Tổ chức Asians for Liberty cảnh báo về ‘chủ nghĩa Mao Mỹ’ đang trỗi dậy ở Hoa Kỳ
Những người thành lập tổ chức cảnh báo, ‘văn hóa xóa sổ’ và ‘chủ nghĩa thức tỉnh’ ngày nay gợi nhớ đến các chiến thuật được sử dụng thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa tàn bạo của Trung Quốc
CLEARWATER, Florida —Tổ chức Asians for Liberty (Người Á Châu Vì Tự Do) gần đây đã có buổi ra mắt công chúng lần đầu tiên khi người đồng sáng lập Cathy Kiang bước lên bục diễn giả nói chuyện.
Vào ngày đầu tiên của hội nghị “With Liberty and Justice for All” (Sát cánh cùng Tự do và Công lý cho Tất cả) do “Sovereign Nations” (Các Quốc gia có Chủ quyền) tổ chức, cô Kiang đã chia sẻ cách ông bà cố của cô thoát khỏi Trung Quốc cộng sản để đến được Hoa Kỳ.
Cô Kiang cho hay, điều quan trọng là phải kể về lịch sử này để điều đó không bao giờ lặp lại lần nữa.
“Tôi sẽ không bao giờ thực sự hiểu được những khó khăn mà họ đã trải qua và những hy sinh mà họ đã nếm trải,” cô Kiang nói tại hội nghị diễn ra vào ngày 20/07 này.
“Nhưng nhiệm vụ của tôi là không bao giờ quên và luôn cố gắng bảo vệ cho sự tự do và quyền được tự do.”
Cô Kiang thành lập tổ chức Asians for Liberty vào năm 2022 với dì của mình, bà Sau O’Fallon, người dẫn chương trình podcast “The Asian American” (Người Mỹ gốc Á).
Họ nói rằng mục tiêu của tổ chức này là nâng cao nhận thức cho cả những người trẻ tuổi và lớn tuổi về sự khủng khiếp của cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc.
Họ cho biết, họ cũng muốn mọi người thấy được sự tương đồng giữa những gì đã xảy ra trước kia vào thời đó và những gì đang xảy ra hiện nay ở Hoa Kỳ.
‘Những người cộng sản đã thắng’
Sau cuộc bầu cử năm 2020, mẹ của bà O’Fallon đã nói với con gái mình rằng, “Những người cộng sản đã thắng.”
“Tôi nghĩ đó có lẽ là một sự việc chấn động đối với bà ấy,” bà O’Fallon nói. “Giống như, bà ấy chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nói điều đó ở đây,” tại Hoa Kỳ.
Tổ chức mới này là một công việc mà gia đình bắt đầu sau khi mẹ của bà O’Fallon qua đời.
Thân mẫu của bà O’Fallon là người bà cuối cùng của cô Kiang. Sự ra đi của bà đã tạo ra một hiện thực đau xót:
“Họ đã ra đi. Trong gia đình chúng tôi không còn ai có thể kể về câu chuyện của họ. Điều đó sẽ phụ thuộc vào chúng tôi.”
Dì của cô cũng đón nhận sứ mệnh này.
“Chúng tôi phải thức tỉnh mọi người,” bà O’Fallon nói. “Chúng tôi cần nhiều người hơn — quý vị biết đấy, những quân nhân — đứng về phía chúng tôi để chống lại các lực lượng cộng sản dưới nhiều hình thức ngụy trang khác nhau.”
Cô Kiang nói với những người tham dự hội nghị: “Các sinh viên đang được dạy rằng Mỹ không phải là một quốc gia vĩ đại được xây dựng trên các nguyên tắc tự do và quyền tự do, nơi bất kể quý vị xuất thân từ đâu, màu da của quý vị là gì, thì bất cứ ai cũng có thể thịnh vượng, bất cứ ai cũng có thể thành công.”
“Những hệ tư tưởng nguy hiểm này đã xâm nhập vào mọi khía cạnh của xã hội chúng ta, gồm cả nhà thờ, nơi làm việc, chính phủ, các cộng đồng của chúng ta — thậm chí là cả quân đội của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã thức tỉnh về điều này.”
Nhưng những người khác thì chưa, cô nói.
Gia đình thoát cộng
Bà O’Fallon nói với những người tham dự hội nghị rằng cha mẹ bà sẽ không bao giờ nói trực tiếp về chủ nghĩa cộng sản với bà và các anh chị em của bà, nhưng họ sẽ nói về điều đó với những người lớn khác.
Nhưng dù chỉ được nghe loáng thoáng, đó cũng đủ để cô biết rằng chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản là xấu.
“Ngay cả cái tên Mao … cũng khiến tôi cảm thấy ớn lạnh,” cô nhớ lại.
Đối với cô, cái tên đó có nghĩa là “người xấu” và “kẻ sát nhân.”
Gia đình này đã đến Mỹ sau khi trước tiên thoát khỏi Trung Quốc đại lục để đến Hồng Kông, khi đó là lãnh thổ của Vương quốc Anh.
Bà O’Fallon và mẹ của cô Kiang là hai trong số sáu người con thực hiện hành trình vượt Thái Bình Dương vào năm 1968.
Khi mẹ của cô Kiang đặt chân lên đất Mỹ, đó là “khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời bà,” theo lời kể của bà với gia đình mình sau này.
Bà O’Fallon giải thích rằng vì họ nghèo nên dễ rời đi hơn mà không bị chú ý.
Mọi thứ đã khác đối với gia đình của cha cô Kiang.
Cô kể, ông của cha cô là tỉnh trưởng của một tỉnh ở Trung Quốc. Gia đình ông được ban phước với sự giàu có và đất đai. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là ông bị các quan chức cộng sản theo dõi.
Ông thoát được sang Đài Loan bằng cách cải trang thành một ngư dân nghèo. Nhưng vợ ông thì bị bắt và bị tống vào tù, nơi bà chịu đựng đau khổ tột cùng trước khi tự sát, cô Kiang cho biết.
Gia đình không kể nhiều về bi kịch này, và khi cô còn nhỏ, dù sao thì những câu chuyện đó cũng không khiến cô quan tâm lắm, cô nói.
Nhưng trong thập niên qua, cô đột nhiên nhận ra và trở nên hoảng hốt, tự hỏi bản thân: “Ôi chao, chuyện gì đang xảy ra xung quanh chúng ta vậy?”
Chia sẻ câu chuyện của những người sống sót
Cô Kiang và bà O’Fallon đã trình bày tại hội nghị cùng với những người sống sót sau cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông, bà Xi Van Fleet và bà Đường Bách Hợp (Lily Tang Williams).
Họ rất mong được chia sẻ những câu chuyện và lời cảnh báo của họ.
“Cha mẹ tôi, họ đã chọn chủ nghĩa cộng sản. Họ tham gia cách mạng,” bà Van Fleet nói. “Và sau đó họ đã giúp giành chính quyền ở Trung Quốc.”
“Tôi đã không lựa chọn như thế.”
“Và nhiều người trẻ ngày nay ở Mỹ — họ chọn chủ nghĩa cộng sản thay vì chủ nghĩa tư bản.”
Ký ức sớm nhất của bà là về Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Nó bắt đầu khi bà học lớp một và kéo dài mười năm học.
Sau khi tốt nghiệp trung học, bà bị gửi về nông thôn như bao người khác để làm “lao động chân tay” và “được người nông dân cải tạo.”
Cuộc cách mạng đã khủng bố Trung Quốc từ năm 1966 đến năm 1976. Những người thanh niên cấp tiến, gọi là Hồng Vệ Binh, đã thực thi mục tiêu của Mao Trạch Đông là loại bỏ quốc gia khỏi cái mà ông gọi là Tứ Cựu (bốn cái cũ): Tư tưởng Cũ, Văn hóa Cũ, Phong tục Cũ, và Thói quen Cũ.
Bà Van Fleet cho biết, trong những biến động của xã hội, những ý tưởng truyền thống như các mối quan hệ trong gia đình, nữ tính, công lý dành cho tội phạm, và sự trọng dụng nhân tài đã bị gạt sang một bên.
Bà nói rằng những giá trị đó đã bị thay thế bằng một “nền văn hóa mới” của sự nổi loạn hợp pháp, đấu tranh giai cấp, sự đúng đắn chính trị, văn hóa mách lẻo, và cái được gọi là “sự sùng bái cá nhân” — nhân cách của Mao.
Bà và bà Williams đều đến từ tỉnh Tứ Xuyên, nơi ước tính có khoảng tám triệu người thiệt mạng trong 10 năm cách mạng đó.
“Tôi đã bị tẩy não kinh khủng,” bà Williams nói với những người tham dự hội nghị. “Đôi khi, tôi nhìn thấy khuôn mặt của Mao trên bầu trời sau những đám mây, và tôi thấy ông ta mỉm cười trong ngọn lửa.”
Bà kể rằng học sinh đã phản lại giáo viên của họ. Tất cả các tôn giáo đều bị xem là tà giáo. Và 95% nhân viên tư pháp hình sự đã bị lưu đày.
Trẻ em được khuyến khích “giáo dục” lại cha mẹ của mình và tấn công họ nếu họ không thích nghi được.
“Tôi về nhà, và thỉnh thoảng mẹ tôi cầu nguyện, [thì tôi nói] ‘Mẹ ơi! Đừng làm thế! Đó là cách chủ nghĩa tư bản kiểm soát lối sống của mẹ. Mẹ cần phải tin vào Đảng, thôi nào!’” bà Williams nhớ lại.
“Tôi sẽ lên lớp mẹ tôi vì tôi quá cộng sản. Tôi đã từng là một đứa trẻ cộng sản.”
Cả hai người phụ nữ đều đến Hoa Kỳ bằng thị thực sinh viên vào cuối những năm 1980.
“Tôi đã từ bỏ Trung Quốc khi trở thành giảng viên trường luật,” bà Williams nói.
“Tôi được bảo rằng, ‘Luật pháp không phải là để bảo vệ công lý hay bình đẳng cho người dân thường. Luật pháp là công cụ của đảng cộng sản để cai trị quần chúng. Và quý vị chỉ là một trong số quần chúng mà thôi.’”
Sau đó, bà cho biết, một sinh viên đại học người Mỹ nói với bà về “Tuyên ngôn Độc lập và nói rằng các cá nhân có các quyền không phải do chính phủ ban cho mà do Đấng Tạo Hóa ban cho,” bà nói.
“Bóng đèn của tôi bật sáng, và kể từ đó chưa bao giờ tắt.”
Phát hiện các dấu hiệu
Hơn 30 năm sau, bà Williams giờ đây đã là một người vợ, người mẹ của ba đứa con, doanh nhân và là ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, lần thứ hai tranh cử vào Quốc hội ở New Hampshire.
Bà bắt đầu thấy “Sách lược của Cộng sản Trung Quốc” xuất hiện trên đất Mỹ trong suốt 4 năm qua, bà cho biết.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đến miền đất hứa của mình — một đất nước tuyệt vời — để chứng kiến tổng thống đương nhiệm bị kiểm duyệt,” bà nói. “Một ứng cử viên tổng thống hôm nay — ông RFK — cũng bị kiểm duyệt, các cuộc phỏng vấn bị gỡ xuống.”
Những người phụ nữ Trung Quốc này cảnh báo về sự tương đồng giữa lực lượng Hồng Vệ Binh khét tiếng của Mao Trạch Đông và phong trào “văn hóa xóa sổ” và “thức tỉnh.” Họ cho biết những hệ tư tưởng đó đã được truyền bá cho trẻ em ở các trường công lập trong nhiều năm, hình thành nên cái mà họ gọi là “Blue Guard” (Lam Vệ Binh) thời hiện đại.
Cô Kiang nói: “Nhiều chiến thuật được sử dụng trong cuộc cách mạng văn hóa của ông ta ở Trung Quốc hiện đang được sử dụng ở chính đất nước chúng ta.”
Những người phụ nữ này chia sẻ, thay vì phải trải qua những “buổi đấu tố” cường độ cao ở quảng trường công cộng, những “kẻ thù của nhân dân” ngày nay bị đẩy ra ngoài và bị trừng phạt theo những cách thụ động hơn.
Những cách thức bao gồm “nhà tù Facebook,” sự chú ý từ “đám đông Twitter,” và nguy cơ thất nghiệp nếu một người lên tiếng chống lại các chính sách xã hội cấp tiến liên quan đến Môi trường, Xã hội, và Quản trị (ESG) hoặc Đa dạng, Công bằng, và Hòa nhập (DEI).
“Và với lĩnh vực kinh doanh của tôi trong ngành tổ chức sự kiện du lịch,” cô Kiang nói, “các tổ chức theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống của chúng tôi đang bị từ chối tiếp cận một số địa điểm nhất định vì các giá trị bảo tồn truyền thống của họ.”
Những người phụ nữ cho biết đại dịch COVID-19 đã chứng minh quyền tự do đi lại của người Mỹ có thể bị tước đoạt dễ dàng như thế nào, và mỗi người có thể bị xem là “kẻ thù của nhân dân” ra sao nếu họ từ chối tuân thủ các quy định về vaccine và phong tỏa.
“Vào năm 2020, khi những người thuộc tổ chức Black Lives Matter (BLM) và Antifa chiếm các thành phố của chúng ta và khủng bố các cộng đồng của chúng ta, nhiều người Mỹ đã sửng sốt,” bà Van Fleet nói với những người tham dự hội nghị. “Họ chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì như thế này. Nhưng đối với những người như tôi và Lily (bà Williams), chúng tôi biết ngay.”
Bà Williams cảnh báo: “Hãy nhớ rằng, những người cộng sản phải sử dụng chính trị căn tính (identity politics) để đạt được quyền lực của mình. Họ muốn có quyền lực tuyệt đối, nhưng họ không thể sử dụng lý thuyết đấu tranh cổ điển nữa. Vì vậy, họ đang sử dụng chủng tộc.”
“Họ đang sử dụng chủ nghĩa chuyển giới và bất kỳ từ ngữ xúc phạm nào có thể xuất hiện tiếp theo. Chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng. Luôn luôn — giống như ông Mao — cứ mỗi hai, ba, năm năm một lần. Một chiến dịch mới và những thuật ngữ hoa mỹ mới. Và các hãng truyền thông nhà nước sẽ dối trá hàng ngày cho đến khi chiến dịch mới trở thành sự thật được công chúng chấp nhận.”
Chỉ mới vừa bắt đầu
Cô Kiang và bà O’Fallon hy vọng sẽ kêu gọi được đủ sự chú ý đến những vấn đề này để tạo ra sự khác biệt nhanh chóng.
“Đó sẽ là một giấc mơ,” bà O’Fallon nói. “Nhưng nếu chúng ta có thể thực hiện các bước sơ khai chậm rãi — và tất cả những bước sơ khai nhỏ này đi theo các hướng khác nhau — thì điều đó sẽ rất, rất tuyệt vời.”
Họ hy vọng sẽ có thêm các chi nhánh trong cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Florida, và sau đó thêm nhiều chi nhánh trên khắp đất nước. Họ cũng đang thiết lập một học bổng để thúc đẩy các ý tưởng về tinh thần kinh doanh và chủ nghĩa tư bản.
Họ nhìn thấy những thách thức phía trước trong việc lan tỏa thông điệp của mình.
Họ nói rằng lịch sử hầu như không được dạy trong trường học, đặc biệt là lịch sử của chủ nghĩa cộng sản.
Họ nói rằng các thế hệ cũ đã từng trải qua chủ nghĩa cộng sản không nói về nó bởi vì họ muốn quên nó đi hoặc họ tin rằng một cuộc cách mạng như vậy không thể xảy ra ở đây. Và một số người còn có thể ngưỡng mộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), họ cho biết.
Nhưng họ cho biết họ có hy vọng.
“Đó là về việc thắp lên ngọn lửa đó và cho mọi người trong cộng đồng biết rằng bất cứ điều gì được thực hiện để truyền tải thông điệp đều có thể tạo ra sự khác biệt,” bà Kiang nói.
Gia Bảo biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times