Các nhà khảo cổ học phát hiện kim tự tháp cổ nhất ở núi Padang, Indonesia
Kim tự tháp là những kiến trúc vừa cổ kính vừa bí ẩn. Khi nói đến kim tự tháp, mọi người thường nghĩ đến Ai Cập cổ đại và Maya cổ đại. Tuy nhiên gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một kim tự tháp cổ xưa trong các khối dung nham ở núi Padang, Indonesia. Kim tự tháp này cao 30 mét, rộng 100 mét và được xây dựng ít nhất từ 16,000 năm trước Công nguyên.
Chỉ từ thời điểm xây dựng, kim tự tháp này đã phá vỡ hiểu biết của mọi người về kiến trúc cổ đại. Kim tự tháp Giza ở Ai Cập được xây dựng vào khoảng 2,600 năm trước Công nguyên; Stonehenge ở Anh quốc được xây dựng vào khoảng 4,000 đến 2,000 năm trước Công nguyên; Göbekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng vào khoảng 12,000 năm trước Công nguyên. Kiến trúc 16,000 năm trước Công nguyên này có lẽ là thời điểm xây dựng lâu đời nhất đã được biết đến.
Núi Padang nằm ở huyện Cianjur, tỉnh Tây Java, Indonesia, gần đầu nguồn sông Cimandiri, được người dân địa phương gọi là “Gunung Padang” (Ngọn núi Ánh sáng), là khu vực quan trọng cho nghiên cứu khảo cổ và địa chất. Bởi vì quần đảo Indonesia đã trải qua những thay đổi khí hậu mạnh mẽ trong 15,000 năm qua, bao gồm mực nước biển dâng cao đã nhấn chìm một số vùng đất cổ xưa, rất nhiều tàn tích cổ xưa trong rừng đã bị chìm dưới nước.
Từ năm 2011 đến năm 2015, đoàn khảo cổ do ông Danny Hilman Natawidjaja, nhà địa chất học tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia dẫn đầu, đã tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ sâu hơn ở khu vực này. Trong những năm gần đây, họ đã tiến hành các cuộc thăm dò chi tiết hơn. Kết quả phát hiện, có một tòa “kim tự tháp” bên trong núi Padang.
Đây là một ngọn núi biệt lập, trên đỉnh núi có một di tích cao hơn ở phía Nam và thấp hơn ở phía Bắc. Di tích này được chia thành năm khu vực từ T1 đến T5. Khu vực này được trang trí bằng nhiều tảng đá đứng, hai mặt phía Đông và phía Tây của ngọn núi đối xứng và bằng phẳng.
Các cuộc khảo cổ phát hiện T1 chứa một số lượng lớn các mảnh andesit, khu vực chuyển tiếp giữa T1 và T2 có các lớp đá cột tương đối cổ xưa, còn T2 có các khối đá cột được cắt hoàn chỉnh như những viên gạch, giữa các khối đá còn có những chất độn hoặc vữa hạt mịn. Điều này cho thấy kỹ thuật xây dựng khá phức tạp, phủ định quan niệm trước đây khi cho rằng khu vực này được cấu tạo từ đá cột tự nhiên.
Ngoài ra, giữa T2 và T3 còn tồn tại ranh giới rõ ràng, giữa chúng có nhiều tảng đá cột chạy từ Bắc sang Đông, nhưng cũng có một số phiến đá và mảnh vỡ không đều xen lẫn vào. T4 không có đặc điểm rõ ràng, còn T5 là một bức tường dốc bao gồm các tảng đá cột đan xen, nhưng bị chôn trong đất ở độ sâu 7 mét.
Các nhà khảo cổ đã sử dụng radar xuyên đất (GPR) để chụp ảnh dưới lòng đất, khoan lõi, máy đo điện trở đất (ERT) và chiếu sóng địa chấn (ST) để nghiên cứu phần dưới bề mặt của di tích này. Đồng thời còn sử dụng mô hình bề mặt kỹ thuật số (DSM) và mô hình địa hình kỹ thuật số (DTM) để tạo ra hình ảnh 3D bên trong và bên ngoài núi Padang.
Khi tiến hành thăm dò ở độ sâu 20 đến 30 mét dưới lòng đất, họ phát hiện núi dung nham tồn tại cấu trúc nhiều lớp phức tạp, ẩn chứa một số lượng lớn các hang hốc. Khi kiểm tra đoạn từ Tây sang Đông bằng ERT, họ phát hiện ở đó có nhiều tầng và còn có đường hầm bên trong.
Họ cũng tiến hành nhiều hoạt động khoan lõi trên khu di tích và các khu vực xung quanh. Trong quá trình khoan, họ phát hiện ra những tảng đá giống như T1 và T2, hơn nữa có hiện tượng một lượng lớn nước đã bị chảy mất. Điều này càng củng cố cho suy luận nói rằng có một lượng lớn không gian dưới lòng đất.
Ngoài ra, họ còn tiến hành xác định niên đại của các mẫu từ khu di tích và các khu vực xung quanh bằng đồng vị carbon-14. Kết quả phát hiện lòng đất của khu di tích chủ yếu được chia thành bốn tầng từ trên xuống dưới. Tầng thứ 4 dưới cùng có nền là một lượng lớn đá bazan và andesite, tầng thứ 3 được xây dựng trên tầng thứ 4 trong khoảng từ năm 25,000 đến 14,000 trước Công nguyên, cuối thời kỳ Đồ đá cũ.
Ngoài ra, tầng thứ 3 đã xuất hiện hiện tượng bị gián đoạn trong khoảng từ năm 14,000 đến 7,900 trước Công nguyên. Nó đã được xây dựng lại trong khoảng từ năm 7,900 đến 6,100 trước Công nguyên, nhưng sau đó lại bị bỏ hoang.
Điều đáng chú ý là, tầng thứ 2 được xây dựng từ năm 6,000 đến 5,500 trước Công nguyên, nhưng lại lần nữa bị gián đoạn vào khoảng năm 5,500 đến 2,100 trước Công nguyên. Tầng 1 về sau đã xuất hiện vào khoảng năm 2,000 đến 1,100 năm trước Công nguyên.
Nói cách khác, sau khi xác định niên đại bằng carbon-14, các nhà khoa học cho rằng kiến trúc này được xây vào khoảng năm 16,000 sau Công nguyên.
Sau khi phân tích, đoàn khảo cổ kết luận rằng tòa kiến trúc cao khoảng 30 mét và rộng 100 mét là một kim tự tháp.
Đoàn khảo cổ cho rằng những phát hiện mới về núi Padang đã thách thức những hiểu biết và quan niệm cũ trong quá khứ. Đồng thời, phát hiện này cũng tiết lộ rằng từng có một nền văn minh xây đá siêu việt trong Thời đại đồ đá cũ (cuối Kỷ băng hà). Trước đây, người ta luôn cho rằng Thời đại đồ đá cũ là thời đại săn bắt và hái lượm.
Đoàn khảo cổ cũng tuyên bố rằng để tìm hiểu sâu hơn về núi Padang, những nghiên cứu trong tương lai là cần thiết để tiến hành khai quật toàn diện và hệ thống hơn.