Nhật Bản dự định phát triển hỏa tiễn tầm xa hơn để chống lại Trung Quốc, Nga
TOKYO — Hôm thứ Tư (31/08), Nhật Bản cho biết sẽ phát triển và sản xuất hàng loạt hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tốc độ cao, vì nước này cố gắng đạt được khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn theo một phần của kế hoạch mở rộng quân sự nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Kế hoạch mua sắm được công bố trong yêu cầu ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng kể trên thể hiện sự khác biệt rõ ràng so với giới hạn tầm xa hàng thập niên áp đặt cho Lực lượng Phòng vệ bị ràng buộc theo hiến pháp Nhật Bản, có nghĩa là họ chỉ có thể bắn hỏa tiễn có tầm bắn vài trăm km.
“Trung Quốc tiếp tục đe dọa sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi hiện trạng và đang làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh với Nga,” Bộ này cho biết trong yêu cầu ngân sách của mình.
“Họ cũng đang gây áp lực xung quanh Đài Loan bằng các cuộc tập trận quân sự giả định và đã không từ bỏ việc sử dụng lực lượng quân sự như một cách để thống nhất Đài Loan với phần còn lại của Trung Quốc,” bộ này nói.
Báo động về những tham vọng khu vực của chính quyền Trung Quốc đã tăng lên trong tháng này sau khi nước này bắn 5 hỏa tiễn đạn đạo vào vùng biển cách Nhật Bản chưa đầy 160 km (100 dặm) trong một cuộc phô trương lực lượng sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.
Bộ này cũng đề cập đến Bắc Hàn như một mối đe dọa đối với Nhật Bản.
Yêu cầu ngân sách là để tài trợ cho việc sản xuất hàng loạt hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất, một phiên bản gia tăng tầm bắn của hỏa tiễn Type 12 do Mitsubishi Heavy Industries thiết kế đã đang đưa vào sử dụng, để tấn công các tàu, và một hỏa tiễn đạn đạo lướt tốc độ cao mới có khả năng đánh trúng các mục tiêu trên mặt đất.
Bộ cũng đang yêu cầu cung cấp ngân sách để phát triển các loại đạn khác, bao gồm cả đầu đạn siêu thanh.
Bộ không đưa ra phạm vi cho các loại vũ khí được đề xướng, hoặc cho biết số lượng vũ khí dự định khai triển, nhưng chúng có khả năng đạt đến các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục nếu được khai triển dọc theo chuỗi đảo gần phía tây nam Okinawa của Nhật Bản.
Nhật Bản đã đặt hàng các hỏa tiễn phóng từ trên không, gồm cả Hỏa tiễn Tấn công Liên hợp (JSM) do Kongsberg của Na Uy sản xuất, và Hỏa tiễn Không-đối-Đất Liên hợp Tầm xa (JASSM) của Tập đoàn Lockheed Martin với tầm bắn lên tới 1,000 km (620 dặm).
Tuy nhiên, không giống như các bệ phóng trên tàu hoặc trên mặt đất, số lượng hỏa tiễn nước này có thể bắn bị giới hạn bởi số lượng phi cơ mà họ có thể đưa lên không trung để bắn chúng.
Bộ đã yêu cầu tăng 3.6% cho chi tiêu lên tới 5.6 nghìn tỷ yên (39.78 tỷ USD) cho năm nay bắt đầu từ ngày 01/04, nhưng cho biết con số này sẽ tăng sau khi họ tính toán chi phí của các chương trình mua sắm mới.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ chấp thuận yêu cầu gia tăng đó vào cuối năm nay khi nước này cũng sẽ công bố một đợt đánh giá toàn bộ lớn về chiến lược quốc phòng và kế hoạch xây dựng quân đội giữa kỳ mới.
Ông Kishida, người đã mô tả an ninh ở Đông Á là “mong manh” sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, đã hứa sẽ tăng “đáng kể” các chi phí quốc phòng để chuẩn bị cho Nhật Bản đối phó với xung đột khu vực.
Đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền của ông trong tuyên ngôn đắc cử Thượng viện của họ hồi tháng Bảy đã hứa sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 5 năm.
Điều đó sẽ khiến Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba trên thế giới sau đồng minh lớn là Hoa Kỳ, và nước láng giềng Trung Quốc.
Ngoài việc tăng dự trữ hỏa tiễn và các loại vũ khí khác, quân đội Nhật Bản muốn phát triển khả năng phòng thủ mạng, khả năng tác chiến điện từ, và sự hiện diện trong không gian.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times