Nhật Bản thắt chặt việc sàng lọc các nhà nghiên cứu ngoại quốc để ngăn chặn rò rỉ công nghệ
Nhật Bản đang thắt chặt quy trình sàng lọc các nhà nghiên cứu ngoại quốc xin thị thực, trong đó đề nghị họ khai báo lịch sử công việc, nằm trong số các biện pháp để ngăn chặn rò rỉ công nghệ.
Các nhà nghiên cứu ngoại quốc muốn nhập cảnh vào Nhật Bản phải nộp các tài liệu nghiên cứu trong quá khứ của họ và giấy chứng nhận đủ điều kiện từ người sử dụng lao động của họ. Nikkei Asia đưa tin, họ sẽ phải nói rõ mục đích chuyến đi và địa điểm lưu trú tại Nhật Bản.
Các trường đại học Nhật Bản cũng được yêu cầu tăng cường giám sát sinh viên và học giả ngoại quốc để ngăn chặn hoạt động gián điệp trong khuôn viên trường.
Theo hướng dẫn mới, các trường đại học phải tiến hành kiểm tra lý lịch và đánh dấu những người cần chú ý, chẳng hạn như những người có liên hệ với chính phủ ngoại quốc hoặc các tổ chức có liên quan đến quốc phòng.
Quy trình sàng lọc mới này được xây dựng như một bước đệm trong quá trình chuẩn bị các thủ tục xin thị thực nhập cư.
Chẳng hạn, cho đến gần đây, một học giả Trung Quốc được chính phủ trợ cấp hầu như không gặp trở ngại khi theo học tiến sĩ về công nghệ radar tân tiến ở Nhật Bản, rồi sau đó ông ta về nước để sử dụng nghiên cứu này cho mục đích quân sự.
Cùng vị học giả đó, nếu mà ở Hoa Kỳ, nơi mà rủi ro luôn rất cao đối với các trường đại học, thì cá nhân đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ vi phạm nào trong kiểm soát xuất cảng, và có thể sẽ bị từ chối [nhập cảnh] vì được xem là một ứng cử viên có rủi ro cao.
Nhiều trường đại học Nhật Bản đang ráo riết tuyển sinh đủ sĩ số khi mà số công dân trong độ tuổi sinh viên giảm xuống trong một xã hội đang già hóa, và người ngoại quốc chính là chiếc phao cứu sinh.
Theo dữ liệu của chính phủ, vào năm 2020 sinh viên Trung Quốc chiếm 44% trong tổng số 279,597 sinh viên ngoại quốc của Nhật Bản, trong khi vào năm 2019 Hoa Kỳ là điểm đến hàng đầu của các nghiên cứu sinh Nhật Bản, tiếp theo là Trung Quốc.
Nỗ lực của Trung Quốc trong việc phá hoại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ
Hồi tháng trước, Thượng nghị sĩ Rob Portman (Cộng Hòa-Ohio), thành viên cao cấp trong Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện, đã công bố một báo cáo (pdf) nêu chi tiết việc Trung Quốc nỗ lực nhắm mục tiêu vào Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) kể từ ít nhất năm 2013.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đã tìm cách tuyển dụng các nhà kinh tế sống tại Hoa Kỳ để chia sẻ thông tin nhằm đổi lấy lợi ích tiền bạc và các lợi ích khác.
Fed đã xác định 13 người cần lưu ý có mối liên hệ với những nhà tuyển dụng nhân tài Trung Quốc hoặc có những hình mẫu được xem là “mối quan tâm tiềm ẩn”. Theo báo cáo kể trên, những cá nhân này, được mệnh danh là “P-Network”, đang làm việc tại 8 ngân hàng khu vực của Fed.
Thượng nghĩ sĩ Portman nói: “Cuộc điều tra này cho thấy rõ rằng những nỗ lực ác ý của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng và đánh cắp thông tin không chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ — chính phủ Trung Quốc cũng đang nhắm tới chính sách kinh tế và tiền tệ của Mỹ quốc.”
Báo cáo này cho biết vấn đề này được tạo thành từ “sự thiếu năng lực phản gián nội bộ tại Cục Dự trữ Liên bang, hay thiếu sự hợp tác liên tục với các cơ quan chấp pháp và tình báo Liên bang”.
Báo cáo nói rõ: “vì không được kiểm soát, những lỗ hổng này tiếp tục tạo cho Trung Quốc một con đường rộng mở để phá vỡ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính Hoa Kỳ, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.”
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.