Người Israel kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc
HAIFA, Israel — Hôm 20/07, một cuộc tập hợp đã được tổ chức trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Tel Aviv để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 24 năm ở Trung Quốc.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần giảng dạy các giá trị chân, thiện, và nhẫn cùng với năm bài công pháp tĩnh tại và khoan thai. Sự phổ biến của môn tu luyện này đã tăng vọt ở Trung Quốc trong những năm 1990, với số học viên ước tính khoảng 70 triệu đến 100 triệu người vào cuối thập niên đó.
Xem sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với chế độ cai trị độc đoán của mình, vào ngày 20/07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khởi xướng một chiến dịch sâu rộng nhằm ‘xóa sổ’ pháp môn này. Kể từ đó, các học viên đã phải đối mặt với các vụ bắt giữ, tra tấn bạo lực, cưỡng bức lao động, thu hoạch nội tạng sống, và các phương pháp bức hại về thân thể và tài chính khác vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Ông Vadim Berstetsky, người đứng đầu Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp ở Israel, nói với The Epoch Times rằng sự kiện này được tổ chức với mong muốn đưa sự thật đang diễn ra ở Trung Quốc đến cho người dân Israel.
Ông nói thêm rằng điều quan trọng là các đại diện của ĐCSTQ tại đại sứ quán Trung Quốc phải chứng kiến có những người dân ở Israel “không đồng tình với chính sách nhắm vào Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và chúng tôi yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại.”
‘Chủ nghĩa cộng sản đe dọa quyền tự do của chúng ta’
“Tôi không tu luyện Pháp Luân Công, nhưng chúng ta không cần phải tu luyện mới có thể nhận ra rằng các học viên [Pháp Luân Công] là ánh sáng hy vọng trong thời điểm tăm tối này,” ông Oz Guterman, tiến sĩ tâm lý học kiêm giảng viên cao cấp tại Khoa Khoa học Xã hội và Y tế tại Đại học Bar Ilan, trình bày tại sự kiện, đồng thời cho biết thêm rằng “những học viên này đang phơi bày cách chủ nghĩa cộng sản đang đe dọa quyền tự do của chúng ta.”
Ông Guterman nói với The Epoch Times rằng những hành vi tội ác chống lại Pháp Luân Công “là một phần trong cả một thế giới đầy rẫy tội ác này.”
Ông nói: “Khi quý vị không chống lại thế lực tà ác — như trong trường hợp này là sự tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc — thì thế lực ma quỷ đó sẽ lộng hành hơn.”
Ông Guterman cho biết bất cứ ai phớt lờ cuộc bức hại tàn ác đối với Pháp Luân Công cũng sẽ thấy bình thường khi ĐCSTQ xuất cảng tuyên truyền của họ, chẳng hạn như qua các Viện Khổng Tử hoặc gây ảnh hưởng đến giới Hollywood.
“Đây là hậu quả do bị tẩy não về văn hóa,” ông nói, đồng thời nói thêm rằng “sự suy thoái về văn hóa của chúng ta một phần là do chúng ta đã không chống lại những điều này.”
Ông Guterman cho biết người ta cứ tưởng rằng những hành động tàn bạo ở Trung Quốc là sự kiện xảy ra ở nơi xa xôi không can hệ gì đến họ. Nhưng vấn đề là họ “không hiểu được rằng chúng ta là một thân thể,” ông nói. “Không còn những ngôi làng bị cô lập nữa.”
Ông chia sẻ rằng không có tình thương với người khác thì chính là đang tàn nhẫn với chính mình, và thiếu sự cảm thông hay thương xót là “một mối nguy hiểm sống còn” với nhân loại chúng ta.
Ông Guterman cho biết rằng điều khiến ông cảm động nhất là “sự cao thượng của những người là học viên Pháp Luân Công.”
Ông nhận thấy rằng lẽ ra họ có thể xoáy vào mặt tiêu cực, tỏ ra đầy giận dữ và oán thù, nhưng “thay vì thế, họ lại trở thành một một ngọn hải đăng tỏa ánh sáng khắp thế giới tối tăm này.”
Ông nói: “Tôi chỉ có thể nhìn nhóm người phi thường này bằng sự ngưỡng mộ vô bờ.” Vì vậy, khi biết được nhóm người này bị bức hại trên quy mô chưa từng có trong lịch sử, thì “việc tôi biểu lộ một chút sự ủng hộ là một đặc ân đối với tôi.”
‘Nếu quý vị không có căn tính, thì quý vị không có tự do’
Ông Moshe Feiglin, một cựu nghị sĩ của Knesset (Quốc hội Israel) nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ là một thế lực độc tài, chuyên chế, không chỉ phạm tội ác phản nhân loại tại chính Trung Quốc mà còn xuất cảng những tội ác này ra khắp thế giới.
Ông cảnh báo rằng mọi người đang tình cờ ký tên và chấp nhận Hiến Pháp của ĐCSTQ khi nhấn nút tải xuống các ứng dụng.
“Chúng tôi thấy được các quyền tự do của con người trên toàn thế giới băng hoại đến thế nào,” ông Feiglin nói. Cuộc chiến chống lại những hành vi tội ác đối với Pháp Luân Công hay người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc không chỉ là cuộc chiến chống lại việc vi phạm nhân quyền của một số nhóm người nhất định ở một nơi nhất định, mà còn là “một cuộc chiến giành lại quyền tự do trên toàn thế giới.”
Ông bày tỏ rằng là một người có đức tin nên ông “tin rằng Chúa là nguồn gốc của mọi căn tính trên toàn thế giới.”
“Những gì xảy ra trong chế độ cộng sản ở Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản luôn là hậu quả do một quan điểm vô thần, một quan điểm duy vật cho rằng trên đời này không có Chúa, đó là quan điểm phủ nhận đức tin,” ông nói. “Nhưng nếu không có Chúa, thì không có căn tính.”
“Sau đó, quý vị có thể là bất cứ điều gì mà người ta muốn. Quý vị có thể là một người nam, quý vị có thể là một người nữ, và quý vị có thể tái tạo lại bản sắc dân tộc của mình,” ông Feiglin nói. “Có nghĩa là, quý vị cho rằng bản thân không được sinh ra với căn tính mà Chúa đã tạo ra, quý vị muốn tạo mới căn tính của mình bất cứ khi nào tùy thích.”
Ông Feiglin lưu ý: “Khi quý vị không có căn tính, thì quý vị không có tự do.”
Ông kể lại rằng vào thời kỳ Quốc xã, khi người Do Thái bị tước đoạt tự do, thì thứ đầu tiên bị tước đoạt là căn tính của họ, và họ bị xăm các con số trên cánh tay — khi đó họ không còn là con người nữa mà chỉ là những con số.
Ông Feiglin nói, thế thì, quyền tự do của một người là kết quả tự nhiên từ căn tính của người đó. “Một người không có căn tính nếu trong tâm người đó không có Chúa.”
Ông nói, ĐCSTQ đang xuất cảng sự phủ nhận căn tính. Phong trào cấp tiến, hay hệ tư tưởng tiến bộ mà chúng ta trải nghiệm ngày nay là diện mạo hiện đại của Cách mạng Bolshevik. Và để “bôi trơn các bánh xe guồng máy cách mạng này,” họ liên tục cần những cuộc chiến mà “lúc nào người này cũng phải chiến đấu chống lại người kia.”
Ông Feiglin nói rằng cuộc cách mạng này cuối cùng dẫn đến việc xóa bỏ mọi căn tính và từ chối mọi quyền tự do để rồi cuối cùng đi đến diệt vong.
Ông cho biết cuộc đàn áp Pháp Luân Công này là một cuộc chiến nguy hiểm gấp bội lần những cuộc chiến mà chúng ta đã biết trước đây. Lần này, Cách mạng Bolshevik mới không rầm rộ khí thế sau những chiếc xe tăng, mà là một hộp quà dưới dạng một chiếc điện thoại mới, các công nghệ mới, và đủ loại cám dỗ.
“Mật ngọt thì chết ruồi. Chúng ta vẫn thoải mái làm ăn với Trung Quốc,” ông Feiglin nói. “Chính quyền Trung Quốc không nhả đạn vào chúng ta; họ bán cho chúng ta hàng tiêu dùng,” ông nói. “Đó là lý do tại sao chuyện này mất rất nhiều thời gian để giải quyết.”
‘Cần gia tăng áp lực’
Giáo sĩ Michael Melchior, cựu Bộ trưởng Bộ Xã hội và Cộng đồng Do Thái, đồng thời là cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nói với The Epoch Times rằng thật không may, nhiều quốc gia rất sợ bày tỏ quan điểm của mình với chính quyền Trung Quốc.
Ông cho biết chính quyền Trung Quốc “phản ứng rất dữ dội” trước bất kỳ biểu hiện chỉ trích nào về vấn đề nhân quyền, hơn nữa còn trừng phạt các quốc gia, cá nhân, và tổ chức đã chỉ trích họ bởi vì “họ không thích sự thật này được truyền ra ngoài.”
Tuy nhiên, Giáo sĩ Melchior, người đã tham gia các cuộc biểu tình trước đó và gửi một bức thư ủng hộ được đọc tại sự kiện năm nay, cho biết rằng “điều quan trọng là phải nói lên những chuyện này một cách rõ ràng, đơn giản và không mơ hồ.”
Ông nói, một trong những bài học rút ra từ nạn diệt chủng Holocaust là không được im lặng trước “những tội ác phản nhân loại thực sự nghiêm trọng.”
Giáo sĩ Melchior cho biết: “Chúng ta đang bàn về nạn sát nhân, và thu hoạch nội tạng” của ĐCSTQ, thế lực đang bức hại Pháp Luân Công, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ.
Ông nói: “Bằng chứng về những gì đang xảy ra với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là hết sức rõ ràng. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là chính quyền Trung Quốc phải biết rằng người dân Israel, “dù là cánh hữu hay cánh tả, tôn giáo hay thế tục”, tất cả đều ủng hộ cho hành động phản đối này.
Giáo sĩ Melchior nói nếu ở Israel và trên toàn thế giới không có những hành động phản đối này, thì cuộc đàn áp có thể còn “tồi tệ hơn rất nhiều.” Chính quyền Trung Quốc “có thể đã hành ác mà không bị chú ý.”
Ông nói rằng chúng ta không được ngừng phản đối hay nói cách khác là phải “làm mọi thứ có thể trong sức của mình,” đồng thời nhấn mạnh rằng “cần phải gia tăng áp lực.”
Giáo sĩ Melchior là một trong những người ký vào một bức thư hồi tháng 11/2022 kêu gọi khối liên minh mới được bầu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu xem xét lại mối bang giao giữa Israel và Trung Quốc trước những tội ác mà chính quyền Trung Quốc đã gây ra.
Không thể cứ mãi im lặng
Giáo sĩ Shlomo Aviner, người đứng đầu Viện Giáo dục Ateret Yerushalayim, đã viết trong lá thư ủng hộ sự kiện này: “Chúng ta không thể nào bình chân như vại khi thấy nhóm người này bị chính quyền ngược đãi khủng khiếp trong một thời gian dài ở Trung Quốc: nhiều cuộc đàn áp, tuyên truyền thâm hiểm nhắm vào họ, bỏ tù tùy tiện, các trại tập trung, nạn sát nhân, và nạn thu hoạch nội tạng.”
Ông viết: Họ đã gây ra tội lỗi gì và vi phạm luân thường đạo lý gì chứ? Họ đang tập thiền, luyện các bài công pháp gia trì năng lượng, thực hành triết lý đạo đức về chân, thiện, và nhẫn. Tất nhiên, điều này khiến phía ủng hộ duy vật và vô thần của Trung Quốc hết sức bất an.”
Giáo sĩ Aviner viết: “Bất kỳ người công bình nào trên thế giới cũng không thể dung thứ cho những điều khủng khiếp như vậy.”
Bên cạnh đó, ông đã viết rằng người dân Israel — những người đã phải chịu cảnh lưu đày, đã bị sát hại trong các trại hành quyết — không thể cứ mãi lặng im.
Nếu trên đời xuất hiện điều ác và ai ai cũng im lặng thì chẳng còn một tia hy vọng nào. Giáo sĩ Aviner cho biết nếu mọi người bày tỏ sự phản đối, thì điều đó rốt cuộc sẽ giúp ích. “Mọi người phải phản đối.”
“Trong thế giới của chúng ta ngày nay, một thế lực to lớn đang bức hại một cách có hệ thống một nhóm người mà tội lỗi duy nhất của họ là đức tin, và đặc biệt, đó là đức tin liên quan đến việc thực hành tâm linh để làm điều tốt cho bản thân và người khác, nhưng thế giới lại im lặng,” ông Michael Avraham, một giáo sĩ Do Thái tại Viện Jesselson về Nghiên cứu Kinh Torah Nâng cao thuộc Đại học Bar Ilan và là người có bằng tiến sĩ vật lý lý thuyết, viết trong một lá thư ủng hộ.
Ông viết rằng, điều quan trọng là phải hiểu rằng “lên án những hành động tàn ác này là một nghĩa vụ đạo đức, bất kể hậu quả là gì.” “Chúng ta phải phản đối hành vi man rợ và phản đối việc giam giữ, cũng như ngược đãi đến tử vong hàng ngàn người trên diện rộng.”
“Chúng ta không được mất hết hy vọng khi đối mặt với sự trơ tráo và thế lực của chính quyền Trung Quốc.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times