Người sáng lập Home Depot khuyên người Mỹ ‘tỉnh ngộ’ sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ
Người đồng sáng lập Home Depot, ông Bernie Marcus, kêu gọi người dân Mỹ “tỉnh ngộ” trước thực tế rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong “thời kỳ khó khăn,” sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).
Ông Marcus nói với hãng truyền thông Fox News hôm 11/03: “Tôi rất nóng lòng chờ Tổng thống Biden lại bắt đầu bài diễn văn và nói về nền kinh tế tuyệt vời như thế nào cũng như cách nền kinh tế đang tiến lên và trở nên mạnh mẽ hơn từng ngày. Và đây là một dấu hiệu cho thấy bất cứ điều gì mà ông ấy nói đều không đúng sự thật.”
Ông Marcus nói thêm: “Có lẽ người dân Mỹ cuối cùng sẽ tỉnh ngộ và hiểu được rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ rất khó khăn, rằng, trên thực tế thì một cuộc suy thoái có thể đã bắt đầu. Ai mà biết được? Nhưng tình hình có vẻ không tốt lắm.”
Silicon Valley Bank, ngân hàng lớn thứ 16 của Hoa Kỳ với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, đã sụp đổ hôm 10/03, sau khi những người gửi tiền đổ xô tới rút tiền vì những lo ngại về khả năng thanh toán của ngân hàng này. Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) hiện đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng.
Sự sụp đổ của ngân hàng California này là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ sau vụ sụp đổ ngân hàng Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hôm thứ Bảy (11/03), một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Biden đã nói chuyện với Thống đốc California Gavin Newsom về sự sụp đổ của ngân hàng này. Ông Newsom cũng đưa ra một tuyên bố cho biết ông đã liên lạc với “các cấp lãnh đạo cao nhất tại Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngân khố.”
‘Thức tỉnh’
Ông Marcus cho rằng sự thất bại của Silicon Valley Bank là do quyết định áp dụng các chính sách “thức tỉnh” của ngân hàng này.
“Tôi cảm thấy buồn cho tất cả những người đã mất hết tiền trong cái ngân hàng thức tỉnh này. Quý vị biết đấy, còn buồn hơn khi biết rằng các quan chức ngân hàng đã bán hết cổ phiếu của họ trước khi điều này xảy ra. Hành động đó làm tôi chán nản,” ông Marcus nói. “Ai biết liệu Bộ Tư pháp có truy lùng họ hay không? SVB là một công ty thức tỉnh, nên tôi đoán là không. Và họ có thể sẽ thoát tội.”
Theo một hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, ông Greg Becker, CEO của ngân hàng Silicon Valley Bank, đã bán 12,451 cổ phiếu của công ty mẹ SVB Financial Group của ngân hàng này hôm 27/02.
Hồi tháng 01/2022, SVB đã công bố rằng họ cam kết cung cấp ít nhất 5 tỷ USD cho các khoản vay, các khoản đầu tư, và các khoản tài trợ khác vào năm 2027, để trợ giúp các công ty “đang nỗ lực khử carbon trong các ngành năng lượng và cơ sở hạ tầng, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững có phát thải ròng bằng không (net zero).”
Ông Marcus đổ lỗi cho chính phủ Tổng thống Biden vì đã đẩy các ngân hàng và các công ty vào tình trạng “quan tâm đến sự nóng lên toàn cầu nhiều hơn” là lợi tức của cổ đông.
“Những ngân hàng này đang hoạt động tồi tệ bởi vì mọi người đều tập trung vào sự đa dạng và tất cả các vấn đề thức tỉnh mà không tập trung vào một điều mà họ nên chuyên tâm vào, đó là lợi tức của cổ đông,” ông nói. “Thay vì bảo vệ các cổ đông và nhân viên của họ, thì họ lại quan tâm nhiều hơn đến các chính sách xã hội. Và tôi nghĩ có thể ngân hàng này là một ngân hàng được quản lý kém.”
“Ngân hàng này đã kinh doanh nhiều năm rồi. Thật thảm hại khi có quá nhiều người bị mất tiền mà không lấy lại được.”
Những phản hồi
Một số nhà lập pháp ở tiểu bang California đã chia sẻ những mối lo ngại của họ về sự phá sản của ngân hàng này trên Twitter.
Thượng nghị sĩ Alex Padilla (Dân Chủ-California) đã viết rằng, “nếu các cơ quan quản lý không nhanh chóng hành động, thì sự sụp đổ của Silicon Valley Bank sẽ lan rộng tới các doanh nghiệp nhỏ, các công ty khởi nghiệp, và các tổ chức bất vụ lợi đang cố gắng trả lương, cũng như tới nền kinh tế rộng lớn hơn của chúng ta.”
Ông Padilla nói thêm rằng ông đã liên lạc với các quan chức từ chính phủ và Bộ Ngân khố để bảo đảm giải quyết nhanh chóng.
“Vô cùng lo lắng trước sự sụp đổ của SVB và sự bất ổn mà vụ phá sản này gây ra. Tôi đang nghe thấy những phản hồi từ những người lao động trong địa hạt của tôi đang lo lắng về việc khi nào họ sẽ được trả lương và liệu họ có bị sa thải không,” Dân biểu Josh Harder (Dân Chủ-California) đã viết. “Các cơ quan quản lý phải đưa ra thông tin minh bạch khẩn cấp cho những người gửi tiền để ngăn chặn hoảng loạn. Hành động mạnh mẽ là cần thiết để bảo vệ các chủ tài khoản.”
Những ứng cử viên tổng thống đầy hy vọng của Đảng Cộng Hòa — bà Nikki Haley và ông Vivek Ramaswamy — cả hai đều nói trên Twitter rằng một gói cứu trợ không phải là giải pháp.
“Những người nộp thuế tuyệt đối không nên bảo lãnh cho Silicon Valley Bank,” bà Haley viết. “Các nhà đầu tư tư nhân có thể mua lại ngân hàng này và các tài sản của họ. Người nộp thuế Mỹ không có trách nhiệm phải can thiệp.”
Cựu thống đốc tiểu bang South Carolina nói thêm rằng, “Kỷ nguyên của chính phủ toàn trị và các gói cứu trợ doanh nghiệp phải chấm dứt.”
Ông Ramaswamy viết: “Câu trả lời đúng không phải là một gói cứu trợ. Câu trả lời đúng nên là để chính phủ đứng sang một bên và để một ngân hàng khác mua lại SVB nếu đó là điều mà họ thực sự muốn làm.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times