Người sống sót sau thảm họa Holocaust nhìn thấy sự tương đồng giữa Đức Quốc Xã và biện pháp chống dịch COVID
Bà Vera Sharav, người sống sót sau thảm họa Holocaust, là đạo diễn của một seri phim tài liệu cho thấy sự tương đồng giữa những gì xảy ra dưới chế độ Đức Quốc Xã vào những năm 1930 và các chính sách gần đây trong đại dịch COVID-19.
Bộ phim đầu tiên của bà Sharav, “Never Again is Now Global,” được khởi chiếu hôm 30/01. Đây là một loạt bài phỏng vấn gồm năm phần với những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust cũng như đời hậu duệ (con, cháu) của những người sống sót và những người Đức dựa trên câu chuyện của ông bà họ.
“Lúc đầu tôi không định làm phim dài tập,” bà Sharav nói với The Epoch Times. “Tôi cảm thấy rằng những gì tôi đang cảm nhận, chứng kiến, và quan sát gợi nhớ đến cái mà tôi gọi là ‘khúc dạo đầu của Holocaust.’”
Vì vậy, bà quyết định xem liệu có người sống sót nào khác thấy được những gì mà bà đang thấy hay không.
“Cuối cùng nó đã trở thành một bộ phim dài năm tiếng rưỡi bởi vì những gì mọi người nói đều phải được ghi lại,” bà Sharav cho biết.
Bộ phim này không được thực hiện như một dự án thương mại. “Bộ phim này thực sự được thực hiện như một bài học.”
Bà Sharav cho biết bà không có kịch bản và không có mục tiêu định sẵn. “Tôi muốn xem câu chuyện này sẽ tiến triển đến đâu.”
Bà nói rằng những người tham gia vào bộ phim tài liệu này đã làm như vậy vì họ chỉ muốn nói chuyện. “Lòng họ trĩu nặng, và họ muốn nói những gì họ biết cũng như cách họ nhìn nhận tất cả những điều này.”
‘Tôi đã đúng khi không vâng lệnh’
Bà Sharav sinh vào tháng 04/1937 ở Romania. Năm 1941, gia đình bà bị trục xuất và bị đẩy vào một trại tập trung ở Ukraine. Cha của bà Sharav qua đời trong trại vì căn bệnh sốt phát ban trước khi bà lên năm. Căn bệnh này đã hoành hành ở tất cả các khu ổ chuột cũng như các trại tập trung vào thời điểm đó.
Trại tập trung đó không phải là một trại tử thần mà là một trại trung chuyển. Ở đó họ bị bỏ đói. Tuy nhiên, nỗi lo sợ bị liệt vào một danh sách đưa đến một trại tử thần luôn đeo bám mọi người. “Vì thế, đó là một trạng thái sợ hãi thường trực, tất nhiên là cả lạnh cóng, và đói lả,” bà Sharav nói trong phần mở đầu của tập phim đầu tiên.
Mẹ của bà Sharav biết rằng sẽ có một cuộc giải cứu đối với một số trẻ em mồ côi. Vì vậy, bà ấy đã nói dối và đưa cô bé Sharav vào một danh sách trẻ mồ côi để giữ được mạng sống.
Cô bé Sharav rời đi trên một chuyến tàu chở gia súc. Ở đó cô kết thân với một gia đình. Khi họ đến thành phố cảng, có ba chiếc thuyền nhỏ đang đợi để đưa họ đi. Họ có danh sách chỉ định cho mọi người, từng người được đưa lên thuyền được chỉ định của mình.
Cô bé Sharav được chỉ định lên thuyền với những đứa trẻ mồ côi khác, nhưng cô từ chối và nhất quyết không lay chuyển. Mọi người đều lên thuyền, còn cô bé Sharav bị bỏ lại một mình. Cuối cùng, cô đã có thể lên thuyền với gia đình mà mình muốn ở cùng.
Trong đêm đó, một chiếc tàu ngầm đã phóng ngư lôi vào chiếc thuyền chở những đứa trẻ mồ côi kia. Không ai trong số họ sống sót.
“Tôi đã đúng khi không vâng lệnh,” bà Sharav nói trong tập phim. “Đó là một bài học mà tôi nghĩ đã tạo nên con người mình.”
Bà đến Hoa Kỳ vào tháng 01/1948.
Những điểm tương đồng với các chính sách COVID
Bà Sharav nói với The Epoch Times rằng các chính sách được ban hành để chống dịch COVID-19 là “tội ác táo tợn nhất chống lại nhân loại,” và lần này họ không nhắm mục tiêu vào một nhóm người duy nhất. Người Do Thái không phải là trọng tâm nhưng “mô hình là như nhau. Đó chính là mô hình mang tính toàn cầu.”
Bà nói rằng mọi người đã được hướng dẫn hết điều này đến điều khác, những thứ rất có hại cả cho “sức khỏe tâm sinh lý.”
Theo bà Sharav, phong tỏa và cách ly là điều tệ hại nhất. Các hạn chế của chính phủ quá nghiêm ngặt, không cho phép mọi người vào những nơi công cộng kể cả nhà hàng và các buổi hòa nhạc.
Bà Sharav cho rằng người dân cần cho xem một sổ thông hành màu xanh, vốn chỉ có tác dụng phân biệt những người tuân thủ chỉ thị và được tán thưởng với những người chọn không nghe theo chính phủ mà chỉ nghe theo lý lẽ của mình.
Trong tình huống đó, “mọi người bắt đầu tự thuyết phục bản thân theo kiểu ‘tốt thôi, chuyện đó không đến nỗi nào,’” bà nói. “‘Chúng ta có thể mua sắm ở một cửa hàng khác. Chúng ta không phải đi đến khu chợ lớn. Chúng ta không cần phải đi xem phim. Bọn trẻ không cần phải đến những ngôi trường này,’ và chuyện đó cứ tiếp diễn mãi.”
Bà Sharav cho biết trong thời gian phong tỏa ở nhiều nơi, có những người đã gọi điện cho cảnh sát để thông báo với hàng xóm của họ là mọi người không được phép ra ngoài sau giờ giới nghiêm. “Điều đó gợi lên cho người ta về chuyện gì đây?”
Bà Sharav nhận định rằng đối với quy định đeo khẩu trang, chưa bao giờ có bất kỳ khoa học hay mô hình y tế nào chứng minh rằng khẩu trang có thể bảo vệ bất cứ người nào khỏi một loại virus.
“Những chiếc khẩu trang là một biểu tượng của sự ô nhục và tình trạng nô lệ,” bà nói. Chỉ nô lệ mới phải đeo mặt nạ. Không phải những chiếc khẩu trang này, mà là những chiếc mặt nạ. Nó là một biểu tượng, “biểu tượng tương đương của ngôi sao màu vàng.”
Một số người cảm thấy không hài lòng khi bà Sharav so sánh vụ thảm sát Holocaust với các chính sách về COVID-19.
“Tôi không cực đoan,” bà nói. “Điều này xuất phát từ nỗi đau sâu thẳm, để thấy rằng đó là những gì đã xảy ra trong khoảng 80 năm qua.”
“Một trong những vấn đề là hầu hết mọi người, kể cả người Do Thái, kể cả người Israel, không thực sự biết về biến cố lịch sử này,” bà Sharav nói. Và biến cố lịch sử đó là Hitler nắm quyền kiểm soát vào tháng 01/1933. ‘Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái’ mãi đến năm 1942 mới bắt đầu.”
Bà kể, trong hoàn cảnh đó, có nhiều giai đoạn họ bóp nghẹt người Do Thái — đầu tiên là đưa họ vào các khu ổ chuột, và sau đó tước đoạt hết toàn bộ tài sản của họ.
Mãi đến năm 1938, khi các biên giới đóng cửa, người Do Thái mới bị mắc kẹt. Nhưng trước đó, họ đã có thời gian để rời khỏi châu Âu. Nhưng họ đã không làm thế.
Bi kịch này còn nằm ở chỗ giới lãnh đạo Do Thái đã đánh lừa mọi người và nói với họ rằng “hãy vâng lệnh, mọi chuyện sẽ ổn thôi, chuyện này sẽ kết thúc thôi,” bà Sharav hồi tưởng.
“Đó là cách mà họ đã bị mắc bẫy.”
Tất cả các biện pháp chống COVID-19 này “thực sự khiến tôi nhớ đến một số dấu hiệu rất đáng ngại,” bà bày tỏ.
Bây giờ công nghệ tiên tiến hơn nhiều, “Đức Quốc Xã chỉ có thể mơ về loại mã định danh (ID) kỹ thuật số mà các chính phủ hiện nay có được,” bà Sharav nói. “Nếu mọi người đồng ý trở thành một [số] ID thay vì danh tính của họ. Chính là thứ đó. Đó là thứ vũ khí tồi tệ nhất.”
Nó xuất hiện ngay từ số hình xăm. “Những hình xăm đó là những con số nhận dạng của IBM. Bây giờ, hầu hết mọi người có biết điều đó không?” bà hỏi.
Ông Edwin Black, một người được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu này, là tác giả của cuốn sách “IBM and the Holocaust” phát hành năm 2001. Ông lập luận rằng những con số mà Đức Quốc Xã xăm lên người các tù nhân đã bắt đầu bằng số IBM Hollerith gồm năm chữ số.
Máy nhập liệu Hollerith là máy sắp xếp dữ liệu trên thẻ đục lỗ và được sử dụng để xác định và theo dõi cư dân Do Thái của đất nước này.
Trong một tuyên bố năm 2001, công ty này đã thừa nhận việc Đức Quốc Xã sử dụng thiết bị của mình: “IBM và các nhân viên của công ty này trên khắp thế giới nhận thấy những hành động tàn bạo do chế độ Đức Quốc Xã gây ra là ghê tởm và lên án dứt khoát bất kỳ hành động nào tiếp tay cho những hành động ghê tởm của họ.
“Trong nhiều thập niên, người ta đều biết rằng Đức Quốc Xã đã sử dụng thiết bị của ông Hollerith và công ty con của IBM tại Đức trong những năm 1930 — công ty Deutsche Hollerith Maschinen GmbH (Dehomag) — đã cung cấp thiết bị của ông Hollerith. … Dehomag nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Đức Quốc Xã trước và trong Đệ nhị Thế chiến.”
‘Tuyên truyền nuôi dưỡng nỗi sợ hãi’
Trong tập thứ hai của seri phim tài liệu của mình, bà Sharav kể về sự ra đi của con trai bà, ông Amichai, người đã thiệt mạng vì phản ứng với một loại thuốc được kê đơn.
“Chà, quý vị biết đấy, tôi thực sự không thể nói về bi kịch cá nhân này. Tuy nhiên, tôi có thể nói về những gì điều đó đã dạy cho tôi,” bà nói.
Loại thuốc đã sát hại ông ấy được quảng cáo là “phương pháp điều trị thần kỳ” cho tình trạng của ông.
Sự ra đi của ông đã đưa bà Sharav đến với công việc vận động chính sách mà bà đã làm trong nhiều thập niên.
Bà Sharav đã thành lập Liên minh Bảo vệ Nghiên cứu Con người (AHRP), có một sứ mệnh “bảo đảm rằng quyền đạo đức của việc ra quyết định y tế tự nguyện phải được duy hộ.”
Theo trang web của AHRP, tổ chức này cũng nỗ lực tích cực chống lại “những tuyên bố sai sự thật được phổ biến rộng rãi nhằm phóng đại lợi ích của các biện pháp can thiệp y tế, đồng thời làm giảm thiểu rủi ro.”
Bà Sharav nói trong bộ phim này: “Sự độc đoán trong các chính sách COVID-19 của chính phủ đột ngột quy định cách sống của quý vị và tung ra hàng loạt những [luận cứ] để chứng minh cho một luận điệu duy nhất là “hoàn toàn không đúng.”
Thời gian trôi qua, bà thấy rõ ràng rằng mọi người đã “bị dồn ép như một bầy đàn.”
“Những người chịu trách nhiệm về đại dịch này đã sử dụng hai loại vũ khí mà Đức Quốc Xã đã sử dụng, đó là sự sợ hãi và tuyên truyền,” bà nói, đồng thời cho biết thêm, “tuyên truyền đang nuôi dưỡng nỗi sợ hãi.”
Trong chế độ Đức Quốc Xã, “nỗi sợ hãi này là nhắm vào những người Do Thái vốn bị buộc tội là người lây lan bệnh truyền nhiễm.”
Bà Sharav cho biết trong phim trên: “Chính phủ trong thời Đức Quốc Xã đã hoàn toàn kiểm soát y học và “họ là những người đã vạch ra các quy trình cho tội ác diệt chủng.”
Hồi tháng 03 và tháng 04/2020, các chính phủ trên khắp Tây Âu, Hoa Kỳ, Canada, và Úc đã ban hành các chỉ thị bao gồm các chính sách phong tỏa và cách ly cũng như bắt buộc phải đeo khẩu trang. Những chính sách này đã được tiếp nối bằng việc chích vaccine bắt buộc ở nhiều nơi vào năm sau.
Rất lâu trước khi dịch COVID-19 xảy ra, bà Sharav đã nhận thấy mối liên hệ với “cái gọi là lá chắn của sức khỏe cộng đồng.”
Bà Sharav cho biết các bác sĩ tư nhân không được phép điều trị cho bệnh nhân theo đánh giá chuyên môn của mình, chỉ được sử dụng các loại thuốc có sự chấp thuận và cấp phép đầy đủ của FDA.
“Tại sao họ chỉ được phép sử dụng những gì do chính phủ quy định?” bà hỏi. “Các quan chức chính phủ có loại thẩm quyền hoặc kiến thức vượt trội nào đối với các nhà khoa học thực sự, các bác sĩ thực thụ, những người tuân thủ lời thề Hippocrates vốn quy định điều đầu tiên là không gây hại cho con người?”
Bà Sharav lập luận rằng, sức khỏe cộng đồng không liên quan đến cá nhân.
Vấn đề chính là khi cá nhân đó không còn được xem là đối tượng quan trọng nhất thì “các tiêu chuẩn đạo đức sẽ bị bỏ qua, và đó là những gì chúng ta đang chứng kiến.”
Trong seri phim tài liệu này, bà Sharav vinh danh ông Vladimir Zelenko, một bác sĩ người Do Thái đến từ New York. Ông là họ hàng thế hệ thứ ba của một người sống sót sau vụ thảm sát nhưng hiện tại đã qua đời.
Ông Zelenko cho biết trong bộ phim rằng ông đã sớm thấy trong đại dịch COVID-19 rằng bất kỳ bác sĩ nào lên tiếng chống lại luận điệu của chính phủ sẽ ngay lập tức bị loại bỏ, đồng thời nói thêm rằng điều duy nhất có liên quan là “luận điệu mà chính phủ muốn quý vị biết.”
Ông cho biết “Bất cứ điều gì mang lại cho mọi người hy vọng, cho dù đó là hydroxychloroquine, hay sau này là Ivermectin, hay thậm chí chỉ là một khái niệm đơn giản về điều trị sớm, vốn chỉ là kiến thức thường thức, đều bị gạt ra ngoài lề, và bị phỉ báng.”
‘Holocaust được sử dụng như một vũ khí’
Ông Andrew Bridgen, từng là Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ của Vương quốc Anh, đã bị loại khỏi Đảng của mình hồi đầu năm nay sau khi đăng một dòng tweet so sánh các chính sách COVID-19 với Holocaust.
Ông đã đăng trên Twitter trong một dòng tweet đã bị xóa kể từ đó, “Như những gì một bác sĩ tư vấn tim mạch đã nói với tôi, đây là tội ác phản nhân loại lớn nhất kể từ sau thảm họa Holocaust.”
Bà Sharav nói, “Tôi hoàn toàn đồng tình với ông ấy.”
Và những người đã khai trừ ông ấy khỏi Đảng Bảo Thủ “đã sử dụng Holocaust để làm mất uy tín của ông.”
Theo bà Sharav, nguyên nhân đã khiến họ thực sự cho ông ấy ra rìa là vì một bài diễn văn mà ông ấy đã trình bày trước đó, trong đó nêu ra bằng chứng khoa học về số ca tử vong quá mức mà việc chích ngừa gây ra cho người dân Vương quốc Anh.
Bà nói: “Họ đã không mong muốn một Nghị sĩ có thể nói ra sự thật, vì vậy họ đã sử dụng Holocaust như một cách để bôi nhọ ông ấy.”
Bà Sharav nói: “Holocaust được sử dụng như một vũ khí để đả kích mọi người.”
Bà cho biết điều này xảy ra “bởi vì những người tự xem mình là người gác cổng của Holocaust, đặt định ra những gì quý vị được phép nói và những gì quý vị không được phép nói.”
Hôm 30/01, hai mươi lăm nhà khoa học, bác sĩ, và nhà nghiên cứu người Do Thái từ Israel, Anh, Canada, và Hoa Kỳ đã gửi thư tới Thủ tướng Rishi Sunak để phản đối việc đình chỉ Nghị sĩ Bridgen.
Những tác giả này viết: “Vũ khí hóa vấn đề quan trọng của chủ nghĩa bài Do Thái cho những mục đích này là hành vi đặc biệt đáng phản đối và thiếu tôn trọng đối với các nạn nhân của chủ nghĩa này.”
Bức thư nói trên cho biết Quốc hội Vương quốc Anh “đã nắm bắt cơ hội này để nêu lên vấn đề bài Do Thái nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận của những người đưa ra các mối lo ngại chính đáng về hiệu quả và sự an toàn của các loại vaccine COVID này” cũng như việc họ đưa ra các quy định hoặc cưỡng ép, “vốn đã vi phạm nhiều chuẩn mực đạo đức vững chắc.”
Những tác giả này đã yêu cầu Thủ tướng Sunak rút lại những cáo buộc bài Do Thái đối với ông Bridgen.
‘Điều gì khiến chúng ta trở thành những người văn minh’
Bà Sharav cho biết bà hy vọng rằng mọi người thời nay sẽ rút ra bài học từ kinh nghiệm và trực giác của họ và không giao quyền lựa chọn của họ cho các cơ quan chính phủ.
Bà cho biết, những người trưởng thành có trách nhiệm, và mọi người được phép lựa chọn. Bà Sharav nói: “Đây là quyền được Chúa ban, không phải do chính phủ ban tặng,” và chúng ta có thể chọn làm điều tốt hay điều xấu và chúng ta có thể chọn chịu trách nhiệm hoặc giao phó cuộc sống của mình cho bất cứ điều gì các chuyên gia nói.
“Quý vị phải tuân theo các giá trị nhân văn và nguyên tắc đạo đức. Đó là những gì gắn kết và duy trì một xã hội. Đó là điều khiến chúng ta trở nên văn minh,” bà nói.
“Đức Quốc Xã đã xóa sạch mọi giá trị đạo đức.”
Theo bà Sharav, Đức Quốc Xã và Stalin đã phỉ báng các bậc cha mẹ vì họ muốn những đứa trẻ phải tôn trọng chính quyền, hoặc là Komsomol — Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Liên Xô — hoặc là đoàn thanh niên của Đức Quốc Xã.
“Nhưng gia đình là đơn vị quan trọng nhất,” bà nói. “Đó là căn bản.”
Cha mẹ chăm sóc cho con của họ. Nhà nước không bao giờ quan tâm đến họ.
“Nếu mọi người sử dụng bộ não do Chúa ban của họ để hiểu bức tranh toàn cảnh, họ sẽ ngừng tuân lệnh,” bà Sharav nói. “Họ nhận ra rằng điều này đi ngược lại lợi ích của họ và chống lại gia đình họ.”
Bà Sharav cho biết hệ thống của Đức Quốc Xã chỉ định “một số người xứng đáng và những người khác không xứng đáng.”
Ở Âu Châu, họ được gọi là người Do Thái, và bây giờ họ được gọi là người chưa chích ngừa, bà Sharav nói. “Đây là loại virus độc hại nhất và nguy hiểm nhất đang tiếp tục lây nhiễm.”
Và không điều gì trong số này sẽ biến mất trừ khi tất cả chúng ta chống lại nó. “Đó là thông điệp — tầm quan trọng của việc chống cự,” bà Sharav khẳng định.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times