Nhiệm kỳ của ông Giang Trạch Dân và sự tà ác vô độ của chính sách một con
Chính sách kế hoạch hóa gia đình của nhà cầm quyền Trung Quốc, hay được biết đến với tên gọi “chính sách một con”, đã dẫn đến hơn 330 triệu ca phá thai trong bốn mươi năm qua. Kế hoạch kiểm soát dân số này đã sát hại không biết bao nhiêu hài nhi, để lại nỗi đau đớn sâu sắc cho hàng chục triệu phụ nữ thông qua cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai, đồng thời còn gây ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hiện đang đe dọa đất nước.
Mặc dù đã có một số báo cáo về những điều khủng khiếp xảy ra khi áp dụng chính sách hà khắc này, nhưng vai trò của nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc vừa mới qua đời Giang Trạch Dân trong việc chỉ thị thực hiện chính sách hà khắc này lại ít được biết đến hơn.
Theo một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, chỉ trong nửa năm 2005, tại một thành phố ở tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc, hơn 130,000 người đã bị cưỡng bức triệt sản hoặc cưỡng bức phá thai. Một chuyên gia Hoa kiều tin rằng đây là kết quả trực tiếp của việc ông Giang ra lệnh nâng tầm quan trọng của chính sách kế hoạch hóa gia đình lên ngang hàng với chính sách kinh tế và chính trị của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ông Giang là lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ trong hơn mười năm kể từ năm 1989. Ngay cả sau khi chính thức mãn nhiệm, ông ta vẫn kiểm soát rất nhiều từ phía sau hậu trường nhờ vào sức ảnh hưởng của phe cánh của ông ở trong Đảng. Ông qua đời tại Thượng Hải hôm 30/11.
Ông Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian), một nhà khoa học cao cấp về sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin-Madison kiêm tác giả của cuốn sách “Đại Quốc Tổ Rỗng”, một cuốn sách viết về chính sách một con của Trung Quốc, đã viết trong một tweet hôm 02/12 rằng ông Giang “đã khơi mào cho sự sụp đổ của dân số Trung Quốc”, khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm từ 2.3 năm 1990 xuống còn 1.22 năm 2000.
Năm 1979, chính quyền Trung Quốc đã ban hành chính sách một con, trong đó quy định rằng các cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con, trong một chiến dịch được cho là nhằm mục đích nâng cao mức sống bằng cách kiềm chế sự gia tăng dân số. Chính sách này đã gây ra tình trạng cưỡng bức phá thai, cưỡng bức triệt sản, và sát hại trẻ sơ sinh trên một quy mô lớn.
Sau khi ông Giang lên nắm quyền, ông ta đã ra lệnh thiết lập một hệ thống truy cứu trách nhiệm vào năm 1991, trong đó các quan chức cấp cao nhất của Đảng và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm cá nhân về chính sách kế hoạch hóa gia đình. Những ai không kiểm soát được số ca sinh trong thẩm quyền của mình sẽ bị kỷ luật và mất cơ hội thăng tiến.
Theo ông Trần Khuê Đức (Chen Kuide), giám đốc điều hành của tổ chức bất vụ lợi Sáng kiến Trung Quốc ở Princeton, chính sách một con của Trung Quốc tiến nhập vào thời kỳ khắc nghiệt nhất khi ông Giang lên nắm quyền với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như là chủ tịch quân ủy từ năm 1989 đến năm 2004.
Ông Trần nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 01/12, “Đó cũng là thời kỳ một số thông lệ vô nhân đạo [cưỡng bức phá thai, triệt sản, và sát hại trẻ sơ sinh] xảy ra thường xuyên nhất, dẫn đến tỷ lệ sinh giảm mạnh [ở Trung Quốc].”
Theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này được truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn, 336 triệu ca phá thai đã được thực hiện từ năm 1971 đến năm 2013, và các bác sĩ Trung Quốc cũng đã đặt 403 triệu dụng cụ tử cung (hay vòng tránh thai, viết tắt là IUD) cho phụ nữ Trung Quốc để kiểm soát sinh sản.
Nhà ủng hộ nhân quyền Trung Quốc: ĐCSTQ đã điều động cựu chiến binh thực thi chính sách này
Theo ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một luật sư và nhà ủng hộ nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ, giai đoạn những năm 1980 đến những năm 1990 là giai đoạn mà tình trạng nhân quyền ở các vùng nông thôn của Trung Quốc rơi xuống mức tồi tệ nhất. Khi còn ở Trung Quốc, ông Trần đã vận động thay mặt cho những phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản và cưỡng bức phá thai, sự việc này đã khiến ông bị bỏ tù 4 năm và sau đó bị quản thúc tại gia. Ông đã thực hiện một cuộc chạy trốn ngoạn mục đến Hoa Kỳ vào năm 2012.
Ông Trần nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng vào năm 1992, dưới thời cai trị của chính quyền ông Giang Trạch Dân, ban tuyên truyền của ĐCSTQ đã ra lệnh rằng tất cả các cơ quan ngôn luận của Đảng không được đưa tin về các vi phạm nhân quyền liên quan đến kế hoạch hóa gia đình. Lệnh cấm này vẫn có hiệu lực cho đến năm 2005. Công an, tòa án, và văn phòng công tố cũng bị cấm tiếp nhận các vụ kiện về kế hoạch hóa gia đình.
Ông Trần đến từ tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc. Ông kể, ở quê ông trong suốt hai thập niên đó, chính quyền địa phương đã tập hợp các đội cựu chiến binh, đưa họ về các làng để thực hiện chính sách này.
Ông Trần nói, “Sau khi những cựu chiến bính này vào làng, họ sống ở đây luôn. Ngôi làng đó sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thực phẩm, chỗ ở cho họ. Ai có bầu đứa con thứ hai thì lập tức lôi cổ cô ấy đến phòng khám địa phương và ép cô ấy phá thai.”
Các biện pháp trừng phạt khác đối với những gia đình nào sinh hai con hoặc đang mang thai đứa con thứ hai bao gồm phạt tiền, tra tấn, phá dỡ nhà cửa, và tịch thu tài sản riêng kể cả đàn gia súc.
Khi ông Trần và những bằng hữu của ông đi điều tra khảo sát cách chính sách này được thực hiện ở thành phố Lâm Nghi, quê hương của ông, những phát hiện của họ thực sự gây chấn động, ông nói.
Theo ông Trần, chỉ trong sáu tháng của năm 2005, hơn 130,000 người trong thành phố này đã bị cưỡng bức triệt sản hoặc bị ép buộc phá thai, và hơn 600,000 thành viên gia đình hoặc hàng xóm đã bị sách nhiễu hoặc tra tấn. Ông Trần và nhóm bạn của ông đã tiết lộ những phát hiện của họ với giới truyền thông và báo cáo lên các cơ quan có liên quan, thế nhưng lại bị nhà cầm quyền nhắm mục tiêu vì tìm cách công khai các hành vi lạm dụng đó.
Sát hại trẻ sơ sinh
Năm 1991, tỉnh Sơn Đông đã chứng kiến một phong trào sát hại trẻ sơ sinh vô cùng thảm khốc. Theo ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), vì năm đó là năm mùi theo lịch âm của Trung Quốc nên hành động sát hại trẻ sơ sinh này còn được người Trung Quốc gọi là “sát hại cừu non”.
Năm 2016, ông Dương, một học giả Trung Quốc và nhà hoạt động nhân quyền hiện đang sống ở Hoa Kỳ, đã viết về vụ sát hại trẻ sơ sinh khủng khiếp này ở Trung Quốc vào năm 1991 và đăng bài viết của mình trên trang web của Human Rights in China, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ do các sinh viên và nhà khoa học Trung Quốc lập ra.
Ông Dương đã viết rằng hai vị bí thư huyện ủy của ĐCSTQ ở huyện Quán và huyện Sân thuộc tỉnh Sơn Đông đã phát động chiến dịch “Trăm Ngày Không Con” vào năm 1991, khoảng thời gian đó đã xảy ra việc sát hại hàng loạt trẻ sơ sinh và cưỡng bức phá thai. Ông Tăng Chiêu Khởi (Zeng Zhaoqi) và ông Bạch Chí Cương (Bai Zhigang), Bí thư ĐCSTQ của hai huyện nói trên, đã ra lệnh cưỡng bức phá thai đối với bất kỳ ai mang thai (dù là lần đầu hay mang thai bao nhiêu tháng) trong 100 ngày từ ngày 01/05 đến ngày 10/08 năm đó. Thực sự không có em bé nào chào đời trong thời kỳ này, và ngay cả những cặp vợ chồng mới cưới có đứa con đầu lòng cũng không được tha. Bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra còn sống trong quá trình phá thai đều đơn giản là bị bóp cổ.
Ông Dương lưu ý rằng những vụ sát hại trẻ sơ sinh tàn bạo tương tự đã xảy ra trên khắp đất nước vào năm 1991.
Ông Tăng và ông Bạch đều được tiến cử lên chức vụ cao hơn nhờ “thành tích xuất sắc” trong việc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình của nhà cầm quyền, và không ai trong số họ bày tỏ sự hối hận vì đã sát hại trẻ sơ sinh vào năm đó, như ông Dương đã lên án trong bài báo của mình.
Theo ông Dương, đáng kinh ngạc nhất là ông Tăng sau đó leo lên chức phó giám đốc văn phòng của Ủy ban Công tác về Chăm sóc Trẻ em tỉnh Sơn Đông.
Ông Dương viết, “Tôi không phải là một thẩm phán, nhưng giả sử mà tôi được tuyên cho họ một tội danh, thì tôi chỉ có thể phán quyết hành động của họ hồi đó là ‘tội ác phản nhân loại’”.
Tại một thành phố ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, giám đốc cục kế hoạch hóa gia đình địa phương đã ép buộc một phụ nữ mang thai 37 tuần, vốn chỉ cách thời gian dự sinh 10 ngày, đến một bệnh viện ở địa phương. Người phụ nữ này bị giữ trong bệnh viện trong ba ngày và một bác sĩ sản khoa cho cô uống thuốc hàng ngày để sát hại em bé trong bụng cô. Đến ngày thứ ba, vị bác sĩ đó đã sử dụng một ống chích dài 8 inch (20 cm) để chích một mũi thuốc độc vào tử cung của cô, trực tiếp vào đầu của thai nhi. Ngay sau mũi chích đó, cô đã sổ thai, và em bé đã qua đời từ trong bụng mẹ. Bệnh viện tính cô 40 nhân dân tệ (khoảng 6 USD) để làm phí chôn cất cho đứa con bị sát hại của cô.
Trường hợp này xảy ra vào năm 2005, được ghi lại trong một cuốn sách có nhan đề “Thai nhi bị Chính sách Quốc gia của Trung Quốc Hành quyết” (The Fetus Who was Executer by the National Policy Of China), và người phụ nữ đó tên là Đường Lạc Quỳnh (Tang Leqiong). Cô là một trong 84 trường hợp bị cưỡng bức phá thai được nêu chi tiết trong cuốn sách.
Do sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền cộng sản, những gì được phơi bày về những bi kịch do chính sách một con gây ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Sau khi thực hiện kế hoạch kéo dài bốn mươi năm dẫn đến tỷ lệ sinh giảm trong những năm gần đây, nhà cầm quyền cộng sản đã hủy bỏ chính sách một con vào năm 2013, cho phép sinh hai con. Đến tháng 05/2022, chính quyền thông báo rằng các gia đình có thể sinh tới ba con.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1.16 vào năm 2021, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 2.1 của OECD đối với dân số ổn định và thuộc nhóm có thứ hạng thấp nhất thế giới.
Ông Trần nói rằng hủ tục cưỡng bức phá thai máu lạnh này đã phá vỡ quan niệm truyền thống của Trung Quốc rằng sinh mạng con người là trên hết cũng như khiến toàn xã hội không còn trân quý mạng sống nữa.
Bản tin có sự đóng góp của Phương Hiểu và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times