Những con người và những địa danh làm nên đất nước Ai Cập
Ai Cập là một vùng đất của Kim Tự Tháp và những vị Pha-ra-ông. Đất nước này có một lịch sử phong phú kéo dài đến hàng ngàn năm và một cuộc sống hiện đại được đặt nền móng vững chắc từ quá khứ. Trong thời kỳ xa xưa, những nhà thám hiểm người La Mã và Hy Lạp đã đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của những kỳ quan nhân tạo này. Sau đó, vua Napoleon vì để thể hiện quyền lực của mình đã cướp bóc những kho tàng nhân tạo này và vận chuyển toàn bộ về tận nước Pháp.
Thời nay,đất nước Ai Cập thu hút du khách bởi những Kim Tự Tháp cao chót vót, tượng Nhân Sư bí ẩn, những ngôi đền thờ lộng lẫy được xây dựng để vinh danh những Pha-ra-ông và những vị quan khác. Tuy nhiên, du khách nào đã dành thời gian để đến và hòa mình vào cùng với những người dân bản địa, đào sâu vào nền văn hóa phong phú và đa dạng của họ, thì có thể bổ sung thêm rất nhiều trải nghiệm theo nhiều hướng khác nhau cho chính bản thân mình.
Trong toàn bộ chuyến du lịch của chúng tôi với công ty Overseas Adventure Travel, tôi và vợ mình Fyllis đã được tiếp xúc với một nền văn hóa đa tầng, thể hiện sự tôn trọng bình đẳng đối với cả hiện thực và quá khứ xa xưa. Chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với các em học sinh trung học và đại học, các chuyên gia trẻ và lao động lớn tuổi, nông dân và những người khác để tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của họ.
Một số người, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ, luôn hướng tầm nhìn một cách mạnh mẽ về tương lai. Còn một số khác, cụ thể là ở các ngôi làng ngay bên ngoài thủ đô Cairo và một số thành phố lớn khác, bằng nhiều cách khác nhau, vẫn đang sinh sống theo cái cách mà tổ tiên của họ đã từng. Dường như là ở khắp mọi nơi, những truyền thống lâu đời đang hòa quyện cùng với những tập quán hiện đại.
Tín ngưỡng có một tác động mạnh mẽ đến rất nhiều khía cạnh khác nhau đối với đời sống xã hội của người Ai Cập. Đất nước này có một cộng đồng người Hồi Giáo lớn nhất thế giới Ả Rập, một cộng đồng Cơ Đốc Nhân (người Copt*) lớn nhất vùng Bắc Phi và khu vực Trung Đông. Mặc dù Hồi Giáo là quốc giáo, tuy nhiên tự do tín ngưỡng đã được thể hiện rõ trong hiến pháp. Cho dù là vậy, một số người Cơ Đốc Giáo vẫn phàn nàn rằng họ bị chính phủ đàn áp và bị phân biệt đối xử tại công sở. Tuy nhiên dựa theo những quan sát và thảo luận của chúng tôi với người dân đã cho thấy rằng hầu hết những người Hồi Giáo, tín hữu Công giáo người Copt và người Do Thái cùng tồn tại một cách bình yên ở quốc gia này.
Chúng tôi đã dành trọn vẹn cả một ngày ở cùng với một gia đình tại một ngôi làng nhỏ điển hình, minh họa rõ nét cho việc người Ai Cập bằng cách nào đó mặc dù đã có những bước nhảy vượt bậc đến tương lai, tuy nhiên cuộc sống nơi thôn dã vẫn luôn duy trì như nó vốn đã từng như vậy từ hàng nhiều thế kỷ qua. Nông nghiệp tự cung tự cấp vẫn là ngành nghề chủ yếu ở những ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà được xây bằng gạch bùn và bê tông, nơi mà mọi người dân làng đều biết rõ về hàng xóm của mình. Và thêm nữa là những tiện nghi cuộc sống như tivi và máy điều hòa cũng không làm thay đổi những phong tục tập quán cổ xưa của họ.
Chúng tôi đã chứng kiến cảnh một người phụ nữ dùng hai tảng đá để nghiền hạt ngũ cốc thành bột và một người đàn ông trồng trọt bằng những dụng cụ mà có thể đã được truyền thừa lại qua nhiều thế hệ. Đồng thời, sự đổi mới cũng đang tiến nhập vào nơi này. Một số người nông dân hiện tại đang sử dụng những chiếc máy kéo có sẵn được cho thuê và những chiếc máy bơm nước sử dụng nhiên liệu dầu diesel đã thay thế cho những chiếc bánh xe nước được kéo bằng sức trâu.
Những sự thay đổi cũng diễn ra với trang phục, đặc biệt là phụ nữ. Mặc dù sự kín đáo nơi công cộng vẫn được chú trọng, tuy nhiên chúng tôi thấy có rất ít phụ nữ mặc burqa, một loại áo trùm che phủ toàn bộ thân thể và gương mặt. Một số người khác thì diện một chiếc khăn trùm đầu, quấn quanh toàn bộ khuôn mặt và cổ, khi chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề này, thì họ đã đưa ra khá nhiều lý do để giải thích vì sao phải làm như vậy. Trong đó bao gồm cả việc tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo và để làm hài lòng các thành viên trong gia đình. Tôi đã không có cơ hội để hỏi thăm một người phụ nữ đang đội chiếc mũ bóng chày hiệu New York Yankees bên trên chiếc khăn trùm đầu của cô.
Du khách tham gia chuyến du thuyền trên Sông Nile sẽ sớm hiểu được rằng dòng sông này chảy ngay bên cạnh một số kho báu khảo cổ được tôn kính nhất ở đất nước Ai Cập. Chuyến hành trình kéo dài một tuần này của chúng tôi diễn ra trên chiếc tàu OAT thuộc sở hữu của công ty Nefertiti. Cô ấy đưa chúng tôi diễn hành ngang qua những danh lam thắng cảnh cổ điển của đất nước Ai Cập. Ngồi trên ban công phòng khách, chúng tôi vẫy tay chào những người dân làng đang chào mừng khi chiếc tàu trôi ngang qua họ, đâu đó trên sông là những ngư dân ngồi trên chiếc feluccas nhỏ bé và lạ lẫm, đó là một loại thuyền buồm bằng gỗ vẫn còn tiếp tục được sử dụng để chuyên chở hàng hóa và người dân. Chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông đang ngồi dưới ánh nắng bình minh, tận hưởng tách trà bên cạnh là chiếc tẩu thuốc shisha, chiêm ngưỡng những ngọn tháp giáo đường duyên dáng cao vút bên trên những ngôi nhà nhỏ bé trong làng.
Chúng tôi cũng bắt đầu thấu hiểu về tầm quan trọng của Sông Nile – đã và đang – hiện hữu đối với cuộc sống của người dân Ai Cập. Không có dòng sông, sẽ không có đất đai màu mỡ, sẽ khan hiếm lương thực và thiếu điện năng.
Với lượng mưa ít ỏi ở đất nước Ai Cập, Sông Nile cung cấp nước tưới tiêu cho một dãy đất xanh tươi mỏng manh dọc theo hai bên bờ và rất nhanh chóng nhường chỗ cho sa mạc tiếp nối chỉ ngay sát phía sau dãy đất xanh mong manh đó. Không có gì kỳ lạ khi có hơn 90% dân số sinh sống dọc theo hai bên bờ sông vốn chỉ chiếm 3% diện tích đất của cả quốc gia. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Sông Nile đều tràn lũ lụt vào mỗi mùa hè, để lại là cả vùng đất đai màu mỡ phù sa sau khi nước lũ rút đi. Đất đai màu mỡ, kết hợp với phương pháp tưới tiêu được sáng tạo bởi những người Ai Cập cổ đại, đã đem đến một điều kiện vô cùng lý tưởng để phát triển các loại cây trồng như bông vải, lúa mì và nhiều loại nông sản khác. Việc hoàn thành Đập nước Aswan High Dam vào năm 1970 đã chấm dứt chu kỳ ngập lụt và tạo ra một nguồn điện năng rất cần thiết. Đồng thời, con đập cũng làm giảm mức độ màu mỡ và giảm năng suất của những cánh đồng dọc theo bờ sông.
Những di tích nổi tiếng thế giới còn sót lại từ thời kỳ hoàng kim của đất nước Ai Cập, hợp cùng với lịch sử phong phú, tạo nên quá nhiều lý do để thu hút du khách đến khám phá. Trải nghiệm lối sống của người dân địa phương và những phong tục tập quán có từ hàng nhiều thế kỷ ở những ngôi làng cổ xưa càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của đất nước này.
Kinh nghiệm dành cho bạn.
Tôi và vợ mình đã đến thăm Ai Cập cùng với Công ty lữ hành Overseas Adventure Travel, công ty cung cấp dịch vụ “Cuộc phiêu lưu của từng nhóm nhỏ đến những nơi ít người biết” trên khắp 80 quốc gia toàn cầu. Trọng tâm của công ty này là “Tìm hiểu và Khám phá,” cho phép chúng ta có nhiều trải nghiệm nhất có thể với mỗi từng giờ trong từng ngày phiêu lưu. Từ việc giao tiếp với người dân bản xứ, như ăn tối tại nhà và tham quan những nông trại gia đình, thảo luận về các vấn đề đương đại cho đến dong buồm xuôi dòng sông Nile bằng những chiếc tàu thuộc sở hữu của công ty, mỗi từng chi tiết của chuyến đi đều được thiết kế để nâng cao sự tận hưởng của bạn. Hãy truy cập trang thông tin www.oattravel.com hoặc gọi 800-221-0814
Chú thích của dịch giả:
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.