Nhìn thấu ‘Thuyết tiến hóa’ (Chương 5): Khoa học về luân hồi và cận tử tiết lộ bản chất của sinh mệnh (P.2)
Mời quý vị đón đọc Chuyên đề “Nhìn thấu Thuyết tiến hóa.”
4. Giới thiệu về hiện tượng luân hồi chuyển thế
Con người có kiếp trước không? Sinh mệnh có luân hồi hay không? Câu hỏi này đối với những người có tín ngưỡng Phật, Đạo truyền thống ở phương Đông thì không khó để trả lời.
Rất nhiều người có thể đều đã từng trải qua cảm giác như thế này, khi gặp người mà chúng ta chưa từng gặp lần nào, đôi khi chúng ta có cảm giác đã từng gặp họ ở đâu đó rồi. Rất nhiều người tìm thấy nửa kia của mình đều là vì “yêu từ cái nhìn đầu tiên.” Những hiện tượng này rất dễ lý giải nếu nhìn từ góc độ duyên phận ở kiếp trước.
“Chín người con cùng một mẹ, mỗi người đều khác nhau.” Mỗi một người đều có tính cách, sở thích và tài năng bẩm sinh riêng, ngay cả những cặp song sinh cũng có thể không giống nhau. Những hiện tượng này rất khó giải thích bằng lý thuyết di truyền của sinh vật học, nhưng không khó để giải thích rõ nếu con người có ký ức về kiếp trước.
Những hiểu biết về luân hồi chuyển thế trong văn hóa truyền thống phương Đông phần nhiều chỉ giới hạn trong việc truyền miệng hoặc các ghi chép trong sách cổ. Mặc dù trên các tờ báo và tạp chí nổi tiếng hiện đại có rất nhiều bài báo về các trường hợp này, nhưng mọi người cũng chỉ xem chúng như những câu chuyện xưa để đọc, có rất ít bài báo được nâng lên tầm khoa học để nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Điều bất ngờ là trong gần một thế kỷ vừa qua, ở phương Tây, nơi không có khái niệm luân hồi, đã xuất hiện một số lượng lớn các nhà khoa học với tinh thần tìm kiếm chân lý đáng quý. Để tìm kiếm chân tướng của sinh mệnh, họ đã không ngại khó khăn và thử thách để bước đi trên con đường của những người tiên phong. Những kết quả nghiên cứu tường tận mà họ tổng kết đã đặt nền móng vững chắc cho việc nghiên cứu về luân hồi chuyển thế, đồng thời tiết lộ những sự thật bản chất hơn liên quan đến sinh mệnh của con người.
Trong số đó có các bác sĩ tâm thần nổi tiếng như Giáo sư Ian Stevenson và Tiến sĩ Brian Weiss v.v. Tiến sĩ Weiss từng nói rằng: “Hãy giữ một tâm trí cởi mở,” “Khoa học chân chính bắt đầu bằng việc quan sát” [449]. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng xem câu chuyện về một cô bé người Ấn Độ.
4.1 Bé gái 9 tuổi người Ấn Độ nhận ra người thân nơi đất khách
Vào một ngày năm 1935, tại Muttra, một thành phố thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, thương nhân Kedar đã nhận được một lá thư từ Delhi, cách chỗ anh ở khoảng 145km. Đi kèm với lá thư là hình ảnh của một cô bé mà anh không hề nhận ra. Đọc xong lá thư, anh quả thật cảm thấy choáng váng.
Bức thư được viết bởi Babu, một giáo viên trung học ở Delhi. Bức thư viết rằng một bé gái 9 tuổi tên Shanti ở Delhi tự nhận là Lugdi, người vợ cũ của Kedar và từng có một cậu con trai với anh. Trong thư có viết các chi tiết cá nhân, gia đình và công việc kinh doanh của Kedar mà Shanti mô tả. [450]
Kedar viết thư trả lời rằng thông tin về anh được đề cập trong thư là đúng sự thật. Anh từng có một người vợ tên Lugdi nhưng sau khi sinh ra cậu con trai 10 ngày, cô ấy đã qua đời vì bệnh, đó là chuyện cách đây 9 năm.
Cô bé Shanti Devi ở Delhi, Ấn Độ, sinh vào năm 1926. Từ khoảng 3 tuổi, cô bé đã bắt đầu nhớ ra và kể lại chuyện kiếp trước của mình. Cô bé nói rằng tên trong đời trước của mình là Lugdi, sinh năm 1902 và sau này kết hôn với Kedar Nath Chaubey, một thương nhân buôn vải ở Muttra.
Ban đầu, cha mẹ cô bé tưởng đó chỉ là lời nói vẩn vơ của trẻ nhỏ nên không quan tâm. Tuy nhiên, khi Shanti lặp đi lặp lại câu chuyện của mình và thậm chí thường xuyên xin cha mẹ đưa đến thăm chồng ở Muttra, cha mẹ cô bé mới bắt đầu xem trọng vấn đề.
Năm 1935, khi Shanti 9 tuổi, gia đình cô bé cuối cùng đã viết thư để hỏi liệu có người như Kedar hay không. Sau khi Kedar viết thư xác nhận, anh đã để một người họ hàng đến nhà Shanti, sau đó tự mình đến nhà Shanti mà không báo trước. Shanti đã nhận ra chuẩn xác hai người họ ngay tại nhà.
Năm 1936, sau khi nghe câu chuyện của Shanti, ông Mahatma Gandhi (1869-1948), vị anh hùng dân tộc của Ấn Độ, đã đích thân chỉ định một Ủy ban chuyên gia gồm 15 thành viên để điều tra vấn đề này [451]. Sau khi xác nhận rằng Shanti chưa bao giờ rời Delhi, ủy ban chuyên gia đã đi cùng Shanti trong chuyến thăm đầu tiên của cô bé tới Muttra để chứng kiến việc cô bé nhận dạng người dân và khu vực ở đó.
Tại ga xe lửa ở Muttra, Shanti đã nhận ra được một người họ hàng khác của Kedar trong đám đông. Sau đó, cô bé được đưa lên một chiếc xe hơi, người lái xe chạy theo chỉ dẫn của cô bé và đã đến được nhà của Kedar. Dù ngôi nhà này đã được sơn lại màu khác nhưng cô bé vẫn nhận ra. Có một ông lão xuất hiện gần ngôi nhà, cô bé đã nhận ra chuẩn xác ông ấy là cha của Kedar (bố chồng cô ở kiếp trước). Cô bé đều trả lời chính xác các câu hỏi như cách sắp xếp bố trí các căn phòng và tủ quần áo như thế nào.
Shanti còn nhớ đời trước bản thân đã cất giữ một số tiền trong nhà Kedar. Cô bé chỉ vào một góc phòng trong nhà và nói đó là nơi mình chôn tiền. Khi mọi người đào một cái hố, các nhân chứng đã nhìn thấy một vật dụng dùng để cất giữ những đồ vật có giá trị, nó trống rỗng nhưng Shanti khẳng định cô bé từng để lại một ít tiền trong đó. Cuối cùng Kedar thừa nhận rằng anh đã tìm ra nơi này và lấy đi số tiền đó sau khi vợ mình qua đời.
Về sau, cô bé còn về nhà cha mẹ đẻ ở kiếp trước của mình và nhận diện chính xác hai người họ trong đám đông hơn 50 người, hơn nữa còn gọi chính xác tên của họ.
Nhóm chuyên gia của ông Gandhi kết luận rằng câu chuyện về linh hồn chuyển thế của Shanti là có thật, không phải bịa đặt. Sau khi được đăng tải trên các kênh truyền thông, tin tức này đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.
Ví dụ, tờ American Weekly số ra ngày 12/12/1937 đã đăng một bài báo về trường hợp chuyển sinh của Shanti với tiêu đề: “Cô ấy tái sinh một năm sau khi chết. Các báo cáo chính thức đưa tin rằng Shanti Devi, 11 tuổi, ‘nhớ được’ ngôi nhà ở một thành phố xa xôi nơi cô bé qua đời khi sinh con, nhận ra ‘con trai’ của mình và thuyết phục được ‘chồng’ về danh tính của cô bé bằng cách cung cấp cho anh ấy những thông tin bí mật mà không ai ngoài vợ anh có thể biết” (Born Again the Year After She Died. Official Report Upon 11-Year-Old Shanti Devi, Who “Remembered” the Home in a Distant City From Which She Was Taken to Die In Childbirth, Recognized Her “Son” and convinced Her “Husband” of Her Identity by Giving Him Intimate Details None But His Wife Could Have Known). [452]
Một đứa trẻ 9 tuổi có thể chủ động tìm lại nhà của mình ở kiếp trước và nhận ra các thành viên trong gia đình, điều này không thể giải thích một cách hợp lý bằng trí nhớ, hành vi và nhận thức thông trường của trẻ con. Trước khi Shanti đến Muttra, cô bé đã có thể nói ra những từ mà người dân ở Muttra quen dùng và còn nói chuyện với người dân địa phương bằng tiếng Maratha. Khả năng sử dụng ngôn ngữ này của cô bé là một bằng chứng ấn tượng khác.
Ông Ian Stevenson (1918-2007), bác sĩ tâm thần tại Đại học Virginia ở Hoa Kỳ, đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến Ấn Độ vào những năm 1960 để điều tra và xác minh tất cả những người và sự vật mà Shanti đề cập đến. Báo cáo nghiên cứu của ông Stevenson cho thấy, có ít nhất 24 câu nói về ký ức kiếp trước mà Shanti mô tả chi tiết đã được ông Stevenson xác nhận là hoàn toàn phù hợp với sự thật. Ông cũng cung cấp những chi tiết thực tế này trong báo cáo của mình, và tuyên bố rằng Shanti không đưa ra bất kỳ tuyên bố sai nào về ký ức kiếp trước của cô bé. Điều này đã hoàn toàn chứng minh rằng ký ức kiếp trước của Shanti không phải bịa đặt, mà là sự thật.
4.2 Luân hồi chuyển thế bắt nguồn từ văn hóa truyền thống
Trường hợp của Shanti cho thấy con người sau khi chết có thể tiếp tục chuyển sinh thành con người. Kỳ thực, những trường hợp như vậy luôn tồn tại từ cổ chí kim, có thể nói là ở khắp mọi nơi.
Trong các nền văn hóa truyền thống lâu đời tại các quốc gia trên thế giới đều nói rằng khi nhục thân con người tử vong, thì linh hồn không những không chết mà còn có hiện tượng luân hồi chuyển thế.
Bách khoa toàn thư Britannica định nghĩa “luân hồi” (tái sinh, chuyển sinh, đầu thai) là sự tái sinh của một cá thể tinh thần, nó tiếp tục tồn tại sau khi thân thể tử vong. Cá thể tinh thần bao gồm ý thức, tâm trí, linh hồn, v.v. Nó có thể tiếp tục tồn tại dưới một hoặc nhiều dạng thực thể vật chất hoặc tinh thần kế tiếp nhau. Những thực thể này có thể là con người, động vật, thực vật hoặc Thần linh. [453]
Luân hồi trong Phật giáo là chỉ sinh mệnh không phải là một cuộc đời đơn lẻ mà là một chu kỳ tuần hoàn. Cái chết là sự kết thúc một đoạn đường của sinh mệnh, đồng thời là sự khởi đầu của một đoạn đường khác. [454]
Luân hồi còn gọi là “tái sinh” (rebirth), giống như cơ thể vật chất của chúng ta mặc quần áo, linh hồn cũng có thể “mặc” một số dạng cơ thể nhất định giống như quần áo vậy. Khi quần áo trở nên cũ và vô dụng, chúng ta sẽ vứt chúng đi và mua quần áo mới để mặc. Khi nhục thân chúng ta chết đi, linh hồn chúng ta sẽ tìm một “thân thể” mới để “mặc vào,” đây chính là sự luân hồi chuyển thế. [455]
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato cũng từng thảo luận về chủ đề tái sinh và sự bất tử của linh hồn trong cuốn “Phaedrus” [456].
Trang Tử của trường phái Đạo gia ở Trung Quốc cũng cho rằng sinh mệnh của con người là tuần hoàn lặp đi lặp lại, giống như sự thay đổi của các mùa trong tự nhiên. Trong các tài liệu lịch sử truyền thống của Trung Quốc cũng có ghi lại một số lượng lớn các câu chuyện lịch sử về luân hồi.
4.3 Những người tiên phong nghiên cứu về luân hồi ở phương Tây
Giáo sư tâm lý học người Thụy Sĩ Théodore Flournoy (1854-1920) là một trong những khoa học gia đầu tiên ở phương Tây nghiên cứu ký ức tiền kiếp. Ông Flournoy là Chủ tịch Đại hội Tâm lý học Quốc tế lần thứ sáu, và cũng là Giám đốc Khoa Tâm lý học Thực nghiệm tại Đại học Geneva. Ông từng tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về trường hợp của một người tên là Hélène Smith. Cô Smith có công việc ổn định, thân thể khỏe mạnh, tinh thần tốt, là người trung thực. Cô có thể giao tiếp với các linh hồn và cung cấp thông tin về kiếp trước cho người khác [457]. Vào năm 1900, ông Flournoy đã xuất bản cuốn “Từ Ấn Độ đến hành tinh sao Hỏa” (From India to the Planet Mars), trong đó ghi lại những quan sát và phân tích của ông về cô Smith.
Vì chịu sự chỉ dẫn sai lầm của Thuyết tiến hóa, khi những trường hợp đầu tiên về hiện tượng luân hồi chuyển thế xuất hiện, thì chúng từng được xem là lĩnh vực bị cấm trong giới khoa học phương Tây. Chính vào thời điểm này, ông Ian Stevenson (1918-2007), Bác sĩ tâm thần tại Đại học Virginia ở Charlottesville, Hoa Kỳ, đã điều tra với thái độ nghiêm túc hàng ngàn trẻ em có ký ức về luân hồi, là người khơi dòng cho nghiên cứu về luân hồi chuyển thế. [458]
Đại học Virginia là một trong những trường đại học công lập tốt nhất Mỹ quốc, được thành lập bởi Tổng thống Jefferson, người sáng lập nước Mỹ và là tác giả của Tuyên ngôn Độc lập.
Ông Ian Stevenson sinh ra ở Ottawa, Canada, là con trai của một luật sư. Ông nhận bằng Bác sĩ Y khoa tại Đại học McGill vào năm 1943 và được đào tạo về phân tâm học vào năm 1951. Ông tốt nghiệp Học viện Phân tâm học Washington năm 1958 và sau đó trở thành Bác sĩ tâm thần trẻ em tại Bệnh viện Đại học Virginia. [459]
Nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson trong lĩnh vực tâm thần học truyền thống đã được các đồng nghiệp trong lĩnh vực này ca ngợi là một hình mẫu về tư duy logic và lối viết rõ ràng. Ví dụ, bác sĩ tâm thần Harold Lief đã chứng kiến tận mắt sự tỉ mỉ cẩn thận của ông Stevenson trong việc thu thập dữ liệu khi hợp tác nghiên cứu với ông về hành vi học. Ông cũng rất ấn tượng trước sự rõ ràng và chặt chẽ trong tư duy của ông Stevenson, vậy nên rất ngưỡng mộ đối với ông Stevenson. [460]
Năm 1957, ở tuổi 39, ông Stevenson đã được bổ nhiệm làm Giáo sư kiêm Chủ nhiệm Khoa Tâm thần học tại Đại học Virginia. Tính đến thời điểm đó, ông đã xuất bản khoảng 60 luận văn nghiên cứu y học trên các tạp chí chủ lưu về tâm thần học. Ông Stevenson là một Giáo sư Chủ nhiệm (Chair Professorship), đây là chức danh phía trên “Full Professorship,” các học giả nhận được danh hiệu này là những Giáo sư đặc biệt xuất sắc và có thành tựu trong lĩnh vực tương ứng của họ.
Năm 1958, để tưởng nhớ nhà tâm lý học và triết học người Mỹ William James (1842-1910), Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh Hoa Kỳ (ASPR) đã tổ chức một cuộc thi để tìm ra luận văn hay nhất về “Hiện tượng siêu tâm linh và sự liên quan của chúng với câu hỏi về sự tồn tại của tinh thần sau khi nhục thân tử vong.” Ông Stevenson đã tiến hành phân tích y tế toàn diện với 44 trường hợp có ký ức tiền kiếp được đăng trên các báo và tạp chí. Báo cáo nghiên cứu mà ông viết đã đạt được giải thưởng trong cuộc thi [461]. Ông đã chính thức xuất bản hai luận văn học thuật liên quan vào năm 1960 [462] [463].
Ông Stevenson rất ấn tượng trước sự tương đồng giữa các trường hợp luân hồi chuyển thế tại các quốc gia khác nhau. Ông nói: “Khi đặt 44 trường hợp này lại với nhau, tôi cảm thấy trong đó chắc chắn phải có điều gì đó, [đây là điều] không thể né tránh.”
Sau khi luận văn của ông Stevenson được xuất bản vào năm 1960, bà Eileen Garrett, Giám đốc Quỹ Siêu tâm lý học đã hay tin về một trường hợp tương tự và đề nghị ông Stevenson tới Ấn Độ để điều tra. Thế là ông Stevenson tới Ấn Độ để đích thân điều tra 25 trường hợp, tiếp đó lại điều tra 7 trường hợp ở Ceylon (nay là Sri Lanka). Sau khi điều tra, ông nhận ra rằng trẻ em có ký ức tiền kiếp là hiện tượng phổ biến ở vùng này.
Sau khi trở về từ Ấn Độ và Ceylon không lâu, ông Stevenson đã nhận được tin nhắn từ ông J. B. Rhine, Giám đốc Phòng thí nghiệm Siêu tâm lý học tại Đại học Duke. Ông Rhine nhận được một lá thư từ Alaska liên quan đến một trường hợp có ký ức tiền kiếp, và ông đã chuyển nó cho ông Stevenson. Ông Stevenson sau đó đã đi đến Alaska, nơi ông tìm thấy những trường hợp tương tự ở bộ lạc Tlingit.
Năm 1966, Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh Hoa Kỳ đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của ông Stevenson mang tên “Hai mươi trường hợp gợi ý về sự luân hồi” (Twenty Cases Suggestive of Reincarnation) [464]. Cuốn sách là bản tóm tắt chi tiết báo cáo của ông Stevenson sau khi kiểm chứng cẩn thận xem lời khai của những trẻ em có phù hợp với thực tế hay không. Trong đó bao gồm danh sách tất cả những người mà ông Stevenson đã phỏng vấn và một danh sách dài mọi phát ngôn mà những đứa trẻ đưa ra về kiếp trước, chúng đều có nguồn gốc và đã được kiểm chứng là chính xác. Ông Stevenson đã trình bày những trường hợp này một cách khách quan và không thiên vị.
Sau khi cuốn sách được xuất bản, Tạp chí Tâm thần học Hoa Kỳ nhận xét rằng những trường hợp được ghi chép tường tận này đã đủ để thuyết phục mọi người về sự tồn tại hợp lý của luân hồi.
Sau đó, ông Stevenson đã nhận tiền quyên góp từ ông Chester Carlson, người phát minh ra chiếc máy photocopy đầu tiên. Ông Stevenson từ chức Chủ nhiệm Khoa Tâm thần học vào năm 1967, và thành lập một “Bộ phận Nghiên cứu Nhận thức” (Division of Perceptual Studies) cỡ nhỏ. Tại đây, ông bắt đầu toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu và điều tra về luân hồi.
Cứ như vậy, ông Stevenson đã dành 40 năm để thu thập hơn 2,500 trường hợp về trẻ em có ký ức kiếp trước. Các nơi trên thế giới đều có dấu chân của ông, chẳng hạn như Ấn Độ, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Thái Lan, Myanmar cũng như Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ. Để điều tra và thu thập chứng cứ, có khi một năm ông phải di chuyển hơn 50,000 dặm.
Từ năm 1975 đến năm 1983, Nhà xuất bản Đại học Virginia đã lần lượt xuất bản loạt sách “Những trường hợp luân hồi” của ông Stevenson, trong đó bao gồm phân tích tường tận đối với hơn 40 trường hợp, tổng cộng có bốn tập. [465]
Ông Stevenson đã xuất bản ít nhất 10 tác phẩm nghiên cứu chuyên ngành về luân hồi, bao gồm “Luân hồi và Sinh vật học: Những đóng góp cho nguyên nhân của vết bớt và dị tật bẩm sinh” (hai bộ chuyên khảo, tổng cộng hơn 2,000 trang) [466], “Những trường hợp ở châu Âu về luân hồi” [467], “Những điểm giao thoa giữa luân hồi và sinh vật học” [468], v.v.
Ngày 01/12/1975, Bác sĩ Lester S. King của tập san Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) đã bình luận về tập đầu tiên của loạt sách “Những trường hợp luân hồi” rằng: “Liên quan đến sự luân hồi, ông ấy (ông Stevenson) đã tập hợp một cách cẩn thận và khách quan một loạt các trường hợp chi tiết từ Ấn Độ, những bằng chứng mà rất khó có thể giải thích bằng cách khác.” Bài bình còn cho biết: “Ông ấy (ông Stevenson) đã ghi lại một lượng lớn dữ liệu không thể xem nhẹ.” [469]
Năm 1977, tập san “Thần kinh và Bệnh tâm thần” đã xuất bản luận văn “Giá trị giải thích của khái niệm luân hồi” [470] của ông Stevenson. Bài luận văn này đã thu hút hơn một ngàn yêu cầu in lại từ các khoa học gia trên khắp thế giới. Chủ bút của tập san lúc bấy giờ là ông Eugene Brody (1921-2010), Bác sĩ tâm thần nổi tiếng người Mỹ, Chủ tịch Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới, ông tốt nghiệp Trường Y Harvard [471].
Cùng năm đó, ông Brody cũng xuất bản một luận văn khác của ông Stevenson với nhan đề “Nghiên cứu bằng chứng về sự tồn tại của con người sau khi chết: một cuộc khảo sát phê bình mang tính lịch sử kèm một bản tóm tắt những diễn biến gần đây” (Research into the evidence of man’s survival after death: a historical and critical survey with a summary of recent developments), cùng với bình luận của một số học giả khác. Một bình luận trong số đó là của Bác sĩ tâm thần Harold Lief: “Hoặc là ông ấy (ông Stevenson) đã phạm một sai lầm rất lớn, hoặc là ông ấy sẽ được ca ngợi là ‘Galileo của thế kỷ 20’.” [473]
Một bài báo trên Tập san Y khoa Anh quốc (British Medical Journal) vào năm 2007 đã ghi lại bình luận từ đồng nghiệp lâu năm của ông Stevenson, bác sĩ Emily Kelly, rằng: “Ông ấy (Stevenson) tin rằng những bằng chứng nghiên cứu được đưa ra đủ để thuyết phục một người có lý trí tin vào luân hồi.” [474]
Sau khi ông Stevenson qua đời, Tiến sĩ Jim Tucker của Đại học Virginia ở Hoa Kỳ đã kế thừa sự nghiệp của ông và tiếp tục kiên trì nghiên cứu. Cho đến hiện tại, luân hồi đã trở thành một nhánh quan trọng của tâm thần học và siêu tâm lý học ở phương Tây.
5. Những trường hợp đầu thai điển hình
Mặc dù khoa học thực chứng của phương Tây không phải là phương pháp tốt nhất để nghiên cứu về luân hồi chuyển thế, nhưng quy luật đằng sau hiện tượng luân hồi chuyển thế cũng có thể được tóm tắt và tổng kết bằng logic của khoa học thực chứng.
Những trẻ em có ký ức về luân hồi mà ông Stevenson nghiên cứu thường có nhiều đặc điểm rõ ràng [475], điển hình như sau:
Thông thường bắt đầu từ 2 đến 4 tuổi, những đứa trẻ này sẽ tự giác kể lại chi tiết về kiếp trước của mình, thường thì kiếp trước là gia đình người bình thường chứ không phải là hoàng tử, quý tộc hay người nổi tiếng. Mãi cho đến khi 8 tuổi, những câu chuyện về kiếp trước của chúng mới chấm dứt.
Những trẻ em có ký ức luân hồi thường ở trạng thái tinh thần bình thường và không gặp vấn đề gì về tâm lý xã hội. Mặc dù còn rất nhỏ nhưng các em lại biết hoàn cảnh cụ thể của gia đình kiếp trước cách xa hàng ngàn dặm, cũng như chi tiết về những chuyện đã xảy ra cách đây hơn mười năm hoặc thậm chí lâu hơn, những chi tiết này thường chính xác đến 90%.
Hai phần ba số người và sự vật trong kiếp trước mà những đứa trẻ này mô tả đều có thể được tìm thấy và kiểm chứng [476]. Khi lần đầu tiên gặp gia đình ở kiếp trước, các em có thể xác định chính xác các thành viên trong gia đình mà không cần ai nói; các em thường biết những bí mật mà chỉ những thành viên trước đây trong gia đình mới biết; rất nhiều trẻ thậm chí có thể nói được ngôn ngữ của vùng nơi chúng sống ở kiếp trước. Các thành viên trong gia đình ở kiếp trước của chúng thường bị thuyết phục và chấp nhận đứa trẻ là người thân đã khuất của họ chuyển sinh.
Những trẻ em này thường có trí lực phát triển bình thường. Các em có những sở thích, thói quen và đặc điểm hành vi giống với kiếp trước. Ví dụ, nếu một đứa trẻ nhớ ra kiếp trước là một người giàu có với rất nhiều người hầu, cháu sẽ cố gắng từ chối làm bất kỳ công việc nhà hoặc những công việc tầm thường nào khác, bất kể gia đình hiện tại của cháu có nghèo đến đâu.
Trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ này sẽ có vết bớt hoặc dị tật bẩm sinh mà vị trí và hình dáng tương ứng với những vết thương trí mạng trên cơ thể chúng ở kiếp trước. Các em thường nhớ được chi tiết về quá trình tử vong, đó thường là do tai nạn, bạo lực hoặc là đột tử.
Dưới đây, chúng tôi sẽ tổng hợp các trường hợp luân hồi đã được xác minh bằng các cuộc điều tra và nghiên cứu độc lập. Một số được tái sinh vào những gia đình khác với kiếp trước, một số được tái sinh vào cùng một gia đình như ở kiếp trước, một số thậm chí còn kiếp trước là động vật, kiếp này là người.
5.1 Cuộc sống quá khứ và hiện tại của phi công quân sự người Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến
Ông Bruce Leininger và bà Andrea Leininger là một cặp vợ chồng ở Louisiana, Hoa Kỳ. Ban đầu họ không tin vào luân hồi, tuy nhiên hành vi của con trai họ đã khiến quan niệm của họ thay đổi.
Người con trai James Leininger của họ sinh ra ở Louisiana, Hoa Kỳ vào năm 1999. Ngay từ khi còn nhỏ, James đã tỏ ra rất hứng thú với phi cơ. Một lần, bà Andrea mua cho James một chiếc phi cơ đồ chơi và nói với cậu rằng bên dưới phi cơ có thứ gì đó trông giống như một quả bom, James nhanh chóng đính chính với mẹ rằng: “Đó không phải là bom, đó là thùng thả (Drop tank).” Người lớn cũng rất ít nghe nói đến thùng thả chứ đừng nói đến một đứa trẻ 3 tuổi.
Trong thời gian từ 2 đến 4 tuổi, James thường kể cho cha mẹ nghe câu chuyện về một cựu phi công chiến đấu, đồng thời mô tả chi tiết một cách kinh ngạc. Có một lần, James nói với họ rằng phi cơ của cậu đã bị quân Nhật bắn trúng và bị rơi.
James kể rằng động cơ của chiếc chiến đấu cơ Corsair mà cậu lái đã bị pháo bắn trúng ở Iwo Jima, vậy nên cậu đã thiệt mạng, đồng thời nói rằng những chiếc chiến đấu cơ đó thường bị nổ lốp. Cậu còn đề cập đến tên của hàng không mẫu hạm Natoma, nơi phi cơ của cậu cất cánh và hạ cánh, cũng như tên của một phi công khác đã thực hiện nhiệm vụ cùng cậu là Jack Larson.
Để kiểm chứng những gì con trai mình nói, xem đó là một trò đùa trẻ con hay lịch sử có thật, ông Bruce đã tiến hành một phen điều tra nghiên cứu cẩn thận. Ông đã đích thân đến nhiều nơi để phỏng vấn một số cựu chiến binh và những người có liên quan từng phục vụ trên hàng không mẫu hạm Natoma. Ông phát hiện mọi điều con trai nói đều đúng. Ví dụ như vào năm 1945, một phi công người Mỹ tên là James M. Huston Jr. đã không may bị bắn và thiệt mạng trên đảo Iwo Jima khi đang thực hiện nhiệm vụ ở Thái Bình Dương. Natoma là tên một hàng không mẫu hạm do quân đội Mỹ vận hành ở Thái Bình Dương vào thời điểm đó, và cũng xác thực có người tên Jack Larson tồn tại.
Ông Bruce còn tìm thấy một cựu chiến binh tên là Ralph Clarbour. Theo ký ức của người này, trong cuộc đột kích đảo Iwo Jima vào ngày 03/03/1945, chiến đấu cơ của James Huston đã kề vai sát cánh với phi cơ của ông. Ông đã tận mắt chứng kiến một quả đạn phòng không bắn thẳng vào động cơ của James Houston.
Ông Bruce cũng tìm cách liên lạc được với người thân duy nhất còn lại của James Houston. Đó là người chị Anne Barron 84 tuổi, nhờ đó chị em xa cách đã được đoàn tụ. Bà Anne nói: “Thật ngạc nhiên là cậu bé có thể nhớ lại những trải nghiệm của James lúc còn sống, đồng thời mô tả chúng một cách chi tiết và sống động như vậy, quả thực khiến người ta kinh ngạc, không thể tin được!”
Cậu bé James đời này chưa từng tiếp xúc với bất kỳ tin tức nào liên quan đến Đệ nhị Thế chiến, hơn nữa còn thường xuyên gặp ác mộng liên quan đến phi cơ. Mẹ của bà Andrea từng đề nghị bà tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ trị liệu Carol Bowman. Bà Bowman là chuyên gia nghiên cứu về luân hồi.
Với sự giúp đỡ của bà Bowman, cậu bé James bắt đầu chia sẻ ngày càng nhiều ký ức kiếp trước của mình với người khác. Điều thú vị là trong cả hai kiếp sống, cậu đều được đặt tên là James. Điều bất ngờ là, những cơn ác mộng của cậu cũng bắt đầu giảm đi đáng kể.
Cả ông Bruce và bà Andrea đều có trình độ học vấn cao đẳng. Giống như rất nhiều người hiện đại, cặp vợ chồng trẻ chưa từng nghe nói và cũng không tin vào chuyện luân hồi. Nhưng từ cậu con trai James, họ đã chứng kiến hàng loạt sự việc mà trước đây họ từng cho là không thể tin nổi. Họ vô cùng bàng hoàng, điều này đã thay đổi hoàn toàn nhận thức trước đây của họ. Giờ đây, họ không còn nghi ngờ gì về sự tồn tại của luân hồi.
Cặp vợ chồng Leininger đã xuất bản một cuốn sách dựa trên trải nghiệm của con trai họ với tựa đề “Linh hồn may mắn sống sót: Sự tái sinh của một phi công chiến đấu trong Đệ nhị Thế chiến” (Soul Survivor: The Reincarnation of A World War II Fighter Pilot). Cuốn sách trình bày chi tiết những nỗ lực của họ trong nhiều năm, trải qua xác minh từng bước, cuối cùng họ xác nhận rằng con trai của họ – James Leininger – chính là phi công người Mỹ James M. Huston Jr. đã mất trong Đệ nhị Thế chiến. Cuốn sách này đã thu hút sự chú ý của nhiều kênh truyền thông ở Hoa Kỳ như CNN v.v. Câu chuyện về sự luân hồi của James cũng nhờ vậy mà từng trở thành chủ đề nóng hổi ở Hoa Kỳ. [477]
Làm sao một cậu bé 3 tuổi có thể biết về thùng thả và nhiều chi tiết về phi cơ, sự kiện lịch sử và nhân vật trong Đệ nhị Thế chiến như vậy? Điều này rõ ràng vượt quá khả năng hiểu biết và nhận thức của một đứa trẻ về lịch sử và khoa học. Chỉ có một cách giải thích hợp lý nhất, đó chính là ký ức chân thực của James đối với những gì đã trải qua ở kiếp trước.
Tiến sĩ Jim Tucker bình luận về trường hợp này rằng: “Đây là một ví dụ nổi bật về hiện tượng trẻ em nhớ được kiếp trước … Chúng ta thật may mắn khi có một người hướng dẫn trong câu chuyện này, ông Bruce, cha của James, người đã tiếp cận tình huống với một thái độ nghiêm túc. Ông đã kiên trì nghi ngờ mọi thông tin cho đến khi chúng có thể được xác minh để đi đến một kết luận cuối cùng rằng, James thực sự đã nhớ được về cuộc sống của người phi công đã mất trong Đệ nhị Thế chiến. Bất cứ ai quan tâm đến khả năng tồn tại của ký ức kiếp trước, hoặc cho rằng chúng có thể dễ dàng bị loại bỏ, đều cần đọc cuốn sách này.”
5.2 Tín đồ Cơ Đốc ở Sri Lanka tái sinh thành Phật tử
Vào tháng 11 năm 1962 tại Colombo, thủ đô của Sri Lanka, một cậu bé tên là Gamini Jayasena đã được sinh ra trong một gia đình Phật giáo. Khi Gamini được khoảng 2, 3 tuổi, cậu bắt đầu nói rằng mình có kiếp trước, đồng thời mô tả hoàn cảnh ở kiếp trước của mình. Cậu kể rằng mẹ cậu ở kiếp trước cao hơn người mẹ hiện tại và có một chiếc máy khâu. Cậu đề cập đến việc từng bị một người cắn, người đó cũng từng bị chó cắn. Cậu nhớ rằng cậu có một chiếc cặp, bên trong đựng sách và một con voi đồ chơi, cậu thường tắm cho con voi đồ chơi đó.
Khi được khoảng 2, 3 tuổi, Gamini Jayasena bắt đầu bộc lộ nỗi nhớ về kiếp trước và mong được trở về quê hương trước đây. Cậu cũng thể hiện kiến thức về những thứ như đèn điện, mặc dù trong nhà không có những thứ này. Cậu còn thể hiện đức tin và thói quen của một tín đồ Cơ Đốc, chẳng hạn như cầu nguyện trước Thánh giá và thích lễ Giáng Sinh v.v.
Năm 1965, khi Gamini được 3 tuổi, gia đình cậu đã đưa cậu đến Nittambuwa, một thành phố cách Colombo 35km về phía đông bắc. Khi người thân thích của cậu đi xe hơi đến nơi, cậu đã chỉ vào con hẻm nơi mình từng ở và yêu cầu xe dừng lại. Cậu bước vào con hẻm và chỉ ra ngôi nhà nơi mình từng sống ở kiếp trước, cậu còn đi theo một con đường khác dẫn đến nhà chú Charlie.
Lúc này trước căn nhà đó có một nhóm lớn họ hàng bè bạn. Để kiểm tra xem Gamini có thực sự nhớ được kiếp trước hay không, người thân của cậu đã yêu cầu cậu tặng một món quà cho người mẹ ở kiếp trước. Kết quả, cậu dễ dàng nhận ra bà ấy, và còn nhận ra hai người anh trai của mình ở kiếp trước giữa đám đông.
Kiếp trước của Gamini là Palitha Senewiratne, sinh năm 1952, là một tín đồ Cơ Đốc giáo, rất thân thiết với mẹ và thích may vá, nhưng lại không thân với cha. Cậu qua đời vì bệnh tật vào ngày 28/07/1960, khi mới 8 tuổi.
Khi Gamini được đưa về nhà Palitha Senewiratne ở kiếp trước, cậu đã biểu hiện tình cảm thân thiết với người mẹ ở kiếp trước của mình và rất vui khi được ở bên bà. Ngược lại, khi người cha kiếp trước cố gắng nắm tay Gamini, cậu đã khóc và không muốn ở gần ông ấy.
Đây là trường hợp tái sinh chi tiết nhất mà ông Stevenson từng nghiên cứu, và cũng là trường hợp mà ông dành nhiều thời gian phỏng vấn nhất. Giữa Palitha Senewiratne và gia đình của Gamini Jayasena không có người quen nào cả, cũng không có bạn chung nào trước đây.
Ông Stevenson kết luận rằng có rất nhiều điểm tương đồng về tính cách và hành vi giữa Palitha và Gamini. Palitha và Gamini đều mê voi, thích trồng cây trong vườn, thích ăn thịt gia cầm và cà ri, nhưng không thích ăn thịt bò, đồng thời đều là những cậu bé rất năng động và hoạt bát. Về mặt trang phục cũng có sự tương đồng. Hầu hết con trai ở Sri Lanka đều để áo sơ mi lộ ra bên ngoài quần, nhưng Palitha và Gamini thích nhét áo sơ mi vào trong hơn. Ông Stevenson cho biết tại trường mà Palitha theo học, các nam sinh phải nhét áo sơ mi vào trong quần, đây rất có thể là nơi mà Palitha và Gamini đã hình thành thói quen này. Ngoài ra, phản ứng của Gamini đối với các thành viên trong gia đình ở kiếp trước cũng phù hợp với cảm nhận của cậu ở kiếp trước về những người đó.
Sự việc này đã dẫn đến sự chú ý của các gia đình theo đạo Cơ Đốc ở Sri Lanka, bởi vì nó thách thức niềm tin tôn giáo của những tín đồ Cơ Đốc. Mặc dù cha của Palitha và chú Charlie đều là tín đồ Cơ Đốc, trong tín ngưỡng của họ không có khái niệm luân hồi như Phật giáo, nhưng cuối cùng họ đều tin rằng Gamini chính là Palitha ở kiếp trước. Cha của Palitha nói: “Là những tín đồ Cơ đốc, chúng tôi không nên tin vào những tuyên bố này, nhưng thằng bé (Gamini) đã nhận ra tất cả chúng tôi. Tôi tin rằng thằng bé chắc chắn là đứa con trai tái sinh của chúng tôi.”
Trường hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về luân hồi. Nó cho thấy hiện tượng luân hồi có thể vượt qua tín ngưỡng tôn giáo và không liên quan gì đến tín ngưỡng vốn có của con người. Nó cũng gián tiếp cho thấy hiện tượng luân hồi tồn tại một cách khách quan và không bị giới hạn bởi tín ngưỡng tôn giáo.
Trường hợp tái sinh này đã được ghi lại trong tác phẩm nghiên cứu mang tên “Các trường hợp thuộc loại tái sinh: Tập 2: Mười trường hợp ở Sri Lanka. Charlottesville, VA: Nhà xuất bản Đại học Virginia (1980)” [Cases of the Reincarnation Type: Vol. 2:. Ten Cases in Sri Lanka. Charlottesville, VA: University Press of Virginia (1980)] của ông Stevenson. Ông Walter Semkiw, một bác sĩ ở California, Hoa Kỳ, đã chia sẻ trường hợp này trên trang web “Nghiên cứu về Luân hồi” với nhan đề “Luân hồi và sự thay đổi tôn giáo: Câu chuyện về một cựu Cơ đốc nhân, Palitha Senewiratne, đã tái sinh thành một Phật tử dưới cái tên Gamini Jayasena” [478].
5.3 Hai chị em người Anh qua đời cùng ngày chuyển sinh thành cặp song sinh
Một cặp chị em còn trẻ ở Anh đã chuyển sinh thành cặp song sinh của cha mẹ ruột sau khi họ qua đời, nối tiếp mối tiền duyên của họ. Hai chị em song sinh không chỉ nhớ được từng mảnh ký ức ở kiếp trước mà vết bớt của một trong hai người cũng phù hợp với đặc điểm ở kiếp trước. [479]
Cặp vợ chồng người Anh, ông John Pollock và bà Florence Pollock đều gia nhập Giáo hội Công giáo La Mã và có hai cô con gái: Joanna (sinh ngày 25/03/1946) và Jacqueline (sinh ngày 13/04/1951). Mối quan hệ giữa hai chị em rất thân thiết. Joanna rất quan tâm đến em gái Jacqueline, người kém cô bé 5 tuổi.
Khi Jacqueline lên 3 tuổi, cô bé đã bị ngã và đập trán vào một cái xô, để lại vết sẹo trên trán phải gần gốc mũi. Khi trời trở lạnh, vết sẹo này càng rõ ràng hơn.
Ngày 05/05/1957, khi hai chị em đang đi bộ từ nhà đến nhà thờ thì bị một chiếc xe hơi đi trên vỉa hè tông phải, khiến hai chị em tử vong tại chỗ. Lúc đó Joanna 11 tuổi và Jacqueline 6 tuổi.
Ngày 04/10/1958, một năm rưỡi sau đó, bà Florence đã sinh hạ hai cô bé song sinh giống hệt nhau, đặt tên là Gilliam và Jennifer.
Jennifer có một vết bớt trên trán phải gần gốc mũi giống như vết sẹo của Jacqueline, còn Gilliam thì không có vết sẹo nào trên đầu, vì vậy, vết bớt của Jennifer không thể giải thích được từ góc độ di truyền. Khi Gilliam được khoảng 3 tuổi, cô bé chỉ vào vết bớt trên trán Jennifer và nói rằng: “Đây là vết bớt lưu lại sau khi Jennifer đụng phải cái xô.”
Khi cặp song sinh được tầm 3, 4 tuổi, chúng thể hiện những hành vi tương tự như của hai chị em Joanna và Jacqueline, đồng thời kể lại những gì Joanna và Jacqueline đã trải qua. Ông bà Pollock đã lấy đồ chơi của hai cô con gái quá cố ra. Gilliam đã chọn con búp bê và máy xay thịt đồ chơi của Joanna, còn Jennifer lấy con búp bê của Jacqueline. Hai bé còn cho biết những đồ chơi này là của ông già Noel. Trên thực tế, đây chính là những món quà Giáng Sinh mà ông bà Pollock đã tặng cho Joanna và Jacqueline năm đó.
Cặp song sinh cũng nhớ và mô tả lại những chiếc xích đu ở Công viên Hexham và vụ tai nạn chết người đó. Jennifer còn nhận ra chiếc áo sơ mi mà bà Florence đã mặc khi bà sống cùng hai cô con gái trước đây.
Gilliam thì giống như Joanna, thích viết và chơi các trò chơi nhập vai dành cho trẻ em với trang phục và đạo cụ, đồng thời quan tâm sâu sắc đến Jennifer như Joanna đã đành cho Jacqueline.
Câu chuyện luân hồi của Joanna và Jacqueline đã được đăng lên báo và gây ra nhiều tranh luận, cuối cùng gia đình Pollock đã rời bỏ Giáo hội Công giáo. Mặc dù ban đầu bà Florence không tin vào luân hồi, nhưng thông qua quan sát hành vi của hai cô con gái, bà tin rằng hai chị em đã khuất đã chuyển sinh thành hai cô con gái song sinh hiện tại của mình.
Ông Stevenson đã biên soạn nhiều trường hợp song sinh tái sinh, đây là cặp song sinh có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ với kiếp trước của họ, bao gồm vết bớt, tài năng, sở thích và ký ức địa lý từ kiếp trước, v.v.
Trường hợp này được trích từ cuốn sách “Luân hồi và Sinh học: Những đóng góp cho nguyên nhân của vết bớt và dị tật bẩm sinh” (Reincarnation and Biology: A Contribution to the Etiology of Birthmarks and Birth Defects) của ông Stevenson [480]. Ông Walter Semkiw đã chia sẻ trường hợp luân hồi này trên trang web “Nghiên cứu về luân hồi,” cho thấy các linh hồn có thể lên kế hoạch cho đời sau của mình để đoàn tụ lại lần nữa.
5.4 Hiện tượng “người tái sinh” ở Hồ Nam
Điều đáng tiếc là các trường hợp ở Trung Quốc không được ông Stevenson ghi chép và nghiên cứu. Tại làng Bình Dương, huyện tự trị Thông Đạo, thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, có một nhóm người tộc Động có thể nhớ rõ ràng trải nghiệm đời trước của mình, được mọi người gọi là hiện tượng “người tái sinh.” Sự việc này có sự tương đồng đáng kinh ngạc với các trường hợp tái sinh được ông Stevenson nghiên cứu. [481]
Ngày 29/12/2014, trang web Phượng Hoàng (Ifeng.com) đã đưa tin về hiện tượng “người tái sinh” ở làng Bình Dương dựa trên tư liệu chương trình “Đặc biệt truyện chân” của Đài Truyền hình Giáo dục Thượng Hải. Bài tin đề cập đến một cuộc khảo sát do Trạm văn hóa làng Bình Dương thực hiện, nhân khẩu của làng Bình Dương là 7,800 người, trong đó có hơn 100 người tái sinh đang sống.
Ngày 19/06/2015, “Bắc Kinh báo” cũng đăng một bài viết trích dẫn số liệu thống kê từ Trạm văn hóa làng Bình Dương, cho rằng đây là “nhóm tái sinh lớn nhất và tập trung nhất được biết đến trên phạm vi thế giới.” [482]
Sau khi được sinh ra, những người tái sinh có thể mô tả chi tiết họ tên, nơi ở, kinh nghiệm, hoàn cảnh sống chết và thậm chí cả người thân, hàng xóm ở đời trước, v.v. Một số thậm chí có thể tìm thấy nơi ở hoặc nơi an táng trước đây của họ, lần nữa nối duyên với những người thân ở đời trước.
Những người tái sinh ở làng Bình Dương đều có những đặc điểm chung, phần lớn đời trước mà họ kể lại đều là những cái chết bất thường, khiến gia đình họ vô cùng đau buồn, hơn nữa đa số đều đầu thai vào chính gia tộc của mình. Lần đầu tiên những “người tái sinh” kể lại chuyện đời trước của mình thường là khi mới tập nói, tức là khi khoảng 2 tuổi thì kể lại cho người trong gia tộc, còn người ngoài thì biết được thông qua người trong gia tộc kể lại.
Năm 2011, các quan chức ở huyện Thông Đạo và các chuyên gia liên quan của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu về hiện tượng người tái sinh ở làng Bình Dương, bao gồm cả việc sử dụng máy dò nói dối. Cuộc khảo sát cho thấy những “người tái sinh” không nói dối, đồng thời loại trừ khả năng cường điệu giả tạo, kết luận “khẳng định có tồn tại hiện tượng người tái sinh.” Các chuyên gia cho rằng hiện tượng “người tái sinh” rất có giá trị nghiên cứu và đã thành lập “Trạm quan sát người tái sinh ở Thông Đạo.”
5.4.1 Hai người bạn thân ở Bình Dương đầu thai thành cặp song sinh sau khi tự tử vào cùng một ngày
Ở trên chúng tôi đã thuật lại trường hợp hai chị em người Anh đầu thai thành cặp song sinh và nối tiếp mối tiền duyên của họ. Ở làng Bình Dương cũng có báo cáo về trường hợp hai cô gái có tình cảm sâu sắc đã đầu thai thành một cặp song sinh.
Vào năm 1992, ở Đô Lũy, thôn Bình Dương có một đôi bạn thân tình như chị em, một người trong số họ do mâu thuẫn gia đình mà đã nảy sinh ý định tự tử. Sau khi người kia biết đuợc, không muốn sống một mình nên hai người đã góp tiền mua thuốc trừ sâu, rồi cả hai uống vào tự tử trong cùng một ngày. Về sau, họ đã tái sinh thành cặp chị em song sinh tại nhà của ông bà Ngô Cục Thông (Wu Jicong) ở thôn Tân Trại. [483]
Cô em Ngô Sư Thái (Wu Shicai) ở kiếp trước tên là Thạch Bội Thịnh (Shi Beisheng), cô chị Ngô Sư Hàng (Wu Shihang) ở kiếp trước tên là Diêu Bội La (Yao Beiluo). Trước khi sinh con, bà Ngô Cục Thông đã cảm thấy có hai cô gái trẻ theo bà vào nhà. Khi hai chị em lớn lên, họ không ngừng kể về những trải nghiệm ở đời trước, bao gồm uống thuốc trừ sâu, ngã xuống đất và được mai táng.
Khi cha mẹ đời trước của họ ở Đô Lũy biết được chuyện này và đến thăm, hai chị em đã vui mừng lao vào vòng tay họ. Hai chị em đều trân quý những kỷ niệm quý giá trong quá khứ, cha mẹ đời trước của cặp song sinh cũng thừa nhận rằng chúng là những đứa con gái đã khuất chuyển sinh, đồng thời bảo trì mối quan hệ thân cận với cả hai. Người dân ở Đô Lũy cũng tin câu chuyện này, vì vậy hai chị em thường xuyên trở về Đô Lũy để bầu bạn cùng cha mẹ kiếp trước.
5.4.2 Em gái chết đuối được tái sinh, nối lại tiền duyên
Năm 2015, phóng viên của “Bắc Kinh báo” đã phỏng vấn gia đình họ Hà, trong nhà họ có một cô gái tên là Hà Tư Na (He Zina), sinh năm 1989. Khi phóng viên gặp Hà Tư Na, cô ấy 26 tuổi, có khuôn mặt thanh tú. [484]
Cha của Hà Tư Na tên là Hà Bân (He Bin), trước đây ông có một người em gái tên là Hà Cần (He Qin, bí danh). Vào một ngày giữa mùa hè năm 1986, Hà Cần đi đốn củi về, khi đang bơi ở sông Đô Lũy thì bị chết đuối.
Năm 1991, lúc đó Hà Tư Na 2 tuổi, vừa mới tập nói, cô bé đã bắt đầu kể về đời trước của mình là Hà Cần. Hà Tư Na có thể nhớ được thông báo nhập học của Hà Cần đặt ở đâu, hoàn cảnh khi cô qua đời và vị trí thi thể của cô trên bờ khi cô được cứu. Những chi tiết này đã được xác nhận là chính xác. Ông Hà Bân cũng xác nhận người em gái quá cố của mình có tính cách rất giống Hà Tư Na, nhiệt tình, tinh nghịch và không sợ người lạ. Hà Tư Na từng hỏi ông rằng: “Con nên gọi cha là anh hay là cha?”
Các loại bằng chứng khác nhau đã thuyết phục ông Hà Bân rằng kiếp trước của Hà Tư Na chính là cô em gái Hà Cần của ông, người đã chết đuối 29 năm trước.
5.4.3 Heo trắng đầu thai thành người, người đồ tể rửa tay gác kiếm
Tại trại Phổ Đầu thuộc làng Bình Dương có một cậu bé họ Ngô, mẹ cậu tên là Lục Cư Đào (Lu Jutao). Từ khi hơn 1 tuổi, cậu bé đã bắt đầu nói rằng đời trước của cậu là một con heo trắng. Câu chuyện về động vật đầu thai thành người này đã gây chấn động rất lớn ở địa phương. [485]
Khi cậu bé này mới hơn 1 tuổi, gia đình đưa cậu về làng, mỗi lần gặp một người đồ tể họ Dung, cậu bé lại bất chợt khóc lóc, giãy giụa một cách tuyệt vọng, như thể cậu rất sợ ông ấy vậy. Khi cậu khoảng 2, 3 tuổi, hành vi này càng trở nên rõ ràng hơn. Mỗi khi nhìn thấy có người thu hoạch rau khoai ngoài đồng, cậu bé sẽ nói cho họ biết loại rau nào quá đắng hoặc quá cay.
Khi mọi người hỏi duyên cớ, cậu bé nói rằng đời trước cậu là một con heo trắng to lớn trong nhà ông ngoại. Cậu kể lại trải nghiệm ở đời trước của mình rằng: Một ngày nọ, người đồ tể họ Dung kia dẫn một người khác đi mua heo, “cậu bé” lúc đó là “con heo trắng lớn” đã cố gắng chạy trốn, nhưng cuối cùng vẫn bị bắt lại, bị giết thịt và đem bán.
Người đồ tể họ Dung xác nhận quả thực có chuyện một con heo trắng cố gắng trốn thoát. Từ đó, ông tin vào luân hồi và phát thệ sẽ không sát sinh nữa. Câu chuyện về cậu bé này nhanh chóng lan truyền trong làng, về sau mỗi khi nhìn thấy cậu bé, dân làng không gọi cậu bằng tên nữa mà gọi cậu là “heo trắng nhỏ.”
Trường hợp này cho thấy chuyện luân hồi không chỉ xảy ra giữa con người với nhau, mà còn có thể xảy ra giữa con người và động vật.
Các trường hợp luân hồi ở Trung Quốc không chỉ xảy ra ở Hồ Nam mà còn được báo cáo ở các khu vực khác. Vào năm 2014, trong Kho dữ liệu Vạn Phương Trung Quốc, chúng tôi đã tìm thấy một bài luận văn nghiên cứu về hiện tượng luân hồi ở Trung Quốc của Đại học Sư phạm Quảng Tây. Bài luận văn có nhan đề là “Sinh mệnh luân hồi trong hai cõi âm dương – Điều tra nghiên cứu câu chuyện về ‘người tái sinh’ ở dân tộc Động, làng Thuật Động, huyện Lê Bình, tỉnh Quý Châu,” đăng trên “Tạp chí Đại học Khoa học và Nghệ thuật Trùng Khánh (Ấn bản Khoa học Xã hội).” Phần tóm tắt của luận văn này có đoạn: “Câu chuyện về những người tái sinh nghe có vẻ vô lý, nhưng lại có chứng cứ trong đời sống thực.” [486]
6. Sáu bằng chứng chính chứng minh sự luân hồi chuyển thế
Năm 1979, kết quả của một cuộc khảo sát có hệ thống ở miền bắc Ấn Độ do bà Satwant K. Pasricha, Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học lâm sàng tại Viện Sức khỏe Tâm thần và Khoa học Thần kinh Quốc gia (NIMHANS) ở Ấn Độ cùng ông David Read Barker, người sáng lập Public Policy Communications, Inc., Washington, D.C. công bố đã cho thấy, có khoảng 2.2% trong số 1,000 người cho biết họ nhớ được đời trước [487].
Kết luận của khoa học bắt đầu bằng sự quan sát. Ông Stevenson đã điều tra hơn 2,500 trường hợp trẻ em có ký ức kiếp trước, sau khi ông xác nhận tính xác thực của những trường hợp này thì mới công khai chúng, đồng thời lưu giữ dữ liệu gốc của các trường hợp. Việc các học giả có sử dụng các phương pháp nghiêm ngặt để điều tra và nghiên cứu các trường hợp hay không là điều kiện cơ bản để đo lường độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.
Ông Stevenson đã áp dụng thái độ nghiêm khắc và thận trọng trong toàn bộ quá trình điều tra, thu thập và phân tích thông tin gốc về những trường hợp này. Ngoài tính logic và độ chuẩn xác của các chi tiết, còn có vài khía cạnh như ở dưới đây, chúng đã bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy của các trường hợp.
Để xác nhận tính xác thực của các trường hợp luân hồi, ông Stevenson đã thiết kế một phương án để thu thập và đánh giá nghiêm ngặt các bằng chứng. Ông sử dụng các phương pháp tương tự như phương pháp mà các luật sư sử dụng để dựng lại tội ác – phỏng vấn và kiểm tra chéo những người cung cấp thông tin để tìm hiểu tình hình trước khi đến hiện trường. [488]
Ông Stevenson sẽ xem xét, phân tích và suy luận từng lời giải thích khả dĩ cho từng trường hợp, đồng thời cố gắng loại bỏ từng lời giải thích đó, thẳng cho đến khi chỉ còn lại một lời giải thích có khả năng xảy ra nhất. Sau đó, ông sử dụng những quan sát sâu hơn để xác nhận hoặc phủ nhận những lời giải thích có thể có cho xu hướng ban đầu, và tìm kiếm lời giải thích hợp lý nhất có thể cho sự kiện. Đây là một phương pháp phân tích logic rất chặt chẽ.
Ngoài ra, ông còn tìm kiếm những đặc điểm lặp đi lặp lại trong một loạt các hiện tượng có vẻ giống nhau, để tìm ra manh mối về nguyên nhân và quá trình xảy ra của các trường hợp.
Ngoài việc thu thập thông tin mô tả, ông Stevenson còn thường xuyên quan sát xem ngôn hành của đối tượng được điều tra có đáng tin cậy hay không, lời nói cũng như ngôn hành của người nhà của họ ở đời này và đời trước có đáng tin cậy hay không. Những cân nhắc này cũng làm tăng thêm độ tin cậy cho các trường hợp. [489]
Vào năm 1963, khi ông Stevenson chuẩn bị xuất bản cuốn sách đầu tiên về các trường hợp luân hồi mà ông đã điều tra mang tên “Hai mươi trường hợp gợi ý về sự luân hồi” (Twenty Cases Suggestive of Reincarnation), có một người đàn ông từng làm thông dịch viên cho ông trong hai hoặc ba trường hợp ở Ấn Độ đã bị cáo buộc rằng có thể đã dối trá trong các công việc khác. Thế là ông Stevenson đã hoãn xuất bản cuốn sách và quay trở lại Ấn Độ để điều tra lại các trường hợp này với một thông dịch viên khác, chỉ sau khi xác nhận rằng các cuộc phỏng vấn trong các trường hợp liên quan đã được phiên dịch chính xác, hai hoặc ba trường hợp này mới được giữ lại trong cuốn sách. Điều này đã phản ánh thái độ nghiên cứu nghiêm túc và cầu thực của ông Stevenson.
Ông Stevenson vốn là một Giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực tâm thần học. Ông đã xuất bản một luận văn nghiên cứu không chính thống vào thời điểm đó để chứng minh cho sự tồn tại của luân hồi, và điều này không giúp ích gì cho sự nghiệp của ông. Những người cùng thời với ông thường không muốn tham gia vào những nghiên cứu như vậy vì sợ ảnh hưởng tiêu cực đến tiền đồ của họ.
Chúng tôi đã tóm tắt những bằng chứng chủ yếu chứng minh cho sự tồn tại của luân hồi như sau:
6.1 Hầu hết các nhân vật trong đời trước đều có thể xác minh được
Ông Stevenson đã tiến hành nghiên cứu đối với 2,500 trẻ em từ 4 đến 10 tuổi, những đứa trẻ này thường có khả năng nhớ lại chính xác và chi tiết những thông tin liên quan đến cuộc sống và nghề nghiệp ở đời trước cũng như hoàn cảnh khi qua đời. Những điều chúng nói thường là những điều mà ngay cả những người lớn mà chúng tiếp xúc cũng chưa bao giờ nghe thấy.
Tại một cuộc khảo sát với 856 trường hợp, trong 67% số trường hợp, ông Stevenson đều đã tìm thấy những nhân vật đời trước phù hợp với trải nghiệm mà những đứa trẻ đã nêu. Những trường hợp này được xem là những trường hợp “Đã giải quyết,” trong khi 33% còn lại được phân loại là trường hợp “Chưa giải quyết,” bởi không thể xác minh các nhân vật trong đời trước của người đó vì nhiều lý do. [490]
Đối tượng nghiên cứu về luân hồi của ông Stevenson đều là trẻ em vì hai lý do: thứ nhất, trẻ nhỏ ít có khả năng bịa đặt về ký ức đời trước; thứ hai, trẻ nhỏ ít có khả năng tiếp xúc với thông tin chi tiết về cuộc sống của những người đã luân hồi chuyển sinh.
Ông Stevenson nhận thấy rằng những lời khai của trẻ em trong những trường hợp này rất khớp với những gì những người được phỏng vấn cung cấp trong cuộc kiểm tra chéo, điều này làm tăng sự tin tưởng của ông vào độ tin cậy của thông tin đời trước mà các em cung cấp.
Trong những trường hợp này, những đứa trẻ có ký ức về đời trước thường kể về đời trước của mình với cảm xúc mạnh mẽ, và đôi khi chúng hành động như thể mình vẫn đang sống ở đời đó. Những đứa trẻ mới vài tuổi rất ít có khả năng giả tạo cảm xúc và hành vi, điều này cũng làm tăng thêm độ tin cậy cho các trường hợp.
6.2 Vết bớt tương ứng với vết thương ở đời trước
Ông Stevenson đã xem xét 895 trường hợp trẻ nhỏ ở 9 quốc gia và nền văn hóa khác nhau nhớ lại đời trước của mình. Ông phát hiện có 35% (309) trường hợp là trẻ có vết bớt hoặc dị tật bẩm sinh.
Ông Stevenson đã tiến hành điều tra sâu hơn 210 trường hợp có thông tin chi tiết và phát hiện, những vết bớt hoặc dị tật bẩm sinh này thường liên quan đến những vết sẹo hoặc các đặc điểm khác của cơ thể ở đời trước. Các vết bớt thường không có lông, có nếp gấp trên da và màu sắc nông sâu khác nhau. Thông qua báo cáo khám nghiệm tử thi, mối tương quan giữa vết bớt và vết thương trên thân thể ở đời trước của 43 trường hợp trong đó đã được xác minh. [491]
Trong 18 trường hợp tử vong do đạn bắn ở đời trước, trên người đứa trẻ đầu thai có hai vết bớt xuất hiện, tương ứng với vị trí vết đạn vào và ra.
Trong 14 trường hợp có vết bớt đôi, có một vết bớt lớn hơn đáng kể so với vết bớt kia. Trong đó có 9 trường hợp còn nhìn rõ vết bớt nhỏ hơn thường là hình tròn, tương ứng với điểm vào của viên đạn; các vết bớt lớn hơn thường có hình dạng bất quy tắc, tương ứng với chỗ đạn đi ra. Những điểm này đều phù hợp với đặc điểm của vết thương do đạn bắn.
Ngoài ra, trong 20 trường hợp, những người đưa tang (thường là thành viên trong gia đình) đã đánh dấu thi thể của người hấp hối hoặc người mới qua đời bằng tro thuốc hoặc các chất có màu khác. Những đứa trẻ sau này được tái sinh đã xuất hiện vết bớt tương ứng với những vị trí được đánh dấu đó.
Nhà tâm lý học người Ấn Độ Satwant Pasricha cũng báo cáo 10 trường hợp đầu thai, trong đó 8 trường hợp có vết bớt và 2 trường hợp có dị tật bẩm sinh [492].
Những phát hiện này chứng minh rằng, có một mối quan hệ đối ứng giữa vết thương hoặc ký hiệu đánh dấu trên cơ thể ở đời trước với vết bớt của những đứa trẻ nhớ được đời trước. Đây là điều không thể giải thích được bằng các lý thuyết y sinh hiện đại và các giả thuyết tiến hóa.
6.3 Dị tật bẩm sinh tương ứng với tổn thương ở đời trước
Năm 1967, một cuộc khảo sát y tế của Đại học Edinburgh ở Anh cho thấy có khoảng 2% trẻ sơ sinh sinh ra bị dị tật thể chất [493]. Dị tật bẩm sinh có thể do nhiều loại nhân tố gây ra, bao gồm thuốc, nhiễm virus, rượu, đột biến gene, v.v. Một nghiên cứu khác vào năm 1989 được công bố trên Tạp chí Y học New England thì cho thấy có ít nhất 43% dị tật bẩm sinh là “không rõ nguyên nhân” [494].
Nghiên cứu của ông Stevenson cho thấy dị tật bẩm sinh ở những trường hợp có ký ức kiếp trước có thể liên quan đến những tổn thương thể xác trong đời trước. Những dị tật bẩm sinh này bao gồm dị tật nửa người, tật microtia, biến dạng cổ tay một bên và dương vật nhỏ v.v. Những khiếm khuyết này thường không phù hợp với mô thức của các kiểu dị tật thông thường, nhưng phù hợp với những vết thương do kiếm, đạn bắn hoặc các hình thức tử vong khác. [495]
Ví dụ, một cậu bé người Thổ Nhĩ Kỳ có tai bên phải bị teo và biến dạng (microtia một bên), nửa đầu bên phải kém phát triển, nửa bên phải khuôn mặt bị nhỏ. Cậu bé nhớ mình đã bị bắn ở cự ly gần bởi một khẩu súng hoa cải ở kiếp trước, sau đó 6 ngày thì tử vong do chấn thương sọ não bởi một phát đạn xuyên qua bên phải hộp sọ. Ông Stevenson đã xác nhận thông tin này sau khi tìm thấy hồ sơ bệnh viện ở đời trước của cậu bé.
Ở Ấn Độ có một cậu bé sinh ra với hầu như không có ngón tay trên một bàn tay (brachydactyly một bên). Cậu bé nhớ kiếp trước đã từng đút tay phải vào lưỡi dao cắt cỏ và bị mất ngón tay. Bệnh brachydactyly một bên là bệnh vô cùng hiếm gặp, trong hầu hết các trường hợp, bệnh brachydactyly chỉ liên quan đến việc rút ngắn xương khớp giữa, còn cậu bé này không hề có đoạn xương khớp nào, các ngón tay chỉ biểu hiện dưới dạng cụt ngủn.
Những trường hợp dị tật bẩm sinh hiếm gặp này có sự liên quan với các phương thức tử vong hoặc chấn thương ở đời trước, giúp chứng minh cho khả năng có đời trước tồn tại. Cả lý thuyết y sinh hiện đại lẫn các giả thuyết tiến hóa đều không thể giải thích được những dị tật bẩm sinh này.
6.4 Tính cách và hành vi giống với đời trước
Tục ngữ có câu: “Chín người cùng một mẹ, mỗi người một khác.” Mọi người đều có tính cách, sở thích và tài năng bẩm sinh riêng, ngay cả những cặp song sinh cũng có thể rất khác nhau. Những hiện tượng này rất khó giải thích bằng lý thuyết y sinh, nhưng không khó để giải thích rõ ràng nếu con người có ký ức về kiếp trước.
Những đứa trẻ nhớ được đời trước cũng biểu hiện ra tính khí tương tự như đời trước. Ví dụ như có xu hướng hiếu động, tính tình nóng nảy. [496]
Sở thích của chúng cũng giống nhau. Ví dụ, có thể có cảm giác thèm ăn cùng một loại đồ uống hoặc đồ ăn mà đã từng thưởng thức ở đời trước. Một số trẻ nhớ đời trước từng nghiện rượu thì khi còn nhỏ đã đòi uống rượu, thậm chí lén lút uống rượu. Có một số đứa trẻ thì thử hút thuốc, hoặc giả vờ hút thuốc, chúng nhớ được việc hút thuốc trong đời trước.
Trong số 278 trường hợp, có 66 (24%) trường hợp biểu hiện ra các hành vi bất thường trong khi chơi trò chơi, những hành vi này thường liên quan đến nghề nghiệp của nhân vật ở đời trước. Ví dụ, đứa trẻ nhớ đời trước là một phi công trong Đệ nhị Thế chiến nói trên tỏ ra yêu thích phi cơ, đứa trẻ nhớ đời trước mình từng là phu xe thì sẽ chơi trò chơi ngồi trên phía sau xe ngựa; đứa trẻ nhớ mình là bác sĩ sẽ giả làm bác sĩ, lắc cây gậy như thể đang đo nhiệt độ v.v. Một số trẻ thì đặt tên cho búp bê hoặc đồ chơi vật dụng theo tên những người ở đời trước, còn có trẻ bắt chước cảnh tử vong ở đời trước trong trò chơi của chúng.
Năm 1999, ông Stevenson đã đăng bài phân tích hiện tượng ký ức đời trước ở các cặp song sinh giống hệt nhau lên tạp chí The Lancet. [497]
Ví dụ, một cặp song sinh giống hệt nhau đến từ Sri Lanka từ khi còn nhỏ đã thể hiện ra những tính cách và đặc điểm hành vi hoàn toàn khác nhau. Người anh thông minh, trí nhớ tốt, ham học, thành tích giỏi; người em không thích đến trường và thành tích kém. Người anh tính cách điềm tĩnh, hiền lành và có phần xa cách với người thân, người em thì “cứng rắn” hơn và hết lòng vì họ hàng. Người anh sợ xe cộ và thích ăn ớt, người em không có những đặc điểm này. Ngoài ra, cơ thể và ngoại hình của hai người cũng rất khác nhau.
Khi được khoảng 3 tuổi, hai anh em đã bắt đầu kể về đời trước mà chúng nhớ được. Người anh đã kể lại chi tiết về đời trước của mình khi còn đi học ở một thị trấn xa xôi. Chi tiết cậu cung cấp đủ để gia đình có thể xác định chính xác địa chỉ đời trước của cậu bé và tìm được các thành viên trong gia đình cậu ở đời trước. Cha mẹ của cặp song sinh nhờ vậy mà biết được rằng người đã khuất đó có tính cách và đặc điểm hành vi tương tự như con trai cả của họ.
Người em cho biết đời trước cậu bé đã bị cảnh sát bắn chết. Sau khi nghe điều này, gia đình đã cười nhạo cậu bé, nên cậu liền không nói về đời trước nữa.
Cha mẹ của cặp song sinh tin rằng các phương pháp giáo dục mà họ áp dụng không thể giải thích được sự khác biệt trong hành vi của hai anh em, họ nghiêng về cho rằng là do cặp song sinh có sự khác nhau ở đời trước.
Ông Stevenson và các đồng nghiệp đã kiểm tra 42 cặp song sinh mà một hoặc cả hai trẻ đều nhớ được đời trước. Nhìn chung, những cặp song sinh này đều cho thấy sự khác biệt trên thân thể, bao gồm cả vết bớt, chúng tương ứng với những khác biệt trong đời trước mà những đứa trẻ nhớ được. Nhất là các cặp song sinh cùng trứng giống hệt nhau về mặt di truyền. Di truyền học và ảnh hưởng sau khi sinh không thể giải thích được tất cả những khác biệt này, chỉ có ký ức từ đời trước mới có thể cung cấp lời giải thích hợp lý. Tỷ lệ hiện tượng các cặp song sinh cùng trứng có tính cách và hành vi khác nhau là 5% đến 18%.
Do đó, ông Stevenson chỉ ra rằng với những đứa trẻ mà không có sự dạy bảo rõ ràng của gia đình khi còn nhỏ, đôi khi sở thích và mục tiêu của chúng thậm chí còn gặp phải sự phản đối của gia đình. Không có lý do nào thuyết phục hơn để giải thích những hiện tượng này, rất có thể đây là do ảnh hưởng của đời trước.
Sự nhất quán giữa sở thích, tính cách và đặc điểm hành vi trong đời này và đời trước được tóm tắt ở trên là một lĩnh vực mà giả thuyết tiến hóa chưa đề cập đến, và không thể giải thích được bằng các lý thuyết sinh học hiện tại.
Ngay từ thế kỷ trước, nhà phân tâm học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung (1875-1961) đã tin rằng sự đầu thai là có tồn tại. Ông đã nói trong tác phẩm tâm lý học “Bốn nguyên mẫu” (Four Archetypes) của mình như sau [499]:
“Khái niệm tái sinh này chắc chắn hàm ý tính liên tục của nhân cách. Ở đây, nhân cách con người được coi là liên tục và dễ tiếp cận với ký ức, do đó, khi một người được đầu thai hoặc sinh ra, ít nhất là có khả năng rằng người đó có thể nhớ mình đã sống qua những đời trước, và rằng những đời này là của riêng mình, tức là, họ có hình dạng bản ngã giống như cuộc sống hiện tại. Theo quy luật, đầu thai có nghĩa là tái sinh trong một cơ thể con người.”
6.5 Nỗi sợ hãi tương ứng với tổn thương ở đời trước
Khoảng 66% các trường hợp trẻ em mà ông Stevenson nghiên cứu là có liên quan đến bạo lực hoặc tử vong sớm ở đời trước. Theo tính toán, trong số những trẻ nhớ được cái chết do bạo lực ở đời trước, có 35% mắc chứng ám ảnh liên quan đến nguyên nhân tử vong. [500]
Trong số 387 trẻ nhớ được đời trước, có 141 trẻ (36%) xuất hiện các triệu chứng sợ hãi. Những triệu chứng sợ hãi này hầu như luôn khớp với cách chúng mô tả cái chết ở đời trước. Ví dụ, trẻ nhớ được đời trước bị chết đuối sẽ sợ ngâm mình trong nước; trẻ nhớ đời trước chết do đạn bắn sẽ cảm thấy sợ hãi súng đạn. Hầu hết các triệu chứng sợ hãi là xuất hiện trong những trường hợp liên quan đến cái chết do bạo lực, nhưng cũng có thể xuất hiện trong những trường hợp tử vong tự nhiên. [501]
Nhà tâm lý học Ross G. Menzies tại Đại học Sydney và nhà tâm lý học J. Christopher Clarke tại Đại học New South Wales đã nghiên cứu 50 trường hợp mắc chứng sợ nước ở trẻ em Úc. Họ hỏi phụ huynh của trẻ về những trải nghiệm có thể dẫn đến chứng sợ nước. Trong 56% trường hợp, phụ huynh cho biết ngay khi lần đầu tiếp xúc với nước, con của họ đã tỏ ra sợ nước [502].
Ông Stevenson cho rằng ngay cả khi những đứa trẻ này chưa đề cập đến đời trước, nỗi sợ nước của chúng có thể là đến từ trải nghiệm chết đuối ở đời trước.
Trong một số trường hợp, thông qua phương pháp hồi quy tiền kiếp, đặc biệt là hồi quy cận tử, người ta phát hiện nỗi sợ hãi chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết ở đời trước. Ký ức của một người về chấn thương trong đời trước có thể giúp họ thoát khỏi nỗi ám ảnh hoặc nỗi đau dai dẳng ở kiếp này. Phương pháp này đã được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần, các trường hợp liên quan sẽ được mô tả chi tiết dưới đây.
Trong số những đứa trẻ được ông Stevenson và các đồng nghiệp nghiên cứu, có 10 trẻ nhớ rằng mình từng là thổ phỉ hoặc kẻ cướp trong đời trước. Những đứa trẻ này đã bộc lộ xu hướng bạo lực hoặc trộm cắp ngay từ khi còn rất nhỏ.
Trong một số trường hợp, các em nhớ được cuộc sống của những người đặc biệt ngoan đạo, hào phóng và tốt bụng ở đời trước. Từ rất sớm, những đứa trẻ này đã thể hiện những hành vi tương tự như những đặc điểm ở đời trước, chẳng hạn như hào phóng hơn với người ăn xin, tham gia các hoạt động tôn giáo nhiệt tình hơn và đến thăm các kiến trúc tôn giáo thường xuyên hơn các thành viên khác trong gia đình.
6.6 Hiện tượng tái sinh trải rộng trên các nền văn hóa dân tộc
Các trường hợp tái sinh có thể xảy ra cả ở những nơi thường tin vào luân hồi và những gia đình theo tín ngưỡng tôn giáo không tin vào luân hồi. Tình huống trẻ nhỏ nhớ được đời trước không chỉ là một hiện tượng văn hóa mà còn xảy ra ở các quốc gia phương Tây, nơi tín ngưỡng phổ biến chưa sẵn sàng chấp nhận khái niệm luân hồi, đồng thời xuất hiện cả ở những gia đình không có niềm tin như vậy.
Trường hợp nói trên về một cặp chị em trẻ người Anh sau khi qua đời được tái sinh thành hai người con gái song sinh của cha mẹ ban đầu là xảy ra trong một gia đình mà tín ngưỡng của họ không chấp nhận luân hồi. Trường hợp của Palitha, đứa trẻ trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc ở Sri Lanka tái sinh thành Gamini là đứa trẻ sống trong một gia đình theo đạo Phật, cũng là một trường hợp tái sinh vượt qua tín ngưỡng tôn giáo.
Năm 1983, ông Stevenson đã đăng một bài luận văn trên Tạp chí Bệnh thần kinh và Tâm thần (The Journal of Nervous and Mental Disease) về 79 trường hợp luân hồi ở Hoa Kỳ. Ông đã so sánh những trường hợp này với những trường hợp ở Ấn Độ và nhận thấy rằng chúng giống với những trường hợp ở Ấn Độ tại rất nhiều phương diện, bao gồm độ tuổi mà trẻ em lần đầu tiên kể về đời trước, những điểm tương đồng về tính cách và hành vi của chúng với đời trước, v.v. [503]
Năm 2003, ông Stevenson đã xuất bản cuốn “Các loại trường hợp luân hồi ở châu Âu,” đây là một công trình nghiên cứu ghi lại và phân tích các trường hợp luân hồi ở châu Âu. Nghiên cứu của ông cho thấy mặc dù ít người dân châu Âu tin vào luân hồi hơn so với châu Á, nhưng đặc trưng cơ bản của những trường hợp tái sinh ở châu Âu này tương tự như những đặc điểm được tìm thấy tại các bộ lạc bản địa ở châu Á, châu Phi và tây bắc Bắc Mỹ. [504]
Hiện tượng luân hồi chuyển thế trải rộng khắp các tín ngưỡng dân tộc và văn hóa khu vực, cho thấy đây rất có thể là một hiện tượng và quy luật phổ biến của toàn nhân loại.
Nói tóm lại, cộng đồng y tế do ông Stevenson đại diện đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về hiện tượng luân hồi bằng cách thu thập và xác minh các trường hợp trẻ em có ký ức đời trước, cuối cùng kết luận một cách thuyết phục rằng luân hồi không phải là mê tín, mà là một hình thức tồn tại ở các giai đoạn khác nhau của sinh mệnh con người trong một quá trình lâu dài.
7. Nghiên cứu về luân hồi thông qua thôi miên hồi quy
Một số bệnh tâm thần có thể được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý truyền thống như nói chuyện, thổ lộ, v.v., nhưng các bác sĩ tâm thần đã phát hiện ra rằng có rất nhiều bệnh tâm thần mà các liệu pháp này không hiệu quả. Vì vậy, một số bác sĩ đã bắt đầu thử liệu pháp thôi miên và có được những khám phá mới đầy bất ngờ.
Trong quá trình thôi miên (hypnosis), kỳ thực con người không hề ngủ, sóng não lúc này cũng khác với khi chìm vào giấc ngủ. Ý thức của người bị thôi miên ở một loại trạng thái đặc biệt, không phê phán, và tự động phản ứng với chỉ lệnh của nhà thôi miên. Nó tương tự như khi chúng ta để não thư giãn hoàn toàn, cho phép ý thức sâu hơn – một trạng thái tương tự như tiềm ý thức và hạ ý thức tập trung khởi tác dụng. [505]
Năm 1892, thuật thôi miên đã được các tổ chức như Hiệp hội Y khoa Anh chấp nhận. Nhà thôi miên người Pháp Emile Coué đã sử dụng thuật thôi miên để giúp bệnh nhân nhớ lại những sự kiện đã quên, từ đó đạt được hiệu quả điều trị bệnh tâm thần, liệu pháp này được gọi là “liệu pháp thôi miên” (hypnotherapy).
Vào những năm 20 của thế kỷ 20, nhà tâm lý học Clark Hull đã tiến hành một nghiên cứu thôi miên quy mô lớn tại Đại học Wisconsin, Hoa Kỳ, và chứng thực được thôi miên là một trạng thái khác với giấc ngủ bình thường, nó có tác dụng giảm đau và khơi gợi trí nhớ. [506]
Trong quá trình áp dụng thuật thôi miên, người ta nhận thấy thôi miên có thể khơi gợi ký ức về đời trước. Một nhóm bác sĩ tâm thần đã sử dụng thôi miên hồi quy để khiến bệnh nhân nhớ lại đời trước và điều trị bệnh tâm thần khi bị thôi miên, từ đó triển khai nghiên cứu đối với luân hồi.
7.1 Cuộc sống quá khứ-hiện tại của bác sĩ Weiss và các bệnh nhân của ông
Bác sĩ tâm thần người Mỹ Brian Weiss là bác sĩ y khoa tại Trường Y Đại học Yale, ông hiện là Chủ tịch danh dự của Khoa tâm thần học tại Trung tâm Y tế Mount Sinai ở Miami. [507]
Tiến sĩ Weiss đã được công nhận ở cấp bậc quốc gia vì những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực tâm thần học. Sau bốn năm ở trường đại học, ông đã được thăng chức Phó giáo sư, đến đầu những năm 1980, ông đã xuất bản 37 luận văn khoa học và tác phẩm chuyên ngành. Vào thời điểm đó, Tiến sĩ Weiss, với tư cách là một bác sĩ tâm thần có trình độ học vấn y khoa chính quy, đã không thừa nhận các nghiên cứu siêu tâm lý học không chính thống. [508]
7.1.1 Nỗi ám ảnh và lo lắng của cô Catherine
Chính vào lúc này, bác sĩ Weiss đã gặp một bệnh nhân tên Catherine, cô ấy gần 30 tuổi, thường xuyên gặp ác mộng và lo âu. Bác sĩ Weiss đã điều trị cho cô bằng phương pháp điều trị tâm thần truyền thống trong một năm rưỡi, nhưng tình trạng của cô vẫn như cũ. Vì vậy, bác sĩ Weiss bắt đầu thử liệu pháp thôi miên cho cô ấy.
Trong một lần trị liệu, bác sĩ Weiss nói với cô Catherine, người đang trong trạng thái thôi miên rằng: “Hãy quay lại thời điểm các triệu chứng của cô xuất hiện.” Thế là, một điều khiến ông bất ngờ đã xuất hiện:
Cô Catherine nói: “Tôi nhìn thấy một số bậc thang màu trắng dẫn lên một kiến trúc, đó là một tòa nhà lớn màu trắng có cột. Mặt trước trống trải, không có mái hiên. Tôi đang mặc một chiếc đầm dài – một loại áo choàng làm bằng vải thô. Tôi đang chải tóc, một mái tóc dài màu vàng.”
Bác sĩ Weiss cảm thấy rất khó hiểu, liền hỏi cô ấy năm đó là năm nào và tên cô ấy lúc đó là gì. Cô nói: “Aranda, năm đó tôi 18 tuổi. Tôi nhìn thấy phía trước tòa nhà đó có một khu chợ. Tôi nhìn thấy có cái thúng, người ta vác lên vai. Chúng tôi sống trong một thung lũng không có nước. Đó là năm 1863 trước Công nguyên, vùng đất này cằn cỗi, nóng bức và đâu đâu cũng là cát. Có giếng nhưng không có sông. Nước chảy từ trên núi xuống thung lũng.”
Cô Catherine đã trở lại thời cổ đại khoảng bốn ngàn năm về trước, với khuôn mặt, y phục, cơ thể, mái tóc và tên gọi đều khác với hiện tại. Cô nhớ chi tiết về địa hình, y phục, cuộc sống hàng ngày, ngoài ra còn có cơn lũ đã cuốn trôi đứa con khỏi vòng tay cô và dìm chết cô trong lũ. Sau khi chết, linh hồn của cô rời khỏi cơ thể và bay lên mây. Ở đó, cô nhìn thấy con trai và anh trai mình, cũng như những người cùng làng với cô.
Bác sĩ Weiss biết rằng cô Catherine không mắc chứng ảo tưởng, đa nhân cách hay có tiền sử lạm dụng ma túy, đây cũng không phải tưởng tượng hay giấc mơ. Sau khi loại trừ mọi khả năng khác, ông không thể không thừa nhận rằng cô Catherine đã “nhìn thấy” những cảnh tượng từ đời trước của cô.
Sau đó, trong quá trình trị liệu hồi quy tiền kiếp bằng thôi miên, cô Catherine đã lần lượt nhớ lại hơn mấy chục đời trước, và thường phát hiện những người mà cô quen thuộc ở đời này đều xuất hiện trong đời trước của cô, họ đóng những vai trò khác nhau. Bác sĩ Weiss từng là giáo viên của cô, còn người bạn trai của cô là người đã sát hại cô trong một cuộc chiến giữa các bộ tộc cách đây rất lâu khi cô còn là một cậu bé, mối quan hệ của hai người ở đời này cũng rất không hòa hợp.
Sau lần trị liệu hồi quy tiền kiếp bằng thôi miên đầu tiên, triệu chứng sợ hãi của cô Catherine đã bắt đầu giảm bớt, cô không còn gặp ác mộng nữa.
Sau đó, trong trạng thái thôi miên (hypnotic trance), cô Catherine đã lần nữa trải qua những nguyên nhân lâu đời khiến cô lo lắng và sợ hãi trong cuộc đời này. Sau khi cô nhìn thấy rõ nguồn gốc của nỗi đau và sợ hãi trong cuộc đời này, các triệu chứng của cô đã rất nhanh chóng được cải thiện và dần khỏi bệnh.
Trong quá trình điều trị, bản thân cô Catherine cũng ngày càng có những công năng đặc dị. Cô có trực giác tốt hơn đối với con người và sự việc, chúng thường được chứng minh là đúng. Cô có thể đoán trước những câu hỏi của bác sĩ Weiss trước khi ông ấy hỏi trong khi thôi miên. Trong một lần đến một trường đua, cô đã có thể chọn trước người chiến thắng trong mỗi cuộc đua. Bác sĩ Weiss tin rằng đây là khả năng đặc biệt mà cô đã phát triển được sau khi trải qua thôi miên.
Mỗi lần cô Catherine rơi vào trạng thái thôi miên, cô cho biết cô thường đến một thế giới tâm linh, nơi cô sẽ gặp những sinh mệnh cao cấp (Master Spirits), và khả năng lý giải đối với sự vật của cô thường vượt xa mức bình thường của con người. Cô Catherine được những sinh mệnh cao cấp hướng dẫn và học được một số điều như: “Chúng ta biết rất ít” (We know so little), “Bằng kiến thức, chúng ta tiếp cận được Chúa” (By knowledge we approach God).
Trong quá trình này, sự nghi ngờ của bác sĩ Weiss về việc con người có đời trước đã dần dần giảm đi. Nhất là trong một buổi trị liệu, cô Catherine ở trong trạng thái thôi miên đã nói với bác sĩ Weiss rằng cô nhìn thấy cha và con của ông ấy. Cô nói rằng cha của bác sĩ Weiss qua đời vì một cơn đau tim, tên của ông ấy là Avrom. Cô còn cho biết trái tim của con trai bác sĩ Weiss có vấn đề về kết cấu bẩm sinh, vì tình yêu với bác sĩ Weiss, cậu ấy đã đưa ra một lựa chọn hy sinh rất lớn, cậu dùng cái chết của mình để trả nợ tội nghiệp cho cha mẹ. Cấp bậc sinh mệnh của cậu ấy rất cao. Cậu ấy muốn bác sĩ Weiss biết rằng y học hiện tại chỉ có thể tiến xa đến bước này, phạm vi mà y học có thể khám phá là rất hạn chế.
Bác sĩ Weiss viết trong cuốn sách của mình rằng, khi nghe thấy điều này, ông ấy gần như choáng váng và nổi da gà khắp người. Ông hỏi cô Catherine rằng: “Ai đang ở đó? Ai đã nói với cô những điều này?”
“Là những sinh mệnh cao cấp đó,” cô ấy nói nhẹ nhàng, “những sinh mệnh cao cấp đó đã nói (với tôi). Họ còn nói rằng tôi đã chuyển sinh 86 lần trên thế giới này.”
Nỗi đau buồn lớn nhất trong cuộc đời bác sĩ Weiss chính là sự ra đi của người con trai đầu lòng, đứa trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh chỉ 10 ngày sau khi chào đời, “Bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi toàn phần kèm theo thông liên nhĩ” (Total anomalous pulmonary venous drainage with an atrial septal defect). Các tĩnh mạch phổi trong loại bệnh này đều bị nối sai vị trí, kết quả là dường như trái tim bị đảo ngược, tỷ lệ mắc bệnh này là rất hiếm, chỉ một phần mười triệu. Ngay cả làm phẫu thuật mở tim cũng không thể cứu được, cậu bé đã mất sau khi sinh 23 ngày.
Cha của bác sĩ Weiss mất vì nhồi máu cơ tim, tên Do Thái của ông là Avrom. Trước đó, cô Catherine không hề quen biết bác sĩ Weiss, cũng không biết gì về gia đình ông.
Lúc này, một loạt câu hỏi hiện lên trong đầu bác sĩ Weiss: Liệu cô ấy thực sự có 86 đời trước hay không? Có phải sinh mệnh của chúng ta thực sự được hướng dẫn bởi những linh hồn không có nhục thân nhưng dường như sở hữu rất nhiều kiến thức? Có cầu thang dẫn tới Chúa không? Xem xét những gì cô Catherine vừa tiết lộ, bác sĩ Weiss khó có thể nghi ngờ nhưng vẫn không thể tin được. Trong thâm tâm của bác sĩ Weiss, ông biết cô ấy đúng.
Nếu là như vậy thì ở một khía cạnh nào đó, cha và con của ông vẫn còn sống, linh hồn trước nay chưa từng thực sự chết, đứa con trai còn khải thị cho ông suy nghĩ về những hạn chế của y học hiện đại, điều này khiến bác sĩ Weiss rất vui mừng. Bác sĩ Weiss cũng có một loại cảm giác mạnh mẽ về sự kết nối giữa trời và đất (connnection with heavens and the earth) cùng sự thống nhất (oneness).
Sau khi chữa khỏi bệnh cho cô Catherine, bác sĩ Weiss vẫn viết luận văn khoa học, tham dự các hội nghị chuyên môn và quản lý khoa tâm thần học, nhưng giờ đây, quan niệm của ông về kết cấu cơ thể người và liệu pháp tâm thần đã có sự thay đổi rất lớn.
Bác sĩ Weiss tin rằng bản thân đang ở giữa hai thế giới: một là thế giới thực có thể cảm nhận được bằng mắt, tai, mũi, lưỡi và cơ thể, đại biểu cho nhu cầu thể chất và sinh lý của con người; thế giới thứ hai là thế giới cấp độ phi vật chất rộng lớn hơn, đại biểu cho linh hồn và tinh thần của con người. Công việc của ông là hy vọng kết nối hai thế giới này, ghi lại các mối liên hệ của chúng một cách cẩn thận và khoa học. [509]
Bác sĩ Weiss nhận thức được con người có đời trước và linh hồn có thể chuyển sinh nhiều lần sau khi thể xác tử vong. Những bệnh tật về thể chất và tinh thần (bao gồm cả sợ hãi và trầm cảm) mà con người mắc phải trong cuộc sống này rất có khả năng bắt nguồn từ quá khứ xa xôi. Linh hồn có trí nhớ, do đó cho phép bệnh nhân bước vào thế giới tâm linh của họ dưới sự thôi miên, việc trải nghiệm lại những nguyên nhân và sự kiện đã gây ra nỗi đau trong quá khứ và thực sự tha thứ cho những người liên quan từ tầng diện linh hồn có thể là một phương pháp để giải quyết nỗi đau.
Bác sĩ Weiss đã dành bốn năm để viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên “Many lives, Many masters,” xuất bản vào năm 1988. Ông ý thức được một nhà khoa học cần phải có can đảm để thừa nhận và khám phá những lĩnh vực chưa biết, vậy nên ông cần xuất bản tài liệu nghiên cứu phi truyền thống này.
Bác sĩ Weiss tin rằng khi nghiên cứu về tâm linh, linh hồn, sự tiếp tục của kiếp sống sau khi chết và tác động của trải nghiệm đời trước đối với hành vi hiện tại của chúng ta, thì con người sẽ thu được rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trong các lĩnh vực y học, tâm thần học, thần học và triết học. “Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Người ta đang nỗ lực công bố thông tin về mặt này, nhưng quá trình này diễn ra khá chậm, và còn vấp phải sự phản đối của một số nhà khoa học và người dân bình thường.”
7.1.2 Chứng đau kinh niên và sợ độ cao của cô Elaine
Kể từ khi hoàn thành việc điều trị cho cô Catherine, bác sĩ Weiss đã bắt tay vào một giai đoạn mới trong sự nghiệp của mình – điều trị cho hàng trăm bệnh nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội bằng liệu pháp hồi quy tiền kiếp này. Những trường hợp này đã được ghi lại trong một cuốn sách khác của ông mang tên “Vượt qua thời gian để chữa lành” (Through Time Into Healing). [510]
Cô Elaine là một nhà tâm lý học đáng kính ở khu vực Miami. Cô bị chứng đau kinh niên dữ dội ở cổ, vai và lưng trên, ngoài ra còn có chứng sợ độ cao.
Cô đã nhớ lại đời trước của mình bằng liệu pháp hồi quy tiền kiếp và nhìn thấy trong một đời trước, cô là một thanh niên hơn 20 tuổi và là tù nhân chiến tranh. Anh ta bị kẻ thù bịt mắt, trói hai tay sau lưng, đi lên đến đỉnh một tòa tháp cao, sau đó bị đâm vào lưng, rơi xuống vùng nước phía dưới tháp và bị chết đuối.
Sau khi quá trình thôi miên kết thúc, khi cô Elaine thức dậy vào sáng hôm sau, chứng đau lưng và chứng sợ độ cao của cô đã biến mất.
Trong buổi trị liệu tiếp theo, cô Elaine nhớ lại trải nghiệm một đời trước của mình ở nước Pháp thời trung cổ, khi đó cô là một người đàn ông nghèo vô tội. Ông ấy bị trở thành con dê thế tội cho người khác, bị kết án tử hình do nhầm lẫn và bị treo cổ trước công chúng. Sau khi nhớ lại ký ức về đời đó, cơn đau cổ của cô cũng đã biến mất.
7.1.3 Tâm tình tức giận của ông Dan
Ông Dan là một giám đốc kinh doanh ở độ tuổi gần 40 và có một người bạn gái tên là Mary Lou. Họ yêu nhau sâu sắc, tuy nhiên sau khi uống rượu, cô Mary thường có một số cử động khiếm nhã với những người đàn ông khác. Ông Dan rất tức giận về điều này và đã bị mất lý trí. [511]
Bác sĩ Weiss đã thử các loại liệu pháp tâm lý thông thường, bao gồm cả việc thông qua nói chuyện để thổ lộ sự tức giận của ông ấy, nhưng không có tác dụng. Thế là, bác sĩ Weiss để ông Dan nhớ lại nguyên nhân sâu xa của vấn đề trong mối quan hệ của ông với cô Mary khi bị thôi miên. Ông Dan đã nhìn thấy một số đời trước của họ:
Có một đời xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ 7 và thứ 8, lúc đó ông ấy là một chiến binh và đã sát hại cô Mary bằng một con dao găm. Ở hai đời khác, ông Dan cũng đã giết cô ấy. Trong vài đời khác, ông ấy đã bỏ rơi cô vào những lúc rất khốn khổ. Trải nghiệm này đã được lặp lại ít nhất sáu đời. Trong những đời khác, cả hai cũng từng đóng những vai trò khác, chẳng hạn như gia đình, bạn bè và kẻ thù.
Sau khi hiểu được nguồn gốc của tất cả những điều này ở các đời trước, sự tức giận của ông Dan đã hoàn toàn được thay thế bằng sự lý giải và tình yêu. Người Trung Quốc có câu: “Bất thị oan gia bất tụ đầu” (Không phải oan gia thì không gặp gỡ), xác thực là có đạo lý. Gặp được nhau luôn là có lý do.
7.1.4 Nỗi lo lắng và sợ hãi của ông chủ doanh nghiệp
Cuốn sách của bác sĩ Weiss cũng ghi lại một trường hợp được bác sĩ Robert Jarmon điều trị. Đây là một chủ quản doanh nghiệp trẻ tuổi, điều kỳ lạ là cứ mỗi đêm trăng tròn, anh ta lại trở nên lo lắng và sợ hãi một cách vô cớ.
Trong quá trình bác sĩ Jarmon điều trị cho vị doanh nhân này bằng liệu pháp hồi quy tiền kiếp, anh ta đã nhớ lại đời trước mình là một người lính Mỹ trên chiến trường châu Âu trong Đệ nhị Thế chiến và bị quân Đức bắt làm tù binh. Vào một đêm trăng tròn, anh đã bị quân Đức bắn từ phía sau. [512]
Anh đã nói ra tên của mình trong đời đó, ngoài ra còn cung cấp thời gian, địa điểm và phân hiệu của trường đại học nơi mình tốt nghiệp vào những năm 1930. Vợ của anh sau đó đã kiểm chứng việc này và phát hiện quả thực có một người như vậy đã tốt nghiệp trường này, nhưng thời gian chênh lệch là một năm.
Sau lần hồi quy tiền kiếp này, cảm giác tiêu cực của anh trong những đêm trăng tròn đã biến mất.
7.1.5 Không có cuộc hôn nhân nào là ngẫu nhiên
Cuốn sách “Chỉ có tình yêu là thật: Câu chuyện về những người bạn tâm giao” (Only Love Is Real: A Story of Soulmate) của bác sĩ Weiss đã ghi lại một trường hợp như sau [513]:
Một người đàn ông và một người phụ nữ không hề quen biết nhau đã đến gặp bác sĩ Weiss để điều trị cùng lúc. Bác sĩ Weiss nhận thấy rằng khi họ nhớ lại đời trước, họ có thể nói ra những tình huống cụ thể giống nhau trong cùng thời đại, chỉ là thân phận của họ vào thời điểm đó khác nhau.
Trong một đời trước, người đàn ông là một người Do Thái sống ở Jerusalem, giỏi làm đồ gốm, đã bị lính La Mã kéo đến chết, ông ngừng thở trong vòng tay của con gái, còn người phụ nữ thì nhớ lại sự kiện tương tự từ góc nhìn của con gái ông ấy. Ở một đời khác, cả hai sống ở Mông Cổ, họ đã kết hôn và trải qua nỗi đau của sinh ly tử biệt.
Vì đạo đức nghề nghiệp, bác sĩ Weiss không thể kể cho họ nghe hồi ức hay bất kỳ tình huống nào của họ, ông chỉ cố tình sắp xếp thời gian hẹn khám để hai người họ có một lần gặp nhau tại văn phòng của ông.
Khi việc điều trị cho hai người họ kết thúc, họ đã đi ra phi trường cùng ngày để bay đến những nơi khác nhau, nhưng phi cơ của một trong hai người đã không thể cất cánh vì lý do nào đó và được chuyển sang chuyến bay mà người kia đi, thế là hai người họ quen nhau và yêu nhau.
Bác sĩ Weiss viết rằng: “Không có cuộc hôn nhân nào là ngẫu nhiên.” Điều này vừa vặn ứng với một câu nói cổ của người Trung Quốc: “Thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên” (Nhân duyên ngàn dặm buộc cùng nhau). Những người kết thành phu thê ở đời này có lẽ đã thiết lập được mối liên kết sâu sắc trong nhiều đời luân hồi trước đó, và có thể đã hình thành nên duyên phận từ đời này sang đời khác.
7.2 Nghiên cứu thống kê của Tiến sĩ Wambach
Tiến sĩ Helen Wambach (1925-1986) ban đầu là một nhà trị liệu cho những cô gái vị thành niên bị rối loạn tinh thần. Khi vô tình phát hiện một số sự việc trong đời trước của bản thân, bà đã thay đổi phương hướng nghiên cứu và trở thành một trong những người tiên phong trong nghiên cứu về luân hồi. [514]
Trong suốt mười năm, Tiến sĩ Wambach đã nghiên cứu hơn một ngàn người có ký ức về đời trước. Bà dùng phương pháp thôi miên sâu để khiến người bị thôi miên gợi lại rất nhiều ký ức sống động.
Dựa trên những thông tin họ nhớ lại, Tiến sĩ Wambach đã tiến hành nghiên cứu chi tiết, bà đã so sánh tình hình kinh tế, chủng tộc, nơi sinh, thức ăn, quần áo v.v. của họ ở đời trước. Bà đã tóm tắt kết quả nghiên cứu của mình trong cuốn sách “Hồi tưởng lại các đời trước – Bằng chứng dưới sự thôi miên” (Reliving past lives – The evidence under hypnosis). [515]
Tiến sĩ Wambach đã thu thập tổng cộng 1,088 bảng câu hỏi và xem xét cẩn thận thông tin được cung cấp trong phiếu trả lời. Bà nhận thấy ký ức đời trước của những người được phỏng vấn rất phù hợp với niên đại lịch sử mà họ nói ra. Ví dụ như:
Thứ nhất, tầng lớp xã hội trong đời trước: Tiến sĩ Wambach chia họ thành thượng lưu, trung lưu và hạ lưu. Bà phát hiện có 60% đến 77% số thường hợp là thuộc tầng lớp hạ lưu ở đời trước, còn những trường hợp thuộc tầng lớp thượng lưu chỉ chiếm chưa đến 10%. Không có ai trong số họ tự nhận mình là nhân vật lịch sử nổi tiếng.
Thứ hai, sự phân bố chủng tộc trong đời trước: Tiến sĩ Wambach chia các chủng tộc ở đời trước của những trường hợp này thành ba loại: Người da trắng; người châu Á và người Ấn Độ; người da đen. Vào thời điểm năm 2000 trước Công nguyên, có 20% trường hợp là người da trắng, họ chủ yếu sống ở khu vực phía bắc Địa Trung Hải, các khu vực miền núi và phía bắc Trung Á. Hai chủng tộc còn lại chiếm khoảng 40%. Điều này phù hợp với tỷ lệ và sự phân bố các chủng tộc trên thế giới lúc bấy giờ.
Thứ ba, bộ đồ ăn và y phục sử dụng ở đời trước phù hợp với tình huống lịch sử. Ví dụ, bộ đồ ăn vào thời cổ đại là làm bằng gỗ, còn đồ sắt và sứ thì chỉ xuất hiện trong những trải nghiệm luân hồi vào thời cận đại.
Thứ tư, số lần luân hồi trong một thời kỳ cụ thể có liên quan đến dân số thế giới vào thời điểm đó. Ngoại trừ thời kỳ đại dịch, dân số thế giới nhìn chung có xu hướng tăng lên, tăng gấp đôi từ năm 400 đến năm 1600 sau Công nguyên và sau đó lại tăng gấp đôi vào năm 1850. Số liệu nghiên cứu của Tiến sĩ Wambach về ký ức đời trước cũng đã xác nhận mô hình tăng trưởng dân số này.
7.3 Nghiên cứu của Tiến sĩ Newton về thế giới tâm linh
Tiến sĩ Tâm lý học Michael Newton (1931-2016) là một nhà trị liệu thôi miên đã được chứng nhận, ông từng là giáo viên tại các cơ sở giáo dục đại học ở Los Angeles, cũng từng là cố vấn hành vi và giám đốc điều trị tại các trung tâm sức khỏe tâm thần cộng đồng và các tổ chức phục hồi tinh thần. [516]
Năm 1994, Tiến sĩ Newton đã xuất bản cuốn sách nghiên cứu về luân hồi gần 300 trang với nhan đề “Hành trình của các linh hồn: Nghiên cứu điển hình về cuộc sống giữa những cuộc đời” (Journey of Souls: Case Studies of Life Between Lives). Cuốn sách này chủ yếu dựa trên các ghi chép quan sát của ông về 29 người ở trạng thái thôi miên trong khoảng thời gian 10 năm, tập trung mô tả những trải nghiệm của linh hồn con người giữa lúc rời khỏi trần thế, bước vào thế giới tâm linh để đến lần tái sinh tiếp theo. [517]
Tương tự như những trải nghiệm cận tử được mô tả ở phần đầu Chương 5, thế giới tâm linh mà ông Newton ghi chép được là một không gian rộng lớn và kỳ diệu, rực rỡ và chói lóa. So với “thế giới vật chất,” “thế giới tâm linh” có mức năng lượng cao hơn, các sinh mệnh tâm linh ở đó cảm thấy bình yên và giải thoát. Linh hồn con người phát ra ánh sáng của trí tuệ và có thể biến hóa thành hình ảnh thực. Giữa các sinh mệnh tâm linh có thể tiến hành truyền cảm tư duy.
Tiến sĩ Newton còn mô tả một hiện tượng nữa. Ở không gian khác, linh hồn của con người là có màu sắc, các màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím tượng trưng cho các cấp bậc khác nhau.
8. Khoa học về cận tử hé lộ bản chất của sinh mệnh và phủ nhận thuyết tiến hóa
Hiện tượng luân hồi chuyển thế luôn đi cùng với lịch sử của văn minh nhân loại. Trong lịch sử văn hóa truyền thống của các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều loại trường hợp luân hồi, chỉ là từ khi bước vào thời cận đại, do tác dụng tương hỗ giữa cuộc cách mạng công nghiệp và thuyết tiến hóa, con người ngày càng xa rời truyền thống, rất nhiều người đã thờ ơ với những hiện tượng tâm linh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghiên cứu của phương Tây về luân hồi và trải nghiệm cận tử đã vượt qua kiến thức của các môn học truyền thống như y học hiện đại, tâm lý học và tôn giáo v.v., và trở thành một ngành mới nổi trong khoa học đời sống – một nhánh của siêu tâm lý học nghiên cứu về linh hồn con người.
8.1 Khảo sát dư luận về hiện tượng cận tử và luân hồi
Dù ở phương Đông hay phương Tây, đa số mọi người đều có thể đã trải qua cảm giác [cảm giác mà trong đó, một người cảm thấy như đã trải qua tình huống hiện tại trước đây] khi gặp một người mà mình chưa từng gặp lần nào. Rất nhiều người đã tìm thấy nửa kia của mình thông qua “cái nhìn đầu tiên.” Những hiện tượng này đều không cách nào giải thích bằng các lý thuyết sinh học, nhưng chúng lại rất dễ hiểu nếu xét từ góc độ giữa con người với nhau ở đời trước là có “duyên phận.”
Mặc dù hầu hết mọi người không thể nhớ được trải nghiệm đời trước của mình, nhưng vết tích của đời trước sẽ vẫn lưu lại trong ký ức của họ, trong lần đầu tiên tiếp xúc với người và vật, những gì đã trải qua ở đời trước sẽ thể hiện ra hoặc nhiều hoặc ít.
Cho đến hiện nay, vô số trường hợp có thật về luân hồi và một số lượng lớn sự thật khoa học không thể bỏ qua đã khiến người ta đồng tình với cách nói luân hồi chuyển thế, tin tưởng rằng ý thức của con người sau khi chết vẫn còn, và linh hồn là bất diệt.
Một bài luận văn đăng trên tạp chí Tâm lý học Bắc Âu (Nordic Psychology) vào năm 2013 với nhan đề “Tâm lý học đại chúng, cách nhìn của Bắc Âu, Tây Âu và Đông Âu về cuộc sống sau khi chết và luân hồi chuyển thế” đã ghi lại kết quả của “Cuộc khảo sát giá trị quan ở châu Âu” (European Values Survey). Cuộc khảo sát đã trình bày mức độ công nhận của công chúng về hiện tượng luân hồi. [518]
Cuộc khảo sát độc đáo này được thực hiện từ năm 1980 đến năm 1983 tại 14 quốc gia Tây Âu, Canada và Hoa Kỳ. Từ năm 1990 đến 1993, nó được mở rộng thành “Cuộc khảo sát giá trị quan trên thế giới” (World Values Survey) với hơn 43 quốc gia, và mở rộng sang 81 quốc gia từ năm 1999 đến năm 2002. Các quốc gia này đại diện cho khoảng 85% dân số thế giới.
Trong cuộc khảo sát ở châu Âu từ năm 1999 đến năm 2002, số người trung bình được thăm dò ý kiến ở mỗi quốc gia là 1,140. Số liệu cho thấy tại 5 quốc gia Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển), trung bình có 52.8% người dân tin rằng có cuộc sống sau khi chết, và 22.6% số người được hỏi tin vào luân hồi. Trong số những người tin rằng có cuộc sống sau khi chết, có 42% tin vào luân hồi.
Tại 15 quốc gia Tây Âu (Áo, Bỉ, Anh, Pháp, Tây Đức, Luxembourg, Hà Lan, Ireland, Bắc Ireland, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Ý, Malta, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha), trung bình có 58.9% người dân tin rằng có cuộc sống sau khi chết, và 22.2% số người được hỏi tin vào luân hồi; trong số những người tin vào có cuộc sống sau khi chết, có 36.7% tin vào luân hồi.
Ở các quốc gia Đông Âu, trung bình có 47.6% người dân tin rằng có cuộc sống sau khi chết, và 27% số người được hỏi tin vào luân hồi; trong số những người tin vào có cuộc sống sau khi chết, có 54% tin vào luân hồi.
Cụ thể, tỷ lệ người tin vào luân hồi là 44% ở Litva, 41% ở Iceland, 36% ở Thụy Sĩ và thấp nhất là 12% ở Đông Đức cũ. Ở Litva, có hơn 77% người dân có tín ngưỡng Cơ Đốc giáo và 6% không theo tôn giáo nào [519]. Ở Iceland, có 71% người tín ngưỡng Cơ Đốc giáo và 6% không theo tôn giáo nào [520]. Thụy Sĩ cũng là một quốc gia có tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, với 2/3 dân số có tín ngưỡng Thiên Chúa giáo hoặc Tân giáo. [521].
Theo một cuộc khảo sát của Gallup được báo cáo vào năm 2005, có 20% người Mỹ tin vào hiện tượng luân hồi. [522]
8.2 Nghiên cứu về cận tử và luân hồi tiết lộ bản chất của sinh mệnh và bác bỏ thuyết tiến hóa
Sự nổi lên của khoa học về cận tử và luân hồi là cột mốc đánh dấu rằng chúng ta không còn nghiên cứu các hiện tượng của cuộc sống chỉ từ thế giới vật chất, mà là từ hai góc độ vật chất và tinh thần. Sự chuyển biến này có vai trò mang tính bước ngoặt trong việc hướng dẫn khoa học đời sống của nhân loại bước đi đúng hướng. Khi nói đến nguồn gốc sinh mệnh của con người, ngoài nguồn gốc của nhục thân, chúng ta cũng nên chú ý hơn đến vấn đề nguồn gốc và đích đến của linh hồn.
Văn hóa truyền thống của nhân loại đã ghi chép lại hiện tượng trải nghiệm cận tử và luân hồi chuyển thế. Ở thời cận đại, một nhóm chuyên gia y tế đến từ các quốc gia phương Tây đã sử dụng logic của khoa học thực nghiệm và các phương pháp khoa học chặt chẽ để khẳng định rằng trải nghiệm cận tử và hiện tượng tái sinh thực sự tồn tại, cũng như những mô tả của văn hóa truyền thống về một số hiện tượng cuộc sống là có căn cứ.
Ông Jeffrey Long, một bác sĩ chuyên khoa ung thư xạ trị người Mỹ đã nghiên cứu hơn 5,000 trải nghiệm cận tử và công bố một cách chắc chắn rằng linh hồn không chết sau khi cơ thể con người tử vong. [523]
Bằng cách tổng kết hơn 2,500 trường hợp luân hồi, bác sĩ tâm thần người Mỹ Ian Stevenson đã chứng minh một cách không thể chối cãi rằng linh hồn con người có thể chuyển sinh nhiều lần thành người. Những thông tin được linh hồn bất diệt mang theo trong mỗi đời, bao gồm thói quen sinh hoạt, sở thích, ký ức, mối quan hệ với người khác, v.v., thường sẽ được tiếp tục ở kiếp sau.
Những trường hợp luân hồi chuyển thế thường phản ánh những đặc điểm của nhân quả báo ứng. Duyên phận và mối quan hệ giữa người với người ở đời này thường liên quan trực tiếp đến hành động của họ ở đời trước. Duyên phận bao gồm duyên cha mẹ, duyên vợ chồng, duyên bạn bè, v.v. Rất nhiều trường hợp luân hồi ở phương Tây đã chứng minh rằng, những điều tốt hay xấu mà một người đã làm với người khác trong một đời nào đó nhất định sẽ đặt cơ sở cho mối quan hệ giữa người đó và người thụ ích hoặc nạn nhân ở các đời sau.
Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc có câu: “Bách niên tu đắc đồng thuyền độ, thiên niên tu đắc cộng chẩm miên” (tu mười năm mới được chung thuyền, tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng). Tỷ lệ ly hôn trong xã hội hiện đại đang ngày càng tăng, rất nhiều người không trân trọng duyên vợ chồng, khi mối quan hệ không suôn sẻ thì liền ly hôn, dường như họ cho rằng một khi ly hôn thì mọi chuyện sẽ kết thúc, mà không biết rằng dù đời này ly hôn thì cũng không có nghĩa là mối quan hệ nhân duyên giữa họ có thể bị cắt đứt. Nếu giữa họ có món nợ, đời này không giải quyết được thì đời sau họ có thể sẽ còn gặp lại.
Về mặt nhận thức đối với luân hồi, văn hóa truyền thống và khoa học hiện đại đã đi đến sự tương đồng một cách đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, khi các phương pháp của khoa học thực chứng đi đến những kết luận vượt xa nhận thức hiện tại của con người, người ta lại thường nhắm mắt làm ngơ, cố thủ tập quán và vẫn không nguyện ý thay đổi quan niệm cũ. Trên thực tế, mọi quan niệm cũ đều là chướng ngại khiến con người không thể nhận thức được chân lý. Chỉ với một tâm trí cởi mở và tiếp nhận những lối suy nghĩ khác nhau, con người mới có thể tiến gần hơn đến câu trả lời về nguồn gốc của sinh mệnh.
Chính như Thomas Jefferson (1743-1826), người viết Tuyên ngôn Độc lập và trở thành tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, đã viết khi ông thành lập Đại học Virginia rằng: “Tổ chức này được kiến lập dựa trên sự tự do vô hạn của tư tưởng con người. Ở đây, chúng tôi không ngại đi theo sự thật dù nó dẫn đến đâu.” [525]
8.3 Nghiên cứu về cận tử và luân hồi một lần nữa bác bỏ thuyết tiến hóa
Giả thuyết về sự tiến hóa của con người do Darwin đề ra hoàn toàn không đề cập đến linh hồn con người, càng không nói đến nguồn gốc của linh hồn. Kết quả của các nghiên cứu về cận tử và luân hồi đã cho thấy bản chất của con người là linh hồn, điều này đã đủ để bác bỏ giả thuyết tiến hóa.
Sau khi chiếc phi cơ của phi công James bị rơi trong Đệ nhị Thế chiến, anh đã được chuyển sinh và sinh ra ở Louisiana, Hoa Kỳ vào năm 1999. Sau khi chuyển sinh, khi đang chơi đồ chơi, cậu bé James từng nói với cha mẹ mình rằng: “Cha mẹ là một cặp phụ huynh rất tốt, lúc đó con biết rằng mình đã đúng khi chọn cha mẹ.” Cậu bé James kể rằng lần đầu tiên cậu gặp cha mẹ mình là tại một khách sạn màu hồng ở Hawaii, vì rất thích họ nên cậu mới chọn họ làm cha mẹ của mình. Điều này khiến cha mẹ của James không thể tin được, vì quả thực họ đã đi nghỉ tại một khách sạn màu hồng ở Hawaii, và sau đó đã sinh ra James.
Cậu bé James không chỉ nhớ được kiếp trước của mình mà còn nhớ quá trình linh hồn mình lựa chọn nhục thể để chuyển sinh trước khi sinh ra như thế nào, đây là điều mà các nhà khoa học gọi là trí nhớ trước khi sinh (prenatal memory) [526] hay trí nhớ chu sinh (perinatal memory). [527].
Bác sĩ khoa sản phụ người Nhật Akira Ikegawa là nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này. Ông tốt nghiệp Trường Y Đại học Teikyo và từng giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Ageo. Vào năm 1989, ông mở Phòng khám Ikegawa tại Thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa. [528]
Ông Akira Ikegawa từng thực hiện hai cuộc khảo sát: Cuộc khảo sát đầu tiên là với 79 bà mẹ đang được điều trị tại Phòng khám Ikegawa. Câu hỏi đặt ra là: “Con bạn có còn nhớ những gì đã xảy ra khi còn trong bụng mẹ hoặc khi sinh ra không?” Kết quả cho thấy có 53% trẻ có trí nhớ chu sinh và 41% có trí nhớ trước khi sinh. [529]
Trong năm 2002 và 2003, ông Ikegawa đã thực hiện cuộc khảo sát với 3,061 cặp cha mẹ và con cái tại các trường mẫu giáo ở Thành phố Suwa và Thành phố Shiojiri, tỉnh Nagano. Ông đã nhận được phản hồi từ 1,620 trẻ với độ tuổi trung bình vào khoảng 4 tuổi, kết quả khảo sát là: 33% trẻ có trí nhớ chu sinh và 21% trẻ có thể nhớ lại quá trình sinh ra.
Ông Akira Ikegawa hiện là cố vấn cho Hiệp hội Tâm lý và Sức khỏe Tiền sản và Chu sinh (Association for Prenatal and Perinatal Psychology and Health, APPPAH) tại Nhật Bản. Ông là tác giả của những cuốn sách như “Cha mẹ được con cái chọn” [530], “Khi con nhìn thấy mẹ trên mây” và “Mẹ ơi, con đến vì mẹ” v.v.
Ngoài việc ghi lại trí nhớ chu sinh của trẻ, những cuốn sách này còn ghi lại một số mô tả rất thú vị về Thiên đường hoặc các không gian khác. Rất nhiều đứa trẻ đều kể ra những câu chuyện tương tự, rằng trước khi chào đời, chúng đã ở trên mây và sống với các Thiên thần, tiên nữ. Chúng tìm kiếm mẹ của chúng khắp nơi trên thế giới, và khi tìm thấy, chúng rời khỏi mây trên trời và bay vào bụng mẹ.
Trong trải nghiệm cận tử, linh hồn của người đã khuất nhìn thấy Chúa và Thiên đường. Ký ức chu sinh thì cho thấy trước khi đầu thai làm người, linh hồn đến từ trên các đám mây (không gian vũ trụ cao tầng hơn), nó hoàn toàn giống với “thế giới tinh thần” giữa sự luân hồi của các linh hồn mà các nhà khoa học phát hiện. Những nghiên cứu này đã bắt đầu gợi ý rằng linh hồn của con người có nguồn gốc từ Thiên đường hoặc không gian vũ trụ cao tầng hơn.
Những bí ẩn của sinh mệnh là vô tận, cho đến nay vẫn còn rất nhiều sự thật mà con người chưa nhận thức được. Nếu chúng ta bảo trì tâm trí cởi mở và không ngừng tiếp tục khám phá, thì chúng ta sẽ ngày càng tiến gần hơn đến câu trả lời thực sự về nguồn gốc của nhục thể và linh hồn của sinh mệnh.
Dưới sự dẫn dắt sai lầm của thuyết tiến hóa, khoa học hiện đại đã đi chệch khỏi nhận thức về bản chất của sinh mệnh và linh hồn, lệch khỏi truyền thống và đạo đức – vốn là căn bản của linh hồn. Vì vậy đã tạo thành ngày càng nhiều mối nguy đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Ở Chương 6, Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này.
Tài liệu tham khảo:
- Weiss, B. L. (1988). Many Lives, Many Masters: The True Story of a Prominent Psychiatrist, His Young Patient, and the Past-Life Therapy That Changed Both Their Lives. Touchstone.https://libgen.fun/get.php?md5=E8DFB33BAC7C1FE0EC652294191ED695&token=550d8ac61cd9d9c9
- Stevenson, I. (1960a). The evidence for survival from claimed memories of former incarnations. Part I. Review of the data. Journal of the American Society for Psychical Research, 54, 51–71.https://med.virginia.edu/perceptual-studies/wp-content/uploads/sites/360/2016/12/STE1.pdf
- Shanti Devi — The Unbelievable Reincarnation that shocked even Mahatma Gandhi!.https://annecollette.medium.com/shanti-devi-the-unbelievable-reincarnation-that-shocked-even-mahatma-gandhi-b3c84dfd3742
- John H. Manas. Metempsychosis. Solution of the riddle of life. Pythagorean society, 152 West 12nd Street. New York City, 1941. https://ia803105.us.archive.org/20/items/metempsychosis_201912/Metempsychosis_text.pdf Page 157.
- Reincarnation,religious belief. Also known as: metempsychosis, transmigration.https://www.britannica.com/topic/reincarnation
- Juergensmeyer, Mark; Roof, Wade Clark (2011). Encyclopedia of Global Religion. SAGE Publications. pp. 271–272. ISBN 978-1-4522-6656-5. Archived from the original on 2019-03-31. Retrieved 2016-09-25. Link
- “Heart of Hinduism: Reincarnation and Samsara”. Hinduism.iskcon.com. Archived from the original on 19 April 2011. Retrieved 6 December 2011.https://web.archive.org/web/20110419232238/http://hinduism.iskcon.com/concepts/102.htm
- Plato. Phaedrus (Edition).https://libgen.fun/book/index.php?md5=9355329BCA5A0296B3AED1B46F53A406
- WITZIG, J. S. (1982). Theodore Flournoy. Journal of Analytical Psychology, 27(2), 131-148.https://doi.org/10.1111/j.1465-5922.1982.00131.x; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1111/j.1465-5922.1982.00131.x
- Tanne, J. H. (2007). Ian Pretyman Stevenson. BMJ : British Medical Journal, 334(7595), 700.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1839221/
- REMI J. CADORET, M.D., Iowa City, Iowa. “European Cases of the Reincarnation Type.” 2005. American Journal of Psychiatry; 162(4): 823-824.https://ajp.psychiatryonline.org/doi/abs/10.1176/appi.ajp.162.4.823.
- Lief, H. I. (1977). Commentary on Dr. Ian Stevenson’s “Research into the evidence of man’s survival after death.” Journal of Nervous and Mental Disease, 165, 171–173.https://doi.org/10.1097/00005053-197709000-00003; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1097/00005053-197709000-00003
- Tucker, Jim B. (2010). Ian Stevenson and Cases of the Reincarnation Type. Journal of Scientific Exploration 22 (1).https://med.virginia.edu/perceptual-studies/wp-content/uploads/sites/360/2016/12/REI36Tucker-1.pdf
- Stevenson, I. (1960a). The evidence for survival from claimed memories of former incarnations. Part I. Review of the data. Journal of the American Society for Psychical Research, 54, 51–71.https://med.virginia.edu/perceptual-studies/wp-content/uploads/sites/360/2016/12/STE1.pdf
- Stevenson, I. (1960b). The evidence for survival from claimed memories of former incarnations. Part II. Analysis of the data and suggestions for further investigations. Journal of the American Society for Psychical Research, 54, 95–117.
- Stevenson, I. (1966). Twenty Cases Suggestive of Reincarnation (2nd rev ed.). Charlottesville: University Press of Virginia. (Original work published 1966 in Proceedings of the American Society for Psychical Research, 1–362.)https://s3.us-west-1.wasabisys.com/luminist/EB/S/Stevenson%20-%2020%20Cases%20Suggestive%20of%20Reincarnation.pdf
- STEVENSON, IAN. (1975). Cases of the Reincarnation Type: Vol. 1: Ten Cases in India. Charlottesville, VA: University Press of Virginia.(1977). Cases of the Reincarnation Type: Vol. 2:. Ten Cases in Sri Lanka. Charlottesville, VA: University Press of Virginia (1980). Cases of the Reincarnation Type: Vol. 3: Twelve Cases in Lebanon and Turkey. Charlottesville, VA: University Press of Virginia.(1983). Cases of the Reincarnation Type: Vol. 4: Twelve Cases in Thailand and Burma. Charlottesville, VA: University Press of Virginia.https://www.amazon.com/Cases-Reincarnation-Type-Vol-India/dp/0813906024
- Reincarnation and Biology: A Contribution to the Etiology of Birthmarks and Birth Defects, Volumes I and II.https://med.virginia.edu/perceptual-studies/book/reincarnation-and-biology-a-contribution-to-the-etiology-of-birthmarks-and-birth-defects/
- Ian Stevenson, European Cases of the Reincarnation Type, McFarland and Company, 2003. 270 pp. ISBN 0-7864-1458-8.https://books.google.ch/books?id=lZgPBE5q2TAC&q=European+Cases+of+the+Reincarnation+Type+google+book&redir_esc=y
- Ian Stevenson, (1997). Where Reincarnation and Biology Intersect. Praeger Publishers (a short, non-technical version of Reincarnation and Biology).https://libgen.fun/get.php?md5=F16B9D3D143DC29CDD672D2888116906&token=08ff7ebe6a9ebc6e
- King LS. Cases of the Reincarnation Type, vol 1: Ten Cases in India. JAMA. 1975;234(9):978. doi:10.1001/jama.1975.03260220082033; https://sci-hub.st/10.1001/jama.1975.03260220082033
- STEVENSON, IAN M.D.. THE EXPLANATORY VALUE OF THE IDEA OF REINCARNATION. The Journal of Nervous and Mental Disease 164(5):p 305-326, May 1977. https://doi.org/10.1097%2F00005053-197705000-00002; https://sci-hub.st/10.1097/00005053-197705000-00002
- “In Memoriam Eugene Brody, MD, BS Med ’43 1921–2010”. University of Missouri. Archived from the original on 13 May 2013. Accessed on September 4, 2023.https://web.archive.org/web/20130513184400/http://medicine.missouri.edu/news/00-memorial2.php
- Stevenson I. (1977). Research into the evidence of man’s survival after death: a historical and critical survey with a summary of recent developments. The Journal of nervous and mental disease, 165(3), 152–170.https://doi.org/10.1097/00005053-197709000-00002
- Lief, H. I. (1977). Commentary on Dr. Ian Stevenson’s “Research into the evidence of man’s survival after death.” Journal of Nervous and Mental Disease, 165, 171–173.https://doi.org/10.1097/00005053-197709000-00003; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1097/00005053-197709000-00003
- Tanne, J. H. (2007). Ian Pretyman Stevenson. BMJ : British Medical Journal, 334(7595), 700.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1839221/
- STEVENSON, IAN M.D.. THE EXPLANATORY VALUE OF THE IDEA OF REINCARNATION. The Journal of Nervous and Mental Disease 164(5):p 305-326, May 1977.https://doi.org/10.1097%2F00005053-197705000-00002; https://sci-hub.st/10.1097/00005053-197705000-00002
- Stevenson, I. (2000). The phenomenon of claimed memories of previous lives: Possible interpretations and importance. Medical Hypotheses, 54(4), 652-659.https://doi.org/10.1054/mehy.1999.0920; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1054/mehy.1999.0920
- Soul Survivor: The Reincarnation of a World War II Fighter Pilot. Authors: Bruce Leininger, Andrea Leininger, Ken Gross. Publisher: Grand Central Publishing 2010.https://archive.org/details/soulsurvivorrein0000lein; https://transcripts.cnn.com/show/lkl/date/2009-12-22/segment/01;https://libgen.fun/get.php?md5=B57182766F2C171A629CAEDE3BBE4249&token=f0808093488d169d
- Reincarnation with Religion Change: A Christian is Born Again as a Buddhist – Past Life Story of Palitha Senewiratne | Gamini Jayasena. Researched by: Ian Stevenson, MD and Francis Story. Cases of the Reincarnation Type, Volume II: Ten Cases in Sri Lanka, by Ian Stevenson, MD. Article by: Walter Semkiw, MDhttps://www.reincarnationresearch.com/religion-change-a-christian-born-again-as-a-buddhist-past-life-story-of-palitha-senewiratne-gamini-jayasena/
- SAME FAMILY REINCARNATION CASES OF SISTERS WHO WERE REBORN AS TWINS: THE PAST LIFE CASES OF JOANNA POLLOCK | GILLIAN POLLOCK AND JACQUELINE POLLACK | JENNIFER POLLACK. How Derived: Past Life Memories in Childhood. Researcher: Ian Stevenson, MD. From: Reincarnation and Biology, by Ian Stevenson, MD, pages 2041-2058. Article by: Walter Semkiw, MD.https://www.reincarnationresearch.com/same-family-reincarnation-cases-of-sisters-who-were-reborn-as-twins-the-past-life-cases-of-joanna-pollock-gillian-pollock-and-jacqueline-pollack-jennifer-pollack/
- Ian Stevenson. Reincarnation and Biology: A Contribution to the Etiology of Birthmarks and Birth Defects Volume 1: Birthmarks. Publisher: Praeger. Publication date: April 9, 1997. ISBN-10: 0275952835. ISBN-13: 978-0275952839.https://www.amazon.com/Reincarnation-Biology-Contribution-Etiology-Birthmarks/dp/0275952835
- 湖南发现一百多“再生人”轮回转世震惊全国。凤凰网。2014年12月29日07:14. 来源:上海教育电视台《特别传真》https://fo.ifeng.com/news/detail_2014_08/28/38546181_0.shtml 访问日期2023年08月20日
- 湖南通道“再生人”的前世今生。2015年06月19日星期五新京报。第A16:核心报导http://epaper.bjnews.com.cn/html/2015-06/19/content_583155.htm 访问日期2023年08月31日
- 湖南发现一百多“再生人”轮回转世震惊全国。凤凰网。2014年12月29日07:14. 来源:上海教育电视台《特别传真》https://fo.ifeng.com/news/detail_2014_08/28/38546181_0.shtml 访问日期2023年08月20日
- 湖南通道“再生人”的前世今生。2015年06月19日星期五新京报。第A16:核心报导http://epaper.bjnews.com.cn/html/2015-06/19/content_583155.htm 访问日期2023年08月31日
- 湖南发现一百多“再生人”轮回转世震惊全国。凤凰网。2014年12月29日07:14. 来源:上海教育电视台《特别传真》https://fo.ifeng.com/news/detail_2014_08/28/38546181_0.shtml 访问日期2023年08月20日
- 王涵。阴阳两界的生命轮回──贵州黎平县述洞村侗族“再生人”故事调查研究。《重庆文理学院学报(社会科学版)》在2014年3期。在线出版日期:2014-05-28 (万方平台首次上网日期)https://d.wanfangdata.com.cn/periodical/yxxyxb-shkxb201403003
- Barker D. R., Pasricha S.K. Reincarnation cases in Fatehabad: a systematic survey in North India. J Asian and African Studies 1979; XIV(3–4): 231–240.https://doi.org/10.1163/156852179X00042; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1163/156852179X00042
- Stevenson I: Some of My Journeys in Medicine: A Lecture About Science and Reincarnation: The Flora Levy Lecture in the Humanities. Lafayette, University of Southwestern Louisiana, 1989https://med.virginia.edu/perceptual-studies/wp-content/uploads/sites/360/2015/11/some-of-my-journeys-in-medicine.pdf
- Stevenson, I. (1974). Twenty Cases Suggestive of Reincarnation (2nd rev ed.). Charlottesville: University Press of Virginia. (Original work published 1966 in Proceedings of the American Society for Psychical Research, 1–362.)https://s3.us-west-1.wasabisys.com/luminist/EB/S/Stevenson%20-%2020%20Cases%20Suggestive%20of%20Reincarnation.pdf
- Stevenson, I. (2000). The phenomenon of claimed memories of previous lives: Possible interpretations and importance. Medical Hypotheses, 54(4), 652-659.https://doi.org/10.1054/mehy.1999.0920; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1054/mehy.1999.0920
- Stevenson, I. (1993). Birthmarks and Birth Defects Corresponding to Wounds on Deceased Persons. Journal of Scientific Exploration, 7, 403–416.https://med.virginia.edu/perceptual-studies/wp-content/uploads/sites/360/2016/12/STE39stevenson-1.pdf
- Pasricha S. K. Cases of the reincarnation type in northern India with birthmarks and birth defects. J Sci Expl 1998; 12(2): 259–293.https://www.semanticscholar.org/paper/Cases-of-the-Reincarnation-Type-in-Northern-India-Pasricha-Pasricha/7c36c6ed7e807d8ccc825cd8c465dd9759916a60
- Kennedy W.P. Epidemiological aspects of the problem of congenital malformations. Birth Defects Original Article Series 1967; 3: 1–18.https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-94-011-6621-8_4; http://library.lol/main/17242FA15F61F22EE770A6197644CCAE
- Nelson K., Holmes L. B. Malformations due to presumed spontaneous mutations in newborn infants. New Engl J Med 1989; 320: 19–23.https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2909875/; https://sci-hub.st/10.1056/NEJM198901053200104
- Stevenson, I. (1993). Birthmarks and Birth Defects Corresponding to Wounds on Deceased Persons. Journal of Scientific Exploration, 7, 403–416.https://med.virginia.edu/perceptual-studies/wp-content/uploads/sites/360/2016/12/STE39stevenson-1.pdf
- Stevenson, I. (2000). The phenomenon of claimed memories of previous lives: Possible interpretations and importance. Medical Hypotheses, 54(4), 652-659. https://doi.org/10.1054/mehy.1999.0920; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1054/mehy.1999.0920
- Stevenson, I. (Apr 1999). “Past lives of twins”. Lancet. 353 (9161): 1359–1360.https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(05)74353-1/fulltext
- Carl Jung. Also known as: Carl Gustav Jung.Swiss psychologist. Written by Frieda Fordham, Michael S.M. Fordham, Fact-checked by The Editors of Encyclopaedia Britannica. Last Updated: Jul 22, 2023.https://www.britannica.com/biography/Carl-Jung
- Four Archetypes.By C.G. Jung. Copyright 2003. 3rd Edition. ISBN 9780415304412. 216 Pages. Published January 9, 2003 by Routledge.https://libgen.fun/get.php?md5=57411A0425DD73AB793A72B85833A624&token=0abfabc2036416f799c7
- REINCARNATION RESEARCH OF IAN STEVENSON AT THE UNIVERSITY OF VIRGINIA & CHILDREN’S PAST LIFE MEMORIES. Article by Walter Semkiw, MD.
- Stevenson I. Phobias in children who claim to remember previous lives. J Sci Expl 1990; 4(2): 243–254.https://med.virginia.edu/perceptual-studies/wp-content/uploads/sites/360/2016/12/STE34Stevenson-1.pdf
- Menzies R. G., Clarke J. C. The etiology of childhood water phobia. Behav Res Ther 1993; 31(5): 499–501. https://doi.org/10.1016/0005-7967(93)90131-d; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1016/0005-7967(93)90131-d
- Stevenson, I. (1983). American Children Who Claim to Remember Previous Lives. Journal of Nervous and Mental Disease, 171, 742–748. doi:10.1097/00005053-198312000-00006.https://sci-hub.st/10.1097/00005053-198312000-00006
- Stevenson, I. (2003). European Cases of the Reincarnation Type. Jefferson, NC: McFarland. ISBN: 0786414588, 9780786414581, 0786442492, 9780786442492.https://libgen.fun/book/index.php?md5=1FD8B96AEE1779C0648E9B874BD6225C
- Hypnosis psychology. Written by A Gordon Hammer, Martin T. Orne etc. Fact-checked by The Editors of Encyclopaedia Britannica. Last Updated: Aug 4, 2023.https://www.britannica.com/science/hypnosis
- Hypnosis Motivation Institute. Nationally Accredited College of Hypnotherapy. 2012 – Hypnosis in History. 1920 – Hypnosis in the Modern Era.https://hypnosis.edu/history/hypnosis-in-the-modern-era
- Brian Weiss. https://www.brianweiss.com/ Accessed on September 1, 2023.
- Weiss, B. L. (1988). Many Lives, Many Masters: The True Story of a Prominent Psychiatrist, His Young Patient, and the Past-Life Therapy That Changed Both Their Lives. Touchstone.https://libgen.fun/get.php?md5=E8DFB33BAC7C1FE0EC652294191ED695&token=550d8ac61cd9d9c9
- Weiss, B. L. (1988). Many Lives, Many Masters: The True Story of a Prominent Psychiatrist, His Young Patient, and the Past-Life Therapy That Changed Both Their Lives. Touchstone. https://libgen.fun/get.php?md5=E8DFB33BAC7C1FE0EC652294191ED695&token=550d8ac61cd9d9c9 Page 351-352.
- Weiss, B. L. (1993). Through Time Into Healing: Discovering the Power of Regression Therapy to Erase Trauma and Transform Mind, Body, and Relationships (Reprint Edition). Touchstone. https://libgen.fun/book/index.php?md5=3478A1713BFF3F70B53C43A4C9E42A36 Page
- Weiss, B. L. (1993). Through Time Into Healing: Discovering the Power of Regression Therapy to Erase Trauma and Transform Mind, Body, and Relationships (Reprint Edition). Touchstone. https://libgen.fun/book/index.php?md5=3478A1713BFF3F70B53C43A4C9E42A36 Page
- Weiss, B. L. (1993). Through Time Into Healing: Discovering the Power of Regression Therapy to Erase Trauma and Transform Mind, Body, and Relationships (Reprint Edition). Touchstone. https://libgen.fun/book/index.php?md5=3478A1713BFF3F70B53C43A4C9E42A36 Page 402-404
- Brian Weiss (Author). Only Love is Real: The Story of Soulmates Reunited.https://libgen.fun/book/index.php?md5=FC090FDFDBE07CA6BD3290A4CF6A2400
- Helen Wambach.https://regressionjournal.org/jrt_author/helen-wambach-1925-1986/.
- Helen Wambach,Ph.D.,Reliving past lives – The evidence under hypnosis. ISBN: 0760719853. Publisher: Barnes & Noble Books. Pub. Date: March 2000.https://www.amazon.com/Reliving-Past-Lives-Evidence-Hypnosis/dp/0760719853; https://zlibrary-africa.se/book/17205990/89c63e
- Dr. Michael Newton. Michael Newton Institute.https://www.newtoninstitute.org/dr-michael-newton/
- Newton, M. (1994). Journey of Souls: Case Studies of Life Between Lives (1st ed.). Llewellyn Publications.https://libgen.fun/book/index.php?md5=29A80445CDB5F7D39F78EF85BEAB51BE
- ERLENDUR HARALDSSON (2006) Popular psychology, belief in life after death and reincarnation in the Nordic countries, Western and Eastern Europe, Nordic. Psychology, 58:2, 171-180, DOI: 10.1027/1901-2276.58.2.171.https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1027/1901-2276.58.2.171
- Lithuania. Population: demographic situation, languages and religions. Eurydice. European Commission. Link.
- Iceland Religions.https://www.indexmundi.com/iceland/religions.html
- Religion. About Switzerland. The Federal Council. FDFA. Link.
- Three in Four Americans Believe in Paranormal. Little change from similar results in 2001. BY DAVID W. MOORE.https://news.gallup.com/poll/16915/three-four-americans-believe-paranormal.aspx
- Kelly Burch. I’ve studied more than 5,000 near death experiences. My research has convinced me without a doubt that there’s life after death. Aug 28, 2023, 3:36 PM CEST. https://www.insider.com/near-death-experiences-research-doctor-life-after-death-afterlife-2023-8 Accessed on September 4, 2023.
- Ellis, Joseph J.. “Thomas Jefferson”. Encyclopedia Britannica, 23 Aug. 2023, https://www.britannica.com/biography/Thomas-Jefferson. Accessed 5 September 2023.
- Tanne, J. H. (2007). Ian Pretyman Stevenson. BMJ : British Medical Journal, 334(7595), 700.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1839221/
- Akira Ikegawa, Yuko Igarashi, and Yuko Tsuchihashi. Prenatal Memory: How to Accept Love from Our Children Journal of Prenatal and Perinatal Psychology and Health 36(1), Spring 2022. Page 45-75https://birthpsychology.com/wp-content/uploads/journal/published_paper/volume-36/issue-1/0Wa2oC6O.pdf
- Prenatal and Perinatal Memories in Preverbal Children: Clinical Observations Using Videotape Examination Tara Maria A. Blasco Jauregui November 2006.https://tarablasco.com/wp-content/uploads/Library/DISSERTATION_Tara_Blasco_.pdf
- Prenatal Memory Network » Akira Ikegawa (Representative).http://prenatalmemory.net/en/profile
- Surveys on prenatal memory.http://prenatalmemory.net/en/prenatal-memory/research
- 父母是孩子选择的:育儿从孩子出生前开始。池川明着。卢佳女译。中国友谊出版公司 2010年10月。ISBN978-7-5057-2811-0。https://zlibrary-africa.se/s/
Nhóm biên soạn “Nhìn thấu Thuyết tiến hóa”
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ