Người tố giác tình hình dịch bệnh chỉ trích ĐCSTQ vì che đậy dữ liệu COVID
Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng (Yan Limeng) cáo buộc ĐCSTQ che đậy dữ liệu về các ca nhiễm bệnh COVID-19 cũng như về chủng virus này ở Trung Quốc.
Cô Diêm từng là một thành viên của Phòng thí nghiệm Quy chiếu Cúm H5 trong mạng lưới các phòng thí nghiệm của WHO tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hồng Kông. Cô đã đào thoát sang Hoa Kỳ sau khi đặt câu hỏi về nguồn gốc của virus COVID-19. Cô cho biết đợt bùng phát dịch bệnh gần đây đã gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc khi so sánh với các quốc gia khác, và số người tử vong là vô cùng cao.
Đợt bùng phát dịch COVID càn quét khắp Trung Quốc này đã dẫn đến các ca nhiễm bệnh, các ca bệnh nặng và tử vong ở nước này tăng vọt, đẩy hệ thống y tế và dịch vụ tang lễ của Trung Quốc vào tình trạng quá tải.
Trong một cuộc họp báo hôm 13/01, ông Trần Thao (Chen Cao), một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại CDC Trung Quốc cho biết, kể từ ngày 01/12/2022 đến ngày 10/01/2023, họ đã phát hiện thấy 19 nhánh tiến hóa của Omicron đang lưu hành trong nước.
Theo ông Trần, các biến thể phụ BA.5.2 và BF. 7 của Omicron đang là hai biến thể gây bệnh chủ đạo, chiếm 97% trong tổng số 19 nhánh tiến hóa được phát hiện trong thời gian đó. Ông Trần không cung cấp thêm chi tiết về 19 biến thể phụ này.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền hôm 10/01 với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cô Diêm cho hay, nếu như Trung Quốc và thế giới có các loại biến thể giống nhau thì không thể nào lại gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh [có mức độ nghiêm trọng] quá khác biệt như vậy được.
Cô Diêm nói, “Chúng tôi đã tìm thấy hai biến thể phụ là BF7 và XBB ở hải ngoại. Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng những biến thể phụ được tìm thấy ở Trung Quốc này giống với các loại biến thể được tìm thấy ở hải ngoại. Nếu các loại biến thể này là giống nhau, vậy thì quá vô lý, bởi vì những triệu chứng mà các biến thể này gây ra [ở Trung Quốc] nghiêm trọng hơn nhiều so với ở các quốc gia ngoại quốc.”
Phát hiện các vị trí né tránh miễn dịch trên mẫu phân tích trình tự gene của những du khách Trung Quốc đến Ý
Cô Diêm là một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chuyên về virus học và miễn dịch học tại Đại học Hồng Kông trước khi đào thoát sang Hoa Kỳ. Cô nói rằng sau khi phân tích trình tự bộ gene của virus mà du khách Trung Quốc mang theo đến Ý, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một sự biến đổi rất vi tế — các vị trí (loci*) né tránh miễn dịch. (* Loci là các vị trí cụ thể của một gene trên nhiễm sắc thể.)
“Những biến thể chiếm ưu thế ở Trung Quốc là gì? Người ngoài như chúng ta sẽ không thể biết được; chúng ta chỉ còn cách kiểm tra trình tự bộ gene của loại virus này để xem đó là biến thể nào,” cô Diêm nói, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà nghiên cứu phương Tây phải dựa vào các xét nghiệm phân tích trình tự gene của những người Trung Quốc bị nhiễm bệnh đi du lịch ngoại quốc.
Cô Diêm giải thích rằng Omicron giống như một đại gia đình và biến thể này có các chủng đột biến khác nhau, trong đó có một số đột biến trông thì rất giống [với các biến thể trước đó], nhưng về mặt chức năng thì lại có sự khác biệt rất lớn.
Cô Diêm cho hay, “Khi chúng ta bàn luận về Omicron, mọi người có thể rút ra một số đặc điểm chung về biến thể này trong ba năm qua: Omicron chủ yếu tấn công vào đường hô hấp trên và hầu như không xâm nhập vào phổi. Vì vậy, nhiều người có thể nghĩ rằng Omicron không nguy hiểm đến thế.”
Tuy nhiên, đối với tất cả các biến thể phụ của Omicron, thì giả thiết này không phải lúc nào cũng đúng.
“Nếu một số biến thể phụ của Omicron đột biến ở một số vị trí gene đặc biệt, thì biến thể phụ đó phải được xem là một biến thể độc lập, mặc dù đó vẫn chỉ là một nhánh phụ của Omicron,” cô Diêm nói, đồng thời cho biết thêm rằng cô và các đồng nghiệp của mình đã tìm thấy một số biến đổi nhỏ trong biến thể phụ mà du khách Trung Quốc đã mang đến Ý.
“Chẳng hạn như trường hợp ở Ý, thông qua phân tích trình tự bộ gene, chúng tôi đã tìm thấy các vị trí gene né tránh miễn dịch trong các biến thể phụ [của Omicron] mà du khách Trung Quốc mang theo. Điều đó có nghĩa là, mặc dù các biến thể này của Omicron trông rất giống với biến thể Omicron mà chúng ta đã biết đến trước đây, nhưng chúng có một biến đổi vi tiểu chủ yếu phát sinh ở các vị trí gene có thể gây ra sự né tránh miễn dịch này. Một khi chủng virus này né tránh được hệ miễn dịch, thì chủng này sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn cho cơ thể con người,” cô Diêm giải thích trong cuộc phỏng vấn nói trên, đồng thời cho biết thêm rằng đây là lý do tại sao các ca nhiễm COVID ở Trung Quốc lại nghiêm trọng hơn ở các quốc gia khác.
Về việc né tránh hệ miễn dịch, cô Diêm tiếp tục giải thích rằng hầu hết người dân Trung Quốc lẽ ra phải có một số kháng thể toàn diện sau ba năm đại dịch bùng phát ở nước này. “Nhưng các biến thể đó sẽ vượt qua được các kháng thể này, và cơ thể của mọi người sẽ một lần nữa giống như mất đi lớp rào bảo vệ chống lại chủng virus này.”
Cô Diêm nói rằng câu hỏi đặt ra là khả năng né tránh miễn dịch này là một hiện tượng tự nhiên hay phi tự nhiên. Cô nói, “Chúng tôi đã và đang nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi sẽ tiết lộ kết quả của mình sau khi chúng tôi tháo gỡ được vấn đề đó.” Vì họ không thể truy cập dữ liệu chân thực ở Trung Quốc, nên họ cần “nhiều thời gian và nhiều cơ hội hơn để tìm thêm bằng chứng.”
Các loại vaccine của Trung Quốc có hiệu quả thấp
Khi nói về tỷ lệ chích ngừa cao ở Trung Quốc và đợt bùng phát dịch giống như sóng thần kể từ cuối năm ngoái (2022), cô Diêm bày tỏ sự hoài nghi về công nghệ và hiệu quả của các loại vaccine Trung Quốc.
CDC Trung Quốc tuyên bố rằng, tính đến hôm 12/01/2023, chế độ này đã chích 3.48 tỷ liều vaccine cho 1.31 tỷ người. Đối với những người từ 60 tuổi trở lên, có 676.75 triệu liều vaccine đã được chích cho 241.54 triệu người cao niên, chiếm tới 86% số người cao niên ở Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, dù tỷ lệ chích ngừa rất cao, nhưng tính đến hôm 11/01 vẫn có khoảng 900 triệu người bị nhiễm COVID, gần 80% trong số họ phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng.
Cô Diêm cho rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đã làm giả dữ liệu về hiệu quả của các loại vaccine của nước này.
Cô nói, “Chúng tôi biết công nghệ vaccine của Trung Quốc là lạc hậu.”
Theo cô Diêm, Trung Quốc chủ yếu sử dụng các loại vaccine bất hoạt, đã được chứng minh là không có tác dụng trong việc phòng ngừa COVID.
“Loại vaccine này đã được chứng minh là một thất bại vào năm 2003 khi được sử dụng cho bệnh SARS,” cô Diêm nói, đồng thời cho biết thêm rằng các loại vaccine đó không tạo ra đủ lượng kháng thể mà cơ thể cần.
SARS — Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nghiêm trọng — lần đầu tiên được xác định vào tháng 11/2002 tại Quảng Đông, một tỉnh ở phía nam Trung Quốc. ĐCSTQ đã che đậy nguồn gốc của dịch bệnh này, cho phép căn bệnh này lây lan nhanh chóng trên toàn quốc và sau đó là ra thế giới.
Tên chính thức của chủng virus gây ra COVID-19 là SARS-CoV-2.
Theo cô Diêm, bà Trần Vy (Chen Wei), một vị tướng của Trung Quốc và là chuyên gia vũ khí sinh học hàng đầu tại Học viện Khoa học Quân sự, đã lãnh đạo một nhóm phát triển và bào chế một loại vaccine bất hoạt cho bệnh SARS vào năm 2003. Mặc dù họ tuyên bố rằng vaccine của họ là đáng tin cậy và thành công, nhưng họ chỉ mới bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. Lý do mà nhóm nghiên cứu đưa ra là SARS1 đã không còn tồn tại.
Cô Diêm tin rằng loại vaccine mà bà Trần phát triển đã không được sử dụng trong các thử nghiệm trên người vì vaccine này không thể tạo ra dữ liệu sinh lý trong các thí nghiệm trên động vật và loại vaccine này không dành cho con người.
“Về mặt lý thuyết, loại vaccine này tạo ra hiệu ứng ADE [tăng phụ thuộc kháng thể] dễ dàng hơn. Người ta còn không biết trong cơ thể mà đã được chích nhiều lần vaccine này có bao nhiêu kháng thể có thể bảo vệ chúng ta, và bao nhiêu kháng thể có thể gây ra tác dụng phụ cho chúng ta,” cô Diêm nói. Cô nói rằng cô không thể nghiên cứu được mức độ nghiêm trọng của những tác dụng phụ vì chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ công khai dữ liệu liên quan đến vấn đề này.”
Một vài gợi ý cho bệnh nhân COVID ở Trung Quốc
Vì ĐCSTQ đang kiểm soát các nguồn lực y tế trên toàn quốc, nên việc tiếp cận được thuốc điều trị COVID của người dân Trung Quốc đã trở thành một việc khó khăn. Cô Diêm gợi ý một số loại thuốc mà người Trung Quốc dễ tiếp cận hơn, nhưng cô nói rằng bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ Tây y trước khi dùng.
Cô Diêm gợi ý mọi người sử dụng hydroxychloroquine sulfate, về căn bản là một loại thuốc không kê đơn có sẵn ở một số tiệm thuốc ở Trung Quốc.
Một loại thuốc khác được cô Diêm khuyên dùng là chloroquine diphosphate, mà cô nói là có độc lực mạnh hơn và chắc chắn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Cô Diêm nhấn mạnh rằng không được sử dụng thuốc này cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
Cô Diêm cũng khuyên dùng azithromycin, vì loại thuốc kháng sinh này tương đối dễ kiếm ở Trung Quốc.
Cô Diêm cho biết Ivermectin có thể hiệu quả trong việc ức chế COVID, nhưng loại thuốc này ở Trung Quốc là phiên bản dành cho thú y. Vì vậy, bệnh nhân Trung Quốc cần mua loại thuốc dành cho người và tham khảo liều lượng sử dụng ở các quốc gia khác.
Ngoài những gợi ý về thuốc điều trị COVID, cô Diêm cho rằng mọi người nên bổ sung vitamin C và vitamin D3 thường xuyên. Cô nói rằng tình trạng thiếu vitamin D3 thường hay gặp ở bệnh nhân COVID và việc thiếu hụt những dưỡng chất này sẽ khiến cho hệ miễn dịch của con người bị suy yếu, nên bệnh nhân sẽ dễ bị nhiễm COVID hơn.
Cô Diêm nói rằng những người bị nhiễm COVID hoặc bị nhiễm trùng thứ phát nên thường xuyên theo dõi nồng độ oxy trong máu của họ. Thông thường, khi nồng độ oxy trong máu xuống dưới 95%, bệnh nhân nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ; và nếu dưới 90%, thì bệnh nhân cần phải được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
“Những người trẻ tuổi bị nhiễm COVID, sau khi hạ sốt hoặc sau khi xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả âm tính, sẽ ra ngoài chơi thể thao hoặc quay lại làm việc mà không nghỉ ngơi, thậm chí còn làm việc ngoài giờ. Nhưng trên thực tế, họ có thể vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Chúng tôi phát hiện trong số các thanh niên, có một số người bị đột tử,” cô Diêm nhắn nhủ, đồng thời gợi ý rằng thanh niên nên dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và giảm vận động mạnh trong thời gian hồi phục.
Cô Diêm cũng nói rằng người Trung Quốc nên ghi lại những trải nghiệm của họ theo nhiều cách khác nhau để làm tài liệu lịch sử, chẳng hạn như nhật ký, bài đăng trực tuyến, và các đoạn video clip.
Bản tin có sự đóng góp của Hạ Đôn Hậu và Thường Xuân
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times