Nhiệm kỳ của cao ủy nhân quyền LHQ kết thúc trong nỗi thất vọng của các nhà hoạt động Trung Quốc
GENEVA — Bà Michelle Bachelet, từng bị giam giữ chính trị dưới thời nhà độc tài Chile Augusto Pinochet và là một bác sĩ giúp các trẻ em bị tra tấn, cam kết sẽ là người đấu tranh cho các nạn nhân khi bà trở thành Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi năm 2018.
Nhưng khi nhiệm kỳ của bà kết thúc hôm thứ Tư (31/08), thân nhân và những người ủng hộ các nạn nhân của cuộc đàn áp bất đồng chính kiến của Trung Quốc cho biết, cho đến nay, sự thất bại của bà trong việc đưa ra một báo cáo về hồ sơ của Bắc Kinh và cuộc đàn áp của nhà cầm quyền này ở khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của một người kế nhiệm chỉ trích mạnh mẽ hơn.
“Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng vì bức thư của chúng tôi [gửi tới bà Bachelet] hoàn toàn bị lờ đi và không được hồi âm,” bà La Thắng Xuân (Luo Shengchun), vợ của luật sư nhân quyền Trung Quốc Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), người đã viết thư cho bà Bachelet để tìm kiếm sự tự do cho chồng mình hồi tháng Năm, ít lâu trước khi bà Bachelet thăm Trung Quốc, cho biết.
“Tôi mong họ thay thế bà ấy bằng một viên chức có lập trường rõ ràng hơn với Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc thực sự có thể làm được nhiều hơn thế,” bà nói với Reuters từ New York, nơi bà đang tự nguyện sống lưu vong và chờ phán quyết của phiên tòa xét xử ông Đinh về tội danh lật đổ nhà nước Trung Quốc.
Những bình luận nói trên của bà La phản ánh một quan điểm rộng rãi trong xã hội dân sự và các quốc gia phương Tây rằng bà Bachelet, cựu tổng thống Chile, đã quá mềm mỏng với một số chính phủ khi quyền tự do đang xuống cấp trên khắp thế giới. Họ hy vọng việc bà về hưu hôm thứ Tư (31/08) sẽ đánh dấu một khởi đầu mới.
“Chúng tôi đang tìm kiếm ai đó sẵn sàng lên tiếng một cách có nguyên tắc, bất kể thủ phạm là ai,” người đứng đầu Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) Kenneth Roth cho biết. Ông cho rằng nhiệm kỳ của bà là một “thất bại”, vì không muốn đối đầu với Bắc Kinh, trích dẫn việc không công bố báo cáo về người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, những người mà các nhóm bảo vệ quyền lợi cho rằng đã đang bị tra tấn, giam giữ hàng loạt trong các trại, và bị ép lao động cưỡng bức.
Bà Bachelet cho biết bà đã phải chịu “áp lực rất lớn” cả về việc phát hành và không phát hành báo cáo về Trung Quốc.
“Như Cao ủy đã nói, bà ấy hoàn toàn có ý định cho báo cáo được phát hành trước khi kết thúc nhiệm vụ của mình và chúng tôi đang cố gắng làm điều đó,” phát ngôn viên Ravina Shamdasani của bà cho biết vào cuối ngày thứ Ba (30/08).
Chính quyền Trung Quốc, vốn kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi sai trái ở Tân Cương, đã yêu cầu bà cất bản báo cáo đó.
Những người bảo vệ bà Bachelet nói rằng các kỹ năng chính trị của bà đã giúp bà tiếp cận, chẳng hạn như chuyến đi đầu tiên của một cao ủy tới Trung Quốc kể từ năm 2005 và thỏa thuận đưa các giám sát viên đến Venezuela. Họ cũng ca ngợi các cuộc tấn công của bà vào nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và cam kết với các quyền môi trường mới.
Đại sứ Ấn Độ Indra Mani Pandey đã ca ngợi cách tiếp cận “không đối đầu” và “mang tính tham vấn” của bà tại một cuộc họp ở Geneva vào đêm trước khi bà rời đi, nơi bà được nhận hoa và những tràng vỗ tay tán thưởng từ đại diện các nước.
Trước chỉ trích từ những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc, bà cho hay bà đã tổ chức hai cuộc gặp với họ trước chuyến đi của mình. “Tiếng nói và sự vận động của họ rất quan trọng. Tôi thực sự tin như vậy,” bà Bachelet nói.
Không dành cho kẻ yếu
Cuộc chiến về di sản của bà Bachelet là hiện thân của những căng thẳng chính trị giữa các quốc gia tự do hơn và thận trọng hơn về vấn đề nhân quyền vốn nảy sinh trong việc lựa chọn người kế vị.
Quá trình này đang được tiến hành nhưng hiện tại chắc chắn sẽ có một khoảng trống do một cấp phó tạm thời đảm nhiệm.
Việc bổ nhiệm là tùy thuộc vào Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và sau đó cần được Đại hội đồng LHQ xác nhận. Các nguồn tin LHQ và các nhà ngoại giao cho hay khoảng 10 ứng cử viên tiềm năng, trong đó có quan chức LHQ của Áo Volker Türk, nhà ngoại giao chuyên nghiệp Federico Villegas đến từ Argentina, và ông Adama Dieng của Senegal, người trước đây từng cố vấn cho ông Guterres về việc ngăn chặn nạn diệt chủng.
Họ nói rằng Trung Quốc và Nga, cả hai đều là các thành viên của Hội đồng Bảo an thường trực đầy quyền lực, sẽ ủng hộ một người kế nhiệm có đầu óc chính trị, cho thấy một trận chiến tiềm tàng trong tương lai.
Ông Marc Limon, giám đốc điều hành của Universal Rights Group, cho biết: “Các quốc gia phương Tây và các tổ chức phi chính phủ đang thúc đẩy một người ủng hộ nhân quyền nhưng một viên cảnh sát toàn cầu sẽ là điều không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc, Nga, và nhiều nước đang phát triển.”
Nếu một người được chọn nhanh chóng được đề ra, thì một trong những thách thức đầu tiên sẽ là giải quyết cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Nhân quyền có trụ sở tại Geneva bắt đầu vào ngày 12/09 thảo luận về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine.
Các quyết định của cơ quan này, mặc dù không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng có sức nặng về mặt chính trị và họ có thể cho phép các cuộc điều tra.
Gần đây đã có những tranh luận gay gắt về quyền tính dục cũng như cuộc chiến ở Yemen trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các chế độ quân chủ và chuyên quyền toàn trị đang giành được ảnh hưởng.
Ông Limon cho biết một chính trị gia khác từ một nước đang phát triển có thể giúp thu hẹp sự khác biệt. Nhưng đối với những người khác, như người tiền nhiệm thẳng thắn của bà Bachelet, ông Zeid Ra’ad al-Hussein, chỉ có một cách để thực hiện công việc này.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times