sống trọn vẹn hơn, nhiều cách trong đó đã xuất hiện trên thời báo Epoch Times: xây dựng một cộng đồng, giảm thiểu lượng công nghệ bạn sử dụng, mua sắm ở địa phương.
“Hãy thực hành sự thư thái thực sự. Học chơi một loại nhạc cụ, học vẽ, học điêu khắc, làm thơ, chơi cờ. Hãy cố gắng và trở nên hữu ích.”
Những điều đáng làm
Trong tác phẩm “What’s Wrong with the World,” (Tạm dịch: Chuyện gì đang xảy ra trên thế giới), tác giả G.K. Chesterton đã viết, “Nếu việc đó đáng thì làm cho đáng.” Ông không khuyến khích sự tầm thường hay sự biếng nhác. Thay vào đó, ông đề cập đến những hoạt động hàng ngày trong cuộc sống, từ làm việc ngoài sân đến viết thư tình, những điều mà đàn ông và phụ nữ nên tự thực hiện. Đây là những điều mà không chỉ bổ sung cho nhân loại của chúng ta mà còn có thể mang lại cho chúng ta sự hài lòng và thậm chí là niềm vui thích.
Trong một cuốn sách khác, “Orthodoxy” (tạm dịch là Chính thống giáo), ông Chesterton viết rằng: “điều vô cùng quan trọng phải được để lại cho chính những người đàn ông bình thường — hành vi giới tính đúng mực, nuôi dạy các con, tôn trọng luật pháp của nhà nước.” Lưu ý rằng “luật pháp của nhà nước” chỉ là một trong những “điều vô cùng quan trọng.” Nếu chúng ta chọn làm như vậy, thì chúng ta có thể bổ sung hàng trăm các chi tiết khác vào danh sách liệt kê còn thiếu của ông Chesterton.
Cũng như Chesterton, Davis hiểu rằng chính trị chỉ là một phần của phương trình bí ẩn, đáng yêu về ý nghĩa của việc làm người.
Sống thực, sống vui, sống tự nhiên!
Đôi khi chúng ta đọc hoặc nghe những câu nói như: “Cá nhân là chính trị” hoặc, “Mọi thứ đều là chính trị.” Những lời tuyên bố này đang giới hạn, làm giảm giá trị tinh thần con người, và về cơ bản là lố bịch, đến từ những người đã quay nhầm ống nhòm của họ. Chúng ta có thể dễ dàng nói “Mọi thứ đều là nghệ thuật,” “Mọi thứ đều có khoa học,” hoặc “Mọi điều đều do Chúa Trời tạo ra.”
Một cá nhân sống như thể mọi thứ đều là chính trị thì chắc chắn sẽ đau khổ. Hãy đặt chính trị vào đúng vị trí của nó, giữ lấy những gì chúng ta yêu thương và trân trọng thì chúng ta sẽ có niềm vui.
Có lẽ câu nói này sẽ hữu ích: “Tất cả là sống một cuộc đời viên mãn.”
Y Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.