Morgan Stanley cảnh báo các nhà đầu tư bán khi cổ phiếu có thể phục hồi sau can thiệp của chính phủ vào vụ sụp đổ của SVB
Giám đốc đầu tư hàng đầu của Morgan Stanley đang khuyên các nhà đầu tư bán bất kỳ cổ phiếu nào phục hồi giá, vốn có thể xảy ra sau khi có các biện pháp trợ giúp từ phía cơ quan quản lý sau vụ sụp đổ Silicon Valley Bank (SVB) hồi tuần trước.
Ông Mike Wilson, giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu Hoa Kỳ kiêm Giám đốc đầu tư (CIO) của Morgan Stanley, đã viết trong một ghi chú được Bloomberg News đưa tin hôm thứ Hai (13/03): “Chúng tôi đề nghị bán ra vào bất kỳ dịp phục hồi nào do sự can thiệp của chính phủ để dập tắt cuộc khủng hoảng thanh khoản tức thì tại SVB và các tổ chức khác cho đến khi chúng ta tạo thành những mức thấp mới trên thị trường giá xuống, ở một mức tối thiểu.”
Ông Wilson được xem là một trong những chiến lược gia đầu tư bi quan nhất ở Wall Street, và đã dự đoán thành công một đợt bán tháo cổ phiếu hồi năm ngoái (2022) cũng như sự hồi phục của thị trường hồi tháng Mười (2022).
Quan chức đầu tư này của Morgan Stanley tin rằng sự sụp đổ của SVB và quyết định sau đó của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) về việc đóng cửa Signature Bank ở New York là dấu hiệu cho thấy tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất.
Việc tăng lãi suất là nhằm chống lại các tác động của lạm phát bằng cách làm cho việc vay tiền trở nên tốn kém hơn với hy vọng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, yếu tố mà sau đó sẽ dẫn đến giảm giá.
Với chi phí vay tiền đắt đỏ hơn, các khách hàng của ngân hàng thường sẽ rút tiền nhiều hơn từ các khoản tiền gửi của họ. Khi cơ sở khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền từ các tài khoản tiền gửi của họ, thì SVB đã phải bán bớt các tài sản đầu tư để theo kịp những khoản thanh toán trả lại cho người gửi tiền. Trong lúc ngân hàng này đang gặp khó khăn với việc theo kịp những người gửi tiền, thì thậm chí lại càng có nhiều người gửi tiền hơn trở nên lo ngại và bắt đầu rút tiền của họ khỏi ngân hàng này, tạo ra một đợt rút tiền ồ ạt khỏi SVB dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng này.
Ông Wilson cho biết ông không tin rằng các vấn đề với SVB và Signature Bank là dấu hiệu cho thấy một sự sụp đổ mang tính hệ thống rộng lớn hơn nhiều trong các ngân hàng, như trong trường hợp suy thoái tài chính năm 2008, nhưng ông Wilson nghĩ rằng sự sụp đổ của SVB và Signature Bank có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Theo thông tin từ Bloomberg, ông Wilson đã viết cho các nhà đầu tư khác rằng, “Thay vì một phản ứng sửng sốt ngẫu nhiên hoặc khác biệt, thì chúng tôi xem các sự kiện tuần trước chỉ là một yếu tố hỗ trợ hơn nữa cho dự báo triển vọng tăng trưởng thu nhập âm của chúng tôi.”
Theo CNBC, ông Wilson cũng đã nhắc lại niềm tin của mình rằng sự phục hồi của chứng khoán trong tháng Mười (2022) có thể là một “bẫy tăng giá” thu hút các nhà đầu tư giá từng lạc quan rằng các thị trường sẽ cải thiện sau đợt bán tháo cổ phiếu năm ngoái (2022). Thay vì thế, ông Wilson tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm và một mức thấp vẫn còn đang ở phía trước trong thị trường hiện tại.
Ông Wilson viết: “Tóm lại, chính sách của Fed đang bắt đầu gây hậu quả, và hậu quả này khó có thể đảo ngược trở lại ngay cả khi Fed tạm dừng tăng lãi suất hoặc thắt chặt định lượng — nói cách khác, con xúc xắc đã gieo xong cho những thất vọng về thu nhập tồi tệ hơn nữa liên quan đến sự đồng thuận và các kỳ vọng của doanh nghiệp.”
Tổng thống Biden nói các nhà đầu tư ‘an toàn’
Tổng thống Joe Biden đã có một bài nói chuyện hôm Chủ Nhật (12/03), bảo đảm với các nhà đầu tư rằng hệ thống tài chính của Hoa Kỳ là “an toàn”, bất chấp sự sụp đổ của SVB và việc đóng cửa Signature Bank hồi tuần trước.
Tổng thống Biden nói, “Người dân Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng các khoản tiền gửi ngân hàng của họ sẽ ở đó khi họ cần.”
Tổng thống đã bảo đảm rằng những người gửi tiền tại SVB và Signature Bank đang được hoàn trả lại thông qua FDIC.
Ông Biden nói: “Những người nộp thuế sẽ không phải gánh chịu bất kỳ tổn thất nào. Thay vào đó, tiền sẽ đến từ các khoản phí mà các ngân hàng đóng cho Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi.”
Tiền rút ra từ Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi, do FDIC quản lý, sẽ được bổ sung lại thông qua một bảo hiểm đặc biệt được áp lên các ngân hàng. Các khoản phí bảo hiểm này đóng vai trò như một loại phí bảo hiểm đặc biệt đối với các ngân hàng sau những sự sụp đổ gần đây, cho phép FDIC ứng phó với những trường hợp sụp đổ ngân hàng trong tương lai.
Tuần trước (06-12/03), First Republic Bank và Western Alliance Bancorporation đều tìm cách trấn an các khách hàng của họ sau tình trạng hỗn loạn do SVB và Signature Bank gây ra. Trong một hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) hôm thứ Sáu (10/03), First Republic Bank cho biết họ tiếp tục giữ các vị thế mạnh đối với các tài sản thanh khoản mặc dù giá cổ phiếu giảm.