Nhiếp đạo sĩ Nam Đường có tiên duyên, nhiều năm tu hành cuối cùng thành Chân nhân
Nhiếp Sư Đạo, tự Thông Vi, người châu Thiệp (nay là huyện Thiệp, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông tính tình lương thiện, là người chính trực, thuần hậu, đối đãi với mọi người cũng rất khiêm tốn, thận trọng. Ông rất hiếu thuận với cha mẹ, cho nên bấy giờ luôn được mọi người quý trọng. Nhiếp Sư Đạo lúc nhỏ đã thông tuệ hơn người, ngộ tính lại cao, mười mấy tuổi đã bắt đầu tu Đạo. Ông đã sớm đi cùng một người tên là đạo sĩ Phương Ngoại tu hành ở trong núi sâu.
Trong núi Tích Khê nghe nhạc tiên
Nhiếp Sư Đạo từng nhìn thấy phép tu hành trong một quyển kinh thư có liên quan đến cách dùng nhựa thông, vì thế ông cùng đạo hữu đi lấy nhựa thông trong núi Tích Khê. Họ trèo lên vách núi cao cả trăm trượng, ngủ qua đêm dưới một gốc cây thông. Đêm hôm đó trăng sáng sao thưa, từ phía đông nam từ từ bay đến một đám mây lành màu tím, trong đám mây truyền đến tiếng nhạc thần tiên.
Độ cao của vách núi tương đương với núi Thạch Kim ở gần đó, đám mây kia dừng lại trên lưng chừng núi Thạch Kim, âm nhạc mỹ diệu truyền đến vang vọng giữa vách núi. Không lâu lại có tiếng trống hòa điệu, còn có tiếng sáo, tiếng tiêu thổi tấu âm thanh rất hay. Nhạc tiên này vang vọng, du dương, không phải giai điệu mà người trên thế gian có thể soạn ra được. Thanh âm tấu nhạc bắt đầu vang lên từ canh ba, đến lúc rạng sáng hôm sau mới kết thúc.
Sau khi mọi người tỉnh dậy, Nhiếp Sư Đạo nói với họ chuyện đêm hôm trước nghe thấy tiếng nhạc mỹ diệu, các đạo hữu rất xúc động nói với ông: “Ông đến núi này hái thuốc, lại nghe được nhạc tiên mỹ diệu, lẽ nào ông đã cảm ứng được với Thần Tiên? Đây có thể là điềm báo ngày sau ông đắc Đạo!”
Trong núi Nam Nhạc gặp được ba vị tiên
Nhiều năm sau, Nhiếp Sư Đạo du hành đến Hành Sơn, Nam Nhạc, từng ở trong Chiêu Tiên quán. Lúc ấy đang lúc mùa xuân, người đốn củi trong núi nói với ông rằng: “Thái Chân Nhân ẩn cư ở nơi này”. Thế là, sau khi tịch cốc bảy ngày, ông bèn một mình đi vào núi sâu tìm Thái Chân Nhân. Ông đi rất lâu, đi đến một con suối lớn.
Ông nhìn thấy một tiều phu ngồi bên suối, một lúc sau thì đứng dậy, định lội qua suối. Người tiều phu kia quay đầu nhìn, đúng lúc thấy Nhiếp Sư Đạo, bèn hỏi ông: “Ông là ai, đến đây làm gì?”. Nhiếp Sư Đạo đáp: “Tôi mang lòng thành kính đến núi này, mong bái tìm tiên đạo, nghe được rằng Thái Chân Nhân ẩn cư ở đây, nên rất muốn bái kiến vị ấy”.
Không ngờ, tiều phu xua tay nói: “Nơi tu hành của Thái Chân Nhân là núi cao rừng sâu, kẻ phàm phu tục tử không thể tìm được đâu”.
Nhiếp Sư Đạo lại nói tiếp: “Tôi băng rừng vượt đèo, đi rất lâu mới đến được nơi này. Chỉ cần có đường, tôi sẽ không ngại đường sá xa xôi”.
Tiều phu thấy tâm chí ông kiên định, cuối cùng nói: “Sắc trời bây giờ đã tối, nếu ông có thể vượt qua núi này trước khi màn đêm buông xuống, sau đó đi thẳng về hướng đông, nhìn thấy nhà một nhà dân, thì đêm nay có thể tá túc ở chỗ đó”.
Tiều phu nói xong thì chuẩn bị lội qua suối. Lúc ông ta đặt chân xuống nước, nước suối xem ra rất nông. Thế nên, Nhiếp Sư Đạo cũng bước theo qua suối, nhưng càng đi, dòng nước càng sâu, chảy càng xiết. Tiều phu ở phía trước ngoảnh đầu nói với Nhiếp Sư Đạo: “Không cần đi cùng tôi, ông 50 năm sau mới có thể vượt qua được dòng suối này!”. Nói xong, ông ấy bước nhanh như bay, đạp nước mà đi, rất nhanh đã biến mất vô hình vô dạng. Năm mươi năm sau, Nhiếp Sư Đạo quả nhiên lại đến núi này, thuận lợi vượt qua con suối kia.
Nói đến chuyện ngày hôm đó, sau khi tiều phu đi rồi, Nhiếp Sư Đạo liền vượt qua núi lớn nhằm hướng đông mà đi. Đi rất lâu thì nhìn thấy ngôi nhà tranh ba gian cách đó không xa, hàng rào trước nhà còn nuôi gà và chó. Chủ nhân căn nhà là một nông dân sống độc thân, khoảng chừng ba mươi mấy tuổi. Ông ấy nhìn thấy Nhiếp Sư Đạo đi một mình trong núi sâu, liền kinh ngạc hỏi: “Ông sao lại đến núi này?”. Nhiếp Sư Đạo đáp rằng: “Tôi là đến để tìm Thái Chân Nhân”. Chủ nhân nhà kia vẫn rất ngạc nhiên hỏi tiếp: “Trên đường ông đến đây không thấy một người tiều phu sao? Ông ấy chính là Thái Chân Nhân”.
Nhiếp Sư Đạo nghe xong, vội vàng ngoảnh đầu về nơi vừa mới gặp người tiều phu hành lễ, sau đó tiếc nuối nói: “Đáng tiếc tôi là kẻ phàm tục, tiên nhân trước mặt lại không nhận ra được, xem như đây cũng là mệnh của tôi!”. Ông hỏi thăm chủ nhân ngôi nhà có thể tá túc một đêm hay không, người này vui vẻ đồng ý.
Nhiếp Sư Đạo vào trong nhà, người chủ bảo ông ngồi xuống giường bên cạnh lò lửa, sau đó nói: “Tôi mới ăn vài cây cỏ gặp được trong núi rồi, không còn thứ gì nữa”. Nhiếp Sư Đạo nói: “Tôi đã nhiều ngày chưa ăn gì, bây giờ cũng không muốn ăn gì cả”. Người chủ nhà nghe xong, chỉ vào nồi canh cạnh lò lửa nói: “Ông hãy mở nồi sứ màu vàng này ra”. Sau khi Nhiếp Sư Đạo mở ra, phát hiện bên trong có thứ giống như lá trà, nhưng mùi vị không giống. Người kia nói: “Dùng nước nóng đổ vào, sau đó có thể ăn”. Nhiếp Sư Đạo sau khi ăn xong còn muốn ăn nữa, đến lúc mở lại nồi kia, thì không sao mở được.
Ngày hôm sau, nắng đã lên ba cây sào rồi mà chủ nhân ngôi nhà vẫn còn chưa dậy. Nhiếp Sư Đạo đi đến trước phòng ông ta, chỉ nghe thấy bên trong có tiếng nói vọng ra: “Tôi đột nhiên cảm thấy thân thể không khỏe, không thể tiếp đãi ông được nữa. Nơi này của tôi rất hẻo lánh, ông nên đi xa hơn, chỗ kia có một ngôi làng, ở đó rất đông người, ông có thể tá túc ở đó!”
Nhiếp Sư Đạo cáo biệt ông ta, tiếp tục đi về phía trước. Nhưng đi đã mấy dặm mà không thấy một nhà dân nào. Lại đi tiếp thì đến cạnh một vách đá cao. Phía trước đã không còn đường đi nữa, ông chỉ còn cách quay đầu. Đi khoảng hơn ba mươi dặm, thì nhìn thấy một ông lão đứng bên đường.
Ông lão hỏi ông ta vì sao đến nơi này, ông bèn kể lại chuyện xảy ra sau khi vào núi ngày hôm trước. Ông lão nói: “Thái Chân Nhân và con trai ông ấy đều ở trong núi này, chủ hộ trẻ tuổi hôm qua cậu gặp được chính là con trai Thái Chân Nhân”.
Ông lão nhìn qua Nhiếp Sư Đạo, nói với ông: “Ông khí chất phi phàm, vừa nhìn đã biết là người tu hành, nhưng tiên cốt ông vẫn chưa trưởng thành, vẫn còn là nhục thể người phàm. Nếu ông chết đói chết khát thì không thể ở lại được trong núi này”. Nói xong, ông lão bẻ một cây cỏ bên đường đưa cho Nhiếp Sư Đạo. Ông đưa lên mũi ngửi, thấy mùi vị tươi mới, có vị ngọt. Ông lão lại đưa ông đến cạnh một dòng suối, bảo uống mấy ngụm nước. Ông lập tức cảm thấy khí lực tràn đầy, thân thể đi lại trên đường nhẹ nhàng như chim yến. Đến lúc ngoảnh đầu lại nhìn, phát hiện ông lão đã không còn ở đó nữa.
Nhiếp Sư Đạo tiếp tục đi trong núi, nhưng đi mãi đi mãi thì phát hiện không còn đường nữa. Ông chỉ còn cách xuống núi trở về đạo quán, các đạo sĩ ai nấy đều kinh ngạc nhìn ông, sau đó nói: “Nam Nhạc tuy là nơi linh thiêng đẹp đẽ, nhưng trong núi cũng có nhiều mãnh thú, một người thường không cách nào đi một mình được, nhưng ông lại có thể ở trong núi hơn một tháng, thực là không thể tin nổi!”
Nghe các đạo sĩ nói như vậy, Nhiếp Sư Đạo cũng cảm thấy kỳ lạ, ông nói: “Hôm trước tôi mới vào núi, bất quá chỉ là một ngày một đêm thôi, sao lại nói lâu đến một tháng?”. Ông kể lại những việc ngày hôm trước, các đạo sĩ nghe xong nói: “Chúng ta cùng nhau tu hành trong quán, chỉ có ông có duyên gặp mặt tiên nhân. Ông không chỉ ngẫu nhiên gặp được cha con Thái Chân Nhân, còn có thể gặp Bành Chân Nhân. Dưới núi hơn một tháng, ông ở trong núi lại thấy có một ngày. Ông có tiên duyên như vậy, thảy đều là do công đức tu đạo nhiều năm của bản thân vậy!”
Nhiếp Sư Đạo tu hành nhiều năm ở Chiêu Tiên quán, sau đó hồi về núi Vấn Chính. Lúc ông quay lại lần nữa, hổ báo trong núi đều lắc đầu nguẩy đuôi chào đón, để Nhiếp Sư Đạo vuốt ve. Có lúc, ông đốn củi, hái thuốc trong núi còn bảo chúng chở về đạo quán. Khi đó, trên núi ở châu Thiệp thường có mãnh thú tới lui, nhưng sau khi được Nhiếp Sư Đạo cảm hóa thì không còn hại người nữa.
Trong núi Ngọc Tứ đắc Chân kinh
Về sau, Nhiếp Sư Đạo lại đến núi Ngọc Tứ, muốn bái tìm Mai Chân Nhân và Tiêu thị lang. Hai người này trước khi tu Đạo, một vị là Mai Phước, huyện úy huyện Nam Xương nhà Tây Hán, một vị là Tiêu Tử Vân, hoàng tộc nước Lương thời Nam triều. Đến cuối thời nhà Đường, vẫn có rất nhiều người gặp được họ ở trong núi.
Một hôm, Nhiếp Sư Đạo đi vào trong núi sâu, bỗng nhìn thấy một người đi đường mặc áo vải, đội mũ ô sa, trông khoảng hơn 50 tuổi. Nhiếp Sư Đạo bước đến, cung kính hỏi ông ấy về nơi ẩn cư của Mai Chân Nhân và Tiêu thị lang. Người kia nhìn ông, sau đó nói: “Ông không quản khó khăn, chính là để tìm kiếm tiên đạo. Ông rất kiền thành, lại giữ lòng tu Đạo nhiều năm, thực khó có được. Tôi thấy nghiệp kiếp trước của ông vẫn chưa trả xong, nên bây giờ chưa thể bạch nhật phi thăng, tương lai cũng có thể được liệt vào hàng tiên vậy”.
Người đi đường kia nói với ông: “Tôi là Tạ Tu Thông, trước đây ở Nam Nhạc cùng với hai vị Bành Chân Nhân và Thái Chân Nhân ẩn cư tu hành, nay đã hơn 300 tuổi rồi. Tôi cùng ông sớm đã kết đạo duyên, vì vậy hôm nay mới gặp nhau. Còn hai vị tiên Mai, Tiêu, bọn họ không còn ở trong núi, e rằng ông không gặp được họ rồi”.
Tạ Tu Thông đưa Nhiếp Sư Đạo đến nơi ở của ông ấy, và bảo đồng tử mang đến một bát thuốc. Nhiếp Sư Đạo vừa uống xong hai ngụm liền cảm thấy khí lực tràn trề, thần khí sảng khoái. Tạ Tu Thông lại lấy một quyển sách trên giá xuống, nói với Nhiếp Sư Đạo rằng: “Đây là “tố sách”, người trần sau khi đọc được có thể nhập tiên cảnh, tiên nhân trên mặt đất sau khi đọc xong có thể thăng thiên, chỉ cần ông đọc đi đọc lại nhiều lần, tự nhiên sẽ ngộ được chân ý trong đó”.
Nhiếp Sư Đạo muốn ở lại trong núi học Đạo với Tạ Tu Thông, ông vẫn chưa nói ra, Tạ Tu Thông đã thấu rõ. Ông ấy nói với Nhiếp Sư Đạo: “Ông còn chuyện cần làm ở trần tục, còn phải quay về. Tôi có một đệ tử tên là Tử Chi, ẩn cư trong núi Cửu Nghi. Lúc ông đọc “tố sách” nếu có chỗ nào không hiểu, có thể đi thỉnh giáo nó. Nếu không gặp được, hãy mang sách đi vào động đá bên khe nước, lại viết ý lên vách đá, nó sẽ đi tìm ông, nói cho ông biết yếu chỉ trong sách.
Không lâu sau, Nhiếp Sư Đạo vì lĩnh ngộ không thấu huyền cơ trong “tố sách”, bèn đi đến núi Cửu Nghi. Ông tìm không được Tử Chi, cuối cùng theo như lời Tạ Tu Thông nói, viết thư trong động đá, và để lại bút tích trên vách. Sau đó, Nhiếp Sư Đạo trong mộng gặp được tiên nhân tự xưng là Tử Chi. Được Tử Chi giải đáp những nghi hoặc, Nhiếp Sư Đạo dần dần lĩnh ngộ được chân cơ, cuối cùng đã có sở ngộ.
Tu hành nhiều năm thành Chân nhân
Nhiếp Sư Đạo tu hành ở núi Vấn Chính rất nhiều năm. Ngay những năm đầu, Ngô Thái Tổ sau khi nghe sự tích ông không mang một binh một tốt lại giảng hòa được với quân địch xâm phạm châu Thiệp và giải cứu được bách tính ở đây, liền muốn mượn đức hạnh của ông che chở cho binh sĩ và bách tính nước Ngô. Thế là mời ông nhập cung.
Sau đó, Ngô Thái Tổ cảm động tấm lòng hướng Đạo của ông, còn xây dựng cung điện để làm nơi ở và tu hành cho ông, dùng lễ quốc sư khi gặp mặt để đối đãi. Nhiếp Sư Đạo một lòng tu Đạo, mỗi lần thăng đàn cầu mưa đều rất linh nghiệm. Ông thường rời khỏi cung điện, đến dân gian tuyên giảng Đạo Pháp, khiến bách tính các nơi nhận được sự giáo hóa sâu sắc.
Nhiếp Sư Đạo sống ở Quảng Lăng hơn 30 năm, đệ tử có đến hơn 500 người. Người từ các nước đến bái kiến ông, học Đạo với ông nhiều vô kể. Ông rất nhân từ với đệ tử, dựa theo phẩm tính khác nhau của mỗi đệ tử mà giảng thuật yếu chỉ tu hành Đạo gia. Sau nhiều năm, trong số đệ tử của ông có không ít người ngộ được chân cơ, còn được triều đình ban cho áo tía.
Một ngày, Nhiếp Sư Đạo nói với chúng đệ tử: “Vừa rồi có sứ giả áo đỏ đến báo cho biết, ta được tiên cung truyền gọi, tất phải rời khỏi nhân thế”.
Ông điềm nhiên cáo biệt các đệ tử, trong phòng lập tức tràn ngập mùi hương khác thường, lại có vân hạc từ thiên thượng bay xuống, lượn vòng trước sân. Lúc ông vừa mới được thâu liệm nhập quan, các đệ tử liền nghe được động tĩnh bên trong, mở ra xem thì phát hiện áo quần của ông vẫn còn nhưng thân thể đã giải hóa thành Tiên đi mất rồi.
Tư liệu tham khảo:
Nhan Văn thực hiện
Lý Tinh Thành biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ