Nhật Bản phóng thành công hỏa tiễn H3 đưa vệ tinh vào quỹ đạo
Nhật Bản phóng thành công hỏa tiễn đẩy chính H3 mới nhất được sản xuất trong nước vào hôm 01/07, đưa vệ tinh quan sát Trái Đất “Daichi-4” vào quỹ đạo. Nhật Bản hy vọng sẽ xây dựng H3 thành phương tiện phóng thương mại và tham gia vào thị trường phóng quốc tế đang cạnh tranh khốc liệt.
Vào lúc 12 giờ trưa theo giờ địa phương, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã phóng hỏa tiễn có động cơ hydro lỏng và oxy lỏng hai tầng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, cách Tokyo khoảng 1,000km về phía tây nam.
Khoảng 17 phút sau khi cất cánh, hỏa tiễn thành công đưa “Daichi 4” nặng 3 tấn vào quỹ đạo đồng bộ với Mặt Trời, và được tuyên bố đã phóng thành công.
“Daichi 4” được phát triển để thay thế “Daichi 2” cũ. Nó được JAXA và Mitsubishi Heavy Industries cùng phát triển với chi phí khoảng 32 tỷ yên. “Daichi 4” có thể được sử dụng để nắm bắt thiệt hại do thiên tai gây ra và phát hiện những biến động của vỏ Trái Đất, v.v. Ngoài ra, vào ban đêm và khi thời tiết xấu, nó cũng có thể quan sát mặt đất thông qua radar, phạm vi quan sát gấp 4 lần “Daichi 2”.
Hỏa tiễn H3 dài 63 mét (khoảng 297 feet) và có thể mang tải trọng 6.5 tấn. Về lâu dài, JAXA hy vọng sẽ giảm chi phí cho mỗi lần phóng xuống còn 5 tỷ yên (khoảng 33 triệu USD), tương đương một nửa chi phí của các lần phóng H-IIA, bằng cách áp dụng các cấu trúc đơn giản hơn và thiết bị điện tử cấp xe hơi.
Hỏa tiễn H3 được JAXA và Mitsubishi Heavy Industries cùng phát triển từ năm 2014. JAXA và Mitsubishi Heavy Industries hy vọng sẽ giảm được một nửa chi phí phóng để có thể cạnh tranh với Falcon 9 của SpaceX trong tương lai, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của hỏa tiễn H3.
Vụ phóng hỏa tiễn H3-1 thất bại vào tháng 03/2023 đã khiến Nhật Bản mất vệ tinh quan sát Trái Đất “Daichi 3.”
Ngày 17/02 năm nay, hỏa tiễn H3 đã bay thành công lần đầu tiên trong lần phóng thứ hai. Tuy nhiên, xét đến nguy cơ thất bại vào thời điểm đó, nó chỉ mang theo hai vệ tinh siêu nhỏ và một vệ tinh mô hình có trọng lượng tương đương “Daichi 3” để kiểm tra tính năng của hỏa tiễn.
Nhật Bản dự kiến sẽ phóng 5 hỏa tiễn trong năm tài chính 2024 (tính đến tháng 3 năm sau), trong đó có 3 hỏa tiễn H3 và 2 hỏa tiễn H2A.
H2A, phương tiện phóng chính của Nhật Bản kể từ năm 2001, dự kiến sẽ ngừng hoạt động sau khi hoàn thành phóng trong năm tài chính này. Bắt đầu từ năm tài chính 2025, H3 sẽ thay thế hoàn toàn H2A.