Những chiếc cầu nối đến sự siêu việt: Nghệ thuật, Tự do và Tâm hồn
Tác phẩm “Suy thoái: Cái chết của tự do ngôn luận và cái giá của bữa trưa miễn phí” của tác giả người Mỹ David Mamet nhận định về những chân lý cao hơn.
Trong tác phẩm mới xuất bản, “Suy thoái: Cái chết của tự do ngôn luận và cái giá phải trả của bữa trưa miễn phí,” nhà văn David Mamet đã nhắm vào “virus của sự phù hợp” mà hiện tại ông cho là đang lan tràn trong văn hóa Tây phương. Lời giới thiệu trên tờ rơi của cuốn sách viết rằng:
“Tác phẩm ‘Suy thoái’ là một cảnh báo sống động rằng nếu chúng ta không đối mặt với những tên côn đồ văn hóa ngay bây giờ, những ủy viên nhân dân và những kẻ lừa đảo của họ sẽ biến Vùng đất Tự do thành chế độ độc tài chuyên chế mà họ nung nấu.”
Một trong những bài tiểu luận của cuốn sách, “Hamlet và Oedipus Gặp gỡ thây ma,” tác giả Mamet kết thúc bằng đoạn văn sau đây:
“Những chương trình tiếp cận cộng đồng, chương trình giáo dục, tính đa dạng, v.v. là những công cụ tẩy não.” Vì thế, trại huấn luyện hàng hải và lễ hội Bar Mitzvah* là hai ví dụ. Tuy nhiên, nghệ thuật là sợi dây liên kết giữa cảm hứng và tâm hồn của người quan sát. Điều này nhấn mạnh rằng nghệ thuật là một sự truyền bá tục tĩu, phủ nhận và lên án tiềm năng kết nối của con người với những chân lý vượt trội hơn sự hiểu biết của con người, tức là với thần.”
Cả đoạn văn này đã đi thẳng vào vấn đề. Tác giả Mamet đưa ra hai ví dụ về việc chương trình tẩy não đươc dàn dựng hết sức hợp lý là chương trình huấn luyện và lễ đón tuổi trưởng thành của người Do Thái. Cả hai đều nhằm mục đích làm cho những bé trai trở thành những người đàn ông và những binh sĩ trưởng thành. Nhưng ông có ngụ ý gì khi đề cập đến “linh hồn”, “chân lý vượt quá tầm hiểu biết của con người,” và “thần”?
Đây là một số suy nghĩ của tôi.
Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ
Nghệ thuật nhằm mục tiêu truyền bá hoặc tuyên truyền chính trị cho bất kỳ mục đích nào thì đó không phải là nghệ thuật chân chính. Đó là một công cụ được sử dụng nhằm làm lung lay công chúng, nhằm thuyết phục người ta về tính đúng đắn của một căn nguyên hoặc một hệ tư tưởng nào đó.
Ở đây chúng ta có thể liên tưởng đến những cảnh tượng hoành tráng của những ngọn đuốc và những bộ quân phục dưới chính quyền Quốc xã, những cuốn sách về giai cấp vô sản buồn tẻ dưới thời Stalin mà không ai ngoài các các sử gia đọc nữa, cũng như những bức tranh cách mạng phô trương do Mao Trạch Đông của Trung Quốc thực hiện.
Những tác phẩm này có thể nằm trong viện bảo tàng hoặc trong tay các nhà sử học quan tâm đến các phong trào độc tài toàn trị, nhưng không tác phẩm nào có ảnh hưởng hoặc gây tiếng vang lớn như kiến trúc nhà thờ Đức Bà Chartres, một bản giao hưởng của Mozart, hay kiệt tác điêu khắc “The Veiled Virgin” của Giovanni Strazza.
Mặc dù nhận thức được những “tác phẩm nghệ thuật” tuyên truyền cổ động này, nhưng Mamet quan tâm nhiều hơn đến tình trạng tuyên truyền văn hóa hiện nay ở Tây phương. Ở đây, sự kiểm duyệt và kỳ vọng đối với những suy nghĩ đúng đắn chỉ đến từ số ít người đàn ông mạnh mẽ hơn là bởi nền văn hóa đại chúng của chúng ta.
Theo Mamet, các phong trào “thức tỉnh” và “văn hóa xóa sổ” về cơ bản đang hoạt động hiệu quả y như những gì mà Hồng vệ binh đã làm trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Không tuân thủ các lằn ranh do các ủy viên tự bổ nhiệm này thiết lập, bạn có thể thấy bản thân như đang bị lưu đày, bị vô hình, bị bịt miệng và không có tiếng nói.
Quyền lực cao hơn
Theo Mamet, phiên bản của các trại cải lao động Liên Xô đang giết chết nghệ thuật, đặc biệt là bản chất và năng lực siêu việt của nó, điều này giải thích cho việc Mamet sử dụng thuật ngữ siêu nhiên.
Chẳng hạn, linh hồn mà ông đang nói đến là gì? Nhiều người tin rằng linh hồn là thực thể tồn tại bên trong chúng ta bao gồm cả suy nghĩ và cảm xúc. Linh hồn bao gồm tất cả những gì chúng ta đang có, mọi loại hạt nguyên tử của sự tồn tại bên trong bản thể chúng ta. Chúng ta có thể chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc như nỗi buồn và niềm vui với người khác, nhưng còn tâm hồn – tâm hồn của chúng ta là chính chúng ta.
Về mặt nghệ thuật, Mamet muốn nói gì khi nói về “chân lý vượt trội so với sự hiểu biết của con người?” Ở đây, tôi tin rằng ông đang đề cập đến những tác phẩm mang vẻ đẹp và chân lý làm choáng ngợp trí tuệ của chúng ta và giúp chúng ta nâng cao cảnh giới của chính mình, đưa mọi người đến một trạng thái không diễn tả được thành lời, vượt ra ngoài tầm lĩnh hội bình thường của chúng ta.
“Hamlet” của Shakespeare là một trong những tác phẩm như thế. Vở kịch kể về Hoàng tử Đan Mạch, những xung đột của chàng với bản thân và đạo đức, cách cư xử của những nhân vật trong triều đình của chàng được trình diễn lần đầu tiên cách đây gần 600 năm nhưng vẫn tiếp tục khơi dậy những tranh luận về ý nghĩa của nó cho đến ngày nay. Hơn nữa, ngay cả khi xem vở kịch này trong năm 2022, chúng ta có thể đồng cảm với một số nhân vật, đặc biệt là Hamlet với những nỗi băn khoăn, do dự và yếu đuối về đạo đức của chính ông. Những xung đột nội tâm của Hamlet cũng phản chiếu hình ảnh của chính chúng ta.
Và đối với ‘Thần,” mà Mamet mô tả là “chân lý vượt trội so với sự hiểu biết của con người,” phẩm chất không thể diễn tả được này là nền tảng của nghệ thuật vĩ đại. Trong một số trường hợp, những nhạc sĩ như Johann Sebastian Bach, còn thừa nhận thành công của mình thuộc về vinh quang Thiên Chúa.
Đây là một nhạc sĩ và nhà soạn nhạc, người đã tìm kiếm sự hướng dẫn trong âm nhạc của mình từ Đức Chúa thông qua việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, và ông đã gặt hái thành tựu trong công cuộc tìm kiếm này đến nỗi một số người gọi ông là “Nhà truyền giáo thứ năm”.
Đáng ngạc nhiên, tia sáng tâm linh này thậm chí có thể tác động đến những người không có đức tin. Gregory Wolfe đã viết trong cuốn sách “Vẻ đẹp sẽ cứu thế giới” của mình:
“Có một thực tế kỳ lạ là người nghệ sĩ đã tạo ra một tầm nhìn đầy thuyết phục và dễ tiếp cận nhất về chủ nghĩa nhân văn Cơ đốc trong thế kỷ 20 lại là một kẻ vô thần nghiện rượu, yêu thích xa hoa, đã lập gia đình nhiều lần có tên là Robert Bolt.”
Bolt là tác giả của vở kịch và viết kịch bản cho vở “Người đàn ông của các mùa,” một bộ phim kể về Thomas More, người đã tử vì đạo dưới bàn tay của Vua Henry VIII của Anh và sau đó trở thành một vị thánh.
Một số người tin rằng Đấng Thiêng Liêng luôn hiện hữu dưới những hình thức bí ẩn.
Ba tình huống
Trong chuyến viễn du dài ngày đến Âu Châu, vợ chồng tôi đã đến thăm Nhà nguyện Sistine. Mặc dù chúng tôi đã tìm hiểu một chút về kiến trúc này trước đó, nhưng những kiến thức đó đã bị lu mờ khi chúng tôi kinh ngạc nhìn vào trần nhà và những bức bích họa, đắm chìm trong sự ngạc nhiên, choáng váng trước những thân hình cơ bắp, vặn vẹo của danh họa Michelangelo, sự tái hiện các câu chuyện trong Kinh Thánh và pho tượng cổ 500 năm tuổi bao quanh chúng tôi.
Trong cùng chuyến đi đó, chúng tôi đã đến thăm một bảo tàng nhỏ của Thụy Sĩ đang có một cuộc triển lãm nghệ thuật hiện đại. Một nhà điêu khắc người Anh đã xếp khoảng 10 viên đá lát trên sàn ở một góc phòng, với mô tả tác phẩm của ông được gắn vào bức tường gần đó. Tôi đã không nhớ gì về các cụm từ trên tường, nhưng tôi chắc là chúng không có mối liên hệ nào với tác phẩm này, ngoài việc cảm thấy không có bất kỳ cảm xúc nào. Tất nhiên, ở đó không có cảm giác gì về khái niệm nghệ thuật của Mamet và một chân lý vượt trội hơn.
Cuộc gặp gỡ thứ ba: Tôi đã gặp một bác sĩ tai mũi họng ở Front Royal hai lần, và trên tường trong khu vực điều trị của ông có một bản sao của bức tranh “Thiên Thần” của Millet. Trong mỗi lần đến thăm, lúc chờ bác sĩ, tôi đã chăm chú nhìn bức ảnh vẽ hai người nông dân trên cánh đồng của Pháp, họ cúi đầu cầu nguyện, và tôi thấy nỗi lo lắng của mình như vơi đi trong sự tĩnh lặng của họ.
Như ở Nhà nguyện Sistine, có một cây cầu nối nho nhỏ ở đây giúp tôi thoát khỏi nỗi sợ hãi của chính mình.
Sự củng cố
Trong nhiều năm, tôi đã đọc bài viết của những nhà văn khác nhấn mạnh những ý tưởng tương tự.
Ví dụ, vào năm 1977, cuốn tiểu thuyết “Về đạo đức giả tưởng” của tác giả John Gardner đã bị nhiều nhà phê bình chỉ trích vì đã đề cập đến sự siêu việt trong một số câu chuyện. Ông đã viết:
“Góc nhìn truyền thống cho rằng nghệ thuật chân chính là đạo đức: cố gắng nâng cao hơn là hạ thấp cuộc sống của chúng ta, cố gắng trì hoãn, ít nhất là trong một đoạn thời gian ngắn, thời điểm kết thúc mối liên hệ giữa con người chúng ta và những vị thần.”
Trở lại với tác phẩm “Vẻ đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” Gregory Wolfe nhắc nhở rằng nghệ thuật có thể “cho chúng ta một tầm nhìn chân thực về chính bản thân chúng ta.” Luận điểm trọng tâm của cuốn sách là vẻ đẹp có quyền năng như một sức mạnh cứu chuộc trong cuộc sống chúng ta và là phương tiện cốt yếu để mang lại ý nghĩa chân lý và thiện lương.
Nhà triết học và nhà văn người Anh Roger Scruton, một giáo sư cũng như từng là sinh viên suốt đời tìm kiếm mỹ học, đã viết nhiều lần về khái niệm này. Giống như Wolfe và Gardner, ông cảm thấy rằng nghệ thuật — kiến trúc, hội họa, âm nhạc và văn học — cho phép chúng ta tìm thấy niềm an ủi, thậm chí là cả sự bình yên khi đối mặt với nghịch cảnh và khổ đau. Nói cách khác, các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại kết nối chúng ta với một nguồn sức mạnh vô hình cho phép chúng ta phóng đại cái tôi đồng thời loại bỏ nó.
Chân, Thiện, Mỹ
Tất cả những nhà văn này, cũng như vô số nghệ sĩ khác, đã nhận ra rằng ba yếu tố siêu việt truyền thống – chân, thiện, mỹ – là chìa khoá cốt yếu được tìm thấy trong tất cả các kiệt tác nghệ thuật, âm nhạc và văn học vĩ đại.
Đó là những ngọn lửa thắp sáng “mối liên hệ giữa con người với những chân lý vượt trội vượt quá tầm hiểu biết của con người” của Mamet. Ví dụ, khi nghe bản giao hưởng số 5 của Beethoven, một vị giáo sư toán học và một nông dân trồng lúa mì đều có thể bị cuốn theo âm nhạc, tâm hồn của họ được dẫn dắt vào một cảnh giới mà chính họ cũng không hề biết là chúng tồn tại.
Những người kế toán, y tá và học sinh trung học đứng trước bức tượng “Pietà” của Michelangelo có thể phát hiện ra bản thân họ xúc động đến nỗi không thể nói nên lời bởi bức tượng diễn tả một người mẹ đang thương tiếc đứa con trai đã mất của mình.
Trong một thời đại mà mọi thứ luôn tìm cách khiến tất cả chúng ta cùng nhau bước đi sát gót với người đằng trước bằng một thái độ phục tùng, tác phẩm “Suy thoái: Cái chết của Tự do Ngôn luận và Cái giá của Bữa trưa Miễn phí” đã nhắc nhở độc giả rằng chúng ta được tự do: “Ý chí tự do chỉ có nghĩa là quyền được lựa chọn.”
Sự chọn lựa tinh thần này “là một hành động thánh thiện vì đó là [lựa chọn] đạo đức – tức là phù hợp với ý muốn của Thượng Đế.” Và như Mamet nói: “Sự áp bức lên tri thức này là động cơ dẫn đến sự sa đọa của con người.”
Mù quáng tuân theo bất kỳ hệ tư tưởng nào có thể biến chúng ta trở thành nô lệ. Tuy nhiên nghệ thuật, nghệ thuật vĩ đại giải phóng tâm hồn của chúng ta.
Tác phẩm “Suy thoái: Cái chết của tự do ngôn luận và cái giá của bữa trưa miễn phí” (Recessional: The Death of Free Speech and the Cost of a Free Lunch)
Tác giả: David Mamet
Broadside Books; 2022
Bìa cứng: 240 trang
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Chú thích của dịch giả:
Bat Mitzvah* là một nghi lễ mừng tuổi của những chàng trai và cô gái Do Thái khi họ bước vào tuổi 12 hoặc 13. Lễ này đánh dấu thời điểm một cậu bé hoặc cô gái trở thành một người Do Thái trưởng thành. Điều này có nghĩa là giờ đây họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và có thể tự quyết định xem họ muốn thực hành đạo Do Thái như thế nào.