Người trong cuộc: Thỏa thuận quốc phòng giữa Bolivia và Iran không chỉ là về ‘an ninh biên giới’
Hôm 25/07, việc Bolivia tuyên bố tham gia một thỏa thuận an ninh với Iran lập tức làm dấy lên phản ứng dữ dội và lo ngại trên toàn khu vực. Một cựu thành viên cao cấp của chính phủ Bolivia nói rằng có nhiều vấn đề hơn ngoài tuyên bố chính thức cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp “chống buôn lậu” gần biên giới nước này.
Sau năm ngày im lặng và suy đoán về việc phái đoàn Bolivia gặp gỡ các quan chức Iran, chính phủ của Tổng thống cánh tả Luis Arce đã công bố bản tóm tắt chính thức về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Edmundo Novillo.
Thỏa thuận quốc phòng này, được cho là đã được ký kết hôm 20/07, xoay quanh việc trao đổi công nghệ và thiết bị để giúp đỡ các lực lượng vũ trang Bolivia “kiểm soát và giám sát các khu vực biên giới nơi hoạt động bất hợp pháp xâm nhập vào … cũng như trong cuộc chiến chống buôn ma túy, đặc biệt là ở phía đông Bolivia thông qua các nhánh kết nối với quốc gia láng giềng Brazil, cũng như ở phía nam nước này, nơi tiếp giáp Paraguay và Argentina.”
Các lĩnh vực hợp tác an ninh và mua sắm phần cứng được đề ra bao gồm các drone quân sự, thiết bị giám sát, tàu thuyền, công nghệ nano, và an ninh mạng.
Ngoại trưởng Argentina, ông Santiago Cafiero, đã nhanh chóng phản ứng và yêu cầu thông tin về “phạm vi” của thỏa thuận từ Ngoại trưởng Bolivia Rogelio Mayta qua đại sứ quán của nước này ở thủ đô Buenos Aires, Argentina.
Trong một cuộc họp báo, ông Novillo nhấn mạnh tầm quan trọng của các drone và an ninh mạng đối với các lực lượng vũ trang Bolivia.
Ông nói: “Iran cho chúng tôi thấy sự phát triển của các drone bởi vì chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi có các ngọn núi và địa hình cao. Theo cách hiểu này, họ trả lời rằng công nghệ này có thể đáp ứng yêu cầu đã nêu.”
Mặc dù theo lý thuyết, thỏa thuận này vẻ hợp lý, nhưng không phải ai cũng tin lời tuyên bố chính thức đó. Sự lo ngại hầu hết bắt nguồn từ việc Iran từng hợp tác với các nhân tố ở Mỹ Latinh hoạt động chống lại lợi ích an ninh của phương Tây.
Cựu quan chức Bolivia Carlos Sánchez Berzain nói với The Epoch Times, “Cách dùng từ như vậy gây hiểu lầm, và Bolivia không cần kiểu hợp tác đó.”
Ông Berzain là giám đốc của Viện Dân chủ Liên Châu Mỹ và từng nắm giữ nhiều chức vụ trong chính phủ Bolivia, bao gồm chức bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng nội vụ.
Ông tin rằng sự hợp tác quân sự sâu sắc hơn giữa Bolivia và Iran chẳng qua chỉ là bức bình phong để Iran lợi dụng vị thế địa chính trị và địa lý của Bolivia. Ngược lại, điều này sẽ khiến quê hương của ông trở thành “một căn cứ cho chế độ độc tài thần quyền Iran đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực.”
Nhìn lại lịch sử
Khi xem xét những nỗ lực trong quá khứ của Bolivia nhằm liên kết về chính trị với Iran, cảm giác bất an của những người chỉ trích về thỏa thuận này lại càng trở nên rõ ràng hơn.
Năm 2008, tân Tổng thống đắc cử đương thời Evo Morales của Bolivia đã tự hào tuyên bố rằng Bolivia sẽ mở rộng mối bang giao với Iran trong một hội nghị được truyền hình trực tiếp cùng với Tổng thống Iran đương thời Mahmoud Ahmadinejad.
“Không quốc gia và thế lực nào có thể ảnh hưởng đến mối bang giao của chúng ta với nước Iran cách mạng,” ông Morales nói, đồng thời lưu ý rằng mối quan hệ khăng khít hơn giữa hai quốc gia sẽ giúp chống lại “chủ nghĩa đế quốc.”
Bằng cách này, ông muốn nói đến việc chống lại Hoa Kỳ, quốc gia mà ông Morales đã gọi là “đế chế” trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Vào thời điểm đó, tuyên bố của cựu tổng thống Bolivia đã gây chấn động cộng đồng quốc tế. Tiếp theo đó là một nỗ lực chung giữa hai nước trong một dự án nhà máy điện hạt nhân ở thành phố El Alto trên dãy núi Andes, lần đầu tiên được công bố hồi năm 2010 và sau đó được công bố một lần nữa hồi năm 2015.
Tuy nhiên, dù cho ông Morales tại vị cho đến năm 2019 nhưng những lời hùng biện vội vã và công khai ủng hộ Iran của ông không có mấy tác dụng. Thế nhưng, với sự kiện các chiến hạm Iran bất ngờ cập bến tại bờ biển Brazil dưới thời Tổng thống cánh tả Luiz Inácio Lula da Silva vào năm nay, một số người nói rằng việc tái khởi động sự hợp tác giữa Bolivia và Iran báo hiệu những thay đổi quan trọng trong khu vực — theo đó sự hợp tác với Hoa Kỳ và các lợi ích của nước này đã đi vào dĩ vãng.
Hôm 27/07, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lưu ý rằng mặc dù họ vẫn duy trì mối bang giao “tôn trọng lẫn nhau” với Bolivia — bao gồm khoảng 1 tỷ USD trong thương mại song phương hàng năm — nhưng bộ này cũng nêu lên những lo ngại về “các hành động phản dân chủ và chính trị hóa hệ thống pháp luật.”
“Những phản ứng và lo ngại là có căn cứ. Chúng ta phải nhớ bối cảnh mà điều này xảy ra,” ông Berzain nói, mô tả Bolivia dưới thời ông Arce là một trong những “chế độ độc tài vệ tinh của chủ nghĩa xã hội” thế kỷ 21.
Theo quan điểm của ông Berzain, việc Bolivia tham gia một thỏa thuận an ninh chính thức với Iran không phải là điềm lành cho đất nước của ông.
Ông cho biết: “Hai sự kiện trọng đại đối với chủ quyền của Bolivia cũng như hòa bình và an ninh quốc tế đã xảy ra chỉ trong vài ngày … Việc giao tài nguyên lithium của Bolivia cho Nga và Trung Quốc cũng như việc Bolivia ký kết thỏa thuận quân sự với Iran đã diễn ra sau chuyến thăm Cuba của [cựu Tổng thống] Evo Morales và ông Luis Arce.”
Trong tuần đầu tiên của tháng Bảy, có thông tin cho rằng ông Arce và ông Morales đã tới Havana theo lời mời của nhà cầm quyền cộng sản Cuba. Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel được cho là mong muốn dàn xếp tranh chấp chính trị hiện đang gay gắt giữa nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và tiền nhiệm của Bolivia trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2025.
Trong gần hai năm, các chính trị gia đã đối chọi nhau về các vấn đề quản trị, từ đó gây chia rẽ và bất ổn trong đội ngũ đảng chính trị cầm quyền đương nhiệm của Bolivia: Phong trào vì Chủ nghĩa xã hội.
Thỏa thuận mở đường
Khi nói đến việc ngăn chặn nạn buôn lậu dọc theo đường biên giới hầu như không được kiểm soát của Bolivia, nước này này cần tất cả sự giúp đỡ có thể có.
Quốc gia Nam Mỹ không giáp biển này có một đường biên giới thuộc vào loại có địa hình xa xôi, khó quản lý bậc nhất, đưa đến vô số sơ hở để buôn lậu ma tuý, vũ khí, và phương tiện di chuyển trái phép. Thách thức này mang đến cho Iran một cơ hội quý báu.
Ông Evan Ellis, một nhà phân tích về Mỹ Latinh kiêm giáo sư nghiên cứu khu vực này, nói với The Epoch Times, “Không có gì ngạc nhiên khi Iran đang tìm kiếm cơ hội tiếp thị các drone của họ trong khu vực.”
Ông Ellis lưu ý rằng những bước tiến bộ của Iran trong lĩnh vực công nghệ và y tế khiến nước này trở thành một ứng cử viên lý tưởng để cung cấp và đào tạo sử dụng loại thiết bị này, thứ mà ông Novillo đã mô tả. Ông lưu ý rằng Iran đã quen thuộc với công nghệ quốc phòng của Nga, một điều thuận lợi khác cho những người cầm quyền ở Bolivia vì một số thiết bị an ninh hiện tại của họ có nguồn gốc từ Moscow.
Ông Ellis nói: “Nhìn chung, điều đó cũng hợp lý thôi. Nhưng chắc chắn điều đó tạo ra một số cơ hội hợp tác khác nhau cho Iran và Bolivia.”
Ông cho biết công nghệ mà Bolivia đang mua của Iran — chẳng hạn như các drone quân sự — có lẽ sẽ không chỉ giới hạn trong sử dụng cho các hoạt động an ninh biên giới và chống buôn lậu. Đối với Iran, điều đó giống như mở đường và thỏa thuận này “thúc đẩy các hình thức hợp tác khác.”
Mối đe dọa khủng bố
Một trong những hậu quả tiềm ẩn của việc Bolivia thắt chặt bang giao với Iran là tổ chức khủng bố Hezbollah do nhà nước hậu thuẫn có thể mở rộng phạm vi tiếp cận. Nhóm này đã hoạt động trong các khu biệt lập trên khắp châu Mỹ Latinh trong nhiều thập niên, đặc biệt là gần biên giới ba nước Brazil, Argentina, và Paraguay.
Tại Argentina, Hezbollah có liên quan đến vụ đánh bom Đại sứ quán Israel và Trung tâm Cộng đồng Do Thái trong những năm 1990.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times