Nhà vận động Black Guns Matter: Kiểm soát súng là ‘phân biệt chủng tộc’
Ông Maj Toure, nhà sáng lập Black Guns Matter, một tổ chức đấu tranh để bảo vệ các quyền Tu chính án thứ Hai mà Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo đảm, tin rằng những nỗ lực kiểm soát quyền sở hữu súng mang đậm tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Capitol Report” của đài truyền hình NTD, ông Toure đã chỉ ra một lối nói rằng “súng chỉ dành cho cảnh sát và tội phạm” và ý tưởng mang súng là một chủ đề cấm kỵ là sai lầm và “chìm sâu trong cách thức kiểm soát súng thực sự mang tính phân biệt chủng tộc.” Các thành phố ở khu vực Đông Bắc, nơi có dân số người da đen và da nâu lớn hơn, là nơi kiểm soát súng nhiều nhất, và “trớ trêu thay, đó lại là nơi diễn ra nhiều tội phạm bạo lực nhất,” ông Toure cho biết.
Trong thời kỳ di cư lớn, rất nhiều người Mỹ gốc Phi Châu từ miền Nam, những người mới được tự do, đã chuyển đến các thành phố lớn như Los Angeles, Boston, Chicago, Philadelphia, Detroit, và New York. “Đó là khi chế độ kiểm soát súng được tạo ra,” ông Toure cho biết.
“Có rất nhiều người muốn trở thành công chức trong tương lai cố gắng giả vờ rằng… việc sở hữu súng là điều mang tính phân biệt chủng tộc thực sự trong khi, trên thực tế, chính việc kiểm soát súng mới là điều đã bắt đầu ngăn trở người da màu có công cụ này cho chính họ.”
Ông nói thêm rằng “chiêu trò PR” đi kèm với việc thuyết phục mọi người rằng Tu chính án thứ Hai đi ngược lại với lợi ích của họ là “công khai chống đối với bối cảnh lịch sử của việc người Mỹ gốc Phi Châu có truyền thống phong phú với súng tại Hoa Kỳ.”
Trong những năm gần đây, người Mỹ gốc Phi Châu đã trở thành “nhóm nhân khẩu mua súng mới lớn nhất” ở Hoa Kỳ, ông cho biết. “Chúng tôi ủng hộ tự do. Chúng tôi ủng hộ con người, chúng tôi ủng hộ nước Mỹ, chúng tôi ủng hộ công lý, chúng tôi ủng hộ trách nhiệm giải trình. Chúng tôi ủng hộ những thứ giúp cho cộng đồng của chúng tôi thực sự vững chắc hơn, an toàn hơn, có trách nhiệm hơn.”
Kiểm soát súng
Hai năm vừa qua, Đảng Dân Chủ đã tận dụng quyền kiểm soát Quốc hội và nhiệm kỳ tổng thống để đưa ra các biện pháp kiểm soát súng cứng rắn. Đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật một dự luật kiểm soát súng nhằm mở rộng việc kiểm tra lý lịch liên bang đối với những người mua súng trong độ tuổi từ 18 đến 21 cũng như bổ sung các biện pháp khuyến khích đối với các tiểu bang nhằm áp dụng cái gọi là luật cờ đỏ, giúp cho các nhà chức trách có thể tịch thu súng từ những người “có dấu hiệu đe dọa bản thân hoặc người khác” và ngăn những người này có được súng.
Trong nhiều năm, Đảng Dân Chủ đã cố gắng hình sự hóa “các băng đạn có dung lượng lớn” mà không có định nghĩa rõ ràng. Năm ngoái, luật đã được đưa ra tại Thượng viện nhằm cấm các băng đạn chứa trên 10 viên đạn.
Trong một cuộc phỏng vấn với NowThisNews hôm 23/10, Tổng thống Biden cho biết ông đang thúc đẩy một luật sẽ giới hạn số băng đạn ở mức tám viên đạn.
Những người ủng hộ kiểm soát súng cho rằng hạn chế các quyền sở hữu súng bằng cách nào đó có thể dẫn đến giảm các vụ bắn súng.
Tuy nhiên, những lập luận như vậy không có cơ sở khi xét những địa điểm như Chicago, New York, và Philadelphia, đây là những nơi có các luật về súng nghiêm ngặt trong nước nhưng lại ghi nhận nhiều bạo lực súng đạn hơn những nơi có luật về súng nới lỏng hơn. Những người phản đối kiểm soát súng đã chỉ ra rằng luật này chỉ hạn chế quyền sở hữu súng đối với những công dân tuân thủ luật pháp.
Cuộc khảo sát của chính phủ được thực hiện vào năm 2016 đối với các tù nhân cho thấy chỉ có 9% trong số họ có được súng mà họ mang theo khi phạm tội từ một cửa hàng hoặc tiệm cầm đồ một cách hợp pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Thomas Hogan, một viện sĩ danh dự của Viện Manhattan theo tư tưởng bảo tồn truyền thống đồng thời là cựu công tố viên liên bang, đã nêu lên những lo ngại về việc súng bị tước đi khỏi những người Mỹ tuân thủ luật pháp.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times