Nhà khoa học về hỏa tiễn cảnh báo: Phương Tây cần thoái vốn khỏi Trung Quốc để ngăn chặn chiến tranh không gian
Theo ông Tory Bruno, việc phương Tây ngừng đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc có thể làm tê liệt năng lực không gian của Bắc Kinh.
Một nhà khoa học hỏa tiễn hàng đầu Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh cùng chung chí hướng vẫn có cơ hội làm tê liệt hoạt động vũ khí hóa không gian đang diễn ra nhanh chóng của Trung Quốc, vốn phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài, để ngăn chặn một cuộc chiến tranh tiềm tàng nổ ra trong không gian.
Tuy nhiên, cánh cửa cơ hội đó đang khép lại.
Ông Tory Bruno, Tổng giám đốc của United Launch Alliance, đã chia sẻ tại hội nghị bàn tròn “Cuộc đua Không gian Quay trở lại” do Ủy ban Đặc biệt về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Hạ Viện chủ trì hôm 17/04. Ông cho biết ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều vào không gian vũ trụ trong hai thập niên qua.
Theo ông Bruno, sau nhiều năm nỗ lực và đầu tư hàng tỷ dollar, ĐCSTQ hiện có số lượng hỏa tiễn, bệ phóng phóng hỏa tiễn, và nhân lực ngành vũ trụ nhiều gấp bốn đến năm lần so với Hoa Kỳ.
Họ có thể đạt được thành tựu này không những thông qua công nghệ chủ yếu là đánh cắp từ Hoa Kỳ, mà còn nhờ vào khối lượng tiền đầu tư rất lớn mà phương Tây đổ vào Trung Quốc kể từ những năm 2000.
Ông Bruno chia sẻ tại hội nghị, “Mặc dù công nghệ cơ bản của chúng ta vẫn vượt trội hơn so với Trung Quốc — và tôi đang nói như vậy với niềm tin và sự hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực này — nhưng họ đã mạnh tay đầu tư vào việc áp dụng những công nghệ cơ bản đó vào vũ khí không gian và các năng lực chống vệ tinh, và ngay lúc này đây họ đang khai triển những công nghệ đó với tốc độ nhanh đến kinh ngạc.”
“Tuy nhiên chúng ta vẫn có những cơ hội chống lại điều này. Mặc dù cơ sở hạ tầng của họ có quy mô lớn hơn nhưng lại kém hiệu quả, đắt đỏ, và dễ hư hỏng nếu trải qua áp lực kinh tế lâu dài. Và việc cắt giảm hoặc ngừng đầu tư từ phương Tây — gần nửa ngàn tỷ dollar mỗi năm vào nền kinh tế Trung Quốc — có thể làm tê liệt năng lực mà hiện nay họ đang sở hữu.”
Ông nói thêm rằng đầu tư của phương Tây đã giúp chương trình vũ trụ của Trung Quốc tăng từ vài chục phi thuyền trên quỹ đạo lên gần 700 phi thuyền trên quỹ đạo chỉ trong vòng vài năm.
Cựu kỹ sư hãng Lockheed Martin này cho biết: “Những phi thuyền của họ hiện diện khắp mọi nơi, từ LEO (quỹ đạo Trái Đất tầm thấp) cách đỉnh đầu quý vị chỉ 500 km cho đến GEO (quỹ đạo địa tĩnh) ở độ cao 30,000 km và cao hơn nữa.”
“Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cũng phải thừa nhận rằng lĩnh vực không gian vũ trụ đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều đối với nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, đồng thời cũng trở nên dễ chịu phương hại hơn rất nhiều trước các đối thủ của chúng ta — đặc biệt là Trung Quốc. Không còn là công cụ nhân lên sức mạnh cho chúng ta như trước đây, hiện tại lĩnh vực vũ trụ là điều bắt buộc phải có cho hiệu quả quân sự cơ bản. Thiếu đi lĩnh vực này, thì không phải nói là quân lực của chúng ta không mạnh hơn, mà là chúng ta sẽ thực sự bất lực.”
“Nếu trước đây chúng ta lo lắng về xung đột trên mặt đất lan rộng sang không gian vũ trụ, thì giờ đây chúng ta đã hiểu biết được rằng xung đột sẽ kích phát trong không gian vũ trụ rồi sau đó lan xuống mặt đất.”
Mối đe dọa của ĐCSTQ trong không gian vũ trụ
Thành viên cao cấp của ủy ban, Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Cộng Hòa-Illinois) lưu ý rằng ĐCSTQ đã đưa ra một số tuyên bố đáng lo ngại liên quan đến ý định của họ trong không gian vũ trụ.
“Họ nói đó là vùng lãnh thổ cao nhất. Và tương tự như mong muốn kiểm soát lãnh thổ ở Biển Đông, họ đã nói về việc chinh phục các vùng không gian,” ông cho biết, đồng thời đề cập đến năm điểm Lagrange* chiến lược xung quanh Trái Đất, Mặt Trăng, và Mặt Trời, nơi các tài sản không gian có thể neo đậu mà không cần phải di chuyển tiêu tốn nhiên liệu do lực hấp dẫn trung hòa ở các điểm này.”
(Điểm Lagrange là các vị trí trong không gian nơi các vật thể được gửi đến đó có xu hướng đứng yên. Tại các điểm Lagrange, lực hấp dẫn của hai khối lượng lớn bằng chính xác lực hướng tâm cần thiết để một vật thể nhỏ chuyển động cùng chúng. Tên của các điểm này được đặt theo nhà toán học Joseph Louis Lagrange.)
Ông Krishnamoorthi cho rằng những hành động này của ĐCSTQ cho thấy họ đang tiến hành một cuộc chạy đua không gian khác.
Ông bày tỏ: “Thật không may, chúng ta hiểu rằng ĐCSTQ đang cố gắng kiểm soát những điểm neo đậu đặc biệt đó để điều hướng, định vị, và giám sát trong không gian.”
Đáp lại những câu hỏi của các nghị sĩ tại hội nghị, cựu Quản trị viên NASA Jim Bridenstine đã mô tả các điểm Lagrange trong không gian “giống như những vị trí án ngữ trên đại dương.”
“Vì vậy, quý vị hãy nghĩ về eo biển Hormuz, đường ra vào Vịnh Ba Tư, eo biển Malacca để đến Ấn Độ Dương; đây đều là những vị trí án ngữ rất quan trọng trên Trái Đất nếu quý vị muốn giữ cho các kênh giao tiếp luôn mở,” ông cho biết. “Và các vị trí này phải được bảo vệ. Nếu không, những kẻ xấu xa nhất sẽ kiểm soát những khu vực đó và điều đó cũng đúng với các điểm Lagrange.”
Mặc dù Hoa Kỳ hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu lĩnh vực không gian vũ trụ, nhưng ĐCSTQ đang nhanh chóng làm suy yếu ưu thế chiến lược này bằng nhiều mối đe dọa khác nhau.
Ông Bridenstine lưu ý rằng trong khi Hoa Kỳ chưa bao giờ vũ khí hóa lĩnh vực không gian vũ trụ để tấn công từ không gian, thì Trung Quốc và Nga đã phát triển những năng lực để có thể thực hiện việc đó.
“Chúng ta không vũ khí hóa lĩnh vực không gian vũ trụ theo nghĩa là chúng ta sẽ tấn công từ không gian; chúng ta đã không làm điều đó. Những gì chúng ta đã làm ấy là sử dụng lĩnh vực không gian vũ trụ như một phương tiện trợ giúp cho xung đột trên mặt đất vốn là lợi thế quân sự của chúng ta, lĩnh vực này đã trợ giúp cho chúng ta trong mọi cuộc chiến mà tôi từng tham gia.”
“Trung Quốc và Nga sẽ tấn công từ không gian và họ đã làm như vậy rồi,” ông nói. “Và đó là lý do tại sao chúng ta phải lo lắng về những công nghệ mới mà họ đang vận hành: vũ khí chống vệ tinh trực tiếp, vệ tinh chống vệ tinh cùng quỹ đạo với các kỹ thuật như giả mạo/gây nhiễu/gây lóa/tấn công mạng. Tất cả những hoạt động này hiện đang tăng lên nhanh chóng.”
Chuyên gia thứ ba tại hội nghị, Tướng đã về hưu thuộc Lực lượng Không gian John Raymond cho biết hiện tại Hoa Kỳ và các đồng minh đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, “đủ mọi thứ từ việc gây nhiễu có thể làm đảo lộn định vị GPS và các vệ tinh liên lạc cho đến các mối đe dọa từ vũ khí định hướng năng lượng — đơn cử như tia laser có thể gây mù hoặc gây lóa các vệ tinh — cho đến các vệ tinh trong quỹ đạo có những đặc trưng mà có thể trở thành vũ khí.”
Ông liệt kê một vài ví dụ. Chẳng hạn, “Trung Quốc có một vệ tinh có cánh tay robot có thể vươn ra và tóm lấy một vệ tinh khác. Và giới đam mê vũ trụ sẽ cho quý vị biết rằng các vệ tinh không thích bị tóm lấy và vệ tinh nào mà bị tóm lấy thì đó sẽ là một ngày tồi tệ đối với vệ tinh đó,” ông chia sẻ.
“Nga có một vệ tinh được phóng vào năm 2017, và một vệ tinh nữa vào năm 2019. Tôi thấy rằng vệ tinh này giống như búp bê Nga. Họ phóng một vệ tinh lên, vệ tinh búp bê đó sẽ mở ra rồi một vệ tinh khác sẽ xuất hiện từ trong đó, sau đó vệ tinh này sẽ phóng ra một quả đạn để tiêu diệt vệ tinh của Hoa Kỳ. Mối đe dọa về hoạt động tấn công vệ tinh là có thật, họ có thể phóng hỏa tiễn từ mặt đất, mất 15 phút để lên tới vũ trụ nếu nhắm vào một vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp. Cả Trung Quốc và Nga đều sở hữu những hỏa tiễn có khả năng phóng từ mặt đất và làm nổ tung một vệ tinh chỉ trong vài phút.”
Ông cũng nêu lên các mối đe dọa về hoạt động tấn công mạng mà các vệ tinh phải đối mặt, cũng như nói về việc Nga có thể sẽ phóng vũ khí hạt nhân vào không gian.
“Chúng ta đang cố gắng xây dựng các hệ thống và kiến trúc có khả năng phục hồi trước toàn bộ các mối đe dọa đó theo thiết kế của kiến trúc. Đó thực sự là công việc khó khăn mà hiện nay Lực lượng Không gian Hoa Kỳ đang thực hiện,” ông nói thêm.
Tự do so với chuyên chế
Ông Bruno cũng cảnh báo rằng trái ngược với “môi trường coi trọng dân chủ và phẩm giá con người” vốn là đặc trưng của sự lãnh đạo không gian vũ trụ của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên kể từ khi Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng, “Trung Quốc có ý định nhân rộng hình thức chính quyền chuyên chế và bộ máy quan liêu vô trách nhiệm của họ khi họ trở thành một cường quốc.”
“Họ không thể chiến thắng các lực lượng trên mặt đất của chúng ta, đó là lý do tại sao họ đầu tư để có thể đoạt lấy vị thế của chúng ta trong không gian vũ trụ,” ông nói. “Họ đã nhận ra rằng không gian vũ trụ là gót chân Achilles của chúng ta và họ đang tận dụng cơ hội bất cân xứng đó để có thể thống trị trên mặt đất thông qua mối đe dọa quân sự và sức mạnh kinh tế.”
“Quý vị không thể tách rời sự thịnh vượng, an toàn và tự do của chúng ta khỏi lĩnh vực không gian vũ trụ. Nếu chúng ta muốn bảo toàn nền tự do, thì chúng ta phải bảo toàn sự tự do ngoài không gian.”
Tướng đã về hưu Raymond, trước đây thuộc Lực lượng Không gian Hoa Kỳ, có đồng quan điểm. Ông cho rằng để có sự ổn định và đổi mới thực sự trên toàn cầu, việc Hoa Kỳ vượt trội hơn so với Trung Quốc cộng sản trong vai trò lãnh đạo không gian vũ trụ là vô cùng trọng yếu.
“Việc tăng cường cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và sự cạnh tranh đó đang lan rộng sang lĩnh vực không gian. Tôi tin rằng việc cạnh tranh trong 10 năm tới có thể là 10 năm quan trọng nhất trong lịch sử chương trình vũ trụ của chúng ta. Và chúng ta không thể thua cuộc.”
Ông Bridenstine cho biết năng lực vũ khí không gian của Trung Quốc cho thấy một hiện thực rằng trong một cuộc xâm lược có thể xảy ra ở Đài Loan, ĐCSTQ có thể tấn công năng lực định vị GPS trong vũ trụ của Hoa Kỳ, mà điều này sẽ “khiến chúng ta bị điếc, câm, và mù” trên mặt đất.
Ông giải thích: “Họ có thể chuyển từ một kịch bản chiến thuật mang tính khu vực sang một kịch bản chiến lược [không gian vũ trụ] như vậy, và đây là một diễn biến rất nguy hiểm.”
Bàn về việc Trung Quốc tăng tốc phát triển lĩnh vực không gian trong hai thập niên qua, ông Krishnamoorthi cho biết: “Họ đã phát triển các tài sản dân sự và quân sự trong vũ trụ, bao gồm cả hỏa tiễn tiêu diệt động năng. Họ đã cho hạ chiếc Rover đầu tiên để khám phá vùng tối của Mặt Trăng và đạt được một thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc.”
“Hiện tại họ thực sự đã có một trạm vũ trụ cố định tên là Thiên Cung và trạm này được đưa lên vũ trụ vào năm 2021; ý tôi là đây thực sự là một thành tựu công nghệ đáng kinh ngạc khi họ đưa trạm vũ trụ này lên đó. Hiện tại, họ có 900 vệ tinh trên quỹ đạo, một nửa trong số đó có năng lực phát hiện và theo dõi hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cũng như các hoạt động của hải quân.”
“Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể một lần nữa hợp tác với Trung Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, dưới thời ông Tập Cận Bình, có một cuộc chạy đua thực sự đang diễn ra trong lĩnh vực không gian vũ trụ,” ông Krishnamoorthi bày tỏ. “Chúng ta phải nâng cao trình độ của mình, hợp tác với các đối tác và đồng minh trong việc khám phá vũ trụ, trong việc tạo ra các quy tắc trong lĩnh vực vũ trụ.”
‘Nghĩa vụ thiêng liêng’
Ông Bridenstine và Tướng đã về hưu Raymond cũng kêu gọi ủy ban và Quốc hội áp dụng việc phát triển khung trách nhiệm về vấn đề phản công trên vũ trụ như một chính sách quốc gia.
Tướng đã về hưu Raymond cảnh báo rằng sự phát triển của các vệ tinh ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp đã vượt xa các khuôn khổ và hiệp ước hiện có mà đến nay đã cung cấp các hàng rào bảo vệ trong lĩnh vực không gian vũ trụ.
“Hiệp ước về không gian ngoài vũ trụ sẽ cung cấp một nền tảng vững vàng. Tôi đang không nói rằng hãy xóa bỏ nền tảng đó, nhưng chúng ta cần xây dựng trên nền tảng đó một số chuẩn mực hành vi về các hoạt động trong lĩnh vực này theo cách an toàn và chuyên nghiệp. Và chúng ta cần phải là bên định ra những chuẩn mực đó, không để đối thủ định ra hoặc đặt ra những quy tắc đó và định hình chúng ta.”
“Chúng ta đang nỗ lực làm việc với các đồng minh và đối tác của mình. Hoa Kỳ đã đã bước lên và đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc này. Chúng ta đã nói rằng chúng ta sẽ không tiến hành thử nghiệm phá hủy và gây ra rác vũ trụ. Chúng ta đã nói về hạn chế rác vũ trụ.”
Ông Bridenstine cũng hối thúc Quốc hội cần bảo đảm nguồn tài trợ nhất quán và “mục tiêu lâu dài” cho NASA.
Những người tham gia hội nghị đều đồng ý rằng NASA và các công ty vũ trụ tư nhân đang phải đối mặt với khoản đầu tư không nhất quán và thiếu sự trợ giúp về chính sách để giúp bảo đảm rằng sự thống trị trong lĩnh vực vũ trụ của Hoa Kỳ ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
“Điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta cần ủy quyền cho NASA hàng năm. Chúng ta cần một loại khuôn khổ nhất quán để vận hành,” cựu giám đốc NASA cho biết.
“Năm nay [ngân sách của NASA] đang bị cắt giảm khiến mọi việc trở nên rối ren. Những quyết định khó khăn cần phải được đưa ra ngay lúc này. Và khi cắt giảm ngân sách, thực ra các vị đang lãng phí tiền vì cuối cùng thì chúng ta không đạt được những thành tựu mà chúng ta đã đặt ra.”
Lực lượng Không gian Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách. Tướng đã về hưu Raymond cảnh báo ủy ban rằng: “Trung Quốc không hề giảm tốc độ.”
“Việc cắt giảm ngân sách này làm tăng rủi ro đối với cả các năng lực không gian của chúng ta, Lực lượng Liên hiệp của chúng ta, và khả năng cạnh tranh, ngăn chặn, và giành chiến thắng của chúng ta. Việc có ngân sách kịp thời để ưu tiên cả năng lực phục hồi và an ninh vũ trụ là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta. Mỗi thách thức đều mang lại cơ hội, và tôi tin rằng với sự trợ giúp của Quốc hội, chúng tôi có thể tận dụng nhiều cơ hội liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ.”
Ông nói thêm rằng các lãnh đạo Hoa Kỳ có “nghĩa vụ thiêng liêng” là bảo vệ quân đội Hoa Kỳ trên mặt đất, vốn là đối tượng đang bị ĐCSTQ theo dõi từ không gian.
Vị tướng này cho biết: “Họ đang bị theo dõi, họ có thể trở thành mục tiêu và họ có thể bị tiêu diệt bởi quân đội được trang bị năng lực không gian của Trung Quốc.”
Ông Bridenstine không ngừng chỉ trích các thành viên Quốc hội vì sự thiếu ổn định trong việc tài trợ cho các nỗ lực không gian của Hoa Kỳ.
“Theo tôi, có một số yếu tố theo thời gian đã kết hợp làm chậm tiến trình lên Mặt Trăng và rõ ràng là tới Hỏa Tinh của chúng ta. Tôi nghĩ là mới đầu, chúng ta đã bắt đầu các chương trình và sau đó lại ngưng vì ngân sách thất thường của các chính trị gia, và tôi không nói điều đó để chỉ trích thẳng cơ quan này, nhưng tôi chắc chắn đang có ý phê bình cơ quan này,” ông bày tỏ.
Ông nói rằng do sự trợ giúp không nhất quán từ Quốc hội, Hoa Kỳ đã có lúc phải trả cho Nga 100 triệu USD mỗi ghế ngồi (cho phi hành gia) để sử dụng hỏa tiễn của họ mà đi đến Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Ông đề nghị rằng Quốc hội nên bảo đảm sự ổn định trong tương lai bằng cách phê chuẩn các đạo luật ủy quyền từ Quốc hội cũng như phân bổ ngân sách cho NASA để bảo đảm nguồn tài trợ liên tục hàng năm. Việc ủy quyền này sẽ cho phép các mục tiêu định hướng dài hạn nhưng cũng có thể được cập nhật hàng năm.
Ông cũng kêu gọi Quốc Hội tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh giành các hợp đồng trong lĩnh vực không gian, cho phép các doanh nhân Mỹ “thương mại hóa càng nhiều năng lực không gian càng tốt” nhằm giải phóng chính họ khỏi những biến động về ngân sách dành cho NASA.
“Chúng ta không thể vượt Trung Quốc trong việc lập kế hoạch tập trung, nhưng chúng ta có thể vượt xa Trung Quốc về mặt khuyến khích khởi nghiệp và sáng tạo, và đó là nơi diễn ra sự đổi mới,” ông nói.
Ông Bruno cũng hối thúc Quốc hội chấm dứt quyền tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ của Hoa Kỳ vốn là cần thiết để đạt được những năng lực mà họ đã đạt được.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times