Nhà sử học Victor Davis Hanson: Phong trào ‘thức tỉnh’ của Hoa Kỳ phản chiếu cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc
Theo nhà sử học quân sự kiêm nhà nghiên cứu văn hóa cổ đại Victor Davis Hanson, phong trào “thức tỉnh” hiện đang bao trùm nước Mỹ phản ánh cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc dưới thời lãnh đạo cộng sản Mao Trạch Đông.
Cuộc Cách mạng Văn hóa này diễn ra từ năm 1966 đến năm 1976. Ông Mao Trạch Đông tuyên bố chiến tranh giai cấp, khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn và bạo lực. Trong thời gian 10 năm đó, các trường học bị đóng cửa, các di tích lịch sử và hiện vật bị phá hủy, các địa điểm văn hóa và tôn giáo bị cướp phá. Nền kinh tế trì trệ, hàng triệu người bị đàn áp vì niềm tin chính trị của mình, và ước tính có khoảng 1.5 triệu người đã thiệt mạng.
“Họ đã truy lùng những người đeo kính; họ truy lùng những ai có giọng ngoại quốc hoặc có một bằng cấp,” ông Hanson nói với chương trình “Những Nhà lãnh đạo Tư tưởng Mỹ” (American Thought Leaders) của EpochTV hôm 14/02.
“Tình trạng ấy giống như cuộc cách mạng ‘thức tỉnh’ này vốn đang tràn ngập khắp mọi nơi [của đất nước chúng ta]. Cuộc cách mạng này không chỉ là về chính trị, mà còn về văn hóa. Còn về xã hội; còn về chủng tộc. Và phong trào này đang cố gắng thay đổi cách chúng ta nghĩ về đất nước mình. Và đó là điều đáng sợ,” ông cho biết thêm.
Thuật ngữ ‘thức tỉnh’ được cả những người thiên tả và những người theo phái bảo tồn truyền thống sử dụng để mô tả một số hệ tư tưởng cấp tiến thiên tả hơn, bao gồm thuyết chủng tộc trọng yếu, công lý xã hội, và lý thuyết giới tính.
Không giống như các cuộc biểu tình của những năm 1960, cuộc cách mạng thức tỉnh hiện nay “được dàn dựng ngay từ đầu,” ông Hanson nói. “Cánh tả không tấn công Ngũ Giác Đài. Cánh tả đã không tấn công lãnh đạo của trường đại học. Cánh tả không tấn công Anaconda Copper hay ITT như trước đây. Họ đang ở trong phòng điều hành. Họ đang ở trong văn phòng tổng thống. Họ đã ở bên trong FBI. Họ đã ở bên trong CIA. Họ đang ở bên trong Ngũ Giác Đài.”
Một kế hoạch kiểu Orwellian
Ông Hanson đã thảo luận về Dự án 1619 do ký giả Nikole Hannah-Jones của New York Times ủng hộ, lập luận rằng Hoa Kỳ là quốc gia phân biệt chủng tộc khi được thành lập, với Chiến tranh Cách mạng được phát động để duy trì chế độ nô lệ. Hơn nữa, dự án trên cho rằng Hiến Pháp được soạn thảo để luật hóa sự áp bức mang tính hệ thống đối với người da màu.
Một chương trình giảng dạy dựa trên dự án đó và do Trung tâm Pulitzer phát triển đã được đưa vào các học khu công lập trên toàn quốc, trong đó có Chicago, Buffalo, Newark, và thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
“Nếu quý vị có quyền kiểm soát các tổ chức này,” chẳng hạn như các trường đại học và giới truyền thông, ông Hanson cho hay, “thì quý vị có thể thuyết phục mọi người rằng năm 1776 không phải là năm thành lập đất nước. Mà đó là năm 1619 khi người Anh đưa nô lệ đầu tiên [đến lãnh thổ Hoa Kỳ].”
Theo bản viết lại lịch sử kiểu Orwellian này, ông Hansen cho biết thêm, “cuộc cách mạng của quý vị không phải vì những gì quý vị nghĩ. Đó là để chiến đấu với người Anh vì họ muốn phóng thích nô lệ còn quý vị thì muốn giữ họ lại. Và quý vị có thể tạo ra câu chuyện sai sự thật đó, quý vị có thể thể chế hóa câu chuyện này. Sau đó, trong tương lai, quý vị có thể biện minh cho mọi thứ, từ bồi thường thiệt hại cho đến tuyển sinh và tuyển dụng bồi thường.”
Làm suy yếu uy tín của Hoa Kỳ
Là tác giả của một số cuốn sách bán chạy nhất, trong đó có cuốn sách mới đây nhất có nhan đề “The Dying Citizen” (tạm dịch: “Người Công Dân Hấp Hối”), ông Hanson nói rằng Trung Quốc có thể sử dụng vụ khinh khí cầu do thám mới đây để làm suy yếu uy tín của Hoa Kỳ trong giới chính trị quốc tế.
Theo Ngũ Giác Đài, khinh khí cầu này đã tiến vào Hoa Kỳ hôm 28/01, thực hiện một cuộc xâm nhập ngắn vào không phận của Canada, quay trở lại Hoa Kỳ, và đi qua nhiều căn cứ quân sự nhạy cảm trước khi bị một chiến đấu cơ F-22 bắn hạ ngoài khơi South Carolina một tuần sau đó.
Trung Quốc có thể nói về cách chính phủ TT Biden giải quyết vụ khí cầu này, và lan truyền tới các đồng minh của Hoa Kỳ như Philippines, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, và Nam Hàn một luận điệu như:
“Quý vị có thực sự muốn ở dưới tầm ảnh hưởng hạt nhân của những người này không? Quý vị có thực sự nghĩ rằng những người này sẽ giúp quý vị? Quý vị có thực sự nghĩ rằng nếu quý vị đang ở trong vùng lân cận của chúng tôi, và chúng tôi bảo quý vị hãy nhảy, họ sẽ nói ‘quý vị không cần phải làm vậy?’ Chúng tôi vừa gửi một khí cầu qua lục địa Hoa Kỳ và nước này thậm chí không thể bắn hạ khí cầu đó.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times