Câu chuyện đằng sau báo cáo việc làm tháng Bảy của chính phủ Hoa Kỳ
Việc làm có đang theo kịp với chi phí lạm phát không?
Hôm thứ Sáu (05/08), Tổng thống Joe Biden đã ca tụng báo cáo việc làm tốt-hơn-mong-đợi của tháng Bảy, gọi đó là “kết quả của kế hoạch kinh tế của tôi nhằm xây dựng nền kinh tế từ dưới lên trên và từ trung tâm ra ngoài.”
Mặc dù Tòa Bạch Ốc ban đầu dự đoán một con số thấp hơn, nhưng chính phủ TT Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ khác ở Hoa Thịnh Đốn đã ca tụng các con số này.
Việc báo cáo đưa ra kết quả có 528,000 việc làm mới hồi tháng trước cho phép Hoa Kỳ về lại mức 22 triệu vị trí công việc bị mất trong đại dịch virus corona. Nhưng các nhà phân tích thị trường đang đào sâu dữ liệu và tìm ra những xu hướng mới cũng như những rào cản mới mà nền kinh tế vẫn cần phải vượt qua.
Người lao động có lo lắng về suy thoái không?
Một cuộc khảo sát hồi tháng Bảy của Insight Global cho thấy gần 80% người lao động Mỹ lo sợ bị mất việc làm trong một cuộc suy thoái kinh tế, với 54% số người được hỏi nói rằng họ sẵn sàng giảm lương nếu điều đó có nghĩa là vẫn tiếp tục được làm việc.
Hơn nữa, một cuộc Khảo sát về Lực lượng Lao động trên Toàn nước Mỹ của đài CNBC hồi tháng Sáu cho thấy 83% người lao động xác định suy thoái kinh tế là mối bận tâm hàng đầu trong ngắn hạn của họ. Tiếp đến là tiền lương không theo kịp với lạm phát.
Ông Bryce Doty, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Sit Investment Associates, cho biết nỗi lo sợ về suy thoái đã là điều quan trọng nhất trong vài tháng qua. Tuy nhiên, giờ đây Hoa Kỳ đã rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật — với chỉ số GDP hai quý âm liên tiếp — người lao động có thể đang cố gắng níu giữ việc làm trước khi suy thoái kinh tế gia tăng.
Mặc dù tiền lương trong tháng Bảy đã tăng 5.2% so với cùng thời kỳ năm trước lên trên 32 USD/giờ, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 9.1% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Với tình trạng lạm phát trên diện rộng tồn tại trong nền kinh tế hậu đại dịch và lo ngại suy thoái đang lan rộng trên thị trường, người lao động có thể đang tìm kiếm hàng triệu cơ hội việc làm để bảo đảm họ có thể tồn tại trong thời kỳ suy thoái.
“Và những cơ hội việc làm này đã có từ lâu. Điều này không giống như nền kinh tế đột ngột mở rộng và các công ty tạo ra nhiều việc làm mới,” ông Doty nói trong một ghi chú hôm thứ Sáu (05/08). “Có cảm giác giống như mọi người đã đốt hết các khoản tiết kiệm dồn nén và rồi thốt lên, ‘Ôi thôi xong! Mình phải kiếm việc làm!’”
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân có xu hướng giảm trong năm nay, giảm từ 5.8% xuống 5.1% trong tháng Sáu, dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA) nhấn mạnh. Hơn nữa, tín dụng tiêu dùng đã tăng thêm 40.15 tỷ USD trong tháng Sáu, tăng từ mức 23.79 tỷ USD đã được điều chỉnh tăng của tháng Năm. Tăng trưởng tín dụng cũng đã tăng 10.5% so với cùng thời kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), số cơ hội việc làm đã giảm 605,000 trong tháng Sáu xuống còn 10.7 triệu — mức thấp nhất kể từ tháng 09/2021.
Ông Cody Harker, người đứng đầu bộ phận Dữ liệu và Thông tin chi tiết tại Bayard Advertising, một công ty tiếp thị việc làm, nói với The Epoch Times rằng dữ liệu cho thấy sự gia tăng đáng kể về lưu lượng người tìm việc.
Ông Harker nói: “Những người tìm việc, bao gồm cả những người tìm việc làm thêm, có thể đang tìm cách có việc làm trước khi suy thoái kinh tế xảy ra; chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc thêm 24% trong tỷ lệ chuyển đổi từ các đơn đăng ký đã hoàn thành sang người được tuyển dụng trong nửa đầu năm nay. Điều này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng việc làm ở những người lao động lớn tuổi, những người đang tái gia nhập lực lượng lao động vì sự cần thiết hoặc trì hoãn việc về hưu để trụ vững trong thời kỳ suy thoái tiềm ẩn.”
Dữ liệu BLS gần đây cho thấy khoảng 1.5 triệu người sắp về hưu đã quay trở lại văn phòng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của những người từ 55 đến 64 tuổi đã trở lại mức trước đại dịch.
Lạm phát và năng suất
Một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường việc làm là sự gia tăng mạnh mẽ của những người đảm nhận nhiều công việc. Tổng số người đảm nhận nhiều công việc đã vượt mức 7.5 triệu trong tháng Bảy, tăng từ mức khoảng 7 triệu vào cùng thời điểm này một năm trước.
Ông Peter Schiff, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Euro Pacific Capital, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times rằng, vì thị trường lao động không thể mang lại mức tăng lương cần thiết để chịu đựng môi trường lạm phát hiện nay, nên nhân viên buộc phải chấp nhận mức lương thấp hơn.
Ông Schiff hỏi: “Làm thế nào mà đó lại là một thị trường mạnh? Rất nhiều người đang bị buộc phải nhận công việc thứ hai và công việc thứ ba vì công việc họ có là không đủ.”
Ông Doty đồng tình với quan điểm này trong bình luận của mình, lưu ý rằng “đối với người lao động, đây là một cuộc suy thoái.”
Năng suất lao động cũng trở thành một mối quan tâm ngày càng tăng trong nền kinh tế hiện nay.
Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisor Group, lưu ý hôm thứ Sáu (05/08) rằng việc tuyển dụng tăng mạnh trong bối cảnh GDP đang giảm có nghĩa là năng suất đang bị suy giảm.
Khi đầu ra ì ạch và đầu vào quá lớn — chi phí lao động trung bình tăng gần 13% trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba — điều đó cho thấy chi phí kinh doanh đang tăng lên và lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng. Các chuyên gia cho biết, khi điều này xảy ra, tình trạng này có thể dẫn đến việc sa thải nhân viên. Nhưng nếu các công ty đang khao khát nhân tài, thì tỷ suất lợi nhuận của năm ngoái có thể giúp giảm nhẹ tác động này.
Trong tuần này (01-07/08), số liệu sơ bộ về năng suất lao động của khu vực kinh doanh phi nông nghiệp sẽ được công bố và các chuyên gia dự báo mức giảm 4.6% trong quý 2. Trong quý 1, năng suất giảm 7.3%, mức giảm sản lượng hàng quý lớn nhất kể từ quý 3 năm 1947. Số giờ làm việc tăng 5.4%, nhưng sản lượng giảm 2.3%.
Ông Edward Chancellor, một chiến lược gia đầu tư và tác giả, cảnh báo, với việc GDP ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng năng suất, đây có thể là một thách thức đáng kể đối với quốc gia.
“Bằng cách tích cực theo đuổi mục tiêu lạm phát 2% và liên tục sống trong nỗi lo sợ về giảm phát ngay cả ở hình thức nhẹ nhất, họ không chỉ mang lại cho chúng ta mức lãi suất cực thấp với những hậu quả không mong muốn về ‘bong bóng mọi thứ,’” ông nói với Mauldin Economics gần đây, “mà họ còn tạo điều kiện cho việc phân bổ vốn sai trên quy mô lớn. Họ đã tạo ra tình trạng tài chính hóa quá mức của nền kinh tế và gia tăng nợ nần. Kết hợp tất cả những điều này lại với nhau, họ đã tạo ra và tiếp tay cho một môi trường năng suất tăng trưởng thấp.”
Sa thải trên khắp nước Mỹ
Một khía cạnh khác của thị trường lao động hiện nay khiến các nhà kinh tế thấy khó khăn là ngày càng có nhiều người bị sa thải và người Mỹ nộp đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp.
Trong tuần lễ kết thúc hôm 31/07, số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng thêm 6,000 lên mức 260,000 đơn, số liệu hàng tuần của Bộ Lao động tiết lộ (pdf). Kể từ tháng Tư, mức trung bình bốn tuần, loại bỏ sự biến động hàng tuần, đã tăng đều đặn.
Theo Challenger, Gray and Christmas, Inc., các công ty có trụ sở tại Mỹ đã công bố kế hoạch cắt giảm gần 26,000 vị trí công việc khỏi biên chế của họ trong tháng Bảy, tăng 36.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đây là số lượng cắt giảm việc làm lớn thứ hai trong năm nay.
Ngoài ra, dữ liệu từ Layoffs.fyi, chuyên theo dõi các công ty cho thôi việc nhân viên của họ, báo cáo có 16,104 nhân viên vừa bị sa thải trong tháng trước.
Trong những tháng gần đây, nhiều công ty lớn nhất ở Hoa Kỳ đã cắt giảm biên chế, bao gồm Netflix, Amazon, Walmart, Ford, và Peloton.
Fed đang theo dõi
Trong khi số liệu tổng thể có thể xua tan nhiều nỗi lo về thị trường lao động, thì các nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường đang xử lý và phân tích dữ liệu lớn này.
Liệu điều này cuối cùng có dẫn đến tình trạng suy giảm việc làm hay không vẫn còn cần chờ xem, nhưng Cục Dự trữ Liên bang sẽ rất chú ý.
Nếu điều kiện lao động hiện tại chịu đựng được chu kỳ thắt chặt của ngân hàng trung ương, thì các thị trường tài chính đang cho thấy họ tin rằng họ có thể cho cơ quan này cơ hội để kích hoạt việc tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng Chín tới.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).