Những bài học từ thời thiếu nữ của cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Abigail Adams
“Đảm nhiệm bổn phận chưa từng trải qua – đó là tự lo liệu tài chính nuôi con trong 4 năm chồng phục vụ ở Âu Châu, Abigail đã sử dụng khả năng sáng tạo và khám phá tài năng mà bản thân chưa từng nhận ra để hoàn thành mục tiêu của mình.” Tác giả Natalie S. Bober đã viết trong Lời nói đầu cho cuốn tiểu sử về vị nữ trung hào kiệt này được xuất bản năm 1995.
Tác giả Bober nhận định rằng Bà Adams “phải được xem là người phụ nữ của thời đại và cả đối với hoàn cảnh cá nhân của bà.”
“Mặc dù mạnh mẽ lên tiếng cho quyền được học hành của nữ giới và địa vị hợp pháp như nam giới nhưng bà vẫn xem vai trò nội trợ là điều vĩ đại nhất trong cuộc đời mình.” Bober viết: “Đối với bà, một người phụ nữ trí tuệ không hề mâu thuẫn với một người phụ nữ của gia đình.”
Hết lòng phụng sự đất nước và chồng con, bà Adams là một trong những vĩ nhân của lịch sử Mỹ quốc. Kể cả đến hôm nay, mặc dù bà đã qua đời rất lâu rồi, bà vẫn cho chúng ta một hình mẫu tỏa sáng về một người yêu nước mãnh liệt, một người bạn đời đằm thắm, thủy chung, một người mẹ tận tụy và một nhà giáo dục.
Bà Abigail Smith xuất thân là con gái của Bộ trưởng William Smith và phu nhân là bà Elizabeth.
Nhưng giờ đây chúng ta biết đến bà là Abigail Adams (1744–1818), vợ của John Adams và là Đệ nhất phu nhân trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, và là mẹ của vị tổng thống thứ 6 của Hoa Kỳ, John Quincy Adams.
Và chính những lợi khí và tài năng tiềm ẩn của những tháng năm đầu đời đã hun đúc bà trở thành một người xuất chúng như thế.
Người bà yêu quý của Abigail Adams đã nói như vậy.
Mặc dù được nuôi dưỡng bởi một người mẹ coi trọng phép tắc xã hội, Abigail lại là một cô gái độc lập và bướng bỉnh. Cô thường đấu tranh để làm theo cách của riêng mình. Cô làm việc cùng với cha trong mùa cừu sinh sản mặc cho người mẹ cho rằng phụ nữ nên ở trong nhà chứ không phải ở ngoài chuồng trại. Cô thích thú bóc vỏ hạt đậu sau đó sẽ được dọn lên bàn ăn với đồ bằng bạc và vải lanh.
Thiên hướng đi theo con đường của riêng mình và quan điểm cứng rắn biểu hiện nổi bật trong thời gian cô và vị luật sư trẻ John Adams hẹn hò. Có lần, anh gửi cho cô một “Danh sách hàng loạt những khuyết điểm”, trong đó có những lời chỉ trích cô như thiếu kỹ năng chơi bài, không học hát, tư thế ngồi xấu xí và cả thói quen ngồi bắt chéo chân.
Abigail đã đáp hồi đáp lại những lời chỉ trích này.
“Cảm ơn anh nhưng phải thú nhận rằng tôi đã rất nghiêm túc đọc hết những khuyết điểm của mình với niềm vui thích giống như một người đọc những ưu điểm của họ vậy.” Cô viết một cách hài hước.
Điều hối tiếc của cuộc đời Abigail là bà chưa bao giờ được chính thức đến trường. Trong cuộc sống sau này, bà nhận ra rằng điều này đến từ định kiến đương thời là xem nhẹ giáo dục dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, công bằng mà nói, cha mẹ của Abigail lo lắng con gái của họ sẽ dễ bị nhiễm bệnh nếu đi học xa nhà mặc dù có vài trường học ở Massachusetts nhận học sinh nữ.
Bất kể lo ngại của bà, theo tiêu chuẩn ngày nay, chúng ta xem Abigail là người có trình độ học vấn cao qua sự giáo dục từ nhiều người khác nhau. Khi lớn lên, bà công nhận người bà của mình là một trong những người thầy vĩ đại đầu tiên của bà, một người vốn sở hữu “phương pháp vui vẻ vừa dạy học vừa giải trí.” Có lần, bà van nài xin cha cho bà đến trường, cha bà đã nhắc nhở rằng gia đình có ba thư viện để học tập: một là thư viện riêng của gia đình, hai là của ông nội Quincy và ba là của bác Isaac Smith. Kỳ thực, kiến thức phong phú về văn chương, lịch sử và chính trị mà bà có được là từ ba thư viện này.
Một vài gia sư cũng góp phần vào việc học của bà, trong đó có Richard Cranch. Ông là một nhà thần học nghiệp dư, một người yêu văn học và là thợ sửa đồng hồ. Trong tác phẩm “Abigail Adams: Witness to a Revolution” (tạm dịch: Abigail Adams: Nhân chứng cho một cuộc cách mạng), Natalie Bober đã viết: “Cranch có lẽ là người đàn ông đầu tiên khiến cho niềm đam mê học hỏi của Abigail trở nên nghiêm túc. Abby ngưỡng mộ ông ấy.”
Trong những năm niên thiếu, bằng cách trò chuyện với bạn bè về những quyển sách và bài thơ mà họ đã đọc, Abigail đã mở rộng học vấn và kỹ năng viết lách của mình. Những thiếu nữ này đã chủ ý trao đổi thư từ để học tập, đặc biệt là về văn chương cũng như nuôi dưỡng tình bạn thân thiết.
Trong khoảng thời gian này, Abigail đã tập trung vào cải thiện kỹ năng viết. Do khiếm khuyết không được học hành bài bản và chưa từng biết đến các tác phẩm kinh điển bằng tiếng Hy Lạp và Latin nguyên bản nên bà “lo lắng về chữ viết, chính tả và cách bỏ dấu câu và bà đã xin lỗi những người bạn vì hay viết sai.” Tác giả Bober tiết lộ, “Bà ấy mong rằng mọi người sẽ không nghĩ bà thất học.”
Mặc cho những lo lắng phiền phức của bà về những khiếm khuyết trong học tập và việc viết thư vốn được coi là một loại hình nghệ thuật vào thế kỷ 18, cách dạy dỗ Abigail đã hun đúc bà thành một trong những phụ nữ xuất sắc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tính cách ương ngạnh của thời thiếu nữ đã phát triển thành sức mạnh ý chí giúp đưa bà vượt qua những năm tháng dài khi chồng bà vắng nhà. Trong thời gian John dấn thân vào chính trị ở những nơi như Philadelphia và Âu Châu, dựa vào những gì đã học được trước đây, Abigail trông nom nuôi dưỡng và giáo dục con cái, trao đổi hàng hóa để kiếm sống. Mặc dù bà không thích đơn thân chăm lo gia đình nhưng bà không bao giờ buông lơi hay nhụt chí trước bổn phận của mình.
Thất vọng về trình độ học vấn của bản thân khiến bà sớm trở thành người cổ súy cho nữ quyền trong cả lĩnh vực giáo dục và chính trị. Bà đã xuất sắc viết cho người chồng yêu quý của mình, John Adams, rằng hãy “nhớ đến những quý cô” khi ông và những người khác đang nhen nhóm hình mẫu cho Cuộc Cách mạng vào mùa xuân năm 1776. Những bức thư khác còn thúc giục ông trao quyền cho phụ nữ trong cả hôn nhân và chính trị.
Những bức thư của bà viết cho chồng, hay cho những nhà ái quốc như Thomas Jefferson, cho thân nhân trong gia đình và bạn bè đã tạo nên một trong dấu ấn cho quá khứ của chúng ta. Các sử gia đã tìm được trong những bức thư của bà hàng ngàn chi tiết khác nhau, từ những ngày trước Cách mạng Mỹ cho đến thời bà trở thành Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ. Văn phong của bà sắc bén và sống động khiến người ta băn khoăn tự hỏi: Nền học vấn mà bà luôn nuối tiếc đã kiến tạo nên những bức thư xuất sắc này hay khiến cho chúng giảm đi sự tha thiết và nhiệt tâm?
Thời thanh xuân của Abigail Adams – cũng như hàng trăm người Mỹ nổi tiếng khác – đã mang đến những bài học giáo huấn cho các bậc cha mẹ, ông bà và giáo viên ngày nay.
Abigail có thể dễ dàng rẽ vào một cuộc đời hoàn toàn khác, một số phận khác. Mẹ của bà không hài lòng khi John Adams đeo đuổi con gái của bà, xem anh chỉ là “một luật sư quê mùa nghèo khổ, kém phong nhã và lịch thiệp, hay bộc phát thô lỗ mà lại lặng thinh thất thường; không phù hợp với cô con gái thứ mảnh dẻ nhưng đầy tài năng của bà.” Abigail có thể đã khuất phục trước yêu cầu của mẹ cô nhưng cô đã quả quyết chọn John làm chồng – đó là lúc sức mạnh ý chí của tuổi thanh xuân trở nên nổi bật – để cuối cùng cô thay đổi được suy nghĩ của bà Elizabeth.
Thời thiếu nữ của Abigail nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng về sự trưởng thành của con người: Chúng ta rèn giũa tài năng, đến đúng thời điểm chín muồi, chúng ta sẽ nhận được thành quả ngọt nào. Sự rèn luyện và giáo dục mà Abigail nhận được, trong số đó có những việc bà xem là nghịch cảnh, thật sự đã mang lại lợi ích cho bà và giúp bà thành công trong những tháng năm sau này.
Các tiêu chí tương tự có thể áp dụng cho các bạn trẻ của chúng ta. Bằng việc chơi và học, thậm chí cả những thất vọng cay đắng, họ có thể tìm lại chính mình, giống như bà Abigail, vô ý mà trang bị cho mình những lợi khí cần có để chiến thắng và thành công.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times