Socrates và tự do ngôn luận
Socrates là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên nhiều người đã từng có dịp trò chuyện với riêng Socrates sẽ không thể không yêu mến và kính trọng ông.
Đôi khi, lịch sử ban tặng một nhân vật được thấm đẫm tài năng sẽ có tầm ảnh hưởng đến nền văn minh của chúng ta trong nhiều thế kỷ. Socrates, sống khoảng 2,500 năm trước ở Athens, Hy Lạp, là một trong những người như vậy. Những gì chúng ta biết về Socrates hầu như qua lời kể của Plato, một trong những học trò của Socrates.
Socrates là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Nhiều người đã từng có dịp trò chuyện với riêng Socrates sẽ không thể không yêu mến và kính trọng ông, nhưng ông bị lên án về mặt chính trị và cuối cùng bị xử tử. Socrates là ai, và cuộc đời của ông có thể cho chúng ta rút ra bài học nào trong thế giới ngày nay?
Socrates, người thông minh nhất
Sau khi đánh bại Ba Tư, Athens đã vươn lên trở thành thành châu thành hùng mạnh nhất của Hy Lạp. Athens bắt đầu phát triển mạnh về quân sự, chính trị và văn hóa dưới sự dẫn dắt của Pericles. Chỉ qua thời gian ngắn, Athens đã phát triển một nền văn minh rực rỡ được lưu truyền qua hàng thiên niên kỷ.
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Athens vào thời kỳ đó là luồng tư tưởng tự do mà Pericles* ủng hộ, và Athens đã theo đuổi và thể hiện một lý tưởng tự do ngôn luận. Socrates đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận này sau khi phục vụ trong quân đội Athen, khi ông trò chuyện với một số triết gia giỏi nhất thời bấy giờ và đặt câu hỏi cho nhiều cư dân Athen để tìm kiếm thế giới quan của trí huệ.
Điều duy nhất quan trọng đối với Socrates là phẩm chất đạo đức. Ông cảm thấy rằng “cuộc sống không được khám phá là không đáng sống,” và những câu hỏi đặt ra là liên quan đến giá trị đạo đức, chứ không phải là việc phản tỉnh hay là những lý tưởng tuyệt đối nào đó – là sự khởi đầu của trí tuệ con người. Socrates cho rằng mình không biết gì, và vì điều này, nhà tiên tri của Delphi đã xác nhận rằng Socrates là người thông minh nhất ở Athens. Tuyên bố của nhà tiên tri đã thôi thúc Socrates dấn thân vào con đường triết học.
Socrates cũng cho rằng bất kỳ sự thông thái nào của ông là do “daimonion” của mình – điều mà nhà tiên tri Cicero – người đã theo sát ông từ khi ông còn là một cậu bé – sẽ định nghĩa là “những gì thuộc về thần.” Trong cuốn “Lời xin lỗi” của Plato, Socrates đã mô tả daimonion của mình là “một giọng nói đến với tôi, và khi xuất hiện, giọng nói đó luôn kéo tôi quay trở lại với những gì mà tôi đang nghĩ đến, nhưng không bao giờ thúc giục tôi tiến về phía trước.” Daimonion đóng vai trò là lời hướng dẫn đạo đức cho Socrates, và luôn ngăn cản ông hành động theo những phương cách có thể gây hại cho người khác.
Socrates đã dạo quanh các đường phố của Athens, thu hút những cư dân của nơi đó tham gia vào các cuộc tranh luận đạo đức với các chủ đề như “Tự do là gì?” “Chính xác thì công lý là gì?” “Can đảm là gì?” Nhiều cuộc trò chuyện trong số này sẽ kết thúc với việc những người đối thoại trước mặt của Socrates buộc phải sửa đổi các câu trả lời dự kiến của họ do dòng câu hỏi của Socrates, thường bộc lộ rõ sự thiếu trí huệ của họ.
Socrates làm tha hóa giới trẻ
Nhiều người có thể thoải mái trò chuyện với Socrates là những người đàn ông trẻ tuổi, giàu có. Alcibiades, cháu trai của Pericles, là một chàng trai trẻ tiền đồ sáng lạn; anh có vẻ ngoài anh tuấn, giàu có và ôm giữ tham vọng chính trị, được bầu làm một trong những vị tướng của Athens. Socrates biết được tham vọng chính trị của Alcibiades và cố gắng biện luận với anh. Socrates muốn chứng minh với Alcibiades rằng anh chưa đủ sẵn sàng để đạt được tham vọng của mình cho đến khi anh cân nhắc kỹ lưỡng và suy ngẫm về bản chất của công lý.
Năm 1776, nghệ sĩ người Pháp François-André Vincent đã vẽ bức tranh “Alcibiades đang được Socrates khai sáng.” Ở phía bên phải của bố cục, Vincent mô tả một Socrates trung niên, theo sau là daimonion của ông, người đứng để ngăn Socrates nói hoặc làm bất cứ điều gì có hại. Socrates nói chuyện với Alcibiades, người được miêu tả ở bên trái bức tranh. Alcibiades trang trọng vận quân phục của một vị tướng dường như đang lắng nghe Socrates – anh nhìn chằm chằm vào Socrates – nhưng cơ thể anh thì lại như đang muốn bỏ đi.
Trong hậu cảnh, chiếc khiên của Alcibiades được treo trên tường, và bàn tay trái của anh có vẻ như đang che giấu thanh kiếm của mình khỏi tầm mắt của Socrates. Có phải Alcibiades che giấu vũ khí của mình như một dấu hiệu thể hiện cho lời hứa sẽ cân nhắc công lý để đạt được khát vọng của mình không? Hay việc anh cố gắng che giấu lưỡi kiếm của mình là sự phản ánh tham vọng chính trị của anh ta khi không màng đến công lý?
Alcibiades đã thật sự theo đuổi các mục tiêu chính trị của mình mà không cần suy xét thấu đáo về công lý mà Socrates đã gợi ý. Anh định chinh phục miền đất Sicily, nhưng các tượng đài tôn giáo đã bị làm đổ nát trước khi anh ta rời tàu, điều mà người dân coi là một điềm báo khủng khiếp. Các đối thủ chính trị của Alcibiades đã buộc anh liên quan đến tội báng bổ và đòi đem anh ra xét xử. Để tránh số phận này, anh đã chọn không quay trở lại Athens và thay vào đó liên minh với người Sparta, từ đó mà gây ra tổn thất to lớn cho Athens.
Không lâu sau Alcibiades bị người dân Sparta trừng phạt vì có quan hệ tình cảm với nữ hoàng Sparta. Cuối cùng anh đã trốn thoát đến Ba Tư, trở thành người hỗ trợ cho kẻ thù Hy Lạp. Trước khi bị ám sát ở Ba Tư, Alcibiades đã chiến đấu với ba bên trên cùng một trận chiến. Alcibiades dường như quan tâm đến tính chính trị nhiều hơn là công lý.
Đây có phải là lý do tại sao bức tranh khắc họa cơ thể của anh quay lại với Socrates? Ngôn ngữ cơ thể của Alcibiades có cho thấy sự thiếu tập trung hoàn toàn không? Socrates sau đó đã bị lên án vì tội bất kính đối với các vị thần và sự tha hóa thanh niên của Athens. Mặc dù không được nêu tên, nhưng một trong những thanh niên hư hỏng này được cho là Alcibiades. Bởi vì những tội này, Socrates đã bị truy tố và xử tử.
Khó khăn của Socrates
Công chúng Athen tự hào về lý tưởng tự do ngôn luận của họ. Quyền tự do giao tiếp và chia sẻ ý tưởng là việc vô cùng quan trọng đối với văn hóa và thành tựu của Athen. Tuy nhiên, một khi đội quân Sparta nhỏ bé đánh bại Athens, nhiều người Athen bắt đầu ngưỡng mộ cơ cấu quyền lực thống trị và sức mạnh hùng binh của Sparta.
Ngay sau khi người Sparta đánh bại Athens trong trận chiến Peloponnesian, Socrates bị đưa ra xét xử.Ông bị buộc tội phớt lờ các vị thần của Athens, giới thiệu các vị thần khác, và tất nhiên, làm tha hóa giới trẻ. Những người tố cáo ông đã đưa ra daimonion của ông, vốn không phải là một trong những vị thần được công nhận của Athens, và chỉ ra rằng nhiều người chỉ trích nền dân chủ của Athen, ít nhất lúc này hay lúc khác, đều là những người trẻ tuổi có liên quan tới Socrate.
Socrates tự bào chữa cho mình, cho rằng những cáo buộc chống lại ông là sai sự thật. Vì vậy, tại sao rất nhiều người Athen tin rằng chúng là sự thật? Tại sao rất nhiều người Athen phản đối ông? Socrates đã đưa ra luận chứng rằng vì các phương tiện truyền thông đã đổ lỗi cho việc người dân Athen bài xích ông, mặc dù ông đã cố gắng hết sức để phục vụ họ. Chẳng hạn, vở kịch “Những đám mây” của Aristophanes trình diễn Socrates như một tên hề xảo quyệt đã làm hư hỏng giới thanh niên và không được mọi người coi trọng.
Socrates thừa nhận rằng ông mong cầu trí tuệ thông qua việc thăm dò những ai sẽ lắng nghe — hầu hết là những người trẻ tuổi, giàu có, những người sẽ thực hành việc nghiên cứu tương tự cùng với ông để đạt được trí huệ. Ông cho rằng điều này không làm tha hóa mà là có lợi cho nền dân chủ của Athens.
Trong một nền dân chủ, đa số nhà cầm quyền áp đặt cả những tệ nạn cũng như những phẩm hạnh lên công chúng. Cần có sự dụng tâm, tuy không nhiều để theo đuổi phẩm chất đạo đức và truyền lại cho các thế hệ tương lai. Tất nhiên, điều này đòi hỏi phải truy vấn chính những tệ nạn mà đa số công chúng đều coi là sự thật không thể chối cãi.
Socrates cũng tuyên bố rằng ông không hề báng bổ thần vì ông đã hiến dâng cuộc đời mình cho vị thần ở Delphi và daimonion của ông, người đã chỉ dẫn đạo đức trong suốt cuộc đời khi ông nỗ lực phục vụ người dân Athen. Ông mong muốn những người khác, cũng như bản thân, thấu tỏ hơn về đức hạnh để Athens phát huy hết tiềm năng và phát triển thịnh vượng.
Phiên tòa xét xử Socrates là một ví dụ về việc một người Athen bị trừng phạt vì tội gián tiếp gây ra tổn hại bởi sự trao đổi ý kiến – vì ngôn luận tự do. Các cư dân của Athens, những người trước đây từng tôn trọng tự do ngôn luận, đã buộc ông phải từ bỏ lý tưởng niềm tin của mình hoặc chết bằng thuốc độc. Socrates đã chọn thuốc độc.
Sự ra đi của Socrates
Jacques-Louis David (1748–1825), một nghệ sĩ tân cổ điển, đã vẽ về cái chết của Socrates vào năm 1787. Bức tranh miêu tả giờ phút Socrates, được bao quanh bởi những người ủng hộ và gia đình của ông, được trao một chén rượu huyết dụ để uống — ông vui vẻ chấp nhận vì daimonion của ông đã không cố gắng ngăn cản ông lại. Trước khi ông uống rượu, Socrates không chỉ đón lấy chén thánh huyết dụ mà còn chỉ tay lên thiêng đàng và diễn thuyết về sự bất tử của linh hồn. Ông được miêu tả trong một chiếc áo choàng trắng với cơ bắp lý tưởng của một thanh niên, ngụ ý về tính cách mạnh mẽ và thuần khiết của ông. Trong số các nhân vật được khắc hoạ, ông là người được chiếu sáng nhất bởi ánh quang huy rọi xuống từ đỉnh của bố cục.
Socrates đã thuyết giảng về những hình thức lý tưởng ẩn sau những khía cạnh bề ngoài mà chúng ta chứng kiến trong cuộc sống thường nhật. Ông đã gợi ý rằng có một chân lý vĩ đại hơn chiếu rọi hết thảy những thứ khác, và chân lý này chỉ có thể khai mở cho những ” vị vua triết gia” – những người đã thực hành cuộc sống của họ tuân theo những chân lý tối cao.
Triết gia Socrates đề nghị chúng ta trong “Câu chuyện ngụ ngôn về hang động” của Plato rằng thực tế đối với chúng ta giống như bị mắc kẹt trong một hang động và buộc phải nhìn vào một bức tường mà trên đó bóng đổ bởi ngọn lửa ném sau lưng chúng ta. Tất cả chúng ta đều lầm tưởng bóng tối với thực tại, không nhận ra rằng sự thật thực sự bắt đầu từ ngọn lửa đằng sau chúng ta, và có một thế giới khác, chân thật hơn bên ngoài thế giới này.
“Đức vua triết gia” trở thành người giải thoát mình ra khỏi hang động, coi ngọn lửa là nguồn gốc của bóng tối và thực tế của thế giới nằm bên ngoài bức tường của nhà tù. Câu hỏi vẫn là: có bao nhiêu tù nhân trong quá khứ có thể thừa nhận sự thật của hang động trong khi vẫn bị gông cùm bên trong?
Trong bức tranh, David đã khắc họa Socrates như vị vua triết gia thoát khỏi xiềng xích trói buộc ông vào bóng tối của bức tường hang động; chúng ta có thể nhìn thấy các chuỗi xích trên mặt đất. Socrates đã nhìn thấy chân lý, cố gắng truyền đạt sự thật đó, và kết quả bị trừng phạt bằng rượu độc.
Ở góc trên bên trái của bố cục, có một ngọn đèn dầu gần như đã tắt; một biểu tượng của sự phù du trong cuộc sống và cái chết cận kề. Ngọn đèn dầu là thứ duy nhất phủ bóng lên tường, tương ứng với bài diễn thuyết cuối cùng của Socrates, trong đó ông lập luận rằng linh hồn là vĩnh cửu và cái chết là một ảo ảnh.
Ngoài ra còn có một cây đàn lia được đặt cạnh giường của Socrates, mặc dù thực tế rằng ông được mọi người coi là mẫu mực về logic và lý trí, nhưng ông có một giấc mơ thoáng chốc xuất hiện khiến ông sáng tác ra bản nhạc. Ông cho rằng giấc mơ là về âm nhạc triết học, và chỉ cho đến sau khi phiên tòa xét xử, ông mới nhận ra đó là về âm nhạc thực sự, và ông đã cố gắng học một giai điệu trong khi chờ cái chết đến.
Một số suy đoán rằng việc Socrates chuyển sang âm nhạc vào cuối đời ngụ ý rằng logic và lý trí không phải là tuyệt đối và chỉ có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc làm người như thế nào. Trải nghiệm hoàn chỉnh của con người đòi hỏi cả về phương diện khoa học và nghệ thuật, cũng như cần quyền tự do ngôn luận để theo đuổi bản chất đích thực của cả hai.
Eric Bess là họa sĩ nghệ thuật đại diện (representational art), hiện đang học Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Chú thích của dịch giả:
Perikles (khoảng 495 – 429 TCN) là một nhà chính trị, nhà hùng biện, tướng lĩnh tài ba và có nhiều ảnh hưởng của Athena trong Thời đại Hoàng kim của thị quốc này – đặc biệt là khoảng thời gian giữa các cuộc chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư và chiến tranh Peloponnesus.