Nhà kinh tế: Cuộc trò chuyện giữa ông Biden và ông Tập nêu bật lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ với ĐCSTQ
Trong những bình luận đưa ra ngày 14/05, Tổng thống Joe Biden đã thuật lại cuộc trò chuyện gần đây với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gọi lần này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các hoạt động thương mại, và ông Tập đã bày tỏ lo ngại về cách Hoa Kỳ đối xử với Trung Quốc.
Tổng thống Biden đã khôi phục chính sách thuế quan thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với các mặt hàng Trung Quốc được xem là giao dịch không công bằng. Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông có kế hoạch tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu tái đắc cử, nhấn mạnh xu hướng hành động cứng rắn mới của Hoa Kỳ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các chuyên gia cho rằng lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ đã trở thành xu hướng không thể vãn hồi.
Tổng thống Biden cho biết, “Phía Trung Quốc cũng sử dụng các chiến thuật phản cạnh tranh khác, chẳng hạn như buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ của họ để được kinh doanh tại Trung Quốc. Nghe này, chúng ta sẽ chơi theo luật giống nhau nếu ông muốn. Nếu các công ty Mỹ muốn kinh doanh ở Trung Quốc, thì họ phải có 51% quyền sở hữu thuộc về Trung Quốc, họ phải cấp quyền truy cập vào tất cả tài sản trí tuệ của mình, v.v. Ông có muốn làm điều đó ở Hoa Kỳ không?” Ông Tập đã lặng thinh không nói nên lời.
Tổng thống Biden cũng chỉ trích việc ĐCSTQ sử dụng gián điệp mạng để trợ giúp cho hoạt động kinh doanh của mình một cách không công bằng, xem kiểu hành xử như vậy là hành vi “gian lận” hơn là cạnh tranh công bằng. Vì vậy, bắt đầu từ năm nay. Tổng thống Biden đã áp đặt thuế quan đối với khối lượng hàng hóa trị giá 18 tỷ USD của Trung Quốc, bao phủ nhiều lĩnh vực khác nhau như xe điện, thép, các sản phẩm nhôm, cần cẩu cảng, pin quang năng, và một số sản phẩm y tế. Thuế quan bổ sung đối với vi mạch bán dẫn dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2025.
Bình luận của Tổng thống Biden đã khơi dậy sự tò mò trong dư luận, làm dấy lên suy đoán về sự im lặng của ông Tập. Một số người cho rằng ông Tập có thể đã bị bất ngờ trước lời chất vấn của tổng thống hoặc không có đủ thông tin để phản ứng.
Hôm 17/05, nhà kinh tế sống tại Hoa Kỳ Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) nói với The Epoch Times rằng sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã phá vỡ nhiều lời hứa, và thay vì giữ lời đã tiến hành lợi dụng cộng đồng quốc tế. Theo ông Lý, “Ông Tập biết rõ điều này và không có câu trả lời thỏa đáng cho việc đó.”
Trong một cuộc họp báo diễn ra hôm 14/05 tại Tòa Bạch Ốc, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã giải thích chi tiết rằng các mức thuế quan mới đối với Trung Quốc được áp dụng theo yêu cầu của Tổng thống Biden. Các mức thuế quan này được thực hiện sau cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của ĐCSTQ theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Bà nhấn mạnh rằng các mức thuế quan này nhằm mục đích duy trì cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích của những người làm công hưởng lương ở Hoa Kỳ, chứ không phải nhằm cản trở sự phát triển của Trung Quốc.
Ông Lý nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính biểu tượng của các mức thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá 18 tỷ USD này, mặc dù chỉ là một khối lượng khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, đồng thời lưu ý rằng các mức thuế quan này có khả năng truyền cảm hứng cho các đồng minh khác có hành động tương tự. Liên minh Âu Châu được dự đoán là sẽ làm theo.
Tổng thống Biden tiếp tục áp dụng các mức thuế quan có từ thời cựu Tổng thống Trump đối với Trung Quốc
Trong khi công bố các mức thuế quan áp lên Trung Quốc, Tổng thống Biden đã kế tục lập trường của chính phủ tiền nhiệm bằng cách duy trì các mức thuế quan đối với khối lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 300 tỷ USD.
Đáng chú ý, Tổng thống Biden đã áp đặt mức thuế 100% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, một hành động được cựu Tổng thống Trump tán thành và nhận xét rằng lẽ ra phải thực hiện biện pháp này từ 4 năm trước.
Ông Lý khen ngợi cựu Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên cũng như là vị lãnh đạo cam kết nhất trong việc đối đầu với các hoạt động thương mại không công bằng của ĐCSTQ. Việc Tổng thống Biden tiếp tục các chính sách thời ông Trump, trong khi phối hợp với nhiều đồng minh, nhấn mạnh nỗ lực phối hợp chống lại các hoạt động kinh tế không công bằng của ĐCSTQ.
Kể từ khi gia nhập WTO, ĐCSTQ đã phá hỏng thị trường quốc tế bằng những mặt hàng được trợ cấp, dẫn đến điều mà các nhà kinh tế gọi là “cú sốc Trung Quốc.” Ông Lý đã nêu ra nhiều vấn đề trong thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bao gồm việc ĐCSTQ không tôn trọng các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, các hoạt động tài chính gian lận của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, cũng như sự tham gia của đảng này vào việc làm sai lệch dữ liệu và đánh cắp tài sản trí tuệ.
Việc cựu Tổng thống Trump áp đặt thuế quan là nhằm khắc phục những hành vi không công bằng đã có từ lâu trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Ông Lý nhấn mạnh các quan chức chủ chốt dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, nổi bật là Ngoại trưởng Mike Pompeo, người ủng hộ lập trường cứng rắn đối với ĐCSTQ và đóng vai trò trọng tâm trong việc định hình chính sách về Trung Quốc. Ông nhấn mạnh việc xác minh các tuyên bố của ĐCSTQ.
Tháng 07/2020, trong bài diễn văn có nhan đề “Trung Quốc Cộng sản và Tương lai của Thế giới Tự do” tại Thư viện Tổng thống Nixon, ông Pompeo nêu rõ: “Nếu thế giới tự do không thay đổi … thì Trung Quốc cộng sản chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta.” Ông dẫn lời Tổng thống Nixon nói, “‘Thế giới chưa thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi.’ Giờ đây đã đến lượt chúng ta chú ý đến lời nói của ông ấy.”
Tháng 03/2023, ông Pompeo nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng ĐCSTQ là một mối đe dọa còn lớn hơn cả Đức Quốc Xã và lãnh đạo của đảng này là người nguy hiểm nhất thế giới.
Một xu hướng không thay đổi trong tương lai
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, Tổng thống Biden đã chỉ trích gay gắt chính sách thương mại của cựu Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. Nhưng khi nhậm chức, ông phải kế tục chính sách này và leo thang cuộc chiến thương mại.
Hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm nay, các cuộc chạm trán giữa hai ứng cử viên—Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump—được dự đoán sẽ tập trung vào vấn đề thuế quan áp đặt lên Trung Quốc.
Tổng thống Trump từng gợi ý rằng nếu tái đắc cử, ông có thể áp đặt các biện pháp chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc, bao gồm cấm sở hữu tài sản của Hoa Kỳ và hạn chế dần dần việc nhập cảng các mặt hàng quan trọng của Trung Quốc như điện tử, thép, và dược phẩm.
Ngược lại, cách tiếp cận của Tổng thống Biden liên quan đến việc áp đặt các hạn chế đối với xuất cảng vi mạch bán dẫn và nhắm mục tiêu vào xe hơi thông minh do Trung Quốc sản xuất, tập trung vào các dự án năng lượng xanh và việc hợp tác với các đồng minh để chống lại ĐCSTQ.
Mặc dù cả hai ứng cử viên dường như đều sẵn sàng duy trì cứng rắn với ĐCSTQ nhưng các chính sách hậu bầu cử của họ vẫn chưa định hình chắc chắn.
Ông Lý tin rằng các chính sách của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ sẽ chỉ trở nên nghiêm ngặt hơn, do tâm lý bài xích mạnh mẽ của công chúng đối với ĐCSTQ, bằng chứng là các cuộc thăm dò gần đây. Một cuộc thăm dò gần đây của Pew Research cho thấy 83% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về ĐCSTQ, với chỉ 14% có quan điểm tích cực. Người ta không thể bỏ qua dư luận phản đối mạnh mẽ này, đặc biệt là khi các cuộc bầu cử vào các vị trí trong Quốc hội cũng như thống đốc, nhà lập pháp tại tiểu bang sắp đến gần.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times