Nhân ái – Hiếu đễ (P.3): Đệ không tranh, huynh không giành
Hứa Yến, Hứa Phổ khóc ngã xuống đất, nói: “Đệ may có Mông ca ca dạy bảo thành người, mới có được ngày hôm nay. Nào biết ca ca lại dụng tâm như vậy! Là đệ bất tài, không thể tự lực đạt đến trình độ cao, còn khiến huynh trưởng vất vả. Ngày hôm nay nếu như không phải huynh trưởng tự nói ra, thì bọn đệ đều là đang ở trong mê. Đức hạnh của huynh trưởng, xưa nay chưa từng có. Một chút gia tài này vốn là do huynh trưởng khắc khổ mà kiếm được, nên thuộc về huynh trưởng quản lý. Nay chúng đệ áo cơm đã no đủ, huynh trưởng không phải lo lắng nữa.”
Phần 1:Câu chuyện Hứa Vũ : Nhân ái hiếu đễ, khiêm hòa lễ nhượng
Phần 2:Hứa Vũ tiết lộ nguyên do giành tài sản của hai em
Hứa Vũ nói: “Ta chăm chỉ làm ruộng nhiều năm, cũng có chút của cải. Huống chi ta đã từ quan về quê, liền làm lão nông vui với cuốc cày. Hai em đang tuổi trẻ trung khỏe mạnh, lại lo việc dân việc nước, nên có tiền của sản nghiệp, giữ trọn liêm tiết.” Hứa Yến, Hứa Phổ lại nói: “Ca ca vì chúng đệ mà tự làm bản thân mang tiếng xấu. Chúng đệ đã được danh tiếng, lại muốn được lợi, như thế là kẻ tham lam bậc nhất trong thiên hạ. Chẳng những làm nhục tổ tông, mà còn sỉ nhục ca ca. Vạn mong ca ca thu hồi sổ sách, nhằm giảm bớt phần nào tội lỗi của chúng đệ!”
Các vị phụ lão thấy ba anh em nhà họ nhún nhường lẫn nhau, anh không thu, tôi không nhận, bèn cùng nhau bước lên khuyên nhủ rằng: “Những lời của huynh đệ các vị đều hợp với đạo lý. Nếu huynh trưởng độc chiếm những điền sản này, thì không chắc đã là hiểu cho khổ tâm của hai người em, hai người em nếu nhận cả, lại phụ ý tốt của huynh trưởng. Theo ngu kiến của chúng tôi, nên chia đều gia sản thành ba phần, không nhiều không ít, lúc này mới là huynh hữu đệ cung, mới tẫn hết đạo lý.” Nhưng ba huynh đệ vẫn anh nhường tôi nhượng.
Trong những vị phụ lão này có vài vị là người cương trực, bèn đứng lên nghiêm nghị nói: “Phân xử vừa rồi của chúng tôi, là đạo lý rất công chính, nếu lại nhường lẫn nhau, thì chính là khách sáo giả tạo. Đem sổ sách lấy ra đây, để chúng tôi cùng ba vị phân chia!” Ba anh em Hứa Vũ lại không dám nhiều lời, đành theo chủ trương của những vị phụ lão, đem điền sản chia thành ba phần, mỗi người quản lý một phần sản nghiệp.
Gian nhà chính ở giữa vẫn là để cho Hứa Vũ ở như cũ. Hai gian nhà bên trái và bên phải nhỏ hẹp, bèn lấy số lượng lương thực và tơ lụa bổ sung thêm cho Hứa Yến, Hứa Phổ, để cho hai người tự sắp xếp cải tạo. Người ăn kẻ ở trong nhà cũng chia đều. Các vị phụ lão phân chia công bằng, ba anh em Hứa Vũ thi lễ cảm tạ, mời mọi người cùng nhập tiệc uống rượu, hết thảy đều vui mừng.
Trong lòng Hứa Vũ chung quy vì chuyện phân chia gia sản trước kia mà cảm thấy áy náy, nên đem một nửa ruộng tốt do mình sở hữu làm thành nghĩa trang, hiến cho thôn xóm. Hứa Yến, Hứa Phổ biết được, mỗi người cũng xuất ra một nửa ruộng đất của mình để góp thêm vào. Trong vùng người người đều thán phục, lại truyền ra mấy câu truyền miệng, nói rằng: “Thực sự Hiếu liêm, chỉ có Hứa Vũ; ai là người kế tiếp? Yến và Phổ. Đệ không tranh, huynh không giành. Dựng nghĩa trang, hiến cho thôn xóm. Ô hô, Hiếu liêm như thế ai có thể sánh được!”
Hứa Yến, Hứa Phổ sau khi hết ba tháng nghỉ phép, dự định dâng sớ cáo từ quan, Hứa Vũ nhiều lần khuyên bảo, trách nhiệm là đại nghĩa, hai người Yến, Phổ đành phải nghe theo, mỗi người đều mang theo vợ con đi nhậm chức. Các vị phụ lão trong thôn lại đem câu chuyện hiếu đễ của cả nhà Hứa Vũ, tường tận viết rõ dâng lên quận huyện, quận huyện lại dâng tấu lên trên. Thánh Thượng hạ lệnh cho các quan lại ban thưởng treo biển ở cổng thôn, gọi thôn đó là “Thôn Hiếu Đễ”.
Về sau các vị Tam Công Cửu Khanh đều tiến cử, nói rằng Hứa Vũ có đức hạnh tuyệt luân, không nên nhàn nhã nơi ruộng đồng, nên hạ chiếu tái bổ nhiệm. Hứa Vũ khéo léo từ chối, có người hỏi ông duyên cớ, Hứa Vũ nói: “Thời điểm hai đệ đệ đang giữ chức vị cao ở trong triều, tôi từng khuyên rằng phải biết đủ, biết dừng. Nếu như hôm nay đáp ứng chiếu chỉ tái nhậm chức, thì là tự nuốt lời rồi. Huống hồ ngày nay hiền tài xuất hiện lớp lớp, tôi nguyện vui với ruộng vườn mà thôi.”
Hứa Yến, Hứa Phổ đến nhậm chức, tuân theo lời huynh trưởng dạy dỗ, mỗi người đều lấy thanh liêm tiết kiệm để khích lệ bản thân, rất có danh tiếng là chính trực. Sau nghe được huynh trưởng cao thượng, không chịu ra làm quan. Hai anh em hẹn nhau, cùng đem ấn quan nạp trả, về quê nhà, vui vẻ làm ruộng, theo huynh trưởng chu du ngắm nhìn sông núi. Chính là có thể nói một nhà ba hiếu liêm, mỹ danh vang khắp thiên hạ. Dòng họ Hứa thị con cháu hưng thịnh tài giỏi, nhiều đời liên tiếp làm quan, luôn được người đời sau gọi là “Hứa gia hiếu đễ”.
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhân ái hiếu đễ là nhân tố cơ bản, khiến con người biết cảm ân và hồi báo, biết kính trọng lễ nghi là trọng yếu, người có kính trọng lễ nghi nhất định là sẽ được tốt lành, nhà có tôn kính lễ nghi có thể hưng thịnh, quốc có tôn kính lễ nghi tự nhiên sẽ vững mạnh. Cổ nhân coi trọng Thiên lý lương tri, kính Trời lễ Đất, thiện ý giúp người, thế gian tường hòa, đối với bất kỳ sự vật nào người ta cũng đều có thể thể hiện ra mỹ đức không tranh giành.
Tĩnh Viễn thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ