Nguồn gốc của bánh Hamburger Mỹ có liên quan đến Mông Cổ?
Bánh hamburger được cho là một trong những món ăn mang tính biểu tượng của người Mỹ, và đã tồn tại khoảng một thế kỷ. Nhưng bạn có biết rằng nguồn gốc của những chiếc bánh hamburger này lại có liên quan đến Mông Cổ ở mãi bên kia địa cầu!
Theo CNN, dù bạn ở Hoa Kỳ hay bất kỳ đâu trên thế giới, bạn đều có thể nhìn thấy bánh hamburger. Món ăn cổ điển này bắt đầu phổ biến ở Hoa Kỳ khoảng một thế kỷ trước.
Trong hơn 20 năm, chuyên gia về bánh hamburger, ông George Motz đã đi khắp Hoa Kỳ để nếm thử và nghiên cứu về bánh hamburger, đồng thời đạo diễn một bộ phim tài liệu về lịch sử của chiếc bánh này ở Hoa Kỳ. Ông khẳng định mình đã ăn khoảng 20,000 chiếc bánh hamburger trong đời và không có ý định dừng lại.
Khi nói về lịch sử của bánh hamburger ở Hoa Kỳ, ông Motz nói rằng nguồn gốc của bánh hamburger có thể bắt nguồn từ Mông Cổ vào thế kỷ 13, khi người Mông Cổ và người Tatars còn chiến tranh.
Người Tatars rõ ràng thích ăn thịt dê sống, ông Motz nói. Họ sẽ mang theo thịt dê sống dưới yên ngựa và cưỡi cả ngày. Sau khi dựng trại, họ sẽ thái thịt dê, thêm chút gia vị, v.v. và ăn như vậy.
Món ăn này sau đó phổ biến đến các cảng và tàu thuyền dọc theo bờ biển Baltic, truyền rộng hơn về phía tây sang Âu Châu, bao gồm bán đảo Scandinavia, và cuối cùng là đến Đức và thành phố cảng Hamburg.
Sau nhiều thế kỷ khi món ăn này du nhập vào Đức, thịt dê sống đã chuyển thành thịt bò băm nhỏ nấu chín. Ngày nay món thịt này được gọi là frikadellen, một loại thịt viên dẹt áp chảo.
Ông Motz đã đề cập rằng khi những người nhập cư Đức đến Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19, họ đã mang theo công thức frikadellen và kết quả là món thịt này đã được truyền sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, từ frikadellen trong tiếng Đức không có ý nghĩa đối với hầu hết người Mỹ, vì vậy sau này tên gọi này được đổi thành bít tết Hamburg (Hamburg steak).
Khi những người nhập cư Đức di cư về phía Tây đến các trang trại trên khắp Hoa Kỳ, các cuộc tụ tập cũng bắt đầu trở nên sôi động ở nhiều nơi. Những người nông dân sẽ tận dụng dịp này để học hỏi các kỹ thuật và thiết bị canh tác, còn những người nhập cư Đức cũng dựng các quầy hàng để bán thịt bò bít tết Hamburg – được coi là món ăn quốc gia vào thời điểm đó.
Ông Motz cho biết xúc xích đã xuất hiện sớm trong các cuộc tụ tập này, và ông cho rằng người dân ở nhiều nơi đã lấy cảm hứng từ xúc xích để đặt thịt nướng hamburg vào bánh mì, biến nó thành bánh mì kẹp thịt, cuối cùng trở thành bánh Hamburger như ngày nay.
Ông cho biết, ở khắp vùng Trung Tây Hoa Kỳ, Texas, Ohio và Wisconsin, có một số giả thuyết về người đầu tiên đặt miếng bít tết hamburg vào bánh mì, nhưng không thể xác nhận giả thuyết nào là đúng.
Ông nói rằng khi thói quen kẹp thịt nướng hamburg vào giữa bánh mì trở nên phổ biến, các nhà hàng bắt đầu bán bánh hamburger, và giờ đây đã trở thành một món ăn mà người Mỹ tự hào.
Ông nói: “Trong khoảng 100 năm, bánh hamburger là món ăn duy nhất được phát minh ra ở Hoa Kỳ. Ban đầu đây là một món ăn kiểu Đức, nhưng chúng ta kẹp nó vào bánh mì và đã tạo ra sự khác biệt.”