Nhân chứng trong Cách mạng Văn hóa: Công bằng không tồn tại nếu chính phủ không kiểm soát mọi thứ
Bà nói rằng người Mỹ phải đoàn kết chống lại việc chủ nghĩa Marx chiếm lĩnh đất nước này.
Bà Đường Bách Hợp (Lily Tang Williams) là nhân chứng sống trong Đại Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc cộng sản và hiện là ứng cử viên quốc hội cho Khu vực Bầu cử số 2 của New Hampshire. Bà Williams gọi Hoa Kỳ là miền đất hứa và nói rằng bà đã chọn di cư đến Hoa Kỳ vì cuộc sống tự do ở nơi đây, thế nhưng giờ đây trên mảnh đất này bà lại tận mắt chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại về hệ tư tưởng theo chủ nghĩa Marx toàn trị.
Bà Williams cảnh báo rằng bà xem việc thúc đẩy “công bằng” hoặc công bằng xã hội là một chiêu bài để phân phối lại của cải theo hướng xã hội chủ nghĩa.
Bà Williams nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/08 với chương trình “American Thought Leaders” (“Nhà lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ”) của EpochTV, “Giờ đây tôi nhận thấy các chính sách theo chủ nghĩa xã hội, và trong thời buổi này mọi người đang đàm luận về ‘công bằng, bình đẳng.’ Công bằng ấy, vốn là kết quả công bằng, là những điều mà trước kia tôi đã nghe ở Trung Quốc, nhưng làm thể nào mà quý vị có được công bằng nếu như chính phủ không sử dụng đến vũ lực để phân phối lại của cải?”
Năm 1988, bà Williams nhập cư vào Hoa Kỳ với quyết tâm có được thành công vì bà thực lòng không muốn trở lại Trung Quốc cộng sản. Bà cho biết, kể từ thời điểm đó, bà đã sống trong giấc mơ Mỹ với một cuộc hôn nhân hạnh phúc, ba đứa con, và một công việc kinh doanh phát đạt. Bà Williams chưa bao giờ có kế hoạch gia nhập chính trường.
Nhưng vì bà nhận thấy xu hướng đáng lo ngại đối với chủ nghĩa cộng sản, bà nói rằng bà cảm thấy phải tham gia vào chính phủ để ngăn không cho quyền Hiến định của người Mỹ bị phá hoại.
Loại hình giáo dục sai lầm
Bà Williams đặt câu hỏi tại sao mọi cơ sở giáo dục — từ các trường đại học và trường công lập cho đến chính phủ liên bang, các tập đoàn tư nhân và quân đội Hoa Kỳ — đều đang truyền giảng về sự công bằng.
Bà cũng thấy Black Lives Matter và Antifa đang sử dụng các chiến thuật bạo lực của chủ nghĩa Marx nhân danh công bằng xã hội. Bà thấy nhiều trường học đang thúc đẩy chính trị bản sắc và sự chia rẽ thay vì dạy các môn học chính cũng như lịch sử chính xác về Hoa Kỳ và thế giới.
“Vậy mà những đứa trẻ của chúng ta không hề hay biết,” bà nói. “Có lẽ đó là lý do tại sao mà họ muốn có chính sách xã hội chủ nghĩa. Họ muốn … học đại học miễn phí và chăm sóc sức khỏe miễn phí, chăm sóc trẻ em miễn phí và mọi thứ đều miễn phí, bởi vì họ được quyền hưởng điều đó.”
Bà cho biết việc đóng cửa trường học và nhà thờ cũng như kéo đổ các bức tượng của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đều giống với tư tưởng cộng sản, và những việc tương tự đã xảy ra trong Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Ngoài ra, bà nói rằng việc chương trình giảng dạy này đang được các trường sử dụng để phân chia học sinh theo chủng tộc, hay việc phân chia thành nhóm áp bức và nhóm bị áp bức cũng đều phản ánh tư tưởng của chủ nghĩa Marx.
“Tôi thực sự cảm thấy như thể một cuộc Đại Cách mạng Văn hóa khác đang hồi sinh,” bà nói, đồng thời đề cập đến thuyết chủng tộc trọng yếu đang được giảng dạy trong các trường học nhằm chia rẽ người dân và thóa mạ người da trắng về điều mà họ không thể kiểm soát.
Cảm nghiệm chủ nghĩa toàn trị
Bà Williams đã nhìn thấy nhiều khía cạnh khác của chủ nghĩa toàn trị trong suốt hai năm thực hiện phong tỏa và quy định bắt buộc.
Bà nói: “Tôi thấy chủ nghĩa độc tài đang trỗi dậy. Chúng ta có những chính trị gia muốn trở thành bạo chúa. Họ muốn sa thải quý vị. Họ muốn buộc doanh nghiệp của quý vị [phải] đóng cửa nhân danh [đại dịch], và sau đó ra lệnh — ra lệnh chích vaccine, đeo khẩu trang. Và nếu quý vị không tuân thủ, quý vị sẽ mất việc làm.”
Bà Williams cảnh báo rằng chủ nghĩa cộng sản đang tìm đường đến Hoa Kỳ nếu nước này tiếp tục đi theo con đường chia rẽ người dân và khiến họ chống lại nhau.
“Tôi nhìn thấy chữ viết trên tường. Tôi nhìn thấy xu hướng này,” bà nói. “Chúng ta đang sử dụng chính trị bản sắc để chia rẽ người dân rồi khiến những công dân của chúng ta đấu với nhau thay vì cùng nhau [đoàn kết] để giải quyết các vấn đề của đất nước chúng ta.”
Bà Williams nói: “Tại sao các nước dân chủ phương Tây lại áp dụng chiến thuật của Đảng Cộng sản và các biện pháp phong bế trong sách lược của họ?”
Bà Williams nói rằng văn hóa xóa sổ (cancel culture) cũng tương tự như bị nhắm mục tiêu trong Cách mạng Văn hóa.
“Họ có thể tìm ra quý vị đã viết gì đó, quý vị đã nói gì đó nhiều năm về trước, rồi sau đó xem quý vị như ‘kẻ áp bức,’ ‘giai cấp da màu.’ Vậy là quý vị bị mất việc làm.”
Chủ nghĩa Marx 2.0
Bà Williams dẫn chứng về các khóa đào tạo công bằng, ở đó người da trắng được cho là phải lên án “đặc quyền da trắng” của chính họ, chẳng khác nào các phiên đấu tố ở Trung Quốc cộng sản.
“Chúng ta không nên đánh giá con người qua màu da, và chủng tộc. Nhưng đó là những gì họ muốn làm mãi,” bà nói. “Vậy khác nhau ở đâu? Người Trung Quốc được phân chia theo giai cấp, theo quan điểm chính trị, và địa vị kinh tế. Còn ở đây là [phân chia theo] màu da và chủng tộc.”
Thay vì tán dương, bà phản đối việc người ta được đối xử ưu tiên vì màu da của họ. Bà Williams trích dẫn sự việc các trường đại học Ivy League đang thực hiện hạn ngạch [tuyển sinh] sinh viên da đen thay vì những suất học cho sinh viên Á Châu, những em học hành chăm chỉ để được tuyển vào các trường này.
Vấn đề gia đình và truyền thống của tiểu bang
Bà William cũng không tán thành tư tưởng chuyển giới mà trẻ em đang được truyền dạy ở các trường, cũng như trong nhiều trường hợp không có sự đồng ý hoặc tán thành của các bậc cha mẹ. Tiểu bang này đang lấn át quyền của các bậc cha mẹ, như trong trường hợp một số tiểu bang đang ban hành luật để bỏ qua sự đồng ý của cha mẹ về việc chuyển giới khi con 13 tuổi.
Bà nói rằng điều này khiến bà gợi nhớ về Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, nơi mọi người liên tục truyền bá tư tưởng cộng sản trên tất cả các diễn đàn công khai. Từ giới truyền thông đến học đường, nhà nhà người người đều tán thành tư tưởng của Mao rằng kẻ áp bức và người bị áp bức phải đấu tranh và tàn sát lẫn nhau.
Gia đình bà được liệt vào giai cấp “đỏ”, hay giai cấp bị áp bức, còn địa chủ và tầng lớp trí thức bị gán nhãn là giai cấp “đen”.
Bà Williams nói: “Trong số những kẻ áp bức, có năm giai cấp đen. Trong số những người bị áp bức, có năm giai cấp đỏ. Hồi đó, tôi thuộc giai cấp đỏ. Tôi không phải đi đến những phiên đấu tố, còn những người bị [dán nhãn] các giai cấp đen thì khác. Họ bị bắt đưa ra đấu tố [và] bị làm cho nhục nhã trước bàn dân thiên hạ để nhạo báng gia đình, tổ tiên của họ.”
Mao Trạch Đông nhắm mục tiêu vào văn hóa truyền thống Trung Hoa thông qua phong trào phá “tứ cựu”, bao gồm: Cựu Tư Tưởng, Cựu Văn Hóa, Cựu Phong Tục, và Cựu Tập Quán.
“Đồng thời tất cả các tôn giáo đều bị phỉ báng. Chúng tôi không thể tự gọi mình là Phật tử hay Cơ Đốc nhân — không gì cả. Quý vị phải trở thành người sùng bái Mao và chủ nghĩa cộng sản.”
Con người tất nhiên sẽ mưu cầu tự do
Bà Williams cho biết, sau khi Mao Trạch Đông qua đời, lớp lãnh đạo cộng sản mới đã cho phép người dân Trung Quốc giữ lại một phần những gì họ thu hoạch được cho bản thân, theo một nghĩa nào đó là cho phép sở hữu một ít đất đai, vì vậy người dân bắt đầu sản xuất nhiều lương thực hơn so với thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Vì có sự cải thiện về kinh tế, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lập công vì đã xóa đói giảm nghèo cho hơn 600 triệu người Trung Quốc, nhưng bà Williams hoàn toàn không đồng ý và cho rằng các nguyên tắc thị trường tự do, sự cần cù lao động của từng cá nhân và khát khao thịnh vượng là nguyên nhân dẫn đến các điều kiện kinh tế được cải thiện.
“Tôi hoàn toàn không tin những gì họ rao giảng. Tôi nghĩ rằng con người tất nhiên sẽ mưu cầu tự do, thịnh vượng. Họ biết mình cần làm gì để đạt được điều đó, chỉ cần mấy vị để người ta yên.”
Truyền bá tư tưởng
Do hồi đó tất cả thông tin mà mọi người có được đều bị nhà nước kiểm soát toàn diện, từ giới truyền thông đến trường học, nên người dân Trung Quốc thật sự tin rằng “giai cấp đen” xứng đáng bị tiêu diệt, hoặc ít nhất là chịu quỳ phục [giai cấp đỏ].
“Khi đó tôi đã tin rằng chúng ta cần phải xóa sổ giai cấp đen. Họ là kẻ thù của nhân dân và kẻ thù của nhà nước,” bà Williams nói.
Bà cho biết một chiến thuật khác mà những người theo chủ nghĩa Marx sử dụng là lợi dụng sự ganh ghét tật đố của nông dân đối với tầng lớp phú nông. Ông Mao hứa cho nông dân ruộng đất nhưng ông chưa từng làm vậy. Bà Williams nói, họ chỉ làm việc trên mảnh đất thuộc sở hữu nhà nước để làm giàu cho Đảng Cộng sản mà thôi.
Bà William cho biết, sự ra đi của Mao Trạch Đông khiến bà nghi ngờ rằng việc truyền bá tư tưởng khiến ông ta được tôn thờ giống như thần thánh có phải là sự thật hay không.
“Lý do tôi muốn học luật là tôi nghĩ, ‘Thôi, giờ mình phải đi tìm sự thật ngay mới được.’ Mao Trạch Đông chỉ là một con người bằng xương bằng thịt, đó là lý do tại sao ông ấy qua đời, tôi nhận ra điều đó.” Bà Williams nghĩ có lẽ Trung Quốc nên được quản lý bằng pháp quyền, thay vì bằng sự cai trị của con người.
Sau khi bắt đầu học luật, bà đã học được một bài học khắc nghiệt về cách ĐCSTQ sử dụng luật pháp. “Tôi lại nhanh chóng trở nên mất phương hướng, bởi vì họ nói với tôi rằng luật pháp là công cụ mà đảng này sử dụng để quản lý quần chúng nhân dân.”
Quyền cá nhân
Trong thời gian đó, bà Williams đã gặp một sinh viên trao đổi người Mỹ đang học tập tại Trung Quốc, người đã kể cho bà nghe về bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Bà Williams nói: “Tôi lập tức hiểu ra ngay, lần đầu tiên tôi nghe nói đến khái niệm quyền cá nhân.”
Người sinh viên Hoa Kỳ này cũng nói về việc “Đấng Tạo Hóa” trao cho mọi người những quyền cá nhân này, điều này đã thu hút bà Williams vì trước giờ bà chỉ nghe nói đến quyền lợi tập thể của các nhóm khác nhau mà ĐCSTQ đưa ra, chẳng hạn như quyền của người lao động.
Bà Williams cho biết bà đã rất xúc động và muốn biết nhiều hơn về quyền tự do và Hoa Kỳ, do đó quyết định làm mọi cách để có thể để sang Mỹ du học.
Nói dối ĐCSTQ để đổi lấy tự do
Bà Williams cho biết bà đã phải vạch ra một chiến lược để đến Hoa Kỳ
Bấy giờ bà mang trong mình một sứ mệnh là phải rời khỏi Trung Quốc nhưng phải giả vờ ái mộ Đảng. Cấp trên ở trường đại học của bà đã cho phép bà ngừng việc giảng dạy để theo học một chương trình sau đại học của Hoa Kỳ ở Texas, nhưng chỉ sau khi bà chứng minh được lòng trung thành của mình với ĐCSTQ, thì đơn xin đến Hoa Kỳ của bà mới được chấp thuận.
Bà kể rằng bà đã phải ký vào một tờ giấy cam kết sẽ trở lại Trung Quốc sau khi học xong, đây là cách duy nhất để bà được phép xin thị thực du học.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times