Nhà bình luận về năng lượng: Lý do tại sao giá điện ở California cao hơn gấp đôi
Bà nói: “[Người dân California] đang gánh chịu gánh nặng tài chính to lớn này để làm gương cho hành vi tốt về khí hậu,” điều gần như không đáng kể đối với khí hậu toàn cầu.
Nhiều người biết rằng California lấy làm tự hào vì có giá tiện ích cao nhất trên toàn quốc, với số liệu thống kê gần đây cho thấy cư dân Tiểu bang Vàng phải trả cao hơn gấp đôi so với giá điện trung bình của cả nước.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, tính đến tháng Bảy, giá điện trung bình trên toàn quốc là 17 cent/kWh, trong khi ở California, người dân phải trả 28 cent ở Los Angeles; 35 cent ở San Francisco, và 48 cent ở San Diego.
Bà Susan Shelley, người phụ trách chuyên mục của Southern California News Group và là một cây viết kỳ cựu về các vấn đề liên quan đến năng lượng của California, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên “California Insider” của EpochTV, “Chúng tôi đang ở California, gánh chịu gánh nặng tài chính to lớn này để để làm gương cho hành vi tốt về khí hậu. Nhưng điều đó chẳng có tác dụng gì.”
Theo báo cáo của Ủy ban Tài nguyên Không khí California năm 2022, tiểu bang này thải ra khoảng 370 triệu tấn khí nhà kính hàng năm, chiếm chưa đến 1% lượng khí thải toàn cầu.
Bà nói: “Toàn bộ tiểu bang có thể ngừng hoạt động mà vẫn sẽ không tạo ra sự khác biệt nào đối với khí hậu toàn cầu” nhưng những mục tiêu như vậy tạo ra gánh nặng tài chính nặng nề cho người dân.
Dữ liệu gần đây từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy rằng từ tháng 06/2022 đến tháng 06/2023, giá điện trung bình ở California tăng khoảng 19%.
Theo bà Shelley, việc tăng giá này có thể một phần là do sự chênh lệch cung cầu, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do doanh số bán xe điện và các thiết bị điện khác ngày càng tăng.
Theo Ủy ban Năng lượng California, vào năm 2022, xe điện chiếm 20% doanh số bán xe mới của tiểu bang, tăng gần 200% so với 5 năm trước và chiếm 40% doanh số bán xe điện trên toàn quốc.
Tuy nhiên, bà cho biết, nhu cầu điện ngày càng tăng cũng có thể làm tăng tình trạng sụt điện áp và mất điện, khiến tiểu bang đôi khi khuyến khích người dân giảm sử dụng điện.
Bà cũng cho biết việc phụ thuộc nhiều vào quang năng là không thực tế, vì nhu cầu cao điểm về điện thường rơi vào lúc không có sẵn quang năng, tức là sau khi mặt trời lặn. Nhưng theo Ủy ban Năng lượng California, khoảng 35% điện năng hiện được tạo ra từ các nguồn tái tạo, bao gồm quang năng và phong năng.
Bà nói: “Chúng ta chỉ có thể đạt tới 100% năng lượng tái tạo nếu [lúc nào cũng] là mùa hè và không bao giờ có ban đêm.”
Bên cạnh việc giảm sử dụng điện, tiểu bang này cũng đang nỗ lực đóng cửa các nhà máy chạy bằng năng lượng hạt nhân và khí đốt, từ 19 nhà máy xuống 3 nhà máy kể từ năm 2009. Ba nhà máy cuối cùng ban đầu dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2020, tuy nhiên, hồi tháng Tám ủy ban trên đã gia hạn lần thứ hai cho việc đóng cửa vì lý do cần phải chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp.
Bà Shelley chỉ trích việc gia hạn vào phút chót như vậy cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá điện tăng cao.
Bà nói: “Theo luật ở California, các công ty điện lực phải ký hợp đồng 10 năm với các nhà cung cấp quang năng và phong năng. … [Nhưng] họ không thể ký hợp đồng 10 năm với các công ty sản xuất điện chạy bằng khí đốt. Vì vậy, không có hợp đồng dài hạn. Quý vị phải có hợp đồng dài hạn để có được sự ổn định — ổn định nguồn cung, ổn định giá cả.”
Trong bối cảnh tiểu bang gặp những khó khăn về tình trạng thiếu điện, hồi tháng Ba, các cơ quan quản lý liên bang đã cấp quyền miễn trừ để cho phép cơ sở điện hạt nhân cuối cùng của California, Diablo Canyon, tiếp tục hoạt động với hai lò phản ứng hạt nhân cung cấp khoảng 9% điện năng cho tiểu bang.
Hiện nay, lò phản ứng đầu tiên được cấp phép hoạt động đến tháng 11/2024, trong khi lò phản ứng thứ hai được cấp phép hoạt động đến tháng 08/2025.
Thanh Nhã lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times