Các nhà khảo cổ học phát hiện thành lũy phòng thủ 8,000 năm tuổi ở Tây Siberia
Quan điểm phổ biến cho rằng, con người ở Thời kỳ Đồ đá cũ sống dựa vào săn bắt và hái lượm, không có nơi định cư cố định, chỉ khi thực sự bước vào thời đại nông nghiệp, họ mới bắt đầu thiết lập các khu định cư lâu dài. Tuy nhiên, một trường đại học ở Đức đã phát hiện thành lũy phòng thủ 8,000 năm tuổi ở vùng hẻo lánh tại Tây Siberia, lật đổ một số nhận thức trước đây dựa trên thuyết tiến hóa.
Trước đây, khảo cổ học cho rằng kiến trúc phòng thủ chỉ xuất hiện trong các xã hội nông nghiệp, tiền nhà nước và nhà nước, chứ không xuất hiện trong thời đại săn bắt hái lượm vào Thời kỳ Đồ đá cũ. Vì vậy, có tương đối ít mô tả về hành vi phòng thủ trong các xã hội phi nông nghiệp.
Các nhà khảo cổ học từ Đại học Freie Berlin (FU Berlin) ở Đức và một nhóm quốc tế đã phát hiện thành lũy phòng thủ Amnya I và Amnya II trên bãi cát dọc con sông Amnya ở Tây Siberia, đồng thời xác nhận thành lũy này là công sự phòng ngự vào thời tiền sử có niên đại 8,000 năm. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học “Antiquity” đầu tháng 12/2023.
Khu định cư kiên cố này đã có trước các bãi săn tương tự khác ở châu Âu đến vài thế kỷ. Kể từ cuối thời tiền sử, các công sự phòng ngự đã được xây dựng bởi những nhóm người hái lượm ở các nơi trên thế giới (chủ yếu là ở các khu vực ven biển), nhưng sự xuất hiện của chúng ở nội địa Tây Siberia trong quá khứ là điều khó có thể tưởng tượng được.
Đặc điểm bề mặt hiện có của Amnya I bao gồm bờ sông, mương và 10 hố nhà. Amnya II được phát hiện cách Amnya I khoảng 50 mét về phía Đông. Amnya II có 10 hố nhà, cho thấy khu vực này nằm ngoài Amnya I, nó không được bảo vệ nghiêm ngặt, do đó tạo thành một khu định cư tương đối mở.
Amnya I được cho là công sự phòng thủ vào thời đồ đá ở cực bắc đại lục Á Âu. Những bằng chứng hiện có cho thấy đây cũng là một trong những khu định cư phòng thủ lâu đời nhất trên thế giới. Khu định cư nằm ở phía bắc rừng lá kim của vùng Lower Ob, chiếm cứ cồn cát phía trên vùng ngập lũ của sông Marsh.
Để hiểu rõ hơn về cách bố trí và trình tự xây dựng của địa điểm này, các nhà khảo cổ đã tiến hành khảo sát thực địa lại Amnya I và Amnya II, bao gồm khảo sát địa hình, đánh giá lại các bộ phận kênh mương đã được khai quật trước đó, xác định niên đại bằng phép đo phóng xạ carbon-14, cũng như tiến hành các nghiên cứu cổ môi trường và cổ thực vật.
Nhóm khảo cổ phát hiện khu vực này tồn tại trong thời kỳ định cư vào Thời kỳ Đồ đá giữa, trong khoảng năm 8,000-6,000 trước Công nguyên. Ngoài ra, các nhà khảo cổ đã phát hiện những đồ vật có niên đại 4,000 năm trước Công nguyên trong một số hố nhà ở Amnya I. Đây là bằng chứng cho thấy khu vực này đã được tái chiếm trong Thời kỳ Đồ đá mới.
Các nhà khảo cổ phát hiện Amnya I đã trải qua nhiều cuộc khai quật và lấp hào trong quá khứ, đồng thời còn xây dựng một số công trình kiến trúc. Theo thời gian, người dân trong vùng đã xây dựng các con mương, tường và hàng rào mới để tạo ra các tuyến phòng thủ mới vững chắc hơn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ.
Họ cũng phát hiện các đặc trưng kiến trúc như lò sưởi ngói cao v.v. vẫn tồn tại trong thành lũy phòng ngự, cho thấy các công trình này là nơi ở, khu định cư lâu dài và công trình phòng thủ. Đặc điểm này có sự xung đột và mâu thuẫn rất lớn so với nhận thức của khảo cổ học trước đây, bởi trước đây khảo cổ học cho rằng lò sưởi ngói cao chỉ xuất hiện sau khi có xã hội nông nghiệp.
Vì vậy, họ suy đoán rằng lò sưởi ngói cao của những thành lũy này là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chiếm đóng hoặc cư trú trong mùa đông, còn các vật dụng và văn vật trong nhà là kết quả của các hoạt động trong thời kỳ không có tuyết (snow-free period), cho thấy khu vực này được sử dụng quanh năm.
Họ cũng tìm thấy bằng chứng địa tầng từ các hố nhà cho thấy khu định cư nhiều lần bị hư hại do hỏa hoạn. Hiện tượng này cũng được quan sát thấy ở các địa điểm định cư khác (Borzunov), được cho là có liên quan đến xung đột bạo lực do lợi ích về nguồn cung cấp nước và kinh tế.
Ngoài ra, họ còn tìm thấy khoảng 45 mảnh gốm còn sót lại trên sàn của một số ngôi nhà trong quần thể kiến trúc Amnya. Những đồ gốm này chủ yếu được chia thành loại nhọn và loại đáy phẳng, phản ánh hai loại hình thẩm mỹ truyền thống khác nhau.
Trong hai loại đồ gốm này, một loại có họa tiết giống như gai và được chạm khắc (có thể cổ xưa hơn), còn loại kia có họa tiết trang trí hình chiếc lược. Cả hai loại đồ gốm đều nằm trong số những loại được sử dụng sớm ở các dải đất ven sông tại Tây Siberia.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố rằng, phát hiện này đã thách thức quan điểm khảo cổ học trước đây cho rằng các khu định cư lâu dài và công trình phòng thủ chỉ xuất hiện trong các xã hội nông nghiệp, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng nông nghiệp và chăn nuôi là điều kiện tiên quyết cho một xã hội có tính phức tạp. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện khoảng tám di chỉ phòng thủ Thời kỳ Đồ đá, bao gồm những ngôi nhà hầm được bao quanh bởi tường đất và hàng rào gỗ, cho thấy kỹ thuật xây dựng và phòng thủ tiên tiến.
Khám phá này cho thấy những người săn bắt hái lượm đầu tiên sống trong rừng lá kim đã trải qua những thay đổi to lớn trong cơ cấu chính trị và xã hội của họ, bao gồm sự gắn kết các quần thể lớn hơn, tăng cường định cư và ý thức về lãnh thổ, cũng như sự gia tăng căng thẳng xã hội và xung đột giữa các quần thể. Nó cũng lật đổ các giả thuyết khảo cổ học trước đây cho rằng cạnh tranh và xung đột không tồn tại trong các xã hội săn bắt hái lượm.
Bà Tanja Schreiber, nhà khảo cổ học tại Viện nghiên cứu Khảo cổ Tiền sử tại Đại học Freie Berlin, đồng tác giả của nghiên cứu này, nói với văn phòng báo chí của trường đại học này rằng: “Thông qua các cuộc kiểm tra khảo cổ chi tiết tại Amnya và việc xác định niên đại bằng phóng xạ carbon-14 đối với các mẫu được thu thập, chúng tôi xác nhận rằng di chỉ này được xây dựng từ thời tiền sử, hơn nữa còn là thành lũy phòng thủ lâu đời nhất trên thế giới.”
Bà cũng cho biết, các cuộc kiểm tra địa tầng và cổ thực vật mới cho thấy cư dân ở Tây Siberia có lối sống phức tạp dựa trên nguồn tài nguyên phong phú của môi trường rừng lá kim, bao gồm đánh cá từ sông Amnya, săn bắt động vật bằng giáo đá và chế tạo nhiều bình gốm để bảo quản thịt dư thừa.