Người tố giác ZTE thách thức ĐCSTQ: ‘Hãy cẩn thận với điều mình ao ước’
Là một luật sư trẻ đầy tham vọng, ông Ashley Yablon chỉ có một mong muốn duy nhất đó là trở thành giám đốc phụ trách mảng quy chế cho một tập đoàn lớn, vì vậy khi được công ty viễn thông Trung Quốc ZTE trao cho cơ hội thực hiện “giấc mơ nghề nghiệp” của mình, ông đã nắm bắt ngay mà không hề do dự.
Tuy nhiên, đến một thời điểm ông nhận ra rằng công việc mơ ước của mình phải trả một cái giá mà ông không đành lòng chấp nhận, đó là lòng trung thành với đất nước của mình. Thế là, giấc mơ ấy đã nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng.
“Tôi không nghĩ mình sẽ cảm thấy an toàn,” ông Yablon, tác giả cuốn sách “Standing Up to China: How a Whistleblower Risked Everything for His Country” (Đứng lên Chống lại Trung Quốc: Cách Người tố giác Mạo hiểm Mọi thứ vì Tổ quốc) sau khi bóc trần các âm mưu của tập đoàn ZTE nhằm lách luật xuất cảng của Hoa Kỳ, cảnh báo.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” (Các nhà lãnh đạo Tư tưởng Mỹ) của Epoch TV được phát sóng hôm 15/12, ông Yablon đã kể lại câu chuyện về cách ông đã thách thức công ty Trung Quốc này, và nói rộng ra là Đảng Cộng sản Trung Quốc, như thế nào.
Tham vọng mù quáng
Ông Yablon bắt đầu làm việc tại ZTE từ tháng 10/2011, sau nhiều năm “trau dồi kỹ năng của mình” tại nhiều công ty luật khác nhau và ngày càng thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp ở công ty.
“Tại một công ty luật, chúng ta thực hành một loại luật với nhiều khách hàng khác nhau,” ông chia sẻ. “Còn khi là một giám đốc phụ trách mảng quy chế, chúng ta lại thực hành rất nhiều loại luật với chỉ một khách hàng. Và điều đó khiến tôi quan tâm — hỗ trợ kinh doanh nhiều hơn so với làm việc tại một công ty luật và chỉ lập hóa đơn cho công việc kinh doanh.”
Trước khi đảm nhận vai trò giám đốc phụ trách mảng quy chế tại ZTE, ông Yablon đã làm việc tại McAfee, một công ty nhu liệu chống virus và sau đó là Huawei, một công ty viễn thông khác của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ, ‘Đây đúng là một cơ hội có một không hai. Đây là một công ty quốc tế trị giá hàng tỷ dollar, và tôi là phụ tá giám đốc pháp chế,” ông ấy giải thích. “Vì vậy, tôi không biết mình sẽ phải làm gì ở Huawei, nhưng sau đó tôi cũng nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa văn hóa Mỹ và văn hóa phương Đông, hay cụ thể là văn hóa Trung Quốc.”
Ông Yablon nói thêm, một trong những điểm khác biệt đó là người Trung Quốc dường như nhìn khái niệm đạo đức qua một lăng kính khác.
Nhớ lại một trường hợp tại Huawei, nơi một trong những đồng nghiệp có quốc tịch Trung Quốc của ông, một luật sư khác, quả quyết rằng việc tuân thủ luật pháp “chỉ là một gợi ý,” anh ấy giải thích: “Chúng ta có một la bàn đạo đức, hoặc chúng ta tin rằng có những thứ trái với đạo đức. Họ không nhìn nhận vấn đề này theo cách đó. Và không phải họ là những người vô đạo đức, mà là họ không nhìn nhận công việc kinh doanh hay những quyết định theo cách đó, giống như cách mà chúng ta làm ở phương Tây.”
Trong nhận thức muộn màng, ông Yablon nói rằng sự cố đó lẽ ra phải là một “chỉ dấu nguy hiểm” về những gì ông đang dấn thân vào, nhưng ông đã bị những mục tiêu nghề nghiệp của bản thân làm mờ mắt.
“Điều đó khiến tôi ngờ vực,” ông bộc bạch, “nhưng nó không khiến tôi ngừng ngạo mạn hay khao khát thăng tiến trở thành giám đốc phụ trách mảng quy chế.”
Rủi ro kinh doanh
Tuy nhiên, tại ZTE, không mất quá nhiều thời gian để ông Yablon nhận ra rằng công ty này đang nằm dưới cuộc điều tra của Hạ viện Hoa Kỳ như một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia, và khi hợp đồng giữa công ty này với Iran bị rò rỉ, thì những rủi ro trong công việc này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
“Một bài báo đăng trên tạp chí Reuters nói rằng họ có một bản sao hợp đồng giữa ZTE và đất nước Iran, và ZTE đang bán công nghệ gián điệp trị giá hàng trăm triệu dollar,” ông nhớ lại. “Vấn đề là họ đã sử dụng các bộ phận linh kiện của Hoa Kỳ để làm điều đó.”
Khi ông Yablon phát hiện ra, ZTE đang sử dụng các công ty vỏ bọc để mua các bộ phận linh kiện của Hoa Kỳ, chuyển những mặt hàng đó về lại Trung Quốc, rồi lại tiếp tục đem bán cho Iran.
Do lệnh trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ đối với Iran, việc xuất cảng bất kỳ hàng hóa nào sang quốc gia đó cũng đều bị cấm theo luật của Hoa Kỳ.
Sau khi hợp đồng của ZTE với Iran bị rò rỉ, ông Yablon cho biết ông chỉ được phép có 15 phút để xem xét những gì viết trong tài liệu và đánh giá bất kỳ thiệt hại tiềm ẩn nào mà những thông tin đó có thể gây ra.
“Tôi đã xem một phần của hợp đồng có nhan đề ‘Cách Lách luật Xuất cảng của Hoa Kỳ’, và trong đó liệt kê toàn bộ các công ty vỏ bọc. Mục này mô tả những gì mỗi bên sẽ làm, và tôi suýt té khỏi ghế khi nhìn thấy điều đó,” ông nhớ lại. “Và tôi biết rằng tôi cần phải làm gì đó.”
Mạo hiểm mọi thứ
Ông Yablon khuyên ông chủ của mình nên phối hợp với cuộc điều tra của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng sau đó ông biết rằng công ty này đã đưa ra một hướng hành động khác.
“Họ muốn nói dối,” ông nói. “Và họ muốn tôi trở thành vật tế thần cho họ, nói rằng họ không làm gì bất hợp pháp. Đó là lúc tôi chính thức trở thành cái mà người ta gọi là ‘người tố giác’, tôi phải đến trình diện FBI và giải thích chuyện gì đang xảy ra.”
Ông Yablon đã cung cấp cho FBI một bản khai dài 32 trang bóc trần kế hoạch của công ty này về việc làm thế nào có thể lách luật xuất cảng của Mỹ để bán cho các quốc gia bị cấm vận. Sau đó, tài liệu này đã bị rò rỉ cho giới truyền thông, tiết lộ ông Yablon là người tố giác, đẩy tính mạng của ông và vợ ông rơi vào tình thế vô vàn nguy hiểm, vì theo luật sư, trên thực tế ZTE nằm dưới sự điều hành của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
“Vợ tôi và tôi đang ngồi trước máy điện toán, chỉ cần nhấn nút làm mới và đợi bài báo đó xuất hiện vì tôi biết cuộc sống của mình sau đó sẽ không bao giờ như cũ nữa,” ông hồi tưởng lại. “Và chắc chắn, đó là những gì đã xảy ra. Khoảnh khắc đó đã đến, chúng tôi bật phắt dậy. Vợ tôi nói với tôi: ‘Chúng ta có 30 phút để ra khỏi ngôi nhà này, nếu không chúng ta sẽ bị sát hại.’ Và chúng tôi đã tin là như thế.”
Và mặc dù họ có thể lẩn trốn trong thời gian ngắn, nhưng sau đó ông Yablon buộc phải quay lại làm việc tại ZTE để bảo vệ các khiếu nại về công việc của mình chống lại công ty này. Vào ngày đầu tiên trở lại làm việc, ông quay lại văn phòng và thấy trên cửa phòng làm việc có dán băng cảnh sát và một thông điệp duy nhất được viết trên tấm bảng trắng của ông: “CHẾT!!!”
Mô tả thêm về những lần mà ông và vợ bị nhiều công dân Trung Quốc theo dõi, ông Yablon nói thêm rằng ông cũng nhận được một số lời đe dọa đến tính mạng từ ông chủ của mình.
Ông nói “Họ đang nói, từ ZTE rằng, ‘Chúng tôi, ZTE, sẽ sát hại ông. Chúng tôi sẽ sát hại cả nhà ông. Chúng tôi sẽ sát hại các con ông. Chúng tôi sẽ sát hại cả đến đời con của con ông. Chuyện đó sẽ không bao giờ dừng lại đâu.”
Hồi năm 2017, ZTE và chính phủ Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận trong đó công ty viễn thông này đã nhận tội âm mưu vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế bằng cách vận chuyển trái phép các mặt hàng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ đến Iran, cũng như cản trở công lý và đưa ra tuyên bố sai sự thật.
Tổng cộng, công ty này đã trả khoảng 1.2 tỷ USD cho các khoản tiền phạt và hình phạt.
Ngoài ra, hôm 25/11, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã thông qua các quy tắc mới cấm nhập cảng hoặc bán thiết bị liên lạc của Trung Quốc được xem là một mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia, trong đó có thiết bị của ZTE và Huawei.
Trong khi đó, đối với ông Yablon, một trong những ảnh hưởng của việc bị đuổi khỏi công ty với tư cách là người tố giác đó là công việc của ông có sự thay đổi lớn. Trong hơn hai năm, ông đã gặp khó khăn để tìm được một công việc khác, cuối cùng ông tìm được một công việc với sự giúp đỡ của một đồng nghiệp cũ ở ZTE. Bây giờ, ông cung cấp hướng dẫn pháp lý cho các công ty nhằm hỗ trợ việc tuân thủ pháp luật.
Đối với những bài học mà ông đã học được, ông lưu ý: “Rõ ràng là lòng tham thì không có đáy, và đó cũng là thứ thúc đẩy tất cả chúng ta. Nhưng nếu không được kiểm soát, thì tham vọng ấy có thể trở thành thảm họa. Vì vậy, tôi nghĩ, điều đầu tiên là, hãy cẩn thận với những gì mình ao ước, bởi vì chúng ta có thể chuốc lấy chính điều đó. Và điều quan trọng thứ hai, tôi nghĩ, đó là chúng ta sẵn lòng làm điều chính nghĩa đến mức nào?”
Khi chia sẻ thêm rằng ông cảm thấy mình đã “vượt qua bài khảo nghiệm này,” ông Yablon nói: “Tôi không chỉ mạo hiểm công việc của mình mà còn mạo hiểm cả sự nghiệp của mình. Tôi đã đánh đổi cả tiền tài danh vọng của mình. Nhưng quan trọng nhất, là tôi đã đánh đổi cả mạng sống của chính mình.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times