Nhà kinh tế Goldman: Fed sẽ phải phá vỡ thị trường việc làm để đưa lạm phát về khoảng 2%
Một nhà kinh tế nổi tiếng của Goldman Sachs đã lập luận trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải kiềm chế thị trường việc làm sôi động để hạn chế lạm phát, đáp lại việc công bố các báo cáo bảng lương hôm thứ Sáu (05/08) cho thấy mức thất nghiệp thấp nhất trong hơn năm thập niên, thậm chí khi nền kinh tế bước vào một trạng thái suy thoái không chính thức.
Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, đã xuất hiện trên kênh podcast “Odd Lots” của hãng thông tấn Bloomberg trong một tập phát hành hôm thứ Hai (07/08), trong đó kinh tế gia này đưa ra nhận định về tình trạng của thị trường việc làm, lạm phát, và nền kinh tế nói chung, cho thấy Fed có thể sẽ phải tiến hành những hy sinh khó khăn để đưa tỷ lệ lạm phát trở lại mục tiêu ưa thích của Fed là khoảng 2% hàng năm.
Khi được hỏi liệu lạm phát có thể quay trở lại mức 2% mà không gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng hay không, nhà điều hành của ngân hàng Goldman Sachs này đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng xảy ra một kết quả như vậy và chỉ xét đến một khả năng nhỏ.
“Tôi nghĩ điều đó là có thể, và tôi nghĩ rằng có một giải pháp hướng tới một thứ gì đó gần giống 2% mà không dính dáng đến suy thoái,” ông Hatzius nói. “Nhưng đó là một con đường rất hẹp, và rõ ràng là chúng ta đã chứng kiến rất nhiều xáo động không lường trước trong hai năm rưỡi vừa qua. Quý vị phải rất dè dặt trong khả năng của mình để dự đoán những gì sắp xảy ra.”
Tuy nhiên, nhà kinh tế của Goldman Sachs nhấn mạnh rằng thị trường việc làm phải hạ nhiệt ở một mức độ nào đó thì mới có thể thấy được bất kỳ tiến triển có ý nghĩa nào đối với vấn đề lạm phát.
“Chúng ta vẫn có gần 11 triệu việc làm đang để ngỏ và chưa đến 6 triệu người lao động thất nghiệp,” ông nói. “Đó vẫn là một khoảng cách rất lớn, về căn bản là chưa từng có, cả về quy mô tuyệt đối lẫn tương đối so với quy mô dân số trong lịch sử thời hậu chiến.”
Kể từ đợt bùng phát virus COVID-19 đầu tiên ở Hoa Kỳ, thị trường việc làm đã là một trong những đặc điểm bất thường nhất của nền kinh tế thời đại đại dịch. Các đợt phong tỏa vào mùa xuân năm 2020 đã tạo ra một đợt thất nghiệp tăng đột biến, đạt mức đỉnh 14.8% vào tháng Tư năm đó — tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn mức bình thường trong khoảng hai năm sau đó, tăng và giảm song song với các biến chủng virus mới, thị trường việc làm đã chứng kiến một sự phục hồi vô cùng nhanh chóng từ mức thất nghiệp cao của tháng 04/2020, trở lại mức trước đại dịch hồi tháng trước (07/2022).
Thứ Sáu tuần trước (05/08), Bộ Lao động đã công bố thông tin về bảng lương cho tháng 07/2022, chứng thực một trong những thị trường lao động sôi động nhất từng được ghi nhận, ngay cả khi nền kinh tế đã thể hiện GDP âm hai quý liên tiếp.
Ông Hatzius, người từng là nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư lâu đời này kể từ năm 2011, trở nên đặc biệt nổi bật sau khi dự báo giảm giá của ông vào cuối những năm 2000 được chứng minh bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007–2008. Ông đã nhận được Giải thưởng Lawrence R. Klein cho dự báo kinh tế trong cả hai năm 2009 và 2012, trao cho ông danh hiệu “nhà kinh tế học chính xác nhất” trong những năm đó.
Với danh tiếng của ông Hatzius như một người có khả năng thấu đáo thị trên các thị trường chứng khoán, không có gì đáng kinh ngạc khi các nhà phân tích bám vào từng lời nói của người đàn ông này và chú ý cẩn thận đến những dự đoán của ông. Tuy nhiên, khẳng định nhấn mạnh của ông Hatzius không phải là quan điểm phổ biến, và các chuyên gia khác đã lập luận như vậy.
“Tôi không chắc tại sao mọi người lại nghĩ rằng công việc của Fed là làm tổn hại đến công ăn việc làm,” ông Ross Gerber, Giám đốc điều hành của Gerber Kawasaki, Inc., một công ty quản lý tài sản và đầu tư cho biết. “Thật ra là ngược lại. Công việc của họ là duy trì toàn dụng lao động với mức lạm phát 2%. Cuộc chiến này là với giá dầu, chứ không phải là với việc làm.”
Khi kế hoạch tăng lãi suất của Fed bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, những người khác cho rằng các biện pháp của tổ chức tài chính này đã quá cực đoan trong các nỗ lực kiềm chế lạm phát của họ. Những người cấp tiến như cựu Bộ trưởng Lao động Robert Reich đã ủng hộ một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, khi lập luận rằng việc tăng lãi suất sẽ có một tác động xấu đến phúc lợi của các tầng lớp lao động và trung lưu.
Tuy nhiên, đối với những người có cùng quan điểm như ông Jan Hatzius, đơn giản là không có con đường nào cho phép các nhà hoạch định chính sách giải quyết lạm phát mà không phải hy sinh một cách khó khăn về việc làm và tăng trưởng nói chung. Khi cuộc tranh luận về chính sách tiền tệ trong những thời điểm chưa từng có trong lịch sử này tiếp tục diễn ra gay gắt, nhiều nhà hoạch định chính sách tại Fed sẽ bạc tóc khi họ tìm kiếm hướng đi giữa các mục tiêu mâu thuẫn là duy trì một nền kinh tế vững mạnh trong khi kiềm chế lạm phát.
Anh Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times.