Cách đón mừng Lễ Giáng Sinh trên khắp thế giới
Các quốc gia trên thế giới đón mừng cùng một ngày lễ theo nhiều cách khác nhau
Những chiếc thuyền mô hình được trang hoàng bằng ánh đèn lung linh rực rỡ. Phụ nữ sẽ rải nước có hương thơm của húng quế xung quanh nhà, tin rằng điều này sẽ giúp xua đuổi những linh hồn bất hảo. Các gia đình dùng bữa tối với món thịt heo quay và bánh chiên. Đây là cách ăn mừng Giáng Sinh ở Hy Lạp.
Người dân trên khắp thế giới chào đón ngày đặc biệt này theo nhiều cách khác nhau, một số thì rất quen thuộc và một số khác thì khá lạ lẫm. Những cách đón mừng này gồm có các lễ hội xoay quanh Ông Già Noel và các lễ hội nhấn mạnh vào tính chất tôn giáo của ngày lễ.
Hy Lạp vốn có lịch sử hàng hải, nên không có gì ngạc nhiên khi truyền thống lâu đời ở đất nước này là trang trí những chiếc thuyền. Thời xưa, khi các thủy thủ trở về từ những chuyến đi biển thì những chiếc thuyền nhỏ sẽ được trưng bày ở trong nhà.
Nhân vật Kallikantzaros được miêu tả là những con yêu tinh gian xảo cư ngụ dưới lòng đất và xuất hiện trong 12 ngày của Lễ Giáng Sinh. Mặc dù chúng nổi tiếng là ngỗ nghịch, nhưng một số tín đồ quả quyết rằng chúng thực sự láu lỉnh và ngốc nghếch.
Ẩm thực thường là niềm vui chủ yếu trong Lễ Giáng Sinh, và danh sách thực đơn phổ biến thì rất dài và đa dạng. Cá chép là món ăn chính trong một số bữa ăn ngày lễ ở Ba Lan. Trong khi một số người mua cá phi lê, thì những người khác trung thành với cách làm truyền thống là mua cá trước vài ngày, thả cá bơi trong bồn tắm, sau đó vớt lên khi đến thời điểm mang đi chế biến và thưởng thức.
Vì Ba Lan phần lớn là một quốc gia Công Giáo, nên việc đến nhà thờ là một phần trong ngày nghỉ lễ của nhiều người. Cũng có một số người sẽ hạn chế thưởng thức các món ăn và đồ uống yêu thích của mình, để cố gắng ghi nhớ đức tin của họ mới là lý do thực sự của Lễ Giáng Sinh.
Đại tá Sanders (người đã phát minh ra công thức gà rán KFC) hẳn sẽ cảm thấy hài lòng khi món gà rán ở KFC và các nhà hàng thức ăn nhanh khác là món ăn được yêu thích trong ngày lễ này ở Nhật Bản. Những [phong tục] khác du nhập từ Hoa Kỳ vào Nhật Bản còn có trao đổi thiệp và quà tặng. Vì hầu hết người dân Nhật Bản không phải là tín đồ Cơ Đốc, nên cách người dân ở đây đón mừng Lễ Giáng Sinh giống như đón mừng ngày Lễ Valentine hơn, một khoảng thời gian lãng mạn để các cặp đôi dành thời gian bên nhau.
Điều này trái ngược với Đức quốc, nơi mà người dân rất chú trọng đón mừng Mùa Vọng. Nhiều gia đình tham dự Thánh Lễ vào ngày 24/12, và những món quà được Chúa Hài Đồng (Christkind hay Christ Child) mang đến. Cây Giáng Sinh đã trở thành biểu tượng của ngày lễ này từ cuối thời Trung Cổ. Hầu hết mọi người đều có cây thật, được trang hoàng theo kiểu truyền thống với nhiều món đồ trang trí bằng gỗ và những cây nến thật.
Các khu chợ Giáng Sinh nổi tiếng là nét đặc trưng ấn tượng trong dịp đón mừng ngày lễ này ở Đức quốc. Phần lớn các thành phố đều có ít nhất một khu chợ, và một vài khu chợ dựa theo một chủ đề, chẳng hạn như thiên sứ hay thời trung cổ. Khu chợ ở Frankfurt có từ thế kỷ 14, và khu chợ ở Cologne có thể thu hút hơn 4 triệu du khách [mỗi dịp Giáng Sinh].
Những người Đức nhập cư, cùng những người dân đến từ Pháp quốc, Anh quốc, Na Uy, và các quốc gia khác đã mang đến Canada một số cách đón mừng Lễ Giáng Sinh truyền thống. Canada được phú cho khí hậu mùa đông lạnh giá nên trượt tuyết, trượt băng và ngồi xe trượt tuyết là những trò tiêu khiển phổ biến khi mặt đất phủ đầy tuyết trắng.
Một sự kiện lớn thường niên ở thành phố Toronto là Cuộc diễn hành của Ông Già Noel, diễn ra lần đầu tiên vào năm 1905, và giờ đây đang thu hút hơn nửa triệu người [tham dự]. Những cỗ xe diễn hành xa hoa, đoàn người diễn hành, các ban nhạc, những chàng hề và, tất nhiên là, cả Ông Già và Bà Già Noel đi quanh thành phố theo lộ trình dài khoảng 3.5 dặm (~ 5.6 km).
Đối lập với tuyết rơi và cái lạnh rùng mình ở Canada là thời tiết mùa đông ấm áp ở Nam Bán cầu. Khu vực này có nước Úc, và giống như nhiều quốc gia khác mà trước đây đã hình thành nên Đế quốc Anh, nơi đây cũng có một số tập tục — như Ngày tặng quà (Boxing Day), thường diễn ra vào ngày 26/12.
Có một thực tế khá lạ lẫm rằng, đôi khi Ông Già Noel được miêu tả mặc trang phục kiểu Úc, đội mũ Akubra rộng vành và đi đôi dép tông. Ông ngồi trên một loại xe bán tải do những chú chuột túi kéo đi. Một số người dân Úc sẽ đến bãi biển để bơi lội, và không có gì lạ khi thấy Ông Già Noel cưỡi ván lướt sóng để lên bờ.
Argentina và Nam Phi có cùng vị trí ở Nam Bán cầu với nước Úc, vì vậy cát và môn lướt sóng gắn liền với Lễ Giáng Sinh hơn là tuyết và mưa tuyết. Ông Già Noel sẽ mặc trang phục vải len truyền thống, gắng sức để liên tục hô lớn “ho-ho-ho” khi họ thực sự cảm thấy nóng, nóng, và nóng.
Người dân Argentina thích ăn thịt nên không có gì ngạc nhiên khi tiệc nướng ngoài trời là một hoạt động không thể thiếu. Cây Giáng Sinh cũng vậy, thường là cây nhân tạo và đôi khi được trang trí với những trái cầu làm bằng bông tượng trưng cho tuyết. Những màn bắn pháo hoa lúc nửa đêm thường là đánh dấu sự bắt đầu của Ngày Lễ Giáng Sinh, và bầu trời tràn đầy những trái cầu, những món đồ trang trí bằng giấy với ánh đèn bên trong được thả bay vào không trung.
Ăn tối ngoài trời cũng là một điểm nổi bật trong Lễ Giáng Sinh ở Nam Phi. Món ăn chính có thể là gà tây, vịt hoặc heo sữa, sau đó đến món pudding malva tráng miệng, một loại bánh ngọt chế biến từ mứt mơ và giấm mang đến hương vị như được phủ caramel.
Một số hoạt động nghe có vẻ quen thuộc, như cắt tỉa cây Giáng Sinh và treo vớ. Tùy thuộc vào nơi mà bạn sinh sống ở Hoa Kỳ, bạn có thể dành cả ngày trên bãi biển hoặc tản bộ trong khu rừng phủ đầy tuyết. Dù bạn ở đâu thì Lễ Giáng Sinh vẫn là ngày lễ [mang lại] bình yên trên trái đất và thiện chí cho tất cả những người xung quanh.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times