Nhà hàng Miến Điện độc đáo tại quận Cam, tiểu bang California
Nhà hàng Irrawaddy Taste of Burma chuyên phục vụ những món ăn Miến Điện – Irrawaddy Taste of Burma, mang tinh hoa ẩm thực Burma đến với người dân miền nam California.
Thành phố Stanton, tiểu bang California. — Ẩn mình trong một trung tâm mua sắm nhỏ nhưng luôn nhộn nhịp tại ngã tư Katella và Knott, Irrawaddy Taste of Burma là nhà hàng duy nhất ở Quận Cam, nơi thực khách có thể trải nghiệm nghệ thuật ẩm thực Miến Điện.
Được thành lập vào năm 2016, nhà hàng thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình. Nơi này chuyên phục vụ thực khách quen thuộc các món ăn được chế biến trực tiếp ngay tại gian bếp với các thành phần nguyên liệu tươi sống. Đây là yêu cầu cần thiết để duy trì trọn vẹn hương vị của công thức nấu ăn được cho ra đời bởi đầu bếp và người đồng chủ sở hữu ông Banny Hong.
“Có rất nhiều nhà hàng với nhiều nền văn hóa phục vụ nhiều loại thực phẩm ở Quận Cam,” ông Hong nói với Epoch Times. “Tôi nghĩ tại sao chúng ta lại không có bất kỳ nhà hàng phục vụ ẩm thực Miến Điện nào tại đây nhỉ?”
Với hương vị, nguyên liệu và nguồn cảm hứng ôm trọn nền ẩm thực Đông Nam Á, ông Hong tự tin rằng ẩm thực Miến Điện là độc nhất vô nhị.
Ra đời sau bốn nhà hàng ẩm thực Miến Điện ở thành phố Los Angeles, so với hầu hết các nhà hàng Miến Điện ở tiểu bang California, trong khu vực vịnh, Irrawaddy Taste of Burma là nhà hàng mà những thực khách quận Cam có thể thưởng thức những món ăn đoạt giải, những món không thể tìm thấy tại bất kỳ nhà hàng nào khác.
“Thức ăn Miến Điện rất đặc trưng khi xét đến nguyên liệu và phương pháp chế biến,” ông Hong nói.
“Những món ăn Miến Điện không bao giờ được nêm quá nhiều gia vị, vị ngọt thường đến từ nước dừa, thay vì đường, và những nguyên liệu của chúng tôi chế biến công phu sau khi được vận chuyển từ Miến Điện.”
Như món khai vị Salad trà xanh cần một quá trình chuẩn bị khá lâu, chủ yếu là vì lá trà cần được vận chuyển từ Burma, hay còn gọi là Myanmar, cái tên quen thuộc hơn đối với người dân Los Angeles.
Và lá trà được nhập khẩu từ Miến Điện, chúng tôi phải nấu thật cẩn thận và làm khô chúng trước khi thực hiện món salad,” Hong chia sẻ.
“Chúng tôi thực sự rất tâm huyết với món ăn này. Bất kể bạn là ai, nhiệm vụ của chúng tôi là chế biến những món ăn ngon dành cho bạn.”
Ngoài lá trà Miến Điện, độ giòn của món salad đến từ lá xà lách giòn, đậu phộng, có rắc thêm hạt mè, nồng nàn hương tỏi phi cùng sốt trà xanh với chanh.
Dù thực hiện món ăn này rất kỳ công, ông Hong vẫn xem món salad này là một trong những món mà ông ưa thích nhất. Động lực để ông học hỏi và vượt qua những trở ngại trong cuộc sống, những điều mà không mấy người dân ở thế giới Tây phương từng trải qua, là một trong những phẩm chất khiến ông có thể nâng cao tay nghề nấu nướng.
Hành trình đến Hoa Kỳ
Là người đến từ bang Kachin, Miến Điện, ông Hong kể lại rằng ông nhập cư vào Hoa Kỳ vào năm 1987 theo diện nguy cấp ngay sau khi tốt nghiệp đại học ngành kinh tế.
Khi các nhóm nổi dậy tại địa phương nơi ông Hong từng sinh sống đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính từ người dân để trang bị thêm vũ khí, Quân đội Miến Điện đã biết được điều này và đã cấm người dân không được chu cấp tài chính cho phiến quân. Điều này khiến người dân bị mắc kẹt giữa những phe phái quân sự.
“Người dân đã bị giết bởi cả quân đội và quân nổi dậy,” ông Hong nói. “Khi gia đình và khu phố của tôi không chu cấp cho phiến quân theo yêu cầu của chính phủ, nhóm phiến quân nổi dậy dùng quả bom để phá hủy nhà dân, và nhà tôi cũng nằm trong số những ngôi nhà bị tàn phá.”
“Thật lòng tôi không muốn rời Miến Điện, nhưng chuyện đã tới nước này nên tôi đành phải ra đi,” ông tâm sự.
Sau những vụ đánh bom, cuộc sống của ông Hong đảo lộn. Và ông đã di cư đến Hoa Kỳ. Ông bay đến Seattle chỉ với 60 dollar trong túi. Và sau khi trả tiền cho Taxi, ông chỉ còn đúng 20 dollar, nhưng sự nghèo túng thuở đầu đặt chân đến đây không khiến ông mất đi cảm giác hàm ơn về quê hương mới của ông – đất nước Hoa Kỳ.
“Khi vừa ra khỏi phi cơ, người dân Hoa Kỳ đã chào đón tôi rất nồng hậu tại văn phòng di trú,” ông Hong nhớ về ấn tượng khi lần đầu đến Hoa Kỳ.
“Lúc đó tôi gần như đã òa khóc vì điều này.”
Sau khi an cư tại Los Angeles, Hoa Kỳ không những đã tạo điều kiện cho ông Hong làm ăn mà còn giúp ông phát triển sự nghiệp làm đầu bếp của mình.
Ngay từ nhỏ, ông đã học những ngón nghề bếp núc từ cha mình. Sau đó, ông đã làm nhiều công việc cho cửa hàng của bách hóa của gia đình. Từ khi ông đến Hoa Kỳ, ông bắt đầu cuộc sống mới bằng cách làm việc tại nhà hàng Mc Donald và sau đó ông làm tại hiệu ăn gia đình chuyên phục vụ các món ăn Á châu.
“Mc Donald là một môi trường tốt và làm việc tại đó khiến tôi vô cùng thích thú,” ông Hong tâm sự. “Tôi rất thích Mc Donald nhưng cuối cùng vào năm 1990, tôi làm tại nhà bếp của chuỗi nhà hàng Nhật Bản của một người chị tại Canoga Park.”
Hương vị khó quên
Khi bước vào nhà hàng Taste of Burma, thực khách không thể không để mắt đến những hình ảnh đẹp về Miến Điện mà ông Hong dùng để trang trí trên những bức tường của nhà hàng. Ở phía sau gần cánh cửa bếp là bức ảnh của bà Aung San Suu Kyi, cựu lãnh đạo dân chủ của người Miến Điện, người đã nhiều lần bị quản chế tại gia bởi các chế độ độc tài quân sự, và lần quản chế gần đây nhất vào năm 2021.
Vợ ông Hong, bà Roseanne, là một người niềm nở với khách hàng, điều này khiến những thực khách cảm thấy được đón tiếp rất nồng hậu tại nhà hàng. Đây là một trong số những nhà hàng bày trí bàn ăn bằng gỗ tối màu trong khu vực. Ông Hong cùng bà Roseanne đã kết hôn từ năm 1994, và cả hai đều có cùng niềm đam mê trong việc khiến thực khách của họ cảm thấy được chào đón bằng lòng hiếu khách. Hiện nhà hàng có 11 nhân viên.
Trong giờ ăn trưa, hai nữ thực khách vui vẻ trò chuyện trong lúc cùng thưởng thức một đĩa Don Pauk, món ăn Biryani (món cơm trộn có nguồn gốc từ những người Hồi giáo ở tiểu lục địa Ấn Độ) bao gồm cơm Basmati (một loại gạo phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ và khu vực Nam Á) nấu với các loại gia vị Ấn Độ và ăn kèm với gà. Họ thưởng thức các món ăn bên dưới một bức ảnh của núi rừng Miến Điện. Sau cùng, đĩa ăn của họ cũng sạch trơn. Chắc chắn, món ăn tại nhà hàng này phải vô cùng ngon miệng.
Các món khai vị tại nhà hàng Irrawaddy Taste of Burma thực sự đặc trưng về khi xét về hương vị và nguyên liệu.
Falafel Miến Điện (Ba Yar Jau) được phục vụ trước tiên, món ăn này được làm từ hạt lentil (thiết đậu hay còn gọi đậu lăng) nghiền trộn với hành tây, bạc hà và gia vị. Độ giòn của món ăn phù hợp một cách hoàn hảo với món nước sốt me. Những thực khách thuần chay sẽ cảm thấy món ăn này và nhiều món ăn khác trong danh sách các món khai vị tại nhà hàng rất phù hợp với chế độ ăn uống của họ.
Khi phục vụ những món ăn chính, bà Roseanne đã mang ra món gà Masala, chân gà hầm rục được nấu cùng khoai tây, ướt đẫm sốt cà ri Murmese do ông Hong thực hiện. Bữa ăn thịnh soạn cùng cơm nấu với nước dừa, và Roseanne nhắc nhở thực khách nên dùng bữa theo “Phong cách Miến Điện,” vừa nói bà trộn cơm với những món ăn.
Món gà được hầm rục một cách hoàn hảo, phần thịt dễ dàng rơi ra khỏi xương. Gia vị và sốt masala được nêm nếm vừa ăn, quyện cùng nhau để tạo ra hương vị hài hòa, khiến thực khách không thể kiềm lòng mà phải ăn thêm, phải cắn thêm một miếng để cảm nhận hương vị đặc biệt này.
“Đây chính là sự độc đáo của món ăn Miến Điện,” Hong chia sẻ với một nụ cười. “Món ăn Miến Điện không quá cay như các món Đông Nam Á, mùi vị cũng không bị làm quá đậm.”
“Thực khách sẽ không phải đổ mồ hôi khi thưởng thức món Miến Điện,” ông nói thêm.
Kể từ ngày đầu mở nhà hàng Irrawaddy Taste of Burma, ông Hong cùng gia đình đã nỗ lực để chia sẻ những nét đặc trưng của Miến Điện với người dân miền nam California thông qua ẩm thực. Đây là quyền tự do, là điều mà ông không thể làm tại Miến Điện.
“Miến Điện cần tự do,” ông Hong thổ lộ. “Tôi không hề muốn Trung Cộng thao túng hoàn toàn quê hương mình. Người dân Miến Điện cần được giúp.”
Từ sự kiện đảo chính vào tháng 02/2021, quân đội Miến Điện đã kiểm soát hoàn toàn đất nước. Điều này dẫn đến nhiều thương vong cho thường dân và kéo theo tình hình chính trị bất ổn.
Ông Hong luôn chào đón cộng đồng miền nam California đến với nhà hàng để cùng kết giao thông qua hương vị ẩm thực đặc trưng Miến Điện, và cùng sẻ chia văn hóa của quê hương ông.
“Và để mang đến cho thế giới về một Miến Điện trước sự kiện bất ổn chính trị đang diễn ra vào lúc này,” ông Hong thổ lộ.
“Tôi rất vui khi chia sẻ văn hóa Miến Điện thông qua ẩm thực, và cũng rất hào hứng khi có thể gắn kết cùng cộng động, để cùng thưởng thức những bữa ăn ngon. Tôi trân trọng quyền tự do tại Hoa Kỳ, nhờ nó mà tôi có thể thực hiện được những gì mình đang làm.”
Nhà hàng Irrawaddy Taste of Burma được mở hàng ngày, nơi đây phục vụ nhiều món ăn phù hợp với mọi khẩu vị và chế độ ăn uống của thực khách.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: