Thị trường việc làm có thể chịu được tác động kinh tế không?
Nền kinh tế Hoa Kỳ có thêm 372,000 việc làm trong tháng Sáu. Nhiều người đã kết luận rằng những lời kêu gọi về suy thoái đã được phóng đại quá mức sau khi xem báo cáo việc làm rất tốt này.
Nhưng bất chấp sự phục hồi việc làm mạnh, một số nhà quan sát vẫn nghi ngờ rằng thị trường việc làm liệu có lành mạnh như chính phủ mô tả.
Mối lo ngại chính là Cục Dự trữ Liên bang có thể quá nhanh chóng khi đánh giá rằng thị trường lao động đã đủ lành mạnh để bảo đảm việc thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt, hành động mà có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm nghiêm trọng.
Với việc nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ cắt giảm biên chế, thị trường lao động vốn đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo một báo cáo từ công ty tư vấn tuyển dụng toàn cầu Challenger, Grey & Christmas, Inc., cắt giảm việc làm do các nhà sử dụng lao động Hoa Kỳ thông báo đã lên tới tổng số 32,517 vào tháng trước, tăng 57% từ tháng Năm.
Các công ty đang giảm lực lượng lao động khi lo ngại lạm phát và suy thoái gia tăng.
Ông Kevin Hassett, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời cựu TT Donald Trump, phản đối quan điểm rằng bởi vì thị trường việc làm đang phát triển mạnh mẽ, thì không thể có suy thoái. Ông nói với Fox Business, số liệu đăng ký bảo hiểm thất nghiệp lần đầu đã tăng trong những tuần gần đây, phù hợp với dữ liệu từ các cuộc suy thoái trước đây.
Báo cáo việc làm tháng Sáu cho thấy khu vực tư nhân đã phục hồi tất cả số việc làm bị mất trong thời kỳ đại dịch suy thoái, nhưng khu vực công vẫn giảm 664,000 việc làm so với mức tháng Hai năm 2020 (pdf). Và đi sâu hơn vào dữ liệu bảng lương cũng cho thấy những chênh lệch và yếu kém trong sự phục hồi này.
Tham gia lực lượng lao động
Ngay cả khi 2.7 triệu việc làm đã được tạo thêm trong nửa đầu năm 2022 và tỷ lệ thất nghiệp giảm trở lại những mức thấp trong lịch sử, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn bị suy giảm.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, con số cho biết tỷ lệ dân số đang làm việc hoặc đang tìm việc, là 62.2% trong tháng Sáu — giống như trong tháng Một—và vẫn thấp hơn 1.2% so với mức trước đại dịch là 63.4%.
Theo ông EJ Antoni, một nhà nghiên cứu tại The Heritage Foundation, xu hướng này liên quan đến sức khỏe dài hạn của nền kinh tế.
Sự suy giảm về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là do một số yếu tố thúc đẩy, bao gồm cả việc nghỉ hưu sớm ở những người mới sinh con.
Ông Antoni nói, kết quả là, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại mang lại “một cái nhìn rất lệch lạc” về tình trạng thực sự của thị trường lao động. Ông nói, nếu nền kinh tế Hoa Kỳ có cùng xu hướng tham gia lực lượng lao động như trước khi xảy ra đại dịch, thì tỷ lệ thất nghiệp hiện nay sẽ là khoảng 5%.
Mặc dù 5% không phải là quá cao, nhưng ông lưu ý rằng nó có thể so sánh với mức đã thấy trong năm 2008. Do đó, thị trường việc làm Hoa Kỳ có thể không khác nhiều so với khi bước vào cuộc Đại Suy thoái năm 2008. Cuộc suy thoái đó, chính thức kéo dài từ tháng 12/2007 đến tháng 06/2009, đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất là 10% vào tháng 10/2009.
TT Joe Biden cho biết trong một bài diễn thuyết vào ngày 08/07, giới thiệu báo cáo việc làm của tháng Sáu: “Khu vực tư nhân của chúng ta hiện đã khôi phục được tất cả số việc làm bị mất trong đại dịch và thêm vào số việc làm cao hơn.”
Tuy nhiên, nhân viên khu vực tư nhân hiện làm việc ít hơn gần nửa giờ mỗi tuần so với thời điểm vào tháng Một/2021 khi ông Biden nhậm chức.
Theo ông Antoni, nửa giờ mỗi tuần dường như không nhiều. Tuy nhiên, nếu xét tổng thể số giờ lao động trong một năm và số lượng người làm việc trong khu vực tư nhân, thì điều đó tương đương với nhu cầu thuê thêm người.
Theo tính toán của ông dựa trên 130 triệu nhân viên khu vực tư nhân, số giờ lao động này tương đương với gần 2 triệu việc làm.
Ông Antoni nói: “Mặc dù quý vị có nhiều người làm việc hơn, nhưng tổng số công việc đang được thực hiện không thực sự lớn hơn.”
Những người làm nhiều công việc
Ngoài ra, báo cáo việc làm tháng Sáu cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa các cuộc khảo sát gia đình và cơ sở (doanh nghiệp), gây cảnh báo một số nhà kinh tế.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của cựu TT Ronald Reagan, ông Arthur Laffer, bày tỏ lo ngại về dữ liệu bảng lương của tháng Sáu.
Ông nói với Fox Business hôm 15/07, trích dẫn những sự mất cân đối trong các kết quả thăm dò: “Chúng ta có bằng chứng rất mâu thuẫn về thị trường lao động.”
Chính phủ đưa ra hai ước tính về tăng trưởng việc làm mỗi tháng, một dựa trên khảo sát các doanh nghiệp và một dựa trên khảo sát các gia đình. Cuộc điều tra cơ sở kinh doanh là nguồn của số liệu tiêu đề hàng tháng được trích dẫn trong báo cáo của Cục Thống kê Lao động.
Vì có sự khác biệt giữa các cuộc khảo sát này, ông Antoni lưu ý, chúng có thể tạo ra những phát hiện trái ngược nhau trong cùng một tháng, tuy nhiên, chúng có xu hướng thay đổi đồng điệu theo thời gian. Cuộc khảo sát cơ sở kinh doanh cho thấy tăng 1.1 triệu việc làm kể từ tháng Ba, nhưng cuộc khảo sát gia đình cho thấy con số bị mất đi 347,000 việc làm.
Theo ông Antoni, trong khi không thể so sánh trực tiếp do sự khác biệt trong các kỹ thuật khảo sát, khoảng cách về tăng trưởng việc làm giữa các cuộc khảo sát đang tăng lên trong 4 tháng qua, là điều đáng lo ngại.
Một phát hiện thú vị khác từ cuộc khảo sát gia đình là số người Hoa Kỳ làm nhiều công việc đã tăng lên 239,000 trong tháng Sáu. Vì nhiều người Hoa Kỳ không thể đủ trang trải, họ phải làm một vài công việc và chỉ có cuộc khảo sát gia đình nắm bắt được điều này.
Ông Antoni đã giải thích, một ngụ ý của điều này là khả năng tính hai lần số người có việc làm trong cuộc khảo sát cơ sở.
Kể từ tháng Ba, số người nắm giữ nhiều hơn một công việc đã tăng khoảng 170,000 người.
Dấu hiệu đầy hứa hẹn
Bất chấp những phát hiện này, một số chuyên gia tin rằng báo cáo việc làm tháng Sáu cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ.
Cô Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại ZipRecruiter, nói với The Epoch Times: “Tôi không quá lo lắng về sự gia tăng của những người làm nhiều công việc.”
Cô giải thích: “Mặc dù số người làm nhiều công việc đã tăng lên trong những tháng gần đây, nhưng vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Và chúng tôi thấy số lượng người làm việc bán thời gian vì lý do kinh tế giảm mạnh, điều này cho thấy rằng mọi người đang có đủ số giờ họ muốn và tìm được công việc toàn thời gian tốt.”
“Sự phân phối mức tăng việc làm trong báo cáo này cũng rất đáng khích lệ, với mức tăng trong nhiều ngành có mức lương cao hơn, chứ không chỉ trong lĩnh vực giải trí và khách sạn có mức lương thấp. Vì vậy, nhiều người lao động dường như đang tìm việc làm toàn thời gian, chất lượng cao.”
Ngày càng có nhiều lo ngại về một cuộc suy thoái trong những tháng gần đây, khi các chỉ số kinh tế bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Thị trường chứng khoán đã biến động và lợi suất trái phiếu đảo ngược, những dấu hiệu này thường được coi là báo hiệu một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Báo cáo việc làm tháng Bảy, sẽ được công bố hôm 05/08, sẽ là một chỉ báo chính về việc liệu những nỗi sợ hãi đó có cơ sở hay không. Nếu tăng trưởng việc làm chậm lại đáng kể, đó có thể là một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế đã suy thoái.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.