Nhật Bản dự định tiếp tục các cuộc tập trận phòng không
Trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Bắc Hàn, Nhật Bản được cho là đang có kế hoạch tiếp tục các cuộc tập trận di tản chống hỏa tiễn, một chương trình đã bị đình chỉ trong 4 năm qua.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) độc lập cũng như sản xuất hàng loạt hỏa tiễn mới. Họ cũng thúc đẩy việc nâng cấp lực lượng tự vệ để ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa an ninh ở các khu vực lân cận nước này.
Hôm 03/09, Tổng công ty Phát thanh truyền hình Nhật Bản (NHK) đưa tin cho hay quyết định tiếp tục các cuộc tập trận di tản chủ yếu do các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo thường xuyên của Bắc Hàn trong năm nay thúc đẩy.
Dự kiến những cuộc tập trận này sẽ được tổ chức tại 10 thành phố trực thuộc trung ương ở 8 tỉnh — trong đó có Hokkaido, Niigata, Kagawa, và Okinawa — từ cuối tháng Chín đến cuối tháng Một năm sau, với giả định rằng một hỏa tiễn đạn đạo đủ mạnh để phóng tới Nhật Bản đã được khai hỏa.
Thông tin liên quan đến những cuộc tập trận này sẽ được truyền đạt thông qua hệ thống không dây công cộng và các phương pháp khác nhằm cho phép công chúng nhanh chóng di tản đến các tòa nhà kiên cố và hầm trú ẩn dưới lòng đất.
Theo bản tin này, chính phủ Nhật Bản đã đình chỉ những cuộc tập trận này sau tháng 06/2018, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Nhờ sự can thiệp chính sách ngoại giao của cựu Tổng thống Trump, Bắc Hàn đã không tiến hành bất kỳ vụ thử hỏa tiễn hoặc hạt nhân nào trong năm 2018. An ninh khu vực được cải thiện đáng kể trong thời ông Trump đã dẫn tới việc chính phủ Nhật Bản đình chỉ các cuộc tập trận chống hỏa tiễn.
Tuy nhiên, Bắc Hàn đã tăng cường các vụ phóng thử hỏa tiễn kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Đe dọa từ ĐCSTQ
Ngoài các mối đe dọa từ Bắc Hàn, Nhật Bản cũng đang thực hiện các biện pháp để tăng cường sức mạnh của mình khi cuộc xung đột Đài Loan bùng phát.
Theo lộ trình chính sách công bố ngày 07/06, Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới, với lý do cần tăng cường khả năng quốc phòng và duy trì hòa bình ở Eo biển Đài Loan, nơi Bắc Kinh đang tăng cường hiện diện quân sự.
Nội các Nhật Bản đã thông qua lộ trình chính sách kinh tế và tài khóa hàng năm, hướng dẫn chính sách đầu tiên như vậy đã được ban hành dưới thời chính phủ Thủ tướng Fumio Kishida.
Ngày 04/08, 5 hỏa tiễn đạn đạo do Trung Quốc phóng đã hạ cánh xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, sau chuyến thăm thu hút sự chú ý của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi đầu tháng Tám. Hành động này của Bắc Kinh đã dẫn tới một làn sóng lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Những hỏa tiễn này được phóng đi trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự trả đũa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Đài Loan, vốn đã cắt đứt một số tuyến đường hàng không và hàng hải quốc tế tới hòn đảo đang trong tình trạng bị phong tỏa.
Sau vụ việc, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, hôm 05/08, đã kêu gọi Trung Quốc “lập tức đình chỉ” các cuộc tập trận của quân đội xung quanh Đài Loan.
Ông Kishida lên án mạnh mẽ hành động của Bắc Kinh và tái khẳng định rằng Nhật Bản sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để duy trì sự ổn định ở Eo biển Đài Loan.
Phát triển hỏa tiễn tầm xa hơn để chống lại Trung Quốc
Hôm 31/08, Nhật Bản cho biết họ sẽ phát triển và sản xuất hàng loạt hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tốc độ cao với khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn như một phần của kế hoạch mở rộng quân sự nhằm ứng phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Kế hoạch thu mua được tiết lộ trong yêu cầu ngân sách thường niên của Bộ Quốc phòng này thể hiện sự khác biệt rõ ràng so với chính sách về giới hạn tầm xa kéo dài hàng thập niên áp đặt cho Lực lượng Phòng vệ bị ràng buộc theo Hiến Pháp của Nhật Bản, có nghĩa là họ chỉ có thể bắn hỏa tiễn có tầm bắn vài trăm km.
Bộ cho biết trong yêu cầu ngân sách của mình: “Trung Quốc tiếp tục đe dọa sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi hiện trạng và đang thắt chặt hơn mối quan hệ đồng minh với Nga.”
“Họ cũng đang gây áp lực xung quanh Đài Loan với những gì được cho là các cuộc tập trận quân sự và đã không từ bỏ việc sử dụng vũ lực quân sự như một cách để thống nhất Đài Loan với phần còn lại của Trung Quốc,” Bộ tiếp tục.
Báo động về tham vọng khu vực của chính quyền Trung Quốc đã tăng lên vào tháng trước sau khi nước này bắn 5 hỏa tiễn đạn đạo vào vùng biển cách Nhật Bản chưa đầy 160 km (100 dặm) trong một cuộc phô trương lực lượng sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.
Yêu cầu ngân sách này sẽ dành cho việc tài trợ sản xuất hàng loạt hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất, một phiên bản tầm bắn mở rộng của hỏa tiễn Kiểu 12 do Mitsubishi Heavy Industries thiết kế đã được sử dụng để tấn công tàu, và một hỏa tiễn đạn đạo lướt tốc độ cao mới có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất.
Bộ cũng đang cần ngân sách để phát triển các loại đạn khác, trong đó có đầu đạn siêu thanh, mà Bộ cho biết có khả năng tiếp cận các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục nếu được khai triển dọc theo chuỗi đảo Okinawa gần phía tây nam của Nhật Bản.
Nhật Bản đã đặt hàng các hỏa tiễn phóng từ trên không, trong đó có Hỏa tiễn Tấn công Liên hợp (JSM) do Kongsberg của Na Uy chế tạo và Hỏa tiễn Liên hợp Không đối Đất Ngoài tầm phòng không (JASSM) của Tập đoàn Lockheed Martin với tầm bắn lên tới 1,000 km (620 dặm).
Ngoài việc tăng dự trữ hỏa tiễn và các loại vũ khí khác, quân đội Nhật Bản muốn phát triển khả năng phòng thủ mạng, khả năng tác chiến điện từ, và sự hiện diện trong không gian.
Kỷ lục mở rộng ngân sách quân sự của Nhật Bản
Hồi tháng 12 năm ngoái, Nội các Nhật Bản đã thông qua ngân sách quốc phòng kỷ lục 5.4 ngàn tỷ yên (47 tỷ USD) cho năm tài khóa 2022 bao gồm tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển một tiêm kích cơ mới và các loại vũ khí “thay đổi cuộc chơi” khác. Hành động này nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước trước hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Ngân sách trên bao gồm một mức cao kỷ lục 291 tỷ yên (2.55 tỷ USD) dành cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng, tăng 38% so với năm 2021.
Trong đó, 100 tỷ yên (870 triệu USD) dành cho việc phát triển tiêm kích cơ FX để thay thế phi đội phi cơ F-2 đã già cỗi của Nhật Bản vào khoảng năm 2035. Đây sẽ là tiêm kích cơ được phát triển trong nước đầu tiên của Nhật Bản sau 40 năm.
Cuối năm ngoái, Nhật Bản và Anh đã công bố hợp tác phát triển một động cơ tiêm kích cơ tương lai và đồng ý khám phá thêm các công nghệ và hệ thống phụ chiến đấu trên không. Dự án này bao gồm Mitsubishi và IHI của Nhật Bản và Rolls-Royce và BAE Systems của Anh.
Khi Trung Quốc tăng cường quân đội mở rộng ra không gian mạng và ngoài không gian, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang thúc đẩy nghiên cứu các phương tiện tự hành vận hành bằng trí tuệ nhân tạo để sử dụng trên không và dưới biển, các công nghệ bay siêu thanh và các công nghệ “thay đổi cuộc chơi” khác.
Ngân sách phân bổ 128 tỷ yên (1.1 tỷ USD) để mua hàng chục chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Tập đoàn Lockheed Martin, trong đó có 4 chiếc có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng để sử dụng trên hai tàu sân bay trực thăng đang được chuyển đổi thành các hàng không mẫu hạm, phương tiện chủ chốt cho các hoạt động chung của Nhật Bản với Hoa Kỳ để bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói tại một diễn đàn vào năm ngoái rằng “tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản và do đó là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ”.
Ông Abe, nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nhật Bản, đã bị bắn tử vong hôm 08/07 trong một bài diễn văn vận động tranh cử ở thành phố phía tây Nara, Nhật Bản. Ngay lập tức cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 41 tuổi cầm một khẩu súng tự chế tại hiện trường.
Ông được biết đến với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, sau khi ông làm sôi động lại hoạt động của diễn đàn Quad và quốc hữu hóa quần đảo không người ở Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình và gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times