Chính phủ can thiệp bằng kế hoạch bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi tại Silicon Valley Bank
Các nhà quản lý ngân hàng thông báo, bắt đầu từ thứ Hai (13/03), những người gửi tiền sẽ có thể truy cập vào toàn bộ số tiền của mình
Hôm Chủ Nhật (12/03), các nhà quản lý ngân hàng đã công bố một biện pháp khẩn cấp để bảo vệ toàn bộ các khoản tiền gửi tại ngân hàng Silicon Valley Bank, một chuyển biến quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng hoảng loạn trước sự sụp đổ của ngân hàng này.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang, và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã tiết lộ kế hoạch này trong một tuyên bố chung.
Tuyên bố này viết: “Hôm nay chúng tôi đang thực hiện các hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng của chúng ta.”
Sau khi tham khảo ý kiến của tổng thống và các cơ quan quản lý, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã phê chuẩn kế hoạch “bảo vệ hoàn toàn tất cả những người gửi tiền” kể trên.
Hiện tại, số tiền bảo vệ tối đa do FDIC cung cấp cho những người gửi tiền là 250,000 USD. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới này, tất cả các khoản tiền gửi, gồm cả tiền gửi được bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm, đều sẽ được bảo vệ.
“Bắt đầu từ thứ Hai, ngày 13/03, những người gửi tiền sẽ có quyền truy cập vào toàn bộ số tiền của họ. Người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến việc thanh lý ngân hàng Silicon Valley Bank.”
“Các cổ đông và một số chủ nợ không có bảo hiểm sẽ không được bảo vệ. Ban quản trị cao cấp cũng đã bị loại trừ. Bất kỳ tổn thất nào đối với Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi để trợ giúp những người gửi tiền không có bảo hiểm sẽ được giải quyết thông qua một một nguồn tiền đặc biệt của ngân hàng, theo yêu cầu của pháp luật.”
Các cơ quan quản lý cũng đã công bố một biện pháp tương tự đối với Signature Bank có trụ sở tại New York. Hôm Chủ Nhật (12/03), văn phòng kiểm soát tiền tệ của tiểu bang đã cho đóng cửa ngân hàng này.
Tuyên bố chung cho biết, “Tất cả những người gửi tiền của tổ chức này sẽ được thanh toán toàn bộ.”
Ngoài ra, hôm Chủ Nhật (12/03), Fed đã công bố rằng họ sẽ cấp thêm vốn cho các tổ chức lưu ký đủ điều kiện để giúp bảo đảm các ngân hàng có thể đáp ứng các yêu cầu của tất cả những người gửi tiền của họ.
Tuyên bố này của Fed cho biết, “Cục Dự trữ Liên bang đang sẵn sàng để giải quyết bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể phát sinh.”
Là một phần trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng, ngân hàng trung ương này đã công bố thành lập một Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng (BTFP) mới nhằm bảo vệ các khoản tiền gửi tại các định chế bị sụp đổ.
Ngân hàng trung ương này tuyên bố rằng Bộ Ngân khố sẽ “cung cấp lên tới 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Trao đổi như một kế hoạch dự phòng cho BTFP.”
Sự sụp đổ của SVB
Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã tạo ra sự hoang mang giữa các nhà đầu tư công nghệ và các công ty khởi nghiệp, vốn là các bên có liên quan nhiều đến ngân hàng này. Được thành lập vào năm 1983, ngân hàng có trụ sở tại Santa Clara, tiểu bang California này là một nhà cho vay hàng đầu ở Thung lũng Silicon.
Theo Cục Dự trữ Liên bang, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ, với tài sản trị giá 209 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022. Lượng tài sản này chỉ đứng sau ngân hàng Washington Mutual, vốn có tổng tài sản 307 tỷ USD khi sụp đổ vào năm 2008.
Theo các nhà phân tích trong ngành, nguyên nhân chính khiến ngân hàng này sụp đổ là do họ đã đầu tư quá nhiều các khoản tiền gửi của khách hàng vào công khố phiếu, loại trái phiếu vốn rất nhạy cảm với lãi suất.
Kể từ khi SVB sụp đổ, đã có những lo ngại về sự lây lan trên diện rộng, với việc một số chủ ngân hàng, nhà đầu tư, và tổng giám đốc công nghệ cảnh báo rằng điều này có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng lớn và nhỏ, đặc biệt là đối với các định chế không có nguồn vốn dồi dào.
Hôm thứ Bảy (11/03), hơn 3,000 tổng giám đốc và nhà đầu tư mạo hiểm đại diện cho khoảng 220,000 nhân viên đã ký một bản kiến nghị kêu gọi bà Yellen và các quan chức khác trợ giúp những người gửi tiền của SVB. Họ cảnh báo rằng hơn 100,000 việc làm có thể bị mất nếu không thực hiện bất cứ hành động nào.
Tuy nhiên, những người chỉ trích lập luận rằng không nên sử dụng tiền của người nộp thuế để trợ giúp cho việc giải cứu SVB. Trong số những người chỉ trích này có ông Vivek Ramaswamy, một doanh nhân triệu phú kiêm tác giả, là người vừa mới gia nhập cuộc chạy đua tranh cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa.
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips và Andrew Moran
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times