Nhà nghiên cứu: Ngành ‘cho thuê tử cung’ của Hoa Kỳ phát triển mạnh do nhu cầu từ các bậc cha mẹ ở Trung Quốc
Nhà nghiên cứu cho biết trẻ em có thể được thiết kế như một ‘phần phụ hoàn hảo’ cho cuộc sống của cha mẹ
Một nhà nghiên cứu cho biết ngành kinh doanh “cho thuê tử cung” thiết lập một đường dây để cha mẹ Trung Quốc có được những đứa trẻ do những người mang thai hộ ở Hoa Kỳ sinh ra. Những đứa trẻ được sinh ra theo cách này sẽ tự động có được quyền công dân Hoa Kỳ từ khi mới sinh.
Nhà nghiên cứu Emma Waters của Trung tâm Đời sống, Tôn giáo, và Gia đình tại Quỹ Di sản cho biết ngành kinh doanh “cho thuê tử cung” của Trung Quốc đã phát triển ở Hoa Kỳ trong khoảng một thập niên, đặc biệt là ở California, nơi luật pháp quy định rằng hoạt động thương mại mang thai hộ và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được cho phép.
Mang thai hộ — một hoạt động mà người phụ nữ mang thai hộ và sinh con cho một người hoặc một đôi vợ chồng khác — hoàn toàn bị cấm ở Trung Quốc.
Bà Waters cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại chương trình “Crossroads” của Epoch TV hôm 11/08 rằng chính vì vậy, các đôi vợ chồng Trung Quốc sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi các bệnh viện trợ giúp sinh sản của Hoa Kỳ để tạo ra các phôi có tiềm năng mang cấu trúc sinh học của công dân Trung Quốc và em bé được sinh ra ở Hoa Kỳ.
Bà Waters giải thích rằng với luật công dân theo nơi sinh ở Hoa Kỳ, mặc dù có thể đứa trẻ đó là công dân Trung Quốc 100% về mặt sinh học và cấu tạo gen nhưng đứa trẻ thực sự có được và duy trì đầy đủ các quyền của công dân Hoa Kỳ.
Bà cho biết thêm, khi đứa trẻ đó tròn 21 tuổi, ngay cả cha mẹ cũng có thể nộp đơn đề nghị cấp thẻ xanh và cuối cùng được cấp quốc tịch, “quy trình này nhanh hơn và rẻ hơn nhiều so với việc họ nộp đơn xin quốc tịch thông qua một số cách truyền thống.”
Đe dọa an ninh quốc gia
Bà Waters cho biết việc cho phép công dân ngoại quốc có đầy đủ quyền công dân Mỹ thông qua tử cung của phụ nữ Mỹ đặt ra “mối đe dọa an ninh quốc gia rất lớn.”
“Giả sử một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, thấm nhuần văn hóa của họ, và rất trung thành với vùng đất của họ, nhưng khi đến Hoa Kỳ, những đứa trẻ này sẽ không bị xem là người ngoại quốc đang xin việc hoặc nộp đơn xin việc vào phòng thí nghiệm nghiên cứu — mà họ nộp đơn với tư cách công dân Hoa Kỳ.”
“Không có một cơ sở dữ liệu nào vốn có sẵn công khai hoặc dễ dàng truy cập vào nơi những đứa trẻ này được liệt kê. Và vì vậy, nếu họ [những đứa trẻ này] nộp đơn xin việc, thì những người sử dụng nhân lực trong chính phủ hoặc khu vực tư nhân không biết gì về xuất thân của những người mà mình đang tiếp xúc.”
Bà Waters cho biết tình trạng này đã có thể xảy ra là do thiếu quy định và luật pháp về vấn đề này.
Ủy ban Đặc biệt về Đảng Cộng sản Trung Quốc của Hạ viện là cơ quan đang nghiên cứu việc Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực như giải trí, đất nông nghiệp, và truyền thông. Bà Waters đề nghị rằng ủy ban này cần dành nhiều thời gian hơn để điều tra việc người Trung Quốc đầu tư vào người Mỹ thông qua trẻ em Trung Quốc được tạo ra ở Mỹ theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ thương mại.
Ngành trợ giúp sinh sản hoạt động như thế nào
Bà Waters giải thích, rằng khi công dân Trung Quốc liên lạc với một bệnh viện trợ giúp sinh sản, đặc biệt là ở California, họ có thể chọn “tạo phôi bằng tinh trùng và trứng của chính họ, hay họ có thể mua tinh trùng hoặc trứng.”
Bà tiếp tục cho biết, trong nhiều trường hợp, họ đến Hoa Kỳ, nhưng với công nghệ hiện tại, về mặt kỹ thuật, họ không bắt buộc phải rời Trung Quốc để có thể tạo ra phôi.
Bà Waters viết cho Quỹ Di sản, “Một đôi vợ chồng hoặc một người Trung Quốc có thể chỉ cần làm việc với một cơ quan có trụ sở tại Hoa Kỳ để gửi vật liệu sinh sản của họ (tinh trùng, trứng, hoặc phôi) đến phòng lab IVF và cấy vật liệu này vào một người mang thai hộ được thuê [ở Hoa Kỳ] để tạo ra một thai nhi có thể sống được.”
Bà Waters đã xem xét gần đây khoảng 450 bệnh viện trợ giúp sinh sản, đặc biệt là ở California, nhưng bà cho biết còn nhiều bệnh viện khác ngoài đó. “Nhiều bệnh viện trợ giúp sinh sản thực sự có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với Trung Quốc.”
Theo trang web của họ, theo thông lệ, những bệnh viện đó cung cấp các tùy chọn bằng Hoa ngữ, và bà Waters lưu ý rằng trong số đó có nhiều phòng khám có bác sĩ hoặc người quản lý từng sống ở Trung Quốc và chuyển đến Hoa Kỳ để làm việc hoặc mở bệnh viện trợ giúp sinh sản.
Bà nói rằng một số bệnh viện trợ giúp sinh sản tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông thiên tả rằng “trong một năm nhất định, có tới 50% khách hàng của họ chỉ đến từ Trung Quốc.”
Bà Waters cho biết, một số hãng truyền thông đã công bố đoạn ghi âm từ một công dân Trung Quốc nói rằng trong hai thập niên tới, Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ sẽ vượt lên dẫn đầu, vì vậy việc họ có một đứa con mang hai quốc tịch Hoa Kỳ và Trung Quốc để lựa chọn sau này họ sẽ sống ở quốc gia nào là điều hợp lý.
Theo Business Wire, thị trường dịch vụ bệnh viện trợ giúp sinh sản của Hoa Kỳ ước tính trị giá gần 8 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi vào cuối năm 2028.
Thay đổi bản chất của việc sinh con
Bà Waters cho biết cách người dân ở Hoa Kỳ nhìn nhận việc sinh con bắt đầu thay đổi như thế nào kể từ năm 1973 khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết trong vụ Roe kiện Wade, vốn tạo một tiền lệ để bác bỏ các luật phá thai của tiểu bang và hợp pháp hóa thủ tục này trên toàn quốc.
“Đột nhiên, con cái không còn là một phần tự nhiên của hôn nhân hay kết quả tự nhiên của quan hệ tình dục, mà thay vào đó, con cái trở thành một lựa chọn mà cha mẹ có thể chọn tham gia hoặc từ chối.”
Bà Waters nói: “Ngành sinh con cũng hoạt động theo cách tương tự.” Điều đó khiến việc thông qua công nghệ như thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ thương mại để sinh ra một đứa trẻ theo mong muốn của cha mẹ hoặc từ chối sinh là điều khả thi.
Khoảng 75% các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm ở Hoa Kỳ cung cấp xét nghiệm di truyền phôi mà họ tạo ra để đánh giá xem đứa trẻ có xu hướng mắc hội chứng Down hay một căn bệnh không thể chữa trị khác hay không, cũng như giới tính, màu tóc, màu mắt, màu da của đứa trẻ.
Bà Waters cho biết vì các dịch vụ sinh sản trong ống nghiệm rất đắt đỏ, chẳng hạn như chi phí cho một ca tạo phôi dao động từ 15,000 đến 30,000 USD, nên thông thường các phòng khám trợ giúp sinh sản sẽ tạo ra nhiều phôi tại một thời điểm nhất định.
Bà Waters đã viết cho Quỹ Di sản rằng khi cộng thêm các khoản phí pháp lý, y tế, và phí mang thai hộ, chi phí có thể lên tới 225,000 USD để sinh ra một đứa trẻ qua quy trình này.
Bà Waters cho biết thông qua xét nghiệm di truyền, cha mẹ có thể chọn phôi lý tưởng mà họ muốn. “Nếu có những phôi khác mà họ có thể muốn trong tương lai, thì họ có thể đông lạnh những phôi này.”
Bà cho biết thêm, hiện có hơn 1 triệu phôi thai được đông lạnh tại Hoa Kỳ.
“Nhưng nếu vì bất kỳ lý do gì, những phôi đó không đáp ứng các yêu cầu đặc biệt của cha mẹ, chẳng hạn giới tính không được mong muốn, hội chứng Down — thì sẽ bị hủy đi.”
Bà Waters nêu lên rằng đối với những người tin tưởng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai, thì việc phá hủy phôi thai trong quá trình này “hoàn toàn là sát hại những đứa trẻ chưa được sinh ra.”
Các mối quan tâm về đạo đức
Theo bà Waters, sự phát triển của ngành trợ giúp sinh sản làm dấy lên những lo ngại “nghiêm trọng” về nhân quyền.
“Cách mà ngành kinh doanh này được tạo nên, tức là tách biệt với quá trình thụ thai, mang thai, và sinh con giữa càng nhiều người càng tốt.”
“Người đẻ thuê [được yêu cầu] không được có mối liên hệ tình cảm với đứa trẻ mà cô ấy đang mang thai và sinh ra.”
Bà Waters nói, điều này gửi đi một thông điệp rằng các bệnh viện trợ giúp sinh sản có thể tạo ra đứa con lý tưởng mà cha mẹ mong muốn, cho cha mẹ biết — dù vô tình hay hữu ý — rằng đứa con là một sản phẩm có thể được thiết kế để trở thành phần phụ hoàn hảo cho cuộc sống của cha mẹ.
Bà Waters viết cho Heritage Foundation rằng cơ quan lập pháp của California đã đề nghị một dự luật yêu cầu hầu hết các chương trình bảo hiểm y tế phải chi trả cho các dịch vụ sinh sản trong ống nghiệm cho một người hoặc một cặp đồng tính.
Bà Waters viết: “Sau khi một người đàn ông mua trứng, tử cung, và các thủ tục giấy tờ cần thiết, thì ranh giới giữa dịch vụ trợ giúp sinh sản hợp pháp và việc bán trẻ sơ sinh hoàn toàn biến mất.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times