Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản cảnh báo về sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc
TOKYO — Hoa Kỳ đang phối hợp với Nhật Bản và các quốc gia có chung chí hướng khác để chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm sử dụng sức mạnh kinh tế để buộc thay đổi chính trị trên toàn thế giới, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press hôm thứ Ba (02/08).
Ông Rahm Emanuel, trước đây là thị trưởng Chicago và là Tham mưu trưởng của Tổng thống Barack Obama, đang thúc đẩy điều mà ông gọi là “ngoại giao thương mại,” ý tưởng là Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ kinh doanh tích cực hơn với nhau và với các quốc gia ổn định và an toàn tương tự giữa những lo ngại do đại dịch COVID gây ra, cuộc chiến ở Ukraine, và sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc.
“Từ hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ tới cưỡng ép rồi đến mối lệ thuộc do nợ nần mà Trung Quốc tạo ra, thì cái ý nghĩ rằng họ thực sự có thể thành thật nói, ‘Chúng tôi không cưỡng ép’, và sau đó quý vị có không phải một, không phải hai, không phải ba — mà nhiều ví dụ trên toàn thế giới nơi họ sử dụng khả năng tiếp cận thị trường kinh tế của mình để thúc đẩy sự thay đổi chính trị ở một quốc gia… Tôi nghĩ rằng mọi người đều đã nhận ra điều đó,” ông Emanuel nói với AP trong một cuộc phỏng vấn tại tư dinh của mình ở trung tâm thành phố Tokyo.
Ông Emanuel, người đến Nhật Bản vào tháng Một, đã nêu ra một số ví dụ về sự ép buộc của Trung Quốc, bao gồm cả với Nhật Bản, quốc gia chứng kiến các chuyến hàng kim loại đất hiếm của Trung Quốc bị chặn vì một tranh chấp lãnh thổ; Nam Hàn, quốc gia bị doanh nghiệp Trung Quốc tẩy chay khi lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Hoa Kỳ; Úc và các nước ở Âu Châu cũng như ở Đông Nam Á.
Ông nói rằng việc tìm ra cách để Nhật Bản và Hoa Kỳ chống lại sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc là một trong những vấn đề đầu tiên ông đưa ra với ngoại trưởng Nhật Bản.
Ông Emanuel đã liên tục từ chối nói về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan, hòn đảo tự quản mà Trung Quốc tuyên bố là của mình và đã đe dọa sử dụng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết, chuyển các câu hỏi sang cho Tòa Bạch Ốc.
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã công kích chuyến đi này, vốn khiến bà Pelosi trở thành quan chức dân cử cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan trong hơn 25 năm. Bà Pelosi đã đến vào tối thứ Ba (02/08).
Nhật Bản bày tỏ lo ngại sâu sắc về các hoạt động gia tăng của Trung Quốc trên các vùng biển trong khu vực, bao gồm cả gần một hòn đảo do Nhật Bản kiểm soát mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.
Trong khi tránh bình luận về Đài Loan, ông Emanuel ca ngợi cam kết của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho “sự gia tăng đáng kể” cả ngân sách quốc phòng lẫn khả năng quân sự của nước này.
Những nỗ lực của ông Kishida nhằm sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia và các hướng dẫn quốc phòng cơ bản của Nhật Bản là một di sản của người cố vấn ủng hộ phát triển quân đội của ông, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người đã bị ám sát hồi tháng Bảy.
Ông Kishida cũng cho biết ông ủng hộ khả năng tấn công phủ đầu, điều mà các đối thủ cho rằng sẽ vượt ra ngoài hiến pháp từ bỏ chiến tranh của Nhật Bản, vốn hạn chế việc sử dụng vũ lực để tự vệ. Ông Kishida cũng đã đề nghị tăng đáng kể ngân sách quốc phòng của Nhật Bản — có thể tăng gấp đôi lên 2% GDP, một tiêu chuẩn của NATO — trong năm năm tới.
“Thủ tướng xứng đáng nhận sự ca ngợi vì quan điểm đó, ông ấy đã nhìn quanh và nhận ra điều gì đang xảy ra trong khu vực này và trên thế giới — Nhật Bản cần phải tăng cường theo những cách mà họ đã không làm trong quá khứ,” ông Emanuel cho biết.
Ông Emanuel cũng đề cập đến các cơ hội kinh tế cho Nhật Bản và Hoa Kỳ trong lĩnh vực pin xe điện, năng lượng, nghiên cứu mới, và công nghệ trong các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ, công nghệ hàng không, và chất bán dẫn.
Ông cho biết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà ông từng gặp với tư cách là đại sứ tại Nhật Bản trước đây sẽ đánh giá quyết định chi tiêu vốn hoàn toàn bằng các câu hỏi về chi phí, hậu cần, và hiệu quả, nhưng hiện nay họ sẽ sẵn sàng trả nhiều hơn để tránh các lệnh trừng phạt và sự bất ổn.
“Đó là một sự thay đổi lớn về tư duy,” ông nói.
Trong “20 hoặc 30 năm qua, chi phí và hiệu quả là những yếu tố thúc đẩy. Chúng điều khiển chính sách công, và điều khiển các quyết định của công ty. Hiện nay, chi phí và hiệu quả đang bị thay thế, chiếm chỗ bởi sự ổn định và tính bền vững,” ông Emanuel nói.