Khám phá các kỳ quan cổ đại: Kim tự tháp và sông Nile
Hướng về phía Tây, chúng tôi băng qua vùng sông Nile rộng lớn, nơi ngự trị trong tâm trí mỗi người là truyền thuyết Thánh Moses rẽ nước biển đỏ cứu người Do Thái trong Kinh Thánh. Nhưng ngày nay, không còn cảm giác cổ kính như vậy nữa, trên dòng nước tấp nập những con thuyền nhỏ, bận rộn với dòng chảy và sự hối hả của cuộc sống hàng ngày.
Bỏ lại tiếng ồn ào của trung tâm Cairo phía sau, nhưng giao thông trên đường cao tốc vẫn dày đặc, di chuyển với tốc độ chậm chạp; bốn làn đường biến thành sáu làn đường hoặc thậm chí là tám làn, khi xe nào cũng chen lấn, xô đẩy để vượt lên phía trước.
Và sau đó, cứ như vậy, các khu vực bụi bặm ấy dần thấp xuống sau lưng, những ngôi nhà cao tầng chưa hoàn thiện chạy nối tiếp nhau đến tít tận cùng sa mạc cát. Ngồi ở phía sau chiếc xe tải nhỏ, trở thành vị khách duy nhất cho chuyến tham quan trong ngày, tôi ngó đầu ra ngoài cửa sổ. Ba đỉnh tháp không thể nhầm lẫn nhô lên từ phía sa mạc xa xa, hình ảnh rất quen thuộc nhưng gần như siêu thực đối với con người. Bộ ba mang tính biểu tượng này đã đứng sừng sững ở đó trong khoảng 4,500 năm.
Bảo tàng ngoài trời
Tôi đang ở Ai Cập, khám phá Cairo và Giza. Hiện là nơi sinh sống của hơn 20 triệu người — thành phố lớn nhất Phi Châu và là một trong những đô thị lớn nhất trên thế giới — ít nơi nào sánh được với năng lượng hiện đại của thủ đô Ai Cập. Nhưng tất cả những điều mới mẻ ấy chỉ là lớp gỉ bề mặt, qua hàng nghìn năm lịch sử, thành phố đóng vai trò như một bảo tàng ngoài trời khổng lồ. Tôi ở đây để khám phá tất cả, như quay ngược thời gian trở về quá khứ khi tôi đi khắp thị trấn, từ những khu chợ tấp nập đầy màu sắc, những chuyến du thuyền ngẫu hứng trên sông, đến leo sâu vào bên trong các kim tự tháp.
Trong khi chúng có niên đại từ khoảng năm 2,500 trước Công nguyên, và được xây dựng với tinh thần trường cửu, các kim tự tháp ở Giza được ba vị pharaoh kế tiếp nhau dựng lên trong một khoảng thời gian tương đối ngắn — trong vòng chưa đầy một thế kỷ. Pharaoh Khufu (còn được gọi là Cheops) đã xây dựng Đại kim tự tháp đầu tiên và lớn nhất, với diện tích 13 mẫu đất và từng lên đến chiều cao 481 feet (khoảng 146 m). Nó là kiến trúc nhân tạo cao nhất trên thế giới trong khoảng 4,000 năm.
Từng được bao quanh bởi một khu phức hợp bao gồm đền thờ và nhà nguyện, các kim tự tháp được xây dựng như những ngôi mộ chôn cất, chứa mọi thứ mà các pharaoh sẽ cần ở thế giới bên kia với tư cách là các vị thần. Thậm chí còn có hố chứa “thuyền năng lượng mặt trời”, mà một số học giả tin rằng được thiết kế để đưa các pharaoh, cùng với thần Mặt trời Ra, qua các thiên đường. Con tàu Khufu được tìm thấy trong khu phức hợp được công nhận là con tàu nguyên vẹn lâu đời nhất thế giới và nó vẫn có thể ra khơi ngày nay dù đã hàng nghìn năm tuổi.
Xây dựng các kim tự tháp
Ngày nay, chúng ta vẫn chưa nắm được kỹ thuật xây dựng nên kỳ quan này. Kim tự tháp lớn bao gồm các khối nặng tới 15 tấn — 2.3 triệu khối như vậy. Các nhà khảo cổ cho rằng một lực lượng lao động được trả công sống tạm ở một thành phố gần đó đã làm hầu hết công việc. Các cộng đồng trên khắp Cổ Vương quốc Ai Cập cung cấp cả nhân công và các nguồn lực khác, chẳng hạn như thực phẩm. Nhưng nhiều chi tiết vẫn còn là một bí ẩn.
Cả việc khai thác đá và việc lắp ráp các phiến đá thực tế đều đặt ra những nghi vấn. Trong khi các công cụ bằng đồng được sử dụng vào thời điểm đó cũng giúp gia công nhanh đá vôi cho hầu hết các công trình xây dựng, nhưng các kim tự tháp cũng bao gồm hàng nghìn tấn đá granit cứng, đến từ Aswan, cách đó khoảng 500 dặm. Việc vận chuyển và xếp chồng những viên đá đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, và rất nhiều giả thuyết về quá trình thực hiện được đưa ra. Đại kim tự tháp được căn chỉnh trong phạm vi 1/15 độ của bốn hướng chính (bắc-nam-đông-tây), dẫn đến nhiều giả thuyết về cách người xưa đạt được thành tựu đáng kể này trong thiên văn học.
Đến đó trong chiếc xe tải nhỏ, hướng dẫn viên của tôi có ít câu trả lời nhưng có rất nhiều thứ để cho tôi xem. Đầu tiên, tôi cưỡi lạc đà. Sau khi lái xe quanh khu phức hợp kim tự tháp để chụp ảnh từ nhiều góc độ khác nhau, chúng tôi đi ngang qua một người đang kéo một đàn lạc đà nên dừng lại để thương lượng thuê với một mức giá hợp lý. Tôi tiếp cận con vật với một chút e sợ — tôi trải qua một lịch sử nhiều “màu sắc” với lạc đà, từng bị một con cắn tại một lễ hội ở Rajasthan. Lúc đó, những chiếc răng dẹt và cùn của con vật không làm rách da của tôi, nhưng, vì bị bất ngờ, tôi đã quay lại, vấp vào chính đôi chân của mình và ngã sõng soài xuống cát.
Những con vật nặng nề này đã từng là “những con tàu của sa mạc”, chuyên chở người và hàng hóa đi hầu hết những quãng đường xa. Sự hiện diện của chúng ở Ai Cập được ghi chép lại trong tài liệu có trước cả các kim tự tháp, quay ngược trở lại thời kỳ Sơ kỳ Vương triều (Early Dynastic), bắt đầu vào khoảng năm 3100 trước Công nguyên. Ngày nay, chuyến đi trên lưng lạc đà chỉ ngắn. Tôi leo lên lưng nó, với một chút run rẩy, và bám chặt khi con vật chuyển từ tư thế ngồi sang đứng. Chúng tôi đi một vòng tròn, trong bóng râm của Đại kim tự tháp.
Tiếp theo, tôi vào trong. Tôi leo lên đến lối vào, trèo qua những khối đá vôi lớn và không thể tin được rằng mình đang trèo trên Kỳ quan của Thế giới Cổ đại như trong phòng tập thể dục của mình thế này. Bước vào, không khí vui tươi của một ngày nắng nhanh chóng biến mất và tôi đi qua một đường hầm không có không khí, cảm thấy khá ngột ngạt trong những đoạn hẹp của lối đi lên đến Phòng trưng bày lớn. Đến nơi, tôi cảm thấy may mắn vì đây là trải nghiệm chỉ có một lần trong đời. Nhưng, không thấy kho báu nào, tôi chỉ muốn ngay lập tức quay trở ra với những làn gió nóng nhưng thoáng đãng bên ngoài.
Những cuộc phiêu lưu ở Cairo
Sau khi dừng lại xem tượng Nhân sư vĩ đại của Giza, cuộc phiêu lưu của tôi ở Cairo vẫn tiếp tục. Thành phố tự hiển lộ bản thân mình từng chút một, luôn là một bất ngờ mới xung quanh mọi ngóc ngách. Tôi thích gọi Cairo là “thành phố đêm muộn”, nơi cư dân không bao giờ háo hức đi ngủ. Tôi thích những thành phố về đêm, chúng phù hợp với tôi. Ghé thăm chợ ở Khan al-Kahlili vào buổi tối, tôi thấy chợ đêm chật ních người dân địa phương, các quầy hàng chất đống hàng hóa của họ, lớp này qua lớp khác, ở mỗi bên lối đi. Mọi người đã mua bán các mặt hàng ở nơi này từ những năm 1300, và họ tiếp tục làm như vậy với lòng nhiệt thành vào đêm nay.
Tôi mất một lúc tra cứu trước khi tìm thấy đường, và bị lạc vài lần trước khi tôi đến đích. Đẩy một cánh cửa nhỏ mở ra một thế giới hoàn toàn mới giống như một câu lạc bộ bí mật. Ngồi vào một chiếc bàn tại Naguib Mahfouz Café, cái tên được đặt theo người đoạt giải Nobel quá cố, tôi gọi món thịt cừu và gà nướng, cùng với cơm. Nhân viên phục vụ mang đồ ăn đến bàn trong một khay lớn. Nhạc công chơi nhạc cụ truyền thống. Đàn ông và phụ nữ hút shisha. Màn đêm kéo dài và tôi không vội trở về khách sạn của mình.
Thành phố dường như có đến một triệu cái chợ. Một ngày khác, tôi dành một buổi chiều nóng nực tại một khu chợ dệt may, chen vào một biển người dưới những ngọn tháp cao chót vót. Một hướng dẫn viên không chuyên cung cấp một chuyến tham quan “không chính thức” và đưa tôi thoát khỏi tình trạng lộn xộn, cuối cùng dẫn tôi lên một cầu thang sau lên đỉnh của một Thánh đường Hồi giáo. Phía trên các mái nhà, tiếng gọi cầu nguyện vang lên lẫn trong tiếng ồn ào của đám đông bên dưới.
Và cuối cùng tôi cũng tìm được đường trở lại sông Nile. Sau khi lang thang giữa các xác ướp tại Bảo tàng Ai Cập, ngay gần Quảng trường Tahrir, tôi tìm đường đến Corniche, trao đổi với một công ty lữ hành nhỏ ở đó trước khi lên một chiếc thuyền có mái che để lượn vòng trên dòng sông nổi tiếng này.
Tất nhiên, đó là một kỳ quan thiên nhiên. Là một trong những con sông dài nhất thế giới, sông Nile trải dài hơn 4,000 dặm, qua 10 quốc gia Phi Châu, từ Hồ Victoria đến Biển Địa Trung Hải. Nhưng lịch sử ở đây còn đáng chú ý hơn. Nói một cách đơn giản: Không có sông Nile, sẽ không có Ai Cập cổ đại.
Dòng sông là huyết mạch của Ai Cập. Lũ lụt thường xuyên đã cung cho đất đai cấp giàu chất dinh dưỡng, nuôi sống dân cư và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Mọi người xây dựng các hệ thống tưới tiêu và trồng bông, lanh, lúa mì và đậu – cũng như papyrus, nguyên liệu mà họ sử dụng để làm giấy. Sông Nile là nguồn cung cấp nước uống và sinh hoạt cho họ. Các pharaoh đã sử dụng tài nguyên ấy để xây dựng nên đế chế của mình.
Con sông vẫn là trái tim và linh hồn của quốc gia này, với 95% người Ai Cập ngày nay vẫn sống trong vòng vài dặm quanh đó. Cắt ngang qua Cairo hiện đại, chúng tôi du ngoạn sông Nile, trôi dưới những cây cầu và qua những khách sạn cao tầng. Mặt trời sắp lặn. Một đêm bận rộn nữa sắp bắt đầu. Nhưng hiện tại, tôi đang thư giãn trên tấm đệm chống thấm của con thuyền và ngắm nhìn bầu trời màu cam của buổi chiều tà, cảm giác thật sự nhớ quê hương.
Nhà văn Tim Johnson sống ở Toronto luôn đi du lịch để tìm kiếm những câu chuyện tuyệt vời. Ông đã đi qua 140 quốc gia trên khắp bảy lục địa, ông đã theo dõi những con sư tử bằng cách đi bộ ở Botswana, đào xương khủng long ở Mông Cổ và đi dạo giữa nửa triệu con chim cánh cụt trên Đảo Nam Georgia. Ông viết cho một số nhà xuất bản lớn nhất của Bắc Mỹ, bao gồm CNN Travel, Bloomberg, và The Globe and Mail.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: