Nhà lập pháp Hoa Kỳ lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công 23 năm ‘không ngừng nghỉ’ của ĐCSTQ
Một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ lưỡng đảng đã lên án chiến dịch nhằm xóa sổ môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công của chính quyền cộng sản Trung Quốc, một cuộc bức hại mà giờ đây đã bước sang năm thứ 23.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lạm dụng quyền lực của họ và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với những người tập Pháp Luân Công trong một thời gian quá dài rồi,” Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) cho biết trong một tuyên bố. “Trong hai thập niên qua, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bỏ tù, tra tấn, và sát hại.”
“Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại hơn cuộc đàn áp không ngừng này chính là Trung Quốc đã có thể thực hiện các hành vi tàn bạo của họ mà không bị trừng phạt. Tôi thẳng thắn lên án sự đối xử vô nhân đạo của Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công và yêu cầu ĐCSTQ bảo vệ tính mạng và quyền tự do của họ.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần với các bài tập tĩnh tại khoan thai và các bài giảng đạo đức lấy các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn làm kim chỉ nam. Sau khi được phổ truyền vào năm 1992, môn tập này đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, theo ước tính chính thức, vào cuối thập niên đó môn tập đã thu hút khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học.
Coi sự phổ biến của môn tập này là mối đe dọa đối với mình, ĐCSTQ đã tiến hành một chiến dịch bức hại trên toàn quốc kể từ ngày 20/07/1999. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, trong đó có hơn 4,700 trường hợp tử vong do cuộc bức hại đã được ghi nhận, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc, số người tử vong thực tế có khả năng cao hơn gấp nhiều lần.
“Tôi tận dụng dịp này không chỉ để lên tiếng phản đối cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, mà còn để tưởng nhớ những người đã mất đi mạng sống vì tín tâm của họ,” bà Del. Eleanor Holmes Norton (Dân Chủ-Columbia) nói trong một tuyên bố. “Tôi ủng hộ nhiều cá nhân kêu gọi tự do ở Trung Quốc, trong đó có các học viên Pháp Luân Công. Tôi lắng nghe quý vị, và tôi sát cánh cùng quý vị hôm nay và mãi mãi về sau.”
Thu hoạch nội tạng
Cả ông Cruz và bà Norton đều cho thấy hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công được nhà nước hậu thuẫn vẫn đang tiếp diễn tại Trung Quốc. Vị nghị sĩ của Texas nói rằng chính quyền cộng sản đã thực hiện thông lệ này một cách “khủng khiếp” [và] “không chút xót thương”.
Vào năm 2019, Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), một hội đồng nhân dân độc lập, đã phát hiện vượt lên trên nghi ngờ hợp lý rằng ĐCSTQ đã sát hại các học viên Pháp Luân Công đang bị bỏ tù để phục vụ cho mục đích bán nội tạng của họ. Cho đến ngày nay, chính quyền này vẫn đang sát hại các học viên để lấy nội tạng của họ.
Nguồn cung cấp nội tạng đã biến Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành du lịch ghép tạng bởi vì các bệnh viện Trung Quốc thường cung cấp thời gian chờ khá ngắn để tìm được tạng tương thích cho bệnh nhân — nhanh hơn nhiều so với các quốc gia phát triển có hệ thống hiến tạng uy tín.
Hồi tháng Sáu, cô Hàn Vũ (Han Yu), một học viên Pháp Luân Công sống ở Hoa Kỳ, đã trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế về việc cô nghi ngờ cha mình bị sát hại để lấy nội tạng khi ông qua đời vào năm 2004 trong khi bị giam trong một trại giam ở Bắc Kinh. Theo cô Vũ, thi thể của ông được phát hiện có những vết khâu từ vùng cổ họng đến bụng và bụng ông bị nhét đầy “đá cứng.”
“Thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một trong những tội ác khủng khiếp nhất mà tôi nghĩ tôi từng gặp phải”, Nam tước Philip Hunt, một nghị sĩ Quốc hội Anh và là cựu bộ trưởng y tế Anh, nói với đài truyền hình NTD.
Tại một cuộc mít-tinh ở Đài Loan hôm 16/07 kỷ niệm 23 năm cuộc đàn áp, bà Trần Tiêu Hoa (Chen Jiau-hu), một nhà lập pháp địa phương và là người đứng đầu Đảng Tân Quyền Lực (New Power Party) của Đài Loan, đã kêu gọi Trung Quốc “ngay lập tức chấm dứt hành vi tàn bạo vô nhân đạo trong hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Ông Yoshifumi Shinzawa, người đứng đầu hội đồng thành phố ở Takatori, một thành phố thuộc tỉnh Nara của Nhật Bản, đã chất vấn trong một tuyên bố làm sao mọi người lại không thể làm gì khi nghe tin nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, chẳng hạn như thận và gan của họ, đang bị bán cho các quan chức ĐCSTQ và người ngoại quốc.
Ông Shinzawa nói, “Tôi hy vọng thế giới, với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, sẽ quan tâm hơn đến vấn đề này.”
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc
Dân biểu Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida) cho biết hồ sơ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, trong đó có “chiến dịch 23 năm dùng bạo lực để thanh trừng mọi phương diện của Pháp Luân Công và các học viên của môn tập này ở Trung Quốc,” là một trong những lý do tại sao ông đệ trình Nghị quyết Hạ viện 219 hồi tháng 03/2021.
“Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ trước hành vi tàn bạo của Trung Quốc là một việc diễn ra rất thường xuyên,” ông nói. “Vì lý do đó, tôi đệ trình nghị quyết kêu gọi Liên Hiệp Quốc thực hiện các hành động thủ tục cần thiết và thích đáng để loại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”
“Căn cứ vào hồ sơ kinh khủng của CHND Trung Hoa về nhân quyền và các hành vi xấu ác đang xảy ra trên trường thế giới, thì hành động quan trọng này quá chậm chạp.”
Ông Bilirakis cũng là một trong những người đồng bảo trợ Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công (H.R. 6319), một dự luật của Hạ viện được Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) giới thiệu hồi tháng 12/2021.
Theo nội dung trong đề xướng này, nếu được ban hành, luật này sẽ yêu cầu tổng thống xác định các cá nhân ngoại quốc “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa một cách có chủ ý, hay trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào” hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những cá nhân này.
“Chúng ta phải tiếp tục khiến cho Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành vi tàn bạo của họ và phải có lập trường cứng rắn rằng các hành vi sai trái tiếp theo sẽ không còn được dung thứ,” ông Bilirakis nói. “Nước Mỹ vẫn phải là ngọn hải đăng về nguyên tắc, sự cam đảm, công nhận và thúc đẩy nhân quyền căn bản của tất cả mọi người.”
“Nếu chúng ta vẫn giữ im lặng khi đối mặt với những vi phạm này, thì chúng ta đã bỏ qua sự ước thúc đạo đức đó và cũng đồng nghĩa với khoanh tay đứng nhìn mối nguy hiểm trong xã hội dân sự.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.