Những điều các bậc cha mẹ cần biết về trường công lập
Ngày nay, trẻ em Mỹ đang học ít hơn so với mức được báo cáo trong bản đánh giá ‘A Nation at Risk’ (Một quốc gia lâm nguy) năm 1983
Bốn mươi năm trước, Tổng thống Ronald Reagan đã công bố những phát hiện của một nghiên cứu về thực trạng giáo dục ở Mỹ quốc. Trích dẫn báo cáo nổi tiếng “A Nation at Risk” (Một quốc gia lâm nguy), vị Tổng thống này đã tuyên bố: “Hệ thống giáo dục từng là tốt nhất trên thế giới của chúng ta, đang ở trong tình trạng rối loạn cần phải được cải tổ.”
Bốn thập niên sau đó, các trường học công lập của Mỹ quốc đang hoạt động như thế nào? Đó là chủ đề của cuốn sách “Mediocrity: 40 Ways Government Schools are Failing Today’s Students” (Sự Tầm Thường: 40 Cách Thức Các Trường Công Lập Đang Làm Hỏng Học Sinh Thời Nay). Đây là cuốn sách mới của tác giả Connor Boyack, chủ tịch Viện Libertas và ông Corey DeAngelis, người sáng tác bộ sách thiếu nhi có nhan đề “The Tuttle Twins”, thành viên cao cấp tại American Federation for Children (Hiệp hội Trẻ em Mỹ quốc), Giám đốc điều hành tại Educational Freedom Institute (Viện Tự do Giáo dục). Dưới đây là bài phỏng vấn tác giả Boyack về những điều các bậc cha mẹ cần biết đối với hệ thống trường công lập.
The Epoch Times: “Một quốc gia lâm nguy” là bản cáo buộc gây sửng sốt về các trường học của Mỹ quốc và hiện nay báo cáo này được xem là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử giáo dục của quốc gia. Vậy yếu tố then chốt dẫn đến đánh giá nghiêm trọng như vậy là gì?
Ông Connor Boyack: Nhóm xuất bản “Một quốc gia lâm nguy” thấy rằng hệ thống giáo dục Mỹ quốc đã không chuẩn bị đầy đủ cho những người trẻ tuổi trước một nền kinh tế đầy biến động và lực lượng nhân sự đầy cạnh tranh. Báo cáo này đã nhấn mạnh các nghiên cứu khác nhau cho thấy thành tích học thuật kém cỏi, bao gồm điểm kiểm tra giảm sút — và kết quả học tập thấp so với nhiều quốc gia công nghiệp hóa khác.
The Epoch Times: Có phải các học sinh trường công lập của Mỹ quốc ngày nay có điều kiện tốt hơn so với những học sinh vào năm 1983?
Ông Connor Boyack: Nếu những nền tảng giáo dục của xã hội chúng ta vào năm 1983 bị xói mòn bởi một làn sóng tầm thường trỗi dậy, thì ngày nay các nền tảng này hoàn toàn bị nhấn chìm. Cuốn sách có nhan đề “Mediocrity” (Sự Tầm Thường) của chúng tôi nhấn mạnh 40 cách mà các trường công lập đang làm hỏng trẻ em — từ việc tuyên truyền mang tính thúc ép, truyền bá tư tưởng chính trị đến giảm chất lượng chương trình giảng dạy và tình trạng gia tăng các lớp học bổ túc tại đại học vì các sinh viên không được trang bị đầy đủ.
Mặc dù có những ngoại lệ nhất định khi nhiều điều đã được điều chỉnh, nhưng chúng tôi lập luận trong cuốn sách đó rằng kết quả đầu ra tổng quát của trình độ học vấn đã giảm đáng kể.
Chúng ta hãy xem xét báo cáo Đánh giá Quốc gia về Tiến bộ Giáo dục (NAEP), thường được gọi là “nation’s report card” (phiếu điểm quốc gia). Tỷ lệ học sinh lớp tám có thể làm toán thành thạo đã giảm từ mức 33% của năm 2019 xuống còn 26% [vào năm 2022]. Và điểm số đọc hiểu có mức sụt giảm lớn nhất trong ba thập niên, rơi về mức của năm 1992, khi làm bài kiểm tra đọc hiểu đầu tiên. Tỷ lệ học sinh lớp bốn đọc hiểu ở mức thành thạo giảm từ mức 35% của năm 2019 xuống chỉ còn 33% vào năm 2022. Số liệu đó ở những học sinh lớp 8 là giảm từ 34% xuống 31%. Bạn đọc đúng rồi đấy: dưới một phần ba học sinh lớp tám ở Mỹ có thể đọc thành thạo. Thật sự tầm thường.
The Epoch Times: Ông nghĩ các bậc cha mẹ nên được thông báo như thế nào về tình trạng của các trường học?
Ông Connor Boyack: Khi “trường học Zoom” xuất hiện trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, cùng với việc sử dụng video để giảng dạy từ xa vì các trường học bị đóng cửa, nhiều bậc cha mẹ có thể dễ dàng tiếp cận để đánh giá nội dung và giáo viên giảng dạy cho con họ. Một giáo viên ở tiểu bang Philadelphia đã công khai bày tỏ sự thất vọng rằng “Chúng tôi sẽ không bao giờ biết chắc chắn là ai đang nghe lỏm cuộc thảo luận” giữa ông ta và các học sinh của mình, rồi ông ta băn khoăn: Biết bao học sinh đã từng trông cậy vào (điều gọi là) các hàng rào an toàn của lớp học thực tế để bày tỏ sự tổn thương? Có bao nhiêu người trong chúng ta đã áp dụng phiên bản nào đó của phương châm ‘điều xảy ra ở đây sẽ ở lại đây’?” Và vị giáo viên này đã nói rõ mối lo ngại về việc các bậc cha mẹ sẽ can thiệp vào nỗ lực tuyên truyền của ông ta: “Nếu chúng ta đang thực hiện công việc xóa bỏ [tâm lý] phân biệt chủng tộc hoặc chứng ghê sợ đồng tính hoặc chứng ghét bỏ người chuyển giới — thì chúng ta muốn cha mẹ học sinh can thiệp đến mức nào”
Nhiều bậc cha mẹ đã nhận thức được thực tế rằng quá nhiều giáo viên xem các lớp học kín là một cơ hội để tẩy não một nhóm khán giả bị giam cầm [trong lớp học đó]. Đây là một trong những lý do vì sao giáo dục tại gia tăng gấp ba lần và tại sao rất nhiều gia đình đang yêu cầu các lựa chọn thay thế để có thể giáo dục con của họ tốt hơn và tránh nhiều điều vô nghĩa ở các trường công.
The Epoch Times: Ông mong muốn các bậc cha mẹ ở Mỹ quốc hiểu gì hơn về các trường công lập?
Ông Connor Boyack: Nhiều cha mẹ cảm thấy rằng hệ thống trường học này đã đổ vỡ. Họ tin rằng hệ thống này đang vận hành sai và đơn giản là cần được sửa chữa.
Tôi không cho là vậy. Tôi tin rằng những vấn đề chúng ta chứng kiến tại các trường học hiện nay chỉ đơn giản là kết quả từ cách mà những người như chính trị gia Horace Mann đã thiết kế hệ thống này.
Ông Mann là người ngưỡng mộ hệ thống trường học được phát triển ở nước Phổ (Prussia), bao gồm một chương trình giảng dạy được tiêu chuẩn hóa, nhiều bài kiểm tra, bắt buộc đến trường, tiêu chuẩn hóa giáo viên, và đào tạo nghề nghiệp. Đó là một mô hình độc đoán, từ trên xuống, chú trọng vào tập thể hơn là cá nhân.
Sau một chuyến đi nước ngoài để tận mắt chứng kiến hệ thống đó hoạt động, ông Mann đã trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng hệ thống này ở Mỹ quốc. Nỗ lực vận động hành lang của ông đã diễn ra nhanh chóng và thành công. Ông Mann góp phần vào việc thuyết phục tiểu bang Massachusetts áp dụng mô hình giáo dục của Phổ trên toàn tiểu bang này vào năm 1852, và các tiểu bang khác đã nhanh chóng theo sau.
Những gì nổi lên trong những năm tiếp theo là loại hình trường học mới được gọi là “trường học theo mô hình nhà máy,” nơi mà cả thiết kế của tòa nhà và các quy trình trường học ở đó được được lấy nguyên mẫu từ một nhà máy thực tế. Đó là một hệ thống tuyến tính, cho học sinh lên lớp theo thông tin tiêu chuẩn, quy trình được ấn định, và xếp lớp theo độ tuổi — tương tự một quy trình băng tải trong nhà máy.
Những người định hình cách thức hoạt động của các trường học thời nay như ông Mann muốn trẻ em phụ thuộc vào nhà nước, để chúng có thể được nhào nặn dễ dàng hơn. Các kiến trúc sư thuở đầu khác như John Dewey đã coi điều này là trọng tâm cốt lõi của họ. Ví dụ, ông Dewey từng viết rằng hệ thống trường học mới mà họ đang tạo ra sẽ “xây dựng lực lượng … mà tác dụng tự nhiên của lực lượng này là làm suy yếu tầm quan trọng và đặc tính duy nhất của đời sống gia đình.” Ông ta không nói điều đó với sự lo ngại, mà là khen ngợi. Ông ấy muốn “nới lỏng các mối quan hệ gia đình truyền thống” để tẩy não trẻ em hiệu quả sao cho chúng có những niềm tin khác với cha mẹ mình. Điều đó không khác với những gì chúng ta đang có hiện nay.
The Epoch Times: Nhiều bậc cha mẹ tin rằng nếu sống trong một thị trấn có học khu được xếp hạng cao, các con họ sẽ nhận được một nền giáo dục tuyệt vời. Đó có phải là một giả định đáng tin?
Ông Connor Boyack: Đây chỉ là một giả định đáng tin nếu bạn hài lòng với việc bị xếp hạng theo mô hình đường cong [chia thành các nhóm có chất lượng khác nhau]. Có một học khu được xếp hạng cao không thực sự có nghĩa là trẻ em đang nhận được nền giáo dục tốt. Điều này chỉ có nghĩa là khu vực này khá hơn các khu vực khác. Giống như trong môn toán lớp tám, khi bạn được chấm điểm dựa trên đường cong và nhận được điểm A, bạn thuộc nhóm đứng đầu lớp. Điều đó không có nghĩa là bạn đạt số điểm tuyệt đối — mà chỉ có nghĩa là bạn đã không tệ như các bạn cùng lớp của mình.
Với “làn sóng của sự tầm thường đang trỗi dậy” dẫn đến chương trình giảng dạy bị suy giảm chất lượng, thì các học khu được tính là “có xếp hạng cao” ngày nay dựa trên một tiêu chuẩn thấp. Các bậc cha mẹ nên đặt yêu cầu cao hơn.
The Epoch Times: Điều gì khiến ông bận tâm nhất về hệ thống trường công lập thời nay?
Ông Connor Boyack: Mối quan tâm chính của tôi là sự kém cỏi của chúng ta trong việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào giai đoạn trưởng thành. Các thế hệ cử tri đã xuất thân từ hệ thống trường học này, không biết gì về lịch sử, thờ ơ với nghĩa vụ công dân, và ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Đó là một công thức cho thảm họa xã hội, và đó là nguyên nhân chính cho mọi rác thải độc hại mà chúng ta thấy trong văn hóa thời nay.
Trong một thời gian dài, chúng ta đã giao phó việc giáo dục con cái cho hệ thống này, chỉ để nó tạo ra sự tầm thường mà thôi. Tất cả chúng ta đều cười phá lên khi xem các video của sinh viên đại học hoặc người lớn không thể trả lời những câu hỏi căn bản nhất về chính quyền hoặc các sự kiện đương thời hoặc về lịch sử. Thật hài hước, nhưng cũng hết sức đáng buồn khi thấy hệ thống trường học đã thực thi tệ như thế nào đối với việc chuẩn bị cho các bạn trẻ trở thành những người trưởng thành có năng lực, biết suy nghĩ phân tích.
The Epoch Times: Các bậc cha mẹ có những lựa chọn nào khác ngoài hệ thống trường công lập?
Ông Connor Boyack: Chưa bao giờ có cơ hội tốt hơn để chúng ta rời khỏi hệ thống băng chuyền và theo đuổi các lựa chọn thay thế có thể trợ giúp tốt hơn cho hành trình giáo dục của các con chúng ta như lúc này. Chúng ta có giáo dục tại gia, nơi bạn có thể vững lòng hơn khi có gia đình bên cạnh; các cộng đồng giáo dục tại gia, nơi bạn tham gia cùng với các gia đình khác trong cộng đồng của mình; học trực tuyến, với hàng trăm trang web và chương trình giảng dạy tuyệt vời để lựa chọn; micro-schooling, một lựa chọn chi phí thấp, nơi một hoặc một vài giáo viên cung cấp trường học nhỏ không có bộ máy quan liêu khiến việc học tập trở nên tốn kém; hoặc các trường tư thục truyền thống với các khuôn viên lớn, các môn thể thao, và cơ hội xã hội cho những học sinh.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times