40 nghị viên kêu gọi chính phủ Canada ‘lên án cuộc tấn công liên tục của ĐCSTQ’ vào Pháp Luân Công
Ngày 20/07 đánh dấu 23 năm kể từ khi chính quyền Trung Quốc phát động một chiến dịch mang tính hệ thống nhằm xóa sổ môn tu luyện ôn hòa này
Bốn mươi nghị viên Canada từ các đảng phái khác nhau đang thúc giục chính phủ liên bang kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Họ cũng muốn Bộ các Vấn đề Toàn cầu đề cập cụ thể về Pháp Luân Công trong số các nhóm bị bức hại khác trong khung chính sách về Trung Quốc của bộ này.
Các nghị viên nói trong một bức thư gửi Thủ tướng Justin Trudeau và Ngoại trưởng Mélanie Joly, “Chúng tôi, những nghị viên ký tên dưới đây, kêu gọi chính phủ đưa Pháp Luân Công vào Khung Chính sách về Trung Quốc của Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada một cách rõ ràng (trong khi các nhóm bị bức hại khác được đề cập), lên án cuộc tấn công liên tục của ĐCSTQ vào tín ngưỡng ôn hòa này, và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc.”
Một phần liên quan đến “Kế hoạch 2022-2023 của Bộ” thuộc Khung Chính sách về Trung Quốc của Bộ các Vấn đề Toàn cầu có nội dung: “Canada sẽ tiếp tục lên tiếng chống lại sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, cũng như tất cả các nhóm thiểu số tôn giáo ở Trung Quốc.”
Bức thư này được đưa ra trước ngày 20/07 năm nay, đánh dấu 23 năm kể từ khi ĐCSTQ phát động “một chiến dịch có hệ thống và tàn bạo nhằm xóa sổ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần chiểu theo các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn,” bức thư cho biết.
31 nghị viên Đảng Bảo Thủ, hai thượng nghị sĩ Đảng Bảo Thủ, năm nghị viên Đảng Tự Do, nghị viên Đảng Xanh Elizabeth May, và Thượng nghị sĩ Độc Lập Kim Pate đã ký vào bức thư nói trên.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã trở nên phổ biến nhanh chóng sau khi được khai truyền ở Trung Quốc vào năm 1992, với các cuộc khảo sát chính thức của chính phủ cho thấy từ 70 đến 100 triệu người trên khắp đất nước tự xem mình là học viên của môn tu luyện tâm linh truyền thống này. Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, giới chức ĐCSTQ, trong đó có lãnh đạo đương thời Giang Trạch Dân, xem sự phổ biến của Pháp Luân Công là một mối đe dọa, và vào ngày 20/07/1999, ông đã khởi động một chiến dịch bức hại sâu rộng nhằm xóa sổ môn tu luyện này.
Kể từ đó, vô số học viên đã bị bỏ tù một cách bất công, có nhiều người bị tra tấn đến tử vong, và nhiều người khác đã chạy trốn khỏi đất nước để thoát khỏi sự bức hại. Sau khi các báo cáo được đưa ra vào đầu những năm 2000 rằng chính quyền ĐCSTQ có liên quan đến việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công để thúc đẩy hoạt động kinh doanh cấy ghép nội tạng sinh lời của Trung Quốc, cố nghị viên David Kilgour và luật sư David Matas sống tại Winnipeg đã mở một cuộc điều tra được công bố hồi năm 2006. Báo cáo sau đó của họ đã chứng thực các cáo buộc nói trên.
Năm 2019, một tòa án độc lập ở Vương quốc Anh do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tọa, người trước đây đã dẫn đầu vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, đã kết luận rằng các học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn chính cung cấp cho hoạt động buôn bán nội tạng thu hoạch cưỡng bức của Trung Quốc. Tòa án này đã xem xét các bằng chứng có sẵn và nghe lời khai của hơn 50 nhân chứng.
Bức thư của các nghị viên viết, đồng thời viện dẫn kết luận của tòa án độc lập này, rằng “Những hành động tàn bạo đã được các tổ chức/chuyên gia nhân quyền, chẳng hạn như Tổ chức Ân xá Quốc tế, các cơ quan chính phủ, và Liên Hiệp Quốc ghi lại rõ ràng.”
Bức thư cho biết thêm: “Chẳng hạn, hồi tháng 06/2021, một tuyên bố của 12 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cho biết họ ‘vô cùng chấn động’ trước thông tin đáng tin cậy nói rằng thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang nhắm vào các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Điều này theo sau Nghị quyết 343 của Hạ viện Hoa Kỳ, được đồng thuận thông qua hồi năm 2016, ‘bày tỏ lo ngại về các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống, được nhà nước hậu thuẫn’ từ các học viên Pháp Luân Công với ‘số lượng lớn.’”
Bức thư này trích dẫn một báo cáo năm 2015 của Freedom House viết rằng, “Hàng trăm ngàn học viên đã bị kết án vào các trại lao động và bị các án tù, khiến họ trở thành nhóm tù nhân lương tâm đông đảo nhất đất nước.”
Bức thư cho biết thêm, “Gần một thập niên trước, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Manfred Nowak đã tường trình rằng ‘các học viên Pháp Luân Công chiếm 66% số nạn nhân được cho là bị tra tấn khi bị chính phủ giam giữ.”
Trích dẫn một nghiên cứu đã được bình duyệt do các nhà nghiên cứu Canada dẫn đầu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu và Phòng ngừa Diệt chủng (Genocide Studies and Prevention), bức thư lưu ý “các học giả đã kết luận rằng việc ĐCSTQ tiêu diệt Pháp Luân Công là một tội ác diệt chủng.”
Bức thư này cũng đề cập đến trường hợp của công dân Canada Tôn Thiến (Qian Sun), người đang bị giam ở Trung Quốc vì đức tin của bà đối với Pháp Luân Công. Bức thư cho biết thêm rằng 12 thân nhân của các công dân Canada đang chịu đựng sự thống khổ tương tự ở Trung Quốc vì họ tu luyện Pháp Luân Công.
Bức thư cho biết, “Đáng buồn thay, chưa bao giờ có một sự cách biệt giữa một cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự im lặng từ cộng đồng quốc tế đến thế như đã quan sát thấy trong cuộc bức hại Pháp Luân Công suốt hai thập niên qua, mà các chuyên gia nhân quyền và chuyên gia pháp lý khẳng định rằng những tội ác phản nhân loại đang diễn ra.”
“Chúng tôi trông cậy chính phủ sẽ bảo vệ nhân quyền quốc tế của tất cả các nhóm bị bức hại. Cụ thể là, cộng đồng tín ngưỡng Pháp Luân Công xứng đáng được đề cập rõ ràng trong Khung Chính sách về Trung Quốc hiện hành của Bộ các Vấn đề Toàn cầu, mà trong đó nhóm này đã bị loại trừ, khi các hành động khủng khiếp và thù hận vẫn tiếp diễn nhắm vào các học viên này ở Trung Quốc cũng như ở nơi đây, tại Canada.”
“Đã đến lúc chúng ta lên tiếng vì họ.”
Anh Omid Ghoreishi là phóng viên của Epoch Times sinh sống tại Toronto.