Nhà quan sát: Cánh tả sẽ khai thác khủng hoảng kinh tế để thúc đẩy nghị trình cấp tiến
Theo các chuyên gia, như cựu Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo về một nền kinh tế đang trên đà không chỉ là suy thoái mà còn là khủng hoảng toàn diện, Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho thị trường việc làm chậm lại một cách nhanh chóng.
Họ nói rằng sự tham gia của lực lượng lao động đang giảm, cùng với lạm phát, có thể là cú đúp dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế vào mùa thu năm nay.
Lạm phát ở mức lịch sử, cùng với những tác động kéo dài của các chính sách COVID-19, đã góp phần vào cảm giác bi quan của nhiều người ở Mỹ.
Các nhà phê bình cho biết Đảng Dân Chủ đã dựa vào cuộc khủng hoảng tự gây ra này để thông qua các chính sách xã hội chủ nghĩa chưa từng có.
Một số nhà phê bình nói với The Epoch Times rằng những chính sách đó đã góp phần khiến đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng hơn nữa.
Một nhà phê bình lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ cung cấp cho những người cấp tiến cái cớ mới nhất của họ để họ buộc đất nước hướng về phía cực tả trước cuộc bầu cử vào tháng 11 trong một nỗ lực thúc đẩy những hy vọng bầu cử của họ.
Huy động cơ sở cử tri
Nhà tư vấn kinh doanh theo phái bảo tồn truyền thống kiêm nhà bình luận chính trị Craig Huey nói với The Epoch Times về các chính sách kinh tế của Đảng Dân Chủ: “Phần lớn những gì họ đang làm là cố gắng huy động cơ sở cử tri cấp tiến của mình và duy trì việc huy động này cho cuộc bầu cử tháng 11.”
Ông Huey cho biết, để giữ cho các cử tri của họ luôn được huy động, Đảng Dân Chủ đã phải dựa vào một bầu không khí khủng hoảng.
Ông Huey nói, vì vậy, một cuộc khủng hoảng kinh tế, với việc người dân mất việc làm, mặc dù trái ngược với sự khôn ngoan chính trị thông thường của một đảng trong Tòa Bạch Ốc, lại là điều đang thúc đẩy chiến lược của Đảng Dân Chủ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Ông Huey nói về chiến lược này: “Đó là một hệ thống quan liêu do hệ tư tưởng điều khiển” luôn cần vận động cử tri theo ý thức hệ đến các phòng bỏ phiếu.
Tương tự, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) nói rằng Đảng Dân Chủ hoàn toàn nhận thức được tác hại mà ông Biden và Đảng Dân Chủ đang gây ra cho nền kinh tế bằng việc chi tiêu gây lạm phát làm mất động lực làm việc.
Ông Scott cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times: “Từ quá lâu rồi, Cánh Tả đã thúc đẩy các chính sách xã hội chủ nghĩa vô trách nhiệm, hủy hoại việc làm, kết hợp với chi tiêu liều lĩnh và tăng thuế, gây ra lạm phát cao hơn và một khoản nợ 30 ngàn tỷ USD choáng váng.”
Lực lượng lao động Hoa Kỳ sụt giảm
Ông Scott nói rằng một hệ quả của các chính sách của ông Biden là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã ở mức “thấp đáng kinh ngạc.”
Tỷ lệ những người Mỹ có thể chất đủ để tham gia lực lượng lao động đã giảm từ mức cao sau COVID-19 là 62.4% hồi tháng Ba xuống còn 62.2% hồi tháng Bảy.
Một số người cho rằng sự sụt giảm này đã làm giảm độ hào nhoáng của mức tăng 20% lực lượng lao động mà nền kinh tế đạt được kể từ khi ông Biden nhậm chức và quốc gia này từ bỏ các đợt phong tỏa do COVID-19 nói chung.
Và trong khi báo cáo việc làm hồi tháng trước của Cục Thống kê Lao động (BLS) đã bổ sung thêm 372,000 việc làm, cuộc khảo sát gia đình của BLS cho thấy, trên thực tế, trong tháng Bảy có ít hơn 315,000 người có việc làm so với hồi tháng Sáu, vì 353,000 người đã vĩnh viễn rời bỏ lực lượng lao động.
Việc làm đã tăng cao trong tháng Bảy với 535,000 việc làm khác được bổ sung, nhưng 63,000 người khác rời khỏi lực lượng lao động. Theo khảo sát gia đình của BLS, kể từ tháng Ba năm nay, có ít hơn 168,000 người Mỹ có việc làm, dẫu thực tế là từ tháng này qua tháng khác, BLS báo cáo mức tăng việc làm lớn.
Đó là một xu hướng trùng hợp với lạm phát tăng nhanh.
Cơ hội việc làm, số giờ làm việc đang giảm
Hôm 01/08, dữ liệu ngành được Reuters đưa tin từ công ty chuyên về việc làm tư nhân Homebase cho biết số giờ làm việc của người lao động đã giảm 12% trong tháng Bảy đối với người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ được công ty của họ theo dõi.
Trong tuần lễ đầu tháng 08/2022, đã có thêm những dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang hạ nhiệt.
Hôm 02/08, BLS báo cáo rằng số cơ hội việc làm đã giảm khoảng 600,000 so với tháng trước xuống còn 10.7 triệu việc làm. Con số này giảm so với mức cao kỷ lục 11.9 triệu việc làm được thiết lập hồi tháng 03/2022.
Ông Charles Payne của Fox News gọi tình huống này là “sự suy giảm lớn nhất không liên quan đến COVID-19 về số cơ hội việc làm từng được ghi nhận”, trong khi Forbes nêu chi tiết các kế hoạch của các tập đoàn lớn nhằm cắt giảm nhiều việc làm hơn.
Lãi suất tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn
Giáo sư Peter Morici, một kinh tế gia tại Đại học Maryland, nói với The Epoch Times rằng đó là một câu hỏi mở về việc Cục Dự trữ Liên bang muốn lạm phát đạt mức mục tiêu 2% đến mức nào.
Ông ví nền kinh tế ngày nay với những năm 1980 dưới thời Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volker, người đã đưa lạm phát giảm từ 14% xuống 3.2% bằng cách đưa lãi suất lên gần 20%.
Ông Morici nói: “Tôi không biết liệu họ có sẵn sàng giữ lãi suất cao như vậy để đưa lạm phát về 2% không.”
Ông Morici nói rằng có thể phải mất một tỷ lệ thất nghiệp 9% để đưa lạm phát xuống dưới 4%.
Ông Morici nói: “Đây là một nền kinh tế rất khác so với nền kinh tế trước đại dịch COVID-19.”
Theo tầm nhìn của Đảng Dân Chủ, nền kinh tế sẵn sàng trả thêm chi phí để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bằng cách không sử dụng dầu mỏ và khí đốt và nhìn chung là trả lương nhiều hơn cho người lao động.
Ông Morici nói thêm: “Điều đó có nghĩa là rất nhiều vốn được sử dụng một cách tệ hại.”
Lập luận chống lại một cuộc khủng hoảng
Nhưng ông Morici cảm thấy rằng Đảng Dân Chủ không muốn gây ra một cuộc khủng hoảng vì một lý do đơn giản: Ông nghĩ các nhân vật có vai vế trong hệ thống, kể cả các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở của Cục Dự trữ Liên bang, sẽ làm những gì họ có thể để ngăn ông Trump trở thành tổng thống một lần nữa.
Ông Morici kết luận: “Đó là điều cuối cùng mà họ muốn xảy ra.”
Ông Morici nói, ngụ ý tức là Cục Dự trữ Liên bang sẽ cố gắng không để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên quá nhiều, vì e sợ điều này sẽ thúc đẩy cơ hội đắc cử tổng thống của ông Trump.
Những người cấp tiến muốn có lãi suất thấp hơn
Nhóm cấp tiến tại Hạ viện đã nói rằng “những người bị thiệt thòi, được trả lương thấp hơn, và những người lao động người Mỹ gốc Phi Châu và người Mỹ gốc Latinh bị thiệt hại một cách không tương xứng” bởi việc tăng lãi suất, và thỉnh cầu các ngân hàng trung ương giữ lãi suất tăng ở mức tối thiểu khi nói rằng “gánh nặng chi phí cao không được chia sẻ một cách bình đẳng.”
Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington) chủ tịch của nhóm cấp tiến, nói: “Với tốc độ tăng lương chậm lại trong những tháng gần đây, những người lao động được trả lương thấp nhất, và dễ bị tổn thương nhất của đất nước chúng ta đã phải chịu đựng quá nhiều để rồi bị hy sinh trong cuộc truy đuổi lãi suất cao vốn đã gây ra các cuộc suy thoái một cách quá thường xuyên.”
Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang đã đáp lại những nhận xét của các nhà kinh tế, thị trường chứng khoán, và các chính trị gia rằng các ngân hàng trung ương có thể không quá cố chấp vào mục tiêu lạm phát 2% bằng cách công khai nhắc lại rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát giảm.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang đã nói về một cuộc “hạ cánh mềm”, nghĩa là tăng lãi suất mà không gây ra một cuộc suy thoái khi họ cố gắng chống lạm phát, ông Bill Dudley, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York gần đây đã thừa nhận rằng tại thời điểm này lạm phát đã cao đến mức “họ phải đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên” để làm giảm lạm phát.
Và Cục Dự trữ Liên bang đã tuyên bố rõ ràng trong tuần lễ đầu tháng 08/2022 rằng họ sẽ giữ ở mức lãi suất cao hơn cho đến khi lạm phát trở lại 2%, ngay cả khi các chính trị gia và thị trường chứng khoán lo lắng về việc làm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang San Francisco Mary Daly nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 03/08 rằng: “Thật ra, ý định của chúng tôi là bảo đảm mọi người nhận ra rằng chúng tôi chưa hoàn thành cuộc chiến chống lạm phát cao của mình bởi vì những con số 9.1% [lạm phát] này đang gây hại cho các gia đình Mỹ, gây hại cho các doanh nghiệp đang cố gắng tìm ra giải pháp và mở rộng cho công việc kinh doanh của họ và chúng tôi cam kết giảm mức lạm phát đó xuống gần 2%, vốn là mục tiêu ổn định giá của chúng tôi.”
Căng thẳng giữa Cục Dự trữ Liên bang và các chính trị gia
Kết quả này đang làm gia tăng tình trạng căng thẳng điển hình giữa chính sách của Cục Dự trữ Liên bang ủng hộ lãi suất cao hơn trong một môi trường lạm phát — cùng thất nghiệp kéo theo do lãi suất cao hơn — và các chính trị gia muốn tiếp tục chi tiêu theo kiểu lạm phát.
Sự căng thẳng này có thể sẽ bùng phát vào một lúc nào đó.
Ông Scott nói với The Epoch Times: “Đã đến lúc Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn phải tỉnh ra và tiếp tay cho việc chi tiêu liều lĩnh, gây ra lạm phát đang làm chao đảo các gia đình Mỹ.”
Ông Scott khẳng định rằng bất chấp áp lực lạm phát mà các chính sách của ông Biden đã tạo ra, “ông ấy đã không làm gì để đảo ngược tình huống” và thay vào đó đã mở rộng các chính sách đó để đáp lại.
Ông Scott nói: “Câu trả lời duy nhất của Đảng Dân Chủ là một dự luật tăng thuế lãng phí khác sẽ hủy hoại nhiều việc làm hơn, và tăng chi phí đối với các gia đình, đặc biệt là những người cao niên của chúng ta, vốn đã là những người gặp khó khăn.”
Các nhà phê bình cho biết, cho đến khi sự căng thẳng điển hình giữa lạm phát do chi tiêu và thất nghiệp mà lạm phát sẽ tạo ra được giải quyết, thì ít nhất, bầu không khí khủng hoảng sẽ tiếp tục, nếu không muốn nói là gần như chắc chắn sẽ mở rộng.
Ông Huey lưu ý, một phần, cuộc khủng hoảng này có thể tiếp tục bởi vì Đảng Dân Chủ xem giá cả gia tăng và thất nghiệp là cách mà họ có thể tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát của chính phủ đối với người dân Mỹ, nếu không thì là kiểm soát các cuộc bầu cử.
“Nhưng chính phủ ông Biden và cánh tả dường như vẫn thấy hoàn toàn ổn khi gây ra nỗi đau này cho người dân Mỹ,” các chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống Heritage Foundation lập luận trong một bài bình luận gần đây, nói rằng “Đạo luật Giảm Lạm Phát” của Đảng Dân Chủ và các chính sách khác của Đảng Dân Chủ đi ngược lại với hàm ý của các đề mục chính sách.
Bài bình luận này tiếp tục cho biết, “Trên thực tế, giá năng lượng tăng không phải là hậu quả ngoài ý muốn của các chính sách của họ, mà là kết quả đã nằm trong tầm nhìn.”
Ông Huey cảnh báo, điều tương tự cũng có thể đúng với thất nghiệp nếu vấn đề này phục vụ lợi ích tốt nhất của những người cực tả.
Ông Huey nói về Đảng Dân Chủ: “Rõ ràng là họ biết rằng khi có khủng hoảng, họ có thể giành được quyền lực và sự kiểm soát, họ có thể mở rộng phạm vi của chính phủ đối với cuộc sống của các cá nhân.”
Ông Huey nói thêm: “Họ cam kết về mặt ý thức hệ để tạo ra một xã hội chủ nghĩa không tưởng đến nỗi thực tại kinh tế chẳng có ý nghĩa gì đối với họ” trong nhiệm vụ duy trì và mở rộng quyền lực.
The Epoch Times đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc để đề nghị bình luận.
Ông John Ransom là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về Hoa Kỳ cho The Epoch Times với các văn phòng ở Hoa Thịnh Đốn và Á Châu.