Cổ đông Silicon Valley Bank kiện tập thể, cáo buộc các giám đốc điều hành gian lận
Các cổ đông của ngân hàng bị sụp đổ Silicon Valley Bank (SVB) đã đệ đơn kiện tập thể chống lại ngân hàng, cùng giám đốc điều hành (CEO) Greg Becker và giám đốc tài chính (CFO) Daniel Beck của ngân hàng này, cáo buộc họ vi phạm luật chứng khoán vì che giấu rủi ro của ngân hàng để dẫn đến một cuộc rút tiền hàng loạt.
Trong một đơn kiện (pdf) đệ trình lên tòa án liên bang ở San Jose, California hôm thứ Hai (13/03), các cổ đông khiếu nại rằng SVB và các giám đốc điều hành của SVB đã không tiết lộ rằng lãi suất tăng sẽ làm suy yếu mô hình kinh doanh của ngân hàng này và khiến SVB rơi vào tình thế tệ hại hơn so với các ngân hàng khác có cơ sở khách hàng đa dạng.
Sự sụp đổ nhanh như chớp của SVB xảy ra sau khi ngân hàng này bị lỗ 1.8 tỷ USD do buộc phải thanh lý khối lượng trái phiếu trị giá 21 tỷ USD hồi tuần trước (06-12/03) và sau đó thông báo rằng họ đang tìm cách huy động vốn 2.25 tỷ USD để lấp đầy lỗ hổng.
Bất ngờ trước tình huống này, những người gửi tiền đã đua nhau đổ xô đi rút tiền của mình trong một cuộc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng kiểu kinh điển, khiến cổ phiếu SVB — và cổ phiếu của các ngân hàng khác — lao dốc.
Sự kiện này khiến các cơ quan tài chính Hoa Kỳ tiến hành tiếp quản SVB và trên cơ sở “ngoại lệ do có rủi ro hệ thống”, miễn bỏ giới hạn bảo hiểm tiền gửi 250,000 USD thông thường và tạo điều kiện để hoàn trả đầy đủ cho tất cả những người gửi tiền của SVB nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng và ngăn chặn sự lây lan ra toàn hệ thống.
Sự sụp đổ của SVB đánh dấu vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ.
‘Đặc biệt có nguy cơ bị rút tiền hàng loạt’
Các cổ đông cáo buộc trong đơn khiếu nại rằng SVB và các giám đốc điều hành hàng đầu của ngân hàng này đã không cảnh báo cho các nhà đầu tư rằng, trong môi trường lãi suất tăng cao, tổ chức này “đặc biệt có nguy cơ bị rút tiền hàng loạt.”
Đơn kiện cho biết ngân hàng nên cảnh báo các nhà đầu tư rằng “SVB sẽ tệ hơn so với các ngân hàng không phục vụ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và các công ty được vốn đầu mạo hiểm tài trợ” trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát tăng vọt.
Cả ông Becker và ông Beck cũng bị cáo buộc có ý định “lừa dối” các nhà đầu tư hoặc đã hành động “bất cẩn xem thường thực tế” khi họ không xác định và tiết lộ “các dữ kiện thật” trong các tuyên bố với các nhà đầu tư. Vụ kiện tuyên bố rằng các tuyên bố công khai của các bị cáo là sai sự thật và/hoặc gây hiểu lầm, vi phạm Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934.
Vụ kiện do hãng luật The Rosen Law Firm đứng đầu, tìm kiếm những khoản bồi thường không xác định.
SVB đã không phúc đáp ngay câu hỏi từ The Epoch Times, trong khi luật sư của ông Becker và ông Beck chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.
Signature Bank cũng bị kiện
Hãng luật The Rosen Law Firm cũng đã đệ trình một vụ kiện tập thể chống lại ngân hàng đã sụp đổ Signature Bank và các giám đốc điều hành hàng đầu của ngân hàng này, cáo buộc họ vi phạm luật chứng khoán liên bang do trình bày sai về “những sự thật bất lợi” liên quan đến sức khỏe hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Các cơ quan quản lý tiểu bang đã đóng cửa Signature Bank có trụ sở tại New York hôm 12/03, đánh dấu vụ phá sản ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ.
The Epoch Times đã liên hệ với Signature để yêu cầu bình luận về vụ kiện này.
Vụ sụp đổ kép của SVB và Signature Bank đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu, với các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ mất khoảng 90 tỷ USD giá trị thị trường hôm thứ Hai (13/03).
Đợt bán tháo mạnh vào sáng thứ Hai đã kích hoạt các các ngưỡng hạn chế tạm dừng giao dịch tự động tại hơn một chục ngân hàng Hoa Kỳ, với một số tổ chức tài chính kết thúc ngày khi chìm trong sắc đỏ. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngân hàng khu vực, với cổ phiếu của First Republic giảm gần 62% và cổ phiếu của Western Alliance giảm gần 47% vào cuối ngày.
Trong ba phiên giao dịch vừa qua, các ngân hàng Hoa Kỳ đã mất gần 190 tỷ USD giá trị thị trường. Các cổ phiếu ngân hàng toàn cầu cũng đã chịu ảnh hưởng trong bối cảnh lo ngại về hiệu ứng lây lan.
‘Tiền gửi của quý vị sẽ ở đó khi quý vị cần’
Những đợt sóng xung kích từ vụ sụp đổ kép này tiếp tục giáng xuống cổ phiếu ngân hàng toàn cầu hôm thứ Ba (14/03) khi những lời bảo đảm từ Tổng thống Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách khác chẳng thể khiến thị trường an tâm hơn là bao.
Ông Biden hôm thứ Hai (13/03) đã tìm cách trấn an các thị trường và những người gửi tiền rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ là “an toàn” sau khi các cơ quan tài chính Hoa Kỳ, kể cả Cục Dự trữ Liên bang, công bố các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các ngân hàng bằng cách cho phép họ tiếp cận nguồn vốn bổ sung và mở rộng phạm vi bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền tại SVB và Signature Bank.
Ông Biden cho biết các hành động này có nghĩa là “người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng là an toàn,” đồng thời hứa hẹn sẽ có những quy định chặt chẽ hơn.
“Tiền gửi của quý vị sẽ ở đó khi quý vị cần,” ông Biden nhấn mạnh.
Bất chấp các biện pháp khẩn cấp, tâm trạng lo lắng vẫn còn rất cao về rủi ro hệ thống có thể xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng. Đã có những bản tin về người gửi tiền, những người lo lắng về việc tiếp cận tiền tiết kiệm của họ và tiến hành xếp hàng bên ngoài các chi nhánh ngân hàng khu vực.
Ông Damien Boey, chiến lược gia trưởng tại ngân hàng đầu tư Barrenjoey có trụ sở tại Sydney, nói với Reuters: “Những đợt rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng đã bắt đầu [và] thị trường liên ngân hàng đã trở nên căng thẳng.”
“Có thể nói, các biện pháp thanh khoản lẽ ra phải ngăn chặn những động lực này nhưng người dân bình thường đã dõi theo tin tức rồi xếp hàng — chứ không dõi theo hệ thống tài chính.”
Trong khi đó, khách hàng của SVB đã được cung cấp toàn quyền truy cập vào tất cả các khoản tiền gửi của họ vào thứ Hai (13/03).
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), cơ quan được chỉ định tiếp nhận SVB, đã cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho tất cả những người gửi tiền của ngân hàng để họ không bị mất tiền.
FDIC cũng đã thành lập một ngân hàng trung gian gọi là ngân hàng bắc cầu — tên là Silicon Valley Bridge Bank, N.A. — nơi tài sản của SVB đã được chuyển đến.
Người gửi tiền và người đi vay nghiễm nhiên trở thành khách hàng của Silicon Valley Bridge Bank, trong khi ông Tim Mayapoulos được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của ngân hàng này.
Ông Mayapoulos, cựu CEO của công ty tài chính thế chấp liên bang Fannie Mae, cho biết trong một bức thư gửi khách hàng rằng ngân hàng vẫn mở cửa và tiến hành kinh doanh như bình thường.
Ông Mayopoulos cho biết: “Tôi nhận ra rằng vài ngày qua là khoảng thời gian rất khó khăn đối với các khách hàng và nhân viên của chúng tôi, và chúng tôi rất biết ơn sự ủng hộ của cộng đồng tuyệt vời mà chúng tôi phục vụ.”
Thiết lập một ngân hàng cầu nối cũng là một cách để giúp cải thiện khả năng thu hồi cho các chủ nợ, những người sẽ mất tiền do sự sụp đổ ngân hàng này.
FDIC cho biết, “Người nộp thuế sẽ không phải gánh chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến việc thanh lý Silicon Valley Bank. Các cổ đông và một số chủ nợ không có bảo hiểm sẽ không được bảo vệ. Ban quản trị cao cấp cũng đã bị loại bỏ.”
Bảo hiểm toàn diện?
Đã có một số lời kêu gọi FDIC về việc từ bỏ mức trần bảo hiểm tiền gửi 250,000 USD không chỉ cho SVB và Signature Bank mà còn cung cấp bảo hiểm chung cho tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng trên khắp Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại rằng các ngân hàng khu vực phải đối mặt với rủi ro hệ thống.
Thông thường, FDIC chi trả cho các khoản tiền gửi tại các tổ chức tài chính được bảo hiểm như ngân hàng và hiệp hội tín dụng lên tới 250,000 USD cho mỗi tài khoản, với số tiền vượt quá giới hạn đó được xem như là không được bảo hiểm và thuộc diện phải tự chịu tổn thất trong trường hợp không được thanh toán.
Nhưng theo “miễn trừ vì rủi ro mang tính hệ thống” đặc biệt được cấp cho SVB và Ngân hàng Signature Bank, FDIC sẽ bao trả tất cả các khoản tiền gửi tại hai tổ chức này, một hành động được xem là “bảo hiểm toàn diện.”
Hành động này gợi nhớ đến quyết định của FDIC trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhằm mở rộng sự bảo vệ của tổ chức này sang việc bảo hiểm tiền gửi không giới hạn cho các tài khoản chi phiếu doanh nghiệp.
Trong khi các biện pháp rốt ráo như bảo hiểm toàn diện có thể xoa dịu được thị trường bằng cách hứa hẹn rằng người gửi tiền sẽ không bị mất bất kỳ khoản tiền nào — kể cả những phần tiền gửi thông thường không mua bảo hiểm — những hành động như vậy đang gây nhiều tranh cãi.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC, trị giá khoảng 128 tỷ USD, là không đủ để chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi tại các ngân hàng Hoa Kỳ, vốn lên tới hàng ngàn tỷ USD.
Mặc dù FDIC có quyền áp đặt các khoản phí bổ sung — về căn bản là phí bảo hiểm — đối với các ngân hàng lành mạnh để bù đắp một phần thiếu hụt vốn nếu họ hết tiền để chi trả cho các khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng đổ vỡ, nhưng việc thực hiện quyền này sẽ gây căng thẳng cho ngành ngân hàng chính vào thời điểm khi ngành này ít có thể chịu được thêm gánh nặng nhất.
Trong những trường hợp như vậy, có các chương trình tài trợ khẩn cấp từ Bộ Ngân khố mà FDIC có thể sử dụng để thu hẹp khoảng cách này. Nhưng viện đến các chương trình như vậy sẽ khiến tiền nộp thuế của người dân gặp rủi ro, ít nhất là cho đến khi FDIC được hoàn trả lại bất kỳ khoản vay khẩn cấp tạm thời nào thông qua việc chính phủ tính phí bảo hiểm bổ sung đối với các ngân hàng.
‘Điều gì đó rộng lớn hơn đang diễn ra’?
Cựu Chủ tịch FDIC Sheila Bair nói với Fox News hôm thứ Hai (13/03) rằng tuyên bố về “các ngoại lệ do có rủi ro hệ thống”, theo đó cơ quan này đang cung cấp bảo hiểm toàn diện cho SVB và Signature Bank, là có vấn đề vì họ cho rằng có “điều gì đó rộng lớn hơn” đang diễn ra ở hậu trường.
Bà Bair nói với hãng thông tấn này, “Đặc biệt là Silicon Valley Bank, đó là một tình huống bất thường. Họ có cơ sở tiền gửi bất thường, tăng trưởng nhanh, quản lý rủi ro [lãi suất] tồi tệ — đúng là có rất nhiều điều đặc trưng về ngân hàng đó đã dẫn đến sự sụp đổ của họ.”
Bà Bair tiếp tục, “Nhưng với những trường hợp ngoại lệ do có rủi ro hệ thống này, và việc lồng ghép định nghĩa đó cho Signature Bank, thì biện pháp này cho thấy rằng có điều gì đó rộng lớn hơn đang diễn ra, và tôi không biết liệu tình huống có thật là như vậy hay không, nhưng thị trường rõ ràng nghĩ rằng có và, đáng lo ngại hơn, là những người gửi tiền không được bảo hiểm nghĩ là có.”
Trong khi bà Bair cho biết bà không nhận thấy có nguy cơ xảy ra các vụ rút tiền hàng loạt trên diện rộng đối với các khoản tiền gửi không được bảo hiểm ở Hoa Kỳ, thì các nhà quản lý có thể nhận thấy rủi ro đó đang nổi lên.
Nếu có dấu hiệu rủi ro mang tính hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng của Hoa Kỳ, bà Bair cho biết có khả năng các cơ quan quản lý sẽ làm “điều gì đó thực sự mang tính hệ thống, chứ không chỉ là những hành động một lần này đối với một vài ngân hàng vì điều đó chỉ gây áp lực lên các ngân hàng khác không được chỉ định là có rủi ro mang tính hệ thống.”
Bà Bair kêu gọi “giao tiếp tốt hơn và rõ ràng hơn” từ các cơ quan tài chính Hoa Kỳ về lý do tại sao SVB và Signature Bank được chỉ định là có rủi ro mang tính hệ thống, đồng thời nói thêm rằng “nếu có vấn đề rộng hơn, tại sao quý vị không thực hiện các bước rộng hơn?”
Vài ngày trước khi SVB sụp đổ, Chủ tịch đương nhiệm của FDIC, ông Martin Gruenberg, nói rằng lãi suất tăng đã có “những tác động đáng kể đến khả năng sinh lời và hồ sơ rủi ro của các chiến lược đầu tư và tài trợ của các ngân hàng,” trong khi cảnh báo rằng các ngân hàng Hoa Kỳ sẽ có những khoản lỗ chưa thực nhận ngay chỉ trong chứng khoán dài hạn đã là khoảng 620 tỷ USD.
Ông Gruenberg nói, “Tin tốt về vấn đề này là các ngân hàng nhìn chung đang ở trong tình trạng tài chính vững mạnh và không bị buộc phải bù lỗ bằng cách bán chứng khoán giảm giá. Tuy nhiên, các khoản lỗ chưa thực nhận làm suy yếu khả năng đáp ứng nhu cầu thanh khoản bất ngờ trong tương lai của ngân hàng.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times