‘Những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích’ của ĐCSTQ
“The Bullwinkle Show”, nguyên ban đầu có nhan đề là “Rocky and His Friends” (“Rocky và Những Người Bạn”), là một chương trình phim hoạt hình đầu những năm 1960 dành cho trẻ em Mỹ trong thời kỳ đó. Bộ phim có một phân đoạn với nhan đề là “Fractured Fairy Tales” hay “Fairy tale parody” (“Những Câu Chuyện Trào Phúng Phỏng Theo Truyện Cổ Tích”). Đó là những câu chuyện phỏng theo (parody) truyện cổ tích lâu đời và nổi tiếng, vốn truyền tải những thông điệp mà hầu hết trẻ em có thể liên tưởng đến vào thời điểm đó. Những tác phẩm bắt chước khác như vậy đã được chuyển thể thành truyện văn học, phim điện ảnh, hoặc chương trình truyền hình trong nhiều năm, trong đó loạt phim hoạt hình “Shrek” là một ví dụ điển hình.
Dù có nhận thức được hay không, thì nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vẫn có thói quen truyền tải những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích như vậy đến người dân Trung Quốc và thế giới.
Chúng ta hãy xem xét luận điểm đó.
Những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích và sự bắt chước
Một “Câu Chuyện Trào Phúng Phỏng Theo Truyện Cổ Tích” xuất sắc từ “The Bullwinkle Show” trong Phần 2 là “King Midas” (“Vua Midas”), trong đó nhại theo câu chuyện “Điều Ước của Vua Midas” (Chuyện kể rằng Vua Midas được ban cho một điều ước rằng bất kể thứ gì ông chạm vào đều biến thành vàng), với nguyên tác câu chuyện được dẫn ra ở đây. Câu chuyện được phỏng theo thì kể rằng củ cải turnip đã thay thế cho bản vị vàng trong vương quốc thần thoại của Vua Midas do lòng tham của nhà vua.
Định nghĩa thứ hai của từ “parody” theo tự điển trực tuyến Merriam-Webster là “một sự bắt chước có tính lăng mạ, hoặc không chân thành, mang tính khinh bỉ.”
Những tuyên bố thường kỳ của ông Tập được rút gọn thành các khẩu hiệu có vẻ hoàn toàn phù hợp với định nghĩa đó.
Những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích của năm 2023
Từ bài diễn văn năm mới của ông Tập, được Tân Hoa Xã trích dẫn vào ngày 31/12/2023: “Chúng ta đã tiến về phía trước với quyết tâm và sự kiên trì,” “với những bước đi vững chắc,” “với những bước đi mạnh mẽ,” “bằng tinh thần phấn chấn,” và “với sự tự tin cao độ.” Hừm. “Thứ quyết tâm và kiên trì” đó đã bị loại bỏ vào đầu năm 2023 khi Bắc Kinh đột ngột đảo ngược chính sách zero-COVID đặc trưng của ông Tập Cận Bình, mà chính sách này sau đó đã bị bỏ rơi vào quên lãng và không bao giờ được nhắc đến nữa. Đừng bận tâm đến những thiệt hại gây ra cho người dân Trung Quốc và nền kinh tế của họ bởi chính sách phản khoa học này, một chính sách có thể là hình mẫu cho các chính sách độc đoán và phản khoa học của ĐCSTQ.
Những “bước đi vững chắc” đó bằng cách nào đó không bao gồm thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trên bờ vực phá sản do khoản nợ hơn 12.6 ngàn tỷ USD không bền vững của chính quyền địa phương, được tích lũy qua nhiều thập niên quản lý yếu kém theo chủ nghĩa cộng sản.
Phải chăng những “bước đi vững chắc” gắn liền với những thành tựu mà ông Tập nêu ra cũng bao gồm cả việc đánh cắp tài sản trí tuệ quy mô lớn đã khiến nhiều thành tựu đó xảy ra? Tất nhiên, ông Tập và ĐCSTQ chẳng hó hé gì đến chuyện đó.
Người ta tự hỏi ai đang có “tinh thần phấn chấn.” Mặc dù những người đó có thể bao gồm 98 triệu đảng viên của ĐCSTQ, nhưng không chắc rằng người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ, học viên Pháp Luân Công, và các nhóm thiểu số khác cũng bày tỏ tâm lý như vậy sau khi phải chịu thêm một năm đàn áp dưới bàn tay của những công chức cộng sản tại các cục công an địa phương.
Cuối cùng, với việc người tiêu dùng Trung Quốc giảm tiêu dùng nội địa, “sự tự tin cao độ” của ông Tập dường như chỉ là một ảo ảnh. Những người hạnh phúc và tự tin tiêu tiền.
Khẩu hiệu trong bài diễn văn của ông Tập có thể là “trung thành với ĐCSTQ; chủ nghĩa cộng sản phù hợp bởi vì tôi nói nó phù hợp.”
Những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích về việc xây dựng cộng đồng với ‘một tương lai chung vì nhân loại’
Ông Tập đã rao giảng khẩu hiệu này kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Khẩu hiệu đó gắn liền với việc rao bán các sáng kiến toàn cầu khác nhau của ông, và những tuyên bố nghe êm tai của ông thường bao gồm từ ngữ kỳ diệu như “hợp tác,” như trong “hợp tác kinh tế, tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, và xây dựng năng lực” và “hợp tác đầu tư.” Ông Tập kêu gọi rằng cần phải có “sự hợp tác” để đạt được mục tiêu vô định hình của một “tương lai chung vì nhân loại.”
Có phải “sự hợp tác” trong việc xây dựng cộng đồng đó có nghĩa là cho phép ĐCSTQ giăng bẫy nợ cho một quốc gia để giành quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông, và thậm chí cả chính phủ chăng?
Có phải “sự hợp tác” có nghĩa là các quốc gia trên thế giới phải hợp tác với luật an ninh quốc gia của Trung Quốc và chịu khuất phục trước sự lãnh đạo của Trung Quốc trong mọi vấn đề an ninh toàn cầu chăng?
Có phải “hợp tác” có nghĩa là nền văn minh toàn cầu trong tương lai phải tuân theo mô hình độc tài của ĐCSTQ là theo dõi, giám sát. và thực thi việc tuân thủ các mệnh lệnh độc đoán của những kẻ cộng sản chăng?
Ồ, nhân tiện đây [tôi] muốn hỏi rằng, bất kỳ ai sống vào thời điểm đó sẽ tự động được đưa vào tương lai của nhân loại, vậy thì lối nói cầu kỳ đó thực sự có ý nghĩa gì ngoài việc chỉ là một nhóm từ bâng quơ nghe có vẻ tử tế đó nhằm mục đích giúp thế giới thoải mái?
Những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích về mối quan tâm của ông Tập Cận Bình đối với người dân
Như tờ China Daily của nhà nước đưa tin, thông điệp năm mới 2023 của ông Tập có lời tuyên bố như thế này: “Những mối quan tâm của nhân dân là điều tôi luôn bận tâm, và nguyện vọng của nhân dân là điều tôi luôn phấn đấu để đạt được.”
Sự thật là mối quan tâm của ông Tập đối với các nhóm thiểu số Trung Quốc bị đàn áp nêu trên, chỉ là mở rộng đến việc họ bị đồng hóa và chuyển đổi sang định nghĩa của cộng sản về “công dân tốt.” Rõ ràng, ông Tập cho rằng người dân Trung Quốc không khao khát các quyền tự do và sự tự do mà người dân ở các quốc gia khác được hưởng, mà họ “khao khát” việc ĐCSTQ tiếp tục áp bức họ mãi mãi.
Ý kiến kết luận
Ông Tập có những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích của riêng mình. Thật không may cho người Trung Quốc và thế giới là những câu chuyện này không hài hước giống như những câu chuyện trong “The Bullwinkle Show” những năm 1960. Bản phóng tác của ông Tập tuân theo định nghĩa ít được sử dụng hơn về sự bắt chước, chẳng hạn như một sự bắt chước có tính lăng mạ, hoặc không chân thành, mang tính khinh bỉ.
Liệu ông Tập có nghiêm túc với tất cả những tuyên bố và khẩu hiệu nghe êm tai đó của ông vốn thường có ý nghĩa hoàn toàn khác với định nghĩa theo nghĩa đen của các nhóm từ khẩu hiệu của ông ấy hay ông ấy chỉ đang cười nhạo chúng ta? Những lời tuyên bố đó là những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích không mang tính hài hước. Chính xác hơn, đó là những câu chuyện trào phúng phỏng theo truyện cổ tích “mang đặc sắc Trung Quốc.”
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times